Hôm nay có một bài viết nói về món này nên chia sẽ cùng các bạn:
Thổ nhân sâm: Rau ngon lành, rễ bổ dưỡng
Tò mò tính nấu thử vì nguyên liệu cũng dễ kiếm. Màng mề gà - một vị thuốc được ông bà truyền, vẫn sử dụng trị một số bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên rau ăn kèm có tên là sâm đất thì thấy hơi lạ. Tìm trên mạng thấy có đến mấy chủng loại, không biết dùng loại nào thì chính xác và có “chống chỉ định” gì không? Vậy lại phải gọi điện hỏi người quen, nhân thể chia sẻ để mọi người cùng biết.
Rễ (cũ) sâm đất
Theo một chuyên gia nghiên cứu cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, sâm đất có nguồn gốc từ châu Mỹ nhiệt đới. Cây mọc tự nhiên, cao chừng 30 - 50 cm, lá mềm, mọng nước. Cụm hoa mang nhiều hoa nhỏ màu hồng. Trái khi chín màu đỏ nâu, chứa nhiều hạt dẹt đen. Rễ nạc, phồng thành củ giống như rễ nhân sâm. Ở Việt Nam, dân gian cũng gọi bằng nhiều tên khác nhau: sâm, đông dương sâm, cao ly sâm, sâm thảo, sâm đất, giả nhân sâm, sâm thổ cao ly, cừa ly sinh, sâm mồng tơi… Thổ nhân sâm vừa mọc tự nhiên, vừa được trồng làm rau ăn, làm kiểng, lấy rễ làm thuốc.
Nghiên cứu hiện đại ghi nhận trong thổ nhân sâm có nhiều dược chất có tác dụng chống viêm, long đờm, mất ngủ, có thể ngăn chặn sự hấp thu cholesterol, lão hóa, hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan, viêm ruột, tiêu chảy, ngộ độc đường tiêu hóa, giảm nguy cơ ung thư đại tràng, cầm máu...
Theo y học cổ truyền Việt Nam, thổ nhân sâm đã được sử dụng lâu đời, bộ phận thường dùng là rễ và lá. Từ cây thuốc, sâm đất nhanh chóng trở thành món ăn ngon lành. Lá và ngọn non có chất nhầy như rau mồng tơi, dùng ăn sống, luộc hoặc xào tỏi, nấu canh với thịt bò, heo, tôm, hến… hoặc giã nát dùng ngoài để chữa các vết loét, ung nhọt, rôm sảy. Với phần rễ (củ), nếu dùng được rễ trồng từ 1 năm đến trên 3 năm là rất tốt. Đem rễ phơi hoặc sấy khô. Khi dùng tẩm nước gừng hoặc nước đường cho mềm, rồi thái mỏng sắc uống, ngâm rượu hoặc hãm với nước sôi làm trà. Nhiều nơi dùng rễ làm món ăn bổ dưỡng như hầm canh sườn, luộc mềm rồi xé nhỏ trộn gỏi.
Món ăn ngon được chế biến từ thổ sâm đất
Trong đông y, dùng rễ thổ nhân sâm phối hợp với một số dược liệu khác tạo ra những món ăn bài thuốc hiệu quả: rễ thổ nhân sâm, mực tươi hầm với nửa rượu nửa nước hoặc sườn heo hầm với rễ thổ nhân sâm và hoàng kỳ (dành cho người gầy yếu, mới khỏi bệnh, sau phẫu thuật…). Thịt gà hầm với rễ thổ nhân sâm, hà thủ ô trắng, đường phèn (dùng chữa tình trạng tiêu chảy, tì vị hư nhược…). Bao tử heo hầm với rể thổ nhân sâm (trị chứng ra mồ hôi nhiều)… Nếu vậy thì có thể an tâm, bắp hoa bò tiềm màng mề gà và sâm đất ăn kèm mì tươi và rau sâm đất với thành phần nguyên liệu kết hợp của thực phẩm dinh dưỡng và các vị thuốc, là món ăn bổ dưỡng.
Ở An Giang, mỗi khi ăn mì thường sử dụng lá sâm như rau để dùng kèm. Khi chế biến món bắp hoa bò tiềm màng mề gà và sâm đất ăn kèm mì tươi và rau sâm đất, rễ sâm phải được rửa thật sạch phần vỏ, không hầm quá nhừ để đảm bảo độ ngon và tính bổ của nguyên liệu.
Sâm đất và thịt nạc lợn dùng để nấu canh
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu ghi nhận những bất lợi khi dùng thổ nhân sâm, cũng như độc tính có trong loại thảo dược này. Tuy nhiên do tính vị của thổ nhân sâm chủ yếu là bồi bổ nên chỉ những ai có nhu cầu này mới nên dùng thường xuyên như người già, người mới qua cơn bệnh, người suy nhược ốm yếu… Không nên dùng chung với một số thuốc chống đông máu, làm hạ đường huyết, giảm đau hạ sốt.
Hương Ngọc
(Theo Chiếc Thìa Vàng, Thanh Niên)
No comments:
Post a Comment