Thật bất ngờ cho bản thân tôi và tôi nghĩ cũng có thể là một bất ngờ cho nhiều bạn khàc. Một câu hỏi về địa lý thế giới mà ít người biết đến. Vậy thì chúng ta cùng tìm hiểu về nó nhé:
Istanbul - thành phố nối hai lục địa Á - Âu
Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên 2 châu lục. Nó như một người lính tiền trạm của Thổ Nhĩ Kỳ, đứng sừng sững ở hai bờ phía nam eo biển Bosphorus, đầu gối lên châu Âu, chân duỗi vào châu Á. Bước lên phía tây là châu Âu, lui về phía đông là châu Á.
Theo lịch sử, vào thế kỷ 7 TCN, người Mecca thống trị bán đảo Aisia Minor và bán đảo Bangan. Thống soái của người Mecca chuẩn bị xây dựng thành phố mới ở Thraki thuộc phía đông nam của bán đảo Bangan. Nhưng ngay lúc chuẩn bị cử hành nghi lễ chọn đất, thì trên trời xanh bỗng xuất hiện con chim ó sà xuống và gắp vật cúng tế mang đến góc biển Bosphorus. Viên thống soái cho rằng đó là ý trời, bèn bỏ kế hoạch xây thành ở đây và xây một thành mới ở bờ Tây, nơi con chim ó hạ cánh. Vài thế kỷ sau đó, nơi đây đã vài lần đổi chủ, lần lượt bị Macedonia và đế quốc La Mã chiếm giữ, đồng thời vị trí của nó ngày càng trở nên quan trọng vì là cửa ngõ của Địa Trung Hải và Tây Á.
Năm 330, đế quốc La Mã định đô ở Bychan và đặt tên kinh đô này bằng chính tên của mình. Vì trong nội thành cũng có 7 gò đồi, tương tự với “Thành phố bảy đồi” của La Mã nên nơi đây được gọi là Tân La Mã. Năm 395, đế quốc La Mã phân chia thành hai bộ phận Đông và Tây. Constantine trở thành thủ phủ của đế quốc La Mã Đông. Từ đó đến hơn nghìn năm về sau, nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Địa Trung Hải. Năm 1453, người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh và đổi tên thành Istanbul, đồng thời dời thủ đô của Osman về đây. Đến năm 1923, cộng hoà Thổ được thành lập, thủ đô được rời về Ankara. Istanbul tuy không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ nữa nhưng nó vẫn là thành phố và cảng lớn nhất của quốc gia này.
Eo biển Bosporus như một cánh cửa lớn và Istanbul chính là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa đó. Istanbul nằm trấn giữ điểm trọng yếu và xưa nay vẫn là miếng mồi ngon của giới quân sự. Nếu chiếm được Istanbul thì coi như đã giữ được chiếc chìa khoá vào Bắc Hải. Istanbul đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Âu - Á, là trạm cuối cùng và trạm khởi hành của hai chuyến tàu đến từ Paris và Tây Á nên còn được gọi là “Chiếc cầu Âu - Á”. Istanbul từng là điểm dừng quan trọng trên “Con đường tơ lụa” để đi đến La Mã nên được mệnh danh là “Ngã tư của nền văn minh Đông - Tây”. Thành phố mang đậm màu sắc Đông - Tây, với những ngôi nhà mái vòm đỏ và những mái nhà mang phong thái cổ của đạo Islam.
Cạnh đó là những kiến trúc hiện đại lẫn trong những dãy tường cổ kính. Toàn thành phố trông như một cuốn sách lịch sử sống động với nhiều di tích. Nơi đây có mương máng và hồ nước ngầm thời đại La Mã, có giáo đường Hagia Sophia của thời Đông La Mã đế quốc, có đền thờ xanh của thời đế quốc Osman và cung điện nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo đường Hagia Sophia được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 rất nguy nga tráng lệ. Mặt trong của bức tường được xây dựng bằng đá hoa cương trắng, xanh da trời, đen và đỏ, được nạm bằng những tấm kính viền vàng. Đường kính của mái vòm là 33 m, được nâng bằng bốn cây trụ cao 24,3 m. Giáo đường hình chữ nhật, phần nóc gồm 40 cánh cửa sổ, diện tích bên trong giáo đường là 7.576 m2, được trang hoàng lộng lẫy. Toàn bộ công trình hoàn thành trong hơn 7 năm và rất tốn kém. Đó là kiệt tác của thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Đông La Mã trong lịch sử, đến nay, nó được coi là di tích quý giá của thế giới.
Ngôi đền xanh được xây dựng năm 1616, tại sảnh đền thờ có sức chứa 3.500 người, nền được phủ thảm tía của Thổ Nhĩ Kỳ, do chung quanh tường được lát bằng 20.000 viên gạch màu xanh và được xếp theo nhiều hình dạng khác nhau nên tạo cho nội sảnh một không khí yên tĩnh, dịu nhẹ. Đây cũng được coi là ngôi đền xanh nổi tiếng thế giới. Cung điện của Thổ Nhĩ Kỳ sau thế kỷ 19 là hoàng cung Sudang rực rỡ, với những chạm trổ tinh tế và nổi tiếng, những bức tường hoa lệ, đèn treo và vật trang trí. Toàn thành có 450 ngôi đền lớn nhỏ. Istanbul là thành phố có nhiều đền thờ nhất thế giới.
Ngày nay, Istanbul tuy không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó là trung tâm văn hoá, kinh tế của cả nước, đồng thời là thành phố mang tính quốc tế. Thành phố Istanbul có diện tích 254 km2, dân số 3 triệu người, được chia thành 3 khu chính. Phần nằm trong khu vực châu Âu lấy ranh giới từ eo biển Kim Giáp và được chia thành hai thành phố. Eo Kim Giáp là eo biển nhỏ, hình giống như chiếc sừng. Cứ mỗi sáng chiều mặt trời mọc và lặn, eo biển ngập trong màu vàng óng ánh nên gọi là eo biển Kim Giáp. Phía nam là khu cổ thành với những tường cổ bao bọc. Ở đây, đường hẹp, nhà thấp, nhưng những di tích, văn vật nhiều vô kể. Giáo đường Hagia Sophi, ngôi đền xanh… đều nằm ở đây.
Nhiều thế kỷ qua, eo biển Bosphorus vô tình cắt đôi đường thông thương của Âu - Á. Ai cũng có mơ ước có một chiếc cầu nối liền hai bờ lục địa. Ước mơ đó được thực hiện vào tháng 10/1973 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Thổ Nhĩ Kỳ, khi một chiếc cầu treo được bắc qua eo biển. Cầu Bosphorus dài 1.560 m, rộng 33 m, có 6 làn xe chạy. Điều thú vị là giữa cầu chia ranh giới Âu - Á, bước qua vạch trắng là đã đặt chân lên châu lục khác. Khi màn đêm buông xuống, đèn trên cầu chiếu sáng rực rỡ.
(Theo sách Những nền văn minh thế giới)