Rất dễ để chúng ta nhận ra những người thích gây sự chú ý, vốn xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong giới chính trị và văn hoá đại chúng.
Họ là những người thích thổi phồng tầm quan trọng và khả năng của mình, đồng thời không hề quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Các nhà tâm lý học gọi đó là những người yêu bản thân (narcissit), dựa trên tên của nhân vật Narcissus trong huyền thoại Hy Lạp, người yêu hình phản chiếu của chính mình.
Những người như thế này ban đầu có thể gây cuốn hút với sự tự tin của họ, thế nhưng điều này nhanh chóng trở nên nhàm chán.
Bạn có lẽ đã từng gặp những người kiêu căng và khó chịu như vậy ở chốn công sở hoặc trong gia đình, hoặc trên màn hình TV.
Nên xử sự ra sao với những người yêu bản thân?
Trên thực tế, một số kết quả nghiên cứu cho rằng phản ứng thích hợp nhất đối với các narcissist là nên thương hại, thậm chí là đối xử tử tế với họ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng bên dưới lớp bọc ngạo mạn, nhiều narcissist là những người thiếu tự trọng mãn tính.
Điều này được tìm thấy trong nhiều thử nghiệm, trong đó có 'sát hạch mối liên quan tiềm ẩn', trong đó quan sát người ta nhanh chóng kết hợp những từ ngữ chỉ bản thân với những từ ngữ dễ chịu hay khó chịu như thế nào.
Một trong các thử nghiệm cho thấy các narcissist thường tự cho rằng họ có lòng tự trọng, nhưng khi được thử nghiệm họ thường kết hợp những từ chỉ bản thân như 'tôi', 'của tôi', hay 'bản thân tôi' với những từ khó chịu như 'đau đớn', 'chết chóc'.
Một phương pháp khác để phát hiện ra sự mong manh bên trong của các narcissist là kỹ thuật 'đường dây không có thật'.
Một số những người tham gia được kết nối với một thiết bị phát hiện nói dối và được cho biết rõ về điều này, trong khi một số người khác được kết nối với cùng một loại thiết bị, nhưng lại được thông báo rằng nó đã được tắt.
Các narcissist nằm trong số 71 phụ nữ tham gia thử nghiệm nói họ cảm thấy lòng tự trọng giảm đi đáng kể khi biết rằng những lời nói dối của mình sẽ bị phát hiện, so với những người được tắt máy phát hiện nói dối.
Sự yếu đuối bên trong
Các nghiên cứu hình ảnh não bộ chỉ ra rằng các narcissist tỏ ra ngạo mạn vì muốn bù đắp cho sự hoài nghi chính bản thân mình.
Ví dụ, một nghiên cứu các nam thanh thiếu niên đã quét não bộ của họ khi đang chơi game đá bóng ảo.
Khi không được đồng đội đoái hoài đến, những narcissist trong đội nói họ không cảm thấy khó chịu, dù não bộ của họ cho thấy sự gia tăng của các hoạt động trong những vùng não liên quan đến các cơn đau về cảm xúc.
Gần đây, các nhà thần kinh học tại Đại học Kentucky đã sử dụng một công nghệ quét khác để điều tra mật độ của những vùng liên kết trong các phần khác nhau của não bộ người tham gia thử nghiệm.
Nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay đã cho thấy những người càng yêu bản thân hơn thì càng có ít mô liên kết giữa vỏ não phía trước (medial prefrontal cortex), tức là vùng liên quan đến các suy nghĩ về bản thân, và vùng thể vân bụng (ventral striatum), vốn liên quan đến khoái cảm.
Các nhà nghiên cứu cho biết điều này giải thích vì sao các narcissist khó nghĩ tích cực về bản thân, vì vậy họ luôn tìm cách gây sự chú ý để tạo sự tự tin cho chính mình.
Tuy nhiên việc các narcissist là những người luôn cảm thấy bất an về mình không phải là lý do duy nhất để chúng ta nên cảm thấy thương hại họ.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng cách hành xử của những người này sẽ chỉ khiến cuộc sống của họ trở nên căng thẳng hơn.
Một nghiên cứu tại Thuỵ Sỹ đối với hàng trăm người trong khoảng thời gian sáu tháng đã quan sát mối liên kết giữa sự tự yêu bản thân với các sự kiện gây căng thẳng.
Kết quả cho thấy những người càng tự yêu bản thân thì càng gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống, ví dụ như ốm đau, tai nạn, sự đổ vỡ trong các mối quan hệ.
Dựa trên điều này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern kết luận rằng 'các cá nhân tự yêu bản thân thường tự gây ra những sự kiện tai hại trong cuộc sống của họ'.
Điều này càng tai hại hơn vì những narcissist thường nhạy cảm hơn trước tác động của stress so với những người khác.
Chẳng hạn, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Joey Cheng tại Đại học Illinois đã yêu cầu 77 nữ sinh viên đại học ghi lại những cảm xúc tiêu cực của họ và giữ lại mẫu nước bọt để phát hiện dấu hiệu của các phản ứng sinh học trước stress.
Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng những người càng tự yêu bản thân thì càng phải chịu những cảm xúc tiêu cực hơn khi gặp stress. Kết quả này cho thấy các narcissist thường dễ bị kích động và rất nhạy cảm.
Mặc dù vậy, các narcissist cũng có những điểm mạnh của riêng mình - ví dụ như họ thường không dễ bỏ cuộc trước khó khăn vì muốn chứng minh giá trị của mình với người khác cũng như với bản thân.
Các cá nhân narcissist trong những nhóm chuyên làm các công việc sáng tạo có thể giúp tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ.
Một số bằng chứng còn chỉ rằng nếu được khuyến khích, các narcissist có thể sẵn sàng nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của người khác và tỏ ra đồng cảm hơn.
Trước những kết quả nghiên cứu nói trên, có lẽ bạn nên tỏ ra kiên nhẫn với những narcissist quanh mình.
Họ có lẽ là chỉ đang cố gắng bù đắp cho sự thiếu tự tin của bản thân và nhiều khả năng là về dài hạn, họ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đối mặt với các thách thức trong cuộc sống.
Christian Jarrett
Nguồn: BBC
Link tham khảo (tiếng Anh):
No comments:
Post a Comment