Saturday, June 4, 2016

NHẠC SĨ LA HỐI VỚI CA KHÚC "XUÂN VÀ TUỔI TRẺ"

Thật tình cờ, đọc một bài post của anh bạn, thấy cái tên, tôi lên mạng tìm hiểu thì biết được thêm một đóng góp của người Hoa ở VN cho văn nghệ và chiến đấu cho sự độc lập của VN.


Có lẽ ông đã nhận nơi này là quê hương, ông vừa làm văn nghệ vừa đấu tranh chống xâm lược của phát xít Nhật. Ông là La Hối,
 
Tôi xem trong những tài liệu thì tên ông theo chữ Hoa là 羅開, theo tiếng Hán Việt là La Khai nhưng chữ Khai theo âm tiếng Quảng Đông thì đọc là "Hối". Đây là lần đầu tiên được nghe đến tên ông dù bản nhạc của ông "Xuân và tuổi trẻ" đã nghe rất nhiều, nhiều lắm mỗi khi Tết đến mà không bao giờ biết tác giả là ai. Chân thành xin lỗi tác giả.
 
Mời các bạn đọc để biết ít nhiều về ông.(LKH)
 
NHẠC SĨ LA HỐI VỚI CA KHÚC "XUÂN VÀ TUỔI TRẺ"
 
Mỗi độ xuân về, nhiều nơi lại vang lên giai điệu rộn rã, yêu đời của ca khúc Xuân và TT: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngày hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…" (nhạc: La Hối - lời Thế Lữ).

Ít ai biết rằng La Hối, người nhạc sĩ tài hoa, cũng là một chiến sĩ chống phát xít Nhật những năm 1930-1945.
 
Nhạc sĩ La Hối sinh năm 1920 tại Hội An (Quảng Nam) trong một gia đình phong lưu mà phần đông con cái đều có ít nhiều năng khiếu về nghệ thuật (dòng họ ông gốc Quảng Đông - Trung Quốc, đã định cư nhiều đời ở Việt Nam).


Từ nhỏ, La Hối đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc ở các môn học và đặc biệt rất có năng khiếu về âm nhạc. Cậu tự học, tự nghiên cứu âm nhạc Đông-Tây, 14 tuổi đã tập tành sáng tác những giai điệu vui tươi, sôi nổi...
 
Từ năm 1936-1938, La Hối vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học vấn đồng thời cũng là dịp để cậu gặp gỡ, học hỏi các giáo sư, nhạc sĩ về nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông trở về Hội An dạy đàn và vận động những người cùng sở thích thành lập Hội yêu âm nhạc (Société philharmonique).
 
Ông được anh em tín nhiệm bầu làm hội trưởng và ông cũng là người đầu tiên đưa các hành khúc cách mạng Việt Nam vào chương trình hòa tấu (trước đó chỉ sử dụng nhạc ngoại quốc). Một số nhạc sĩ trẻ thời đó đã từng được La Hối hướng dẫn như: Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)...


Trong giai đoạn phát xít Nhật xâm chiếm Trung Hoa, VN và các nước Đông Nam Á khác, phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ ở khắp VN. La Hối đã gia nhập một tổ chức chống phát xít với tất cả bầu nhiệt huyết và mau chóng trở thành lãnh đạo nòng cốt của tổ chức này. Ông không những tham gia in truyền đơn, viết biểu ngữ mà còn tổ chức những cuộc nổ bom, phá đường, đánh sập cầu... Vừa tổ chức chống Nhật, ông vừa chú tâm nghiên cứu âm nhạc Trung Hoa, nhất là những hành khúc hùng tráng.
 
Năm 1944, hiến binh Nhật ráo riết truy nã La Hối nên ông phải tránh qua Lào nhưng vì nhiệm vụ thiết yếu nên ông lại quay về Hội An. Trong ngày u ám của tháng 5-1945, ông và 10 đồng chí trong tổ chức bị Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam giữ và tra tấn vô cùng dã man, quân Nhật đã đem tất cả 11 người ra xử bắn và vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường (phía tây nam TP Đà Nẵng). Năm ấy, nhạc sĩ La Hối mới 25 tuổi!
 
La Hối sáng tác rất nhiều nhưng chỉ còn lại khoảng 20 tác phẩm. Số lớn tác phẩm của ông đã bị hiến binh Nhật thu giữ, một phần khác do... người yêu của ông cất giữ. Đó là một cô giáo dạy đàn dương cầm, hai người yêu nhau trong thời gian La Hối mở lớp dạy nhạc. Một mối tình đằm thắm và kín đáo nên ít người biết. Thậm chí người trong gia đình La Hối cũng không nhớ tên cô ấy (họ cũng chỉ gọi là "cô giáo Dương Cầm").


Tất cả những sáng tác mới của La Hối đều được ông gửi tặng cho người con gái mình yêu quý trước khi chúng được phổ biến. Sau khi ông hy sinh, gia đình quá đau buồn nên cũng quên luôn vai trò "quản thủ tư liệu" của “cô giáo Dương Cầm”. Sực nhớ lại thì... đến bây giờ chẳng biết người đẹp của La Hối ngày ấy phiêu bạt phương trời nào, còn sống hay đã mất.
 
Xuân và TT được sáng tác trong thời kỳ La Hối bị hiến binh Nhật theo dõi, hoàn cảnh sống rất phức tạp và vô cùng khó khăn, thế nhưng giai điệu của tác phẩm lại là niềm hứng khởi, phấn chấn tin yêu vào cuộc sống.
 
Theo một số ý kiến thì lúc đầu bản nhạc này chưa có lời ca, sau đó Diệp Truyền Hoa mới đặt lời Hoa. Năm 1946, nhà thơ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... trong đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn. Thế Lữ đã rất yêu thích giai điệu của Xuân và TT.
 
Qua tìm hiểu và xúc động trước cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy khí phách của chàng nhạc sĩ - liệt sĩ tài hoa, Thế Lữ đã xin phép gia đình La Hối để đặt lời Việt cho nhạc phẩm giá trị này. Từ đó, Xuân và TT (nhạc La Hối, lời Thế Lữ) luôn vang lên trong mỗi độ xuân về.

Trong kháng chiến, Xuân và TT theo đoàn quân vào tận chiến khu, lên Việt Bắc, vào miền Nam và vang xa tận hải ngoại... Trong tay chúng tôi hiện có 2 bản Xuân và TT giống hệt nhau (do Nhà xuất bản Đón Gió, Duy Liêm vẽ bìa), một bản ghi: Xuân và TT, chính xác và đầy đủ, do Đón Gió đặc biệt ấn hành lần thứ nhứt (ấn phẩm hè 1954), ở bản này có in cả lời Việt (của Thế Lữ) và lời Hoa (của Diệp Truyền Hoa), bìa 4 có in hình nhạc sĩ La Hối đang chơi đàn accordéon.


Ở bản khác cũng ghi: Xuân và TT, chính xác và đầy đủ, đặc biệt ấn hành lần thứ tư (ấn phẩm 1956) nhưng không có lời Hoa. Chỉ trong 2 năm mà đã tái bản đến 4 lần, đủ thấy sức cuốn hút và lan tỏa của Xuân và TT.
 
Nhạc sĩ La Hối vĩnh viễn ra đi trong tư cách một chiến sĩ khi tuổi đời còn rất xuân: 25 tuổi, nhưng ông đã kịp để lại cho đời một Xuân và TT bất diệt!

Hà Đình Nguyên
Theo: Thanh Niên


No comments: