Hà Nội mùa thu,
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau,
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu …
Sinh ra ở Đắc lắc, lớn lên ở Huế và thành danh ở Sài gòn nhưng Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy thật sâu cái vẻ đẹp của Hà Nội. Cũng trước đó, nhạc sĩ Song Ngọc, một người miền Nam, chưa hề một lần đặt chân đến Hà Nội, đã viết ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ làm nao lòng người.
“Bài Nhớ Mùa Thu Hà Nội đã bị cấm hai năm chỉ vì chữ Mùa Thu - chữ Mùa Thu Hà Nội đã trở thành thuật ngữ Cách Mạng Mùa Thu - thì TCS đã viết "sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”.
Đi giữa mùa Thu Hà Nội mà “nhớ đến một người để nhớ mọi người ...". Người ta đặt câu hỏi: Nhớ một người là nhớ ai? Và từng con đường nhỏ tại sao lại phải trả lời? Hà Nội, những con đường của Hà Nội tại sao lại phải trả lời? Trả lời cho ai? Trả lời cái gì? Với sự suy diễn méo mó, bài hát đó đã bị cấm hai năm. Các bạn có biết cái nỗi đau của người sinh ra đứa con tinh thần như thế nào?” (họa sĩ Trịnh Cung).
Bùi Xuân Phái (1920-1988) sinh ra và mất tại Hà Nội, ông tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương năm 1946. Là họa sĩ có số tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại và đề tài khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là những tranh vẽ Phố Cổ Hà Nội, tranh Chèo, Khỏa thân, Cảnh quê, Miền biển...
Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tư do, óc hài hước đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông bị mất việc dạy học tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà nội năm 1957 vì ủng hộ nhóm Nhân Văn giai phẩm, cho mãi đến năm 1984 tranh của ông mới được phép triển lãm.
Nhớ Mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn cùng với tranh vẽ của Bùi Xuân Phái quyện với nhau thật tuyệt, với những cây bàng lá đỏ, với mái ngói thâm nâu…
Tôi đã chọn giọng Khánh Hà cho ca khúc này. Cô phát âm thật rõ và mỗi chữ là một sự gọt dũa, trau chuốt, luyến láy tuyệt vời. Cô hát không chỉ với kỹ thuật điêu luyện mà với tất cả tâm hồn mà người nghe có thể cảm được.
Bây giờ xin mời bạn ngắm tranh Bùi Xuân Phái và nghe Khánh Hà hát Nhớ Mùa Thu Hà Nội.
VCH