Thursday, March 15, 2018

YÊU NGƯỜI TRONG TRANH


Nàng thơ, người trong tranh

Ðoàn Thị Ðiểm : Bích Câu Kỳ Ngộ


Yêu người trong tranh trong sách không phải là chuyện lạ, học sinh Việt Nam bậc trung học đã được biết về tích truyện lãng mạn đa tình Bích Câu Kỳ Ngộ, qua bản quốc ngữ của Thi Nham Ðinh Gia Thuyết, dịch và chú giải từ nguyên tác chữ Hán của Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) trong Truyền Kỳ Tân Phả.




Nguyên bản của nữ sĩ họ Ðoàn có 6 truyện, “cuộc gặp mặt lạ lùng ở suối biếc” (Bích Câu Kỳ Ngộ) là một trong 6 truyện ấy. Bích Câu có thật, thuộc làng Yên Trạch huyện Thọ Xương ở Thăng Long, nơi hiện nay vẫn còn ngôi đền ở gần Văn Miếu Hà Nội. Trong truyện ca dài 648 câu, kể ngọn ngành thi sĩ Tú Uyên thời Lê – Nhà Tiền Lê (1428-1527), nhà Hậu Lê (1533-1788), khoảng 6 năm giữa 1527-1532 không kể vì bị nhà Mạc xen vào.- một hôm đi thăm Chùa Bà ở phố Sinh Từ, nhác thấy một thiếu nữ đẹp tuyệt trần đi ngang qua phía trước cổng tam quan, chàng chạy theo, lẽo đẽo phía sau ướm hỏi này kia mãi cho tới gần Cửa Nam.


Thấy người trước cổng tam quan
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ
Lạ lùng con mắt người thơ
Hoa còn phong nhụy trăng vừa tròn gương…

Gần xem vẻ mặt thêm tươi
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều
Làn thu lóng lánh đưa theo
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình…

Người còn cợt gió đợi mây
Gót tiên khách đã trở giầy làm thinh
Ngóng theo đến Quảng văn đình [Cửa Nam]
Bóng trăng trông đã trên cành lướt qua…
(Bích Câu Kỳ Ngộ, bản dịch Ðinh Gia Trinh)

Nàng biến mất, trông lên chỉ còn thấy bóng dáng thấp thoáng trên cành cây. Thế là về nhà ốm tương tư, có phần sắp chết. Bạn chàng tội nghiệp, mách hay là tới đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm (nay vẫn còn) xin một quẻ bói xem sao. Thần ngựa trắng nơi đây rất thiêng. Quẻ nói: sáng mai ra đợi ở cây cầu gỗ ở phố Hàng Ðường thế nào cũng gặp. Gặp thật, nhưng không phải gặp người, mà chỉ gặp một kẻ bán tranh tố nữ, diện mạo người trong tranh nhìn đúng là tiên nữ đã gặp mấy ngày trước. Tú Uyên mang tranh về treo lên tường, ra cũng nhìn, vào cũng ngắm, ngày hai bữa khi ăn thì để thêm bát đũa mời người trong tranh ra ăn với mình. Nói mời là nhẹ, thực ra là cầu khẩn:


Nỗi nàng canh cánh nào quên
Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là…
Có khi gẩy khúc đàn tranh
Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân…

Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt chuông kình nện sương…
Có khi chuốc chén rượu đào
Tiệc mời chưa cạn ngọc giao đã đầy…
(Bích Câu Kỳ Ngộ, bản dịch Ðinh Gia Trinh)

Và nàng đã hiện ra. Ðó là những nét chính của Bích Câu Kỳ Ngộ, nàng thơ của thi sĩ Tú Uyên. Năm 1957 nhà văn Vũ Khắc Khoan đã do cuốn cổ văn này mà viết thành truyện ngắn nổi tiếng Người Ðẹp Trong Tranh. Theo thời gian, một số thi sĩ lớp sau cũng yêu người trong tranh, yêu người trong sách lắm. Thi sĩ uống rượu ngon, ăn bánh thật, nhưng yêu người vẽ, cách này cách khác. Nàng thơ của họ do thiên hạ vẽ ra.

Cùng Người Trong Sách Tương Hội : Bích Khê


Tên thật Lê Quang Lương (24.3.1916 – 17.1.1946) người Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, học trung học ở Huế, Hà Nội, bỏ dở dang, về sống và dậy học một thời gian ở Phan Thiết. Có thơ đăng các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết thứ năm. Tập thơ đầu tay xuất bản năm 23 tuổi: Tinh Huyết (1939). Yểu mệnh vì bệnh lao.



Nguồn cảm hứng của Bích Khê là nỗi đam mê sống trong khắc khoải vội vàng; xúc cảm được thể hiện bằng những danh từ, trạng từ, và động từ như “vú non non” (Mộng Cầm Ca), “ấp bóng nường” (Tân Hôn), “Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!” (Tranh Lõa Thể), “Cắn, Nàng! Hở nàng! Hãy cắn vào hồn ta.” (Bàn Chân)…


Trong sách có người ngọc
Khép cửa mặc hoa xuân
Ðốt lò vàng. Mở quyển
Tương hội với tân nhân.


Ngu Cơ theo Bao Tự!
Phi Yến lẫn Ngọc Chân!
Người đẹp ở trong quyển
Niên hoa mãi có phần.

Ngoài trời là mộng cả;
Hương lại thêm vài phân.
Người như trang Ðạo Uẩn
Ta như khách Tô Tần!

Tương kỳ cùng tương ứng,
Tương cảm lại tương thân.
Cùng nhau ta hoan lạc,
Hư thực chẳng phân vân.

Màu Thời Gian : Ðoàn Phú Tứ


Nhà thơ Ðoàn Phú Tứ (10.9.1910 – 20.9.1989) không có tranh Tần phi, song yêu nhân vật Tần phi qua lịch sử tiểu thuyết. Quê Tiên Du, Bắc Ninh, đang học Triết và Luật ở Ðại học Hà Nội thì bỏ dở đi làm kịch, làm báo; chủ nhiệm báo Tinh Hoa (1937), thành viên Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (cùng với Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh,) trong đó bài Màu Thời Gian là một bài thơ tinh khôi, tân kỳ, quí phái. Người nữ là cung phi đã già, được vua gọi, không muốn vua thấy mặt mình nữa, nên cắt tóc gửi cho vua với lời tạ từ, đành “nép mày hoa thiếp phụ chàng.”



Cùng với Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, cái đẹp mà nhóm này ca ngợi đều rất cao kỳ sang cả (đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà / áng tóc não nùng…)

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình



Ngàn xưa không lạnh nữa – Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian



Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh



Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng



Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thủa còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
(Ngày Nay, Hà Nội, 1940)

Ðợi Mãi, Giọt Sương, Mai Thôn : Viên Linh

Trong thi phẩm xuất bản cách đây 32 năm, người viết bài này có ba đoạn thơ về hồ ly tinh trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, cũng xin kể ra cho phải phép.


Ðợi mãi nàng không thấy hiện lên
Ở đâu về gấp hỡi hồ tiên
Muông nương thảo dã cầm tinh nữ
Cửa ngõ trăng mờ mộng thiếu em.

Nhà học đêm mưa mộng thấy nàng
Thân ngà lồng lộng mở từng trang
Cái yêu ẩn mật trong lòng ấm
Một giọt sương chìm giữa chấm son.

Người đến Mai thôn trọ một đêm
Ðược cùng Mai nữ ngủ chung mền
Sáng ra chỉ thấy nằm trên cỏ
Và một cành mai trắng ở bên.
(Ðoạn 66, 67, 68 trang 34-35, Thủy Mộ Quan, 1982) 

VIÊN LINH