Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non
(Dân ca Huế)
Vào đầu thời Gia Long (1802-1819), đây chỉ là một toà nhà nhỏ có tên Bảng đình, dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, thi Đình cho dân chúng. Năm 1819, Bảng đình được thay thế bằng một toà kiến trúc hai tầng mái với 16 cây cột, xung quanh không có vách, tạo nét thanh tú và độc đáo với tên gọi là Phu Văn Lâu. Phu Văn Lâu còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức...Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hoà sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư.
Lúc 5h50 sáng ngày 15 tháng 05 năm 2014, Phu Văn Lâu bị sập một góc bên trái |
Hai bên mặt trước Phu Văn Lâu có đặt hai khẩu súng thần công nhỏ bằng đồng hướng vào nhau. Để tỏ lòng tôn trọng nhà vua và những văn bản được niêm yết trong Phu Văn Lâu, trước đây có hai tấm bia "Khuynh cái hạ mã" (傾蓋下馬) ở hai bên công trình, quy định ai đi qua đây cũng đều phải nghiêng lọng, xuống ngựa.
Di tích Phu Văn Lâu sau khi trùng tu hoàn chỉnh. |
Gần bên phải Phu Văn Lâu còn có tấm bia trên khắc bài thơ "Hương giang hiểu phiếm” nói về cảnh đẹp của sông Hương, một trong hai mươi thắng cảnh đất thần kinh mà vua Thiệu Trị đã ca ngợi. Phu Văn Lâu đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Để tạo điều kiện cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích độc đáo này, công trình đã được lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia.
Huỳnh Thị Anh Vân
Đệ thập nhất cảnh - Hương giang hiểu phiếm
第十一景 - 香江曉泛
Tác giả: Thiệu Trị hoàng đế (紹治皇帝)
Nhất phái nguyên uyên hộ đế thành
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh
Ba bình xuân thủy lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thanh
Thiên tửu vị can nhu ngạn thọ
Sơn hoa do luyến kết vân anh
Phiếm hồi vị yết Thương lang khúc
Đông khuyết phương thăng thụy nhật minh.
Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương
(Dịch thơ: Thiên Nhất Phương)
Một dải sông sâu bọc Đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Xao tiếng chèo bơi gió giục nhanh
Cây bến láng lai đầm móc ướt
Hoa rừng lưu luyến quyện vân anh
Thuyền về khúc hát còn dang dở
Cửa khuyết trời đông đã sáng banh.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Thiệu Trị hoàng đế 紹治皇帝 (1807-1847), sinh hạ được 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ, lăng (Xương Lăng) táng tại núi Thuận Đạo, Huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Lăng của Nghi Thiên Chương hoàng hậu (Xương Thọ Lăng) ở làng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Vua Thiệu Trị và bà Nguyên Phối đều thờ tại Thế Miếu, Hữu Nhất Án và tại Hữu Nhất Án Điện Phụng Tiên. Hệ Ba Chánh, kể về nam nhân số 280 người mà gồm có 15 phòng cả thảy (năm 1943).
Vua Thiệu Trị 紹治 tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền 阮福暶, sinh năm 1807, trị vì từ ngày 4-2-1841 đến khi mất ngày 4-11-1847. Ông là vị vua thứ 3 của triều Nguyễn, con của vua Minh Mạng 明命 Nguyễn Phúc Kiểu 阮福晈.
(Sưu tầm trên mạng)