Bát nhã chân vô tông ,
Nhân không, ngã diệc không.
Quá hiện vị lai Phật ,
Pháp tính bản tương đồng.
般若 - 李太宗 (李佛瑪)
般若真無宗
人空我亦空
過現未來佛
法性本相同
Bát Nhã - (Bản dịch của Nguyễn Tấn Hưng)
Chẳng gốc nào sinh trí tuệ ra,
Không là ai , cũng chẳng là ta.
Phật nay , Phật trước, nghìn sau mãi ...
Lý Thái Tông (chữ Hán: 李太宗; 1000 – 1054, tên thật Lý Phật Mã (李佛瑪), còn có tên khác là Lý Đức Chính (李德政)) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1028 đến năm 1054. Ông sinh tại kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam.
Lý Thái Tông là con trưởng của Vua Lý Thái Tổ. Các nhà nghiên cứu lịch sử như Trần Bá Chí theo các thần phả hán nôm ở cố đô Hoa Lư khẳng định mẹ Lý Phật Mã là Lê Thị Phất Ngân, con gái Lê Đại Hành và Dương Vân Nga.
Lý Thái Tông sinh ngày 26 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, niên hiệu Ứng Thiên thứ 7 thời Tiền Lê (tức 29 tháng 7 năm 1000) ở chùa Duyên Ninh trong kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi vua mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác, người có trâu ấy cho là điềm không lành, lấy làm lo ngại. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà người ấy cười mà nói rằng: "Đó là điềm đổi mới thôi, can dự gì đến nhà anh" thì người ấy mới hết lo. Tương truyền thuở nhỏ ông đã có 7 nốt ruồi sau gáy như chòm sao thất tinh (sao Bắc Đẩu).
Năm 13 tuổi (1012), ông được lập làm Đông cung Thái tử, Năm Thuận Thiên thứ 3 ông được phong làm Khai Thiện Vương, lập phủ ở ngoài nội cung để được làm quen với các quan lại và dân chúng. Trong thời gian làm Thái tử, ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công.
Năm 1019, Ông được trao quyền nguyên soái, cầm quân vào nam đánh Chiêm Thành.
Năm 1023, ông cầm quân đi đánh Phong châu. Năm 1025, ông đi đánh Diễn châu. Năm 1027, ông lên phía bắc đánh châu Thất Nguyên (Lạng Sơn).
Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, chưa tế táng xong, thì các hoàng tử là Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử.
Bấy giờ các quan đứng đầu là Lý Nhân Nghĩa xin Thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, thì quan Vũ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức Vương mà bảo rằng:
Các người dòm ngó ngôi cao, khinh dể tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!
Dẹp xong loạn Tam vương, ngày Kỷ Hợi (tức 1 tháng 4 năm 1028), Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tông.
Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương xin về chịu tội. Thái Tông nghĩ tình cốt nhục bèn tha tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai người.
Cũng vì sự phản nghịch ấy cho nên vua Thái Tông mới lập lệ: cứ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội) làm lễ đọc lời thề rằng:
Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỉ thần làm tội.
Các quan ai trốn không đến thề, phải phạt 50 trượng.
Nhận định:
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nhận xét về Lý Thái Tông:
“Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông. Nhưng người quân tử còn lấy việc khoe khoang thái quá để chê trách vua chưa hiền.”
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Lý Thái Tông là vị vua giỏi thời nhà Lý. Hơn 30 năm chinh chiến và trị quốc, ông đã củng cố nền cai trị của nhà Lý, chống lại những nguy cơ chia cắt, bạo loạn, xâm lấn, thu phục lòng dân, khiến cho nước Đại Cồ Việt trở nên vững mạnh.
Khi vua Thái Tổ sắp mất, nhà Lý đứng trước nguy cơ trượt theo vết xe đổ của các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, chỉ truyền được 1 đời thì gặp phải đại loạn và dẫn đến việc bị thoán đoạt. Uy tín của ông và tài năng, sự dũng cảm của Khai Quốc Vương, tướng Lê Phụng Hiểu đã khiến cho tình hình nhanh chóng được ổn định trở lại.
Nhiều lần dùng binh từ nam chí bắc nhưng Lý Thái Tông tỏ ra là ông vua bao dung, nhân hậu. Các nhà sử học cho rằng vua Thái Tông cũng như nhiều vua Lý khác có lượng khoan hồng vì ảnh hưởng của quốc giáo là đạo Phật. Trừ người em Vũ Đức vương làm loạn bị giết, những vương tôn phản loạn khác ông đều tha tội. Trong cuộc phản loạn của các vương tôn, nhờ người em thứ hai của vua Thái Tông là Khai Quốc vương đem quân giải vây cho Thăng Long và Trường Yên (kinh đô Hoa Lư) giúp ông chống lại quân nổi loạn và chính Khai Quốc vương vận động quần thần tôn ông lên ngôi. Nùng Trí Cao nhiều lần làm phản nhưng ông vẫn đối đãi khá rộng lượng. Vì vậy nhà sử học Ngô Sĩ Liên theo quan điểm Nho giáo chê ông “mê hoặc theo thuyết từ ái của đạo Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch”. Tuy nhiên, theo tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử, việc ông hậu đãi Nùng Trí Cao là một thâm ý kiểu “thất cầm Mạnh Hoạch” của Gia Cát Lượng khiến Trí Cao kính phục và cảm kích. Sau này, dù Trí Cao còn ý định xưng hùng, nổi loạn cũng sang Trung Quốc gây họa cho Tống (và kêu gọi cả vua Thái Tông cùng xé đế quốc Tống) chứ không còn gây họa cho Đại Cồ Việt.
Chú thích về bài thơ:
Nhà vua đã cho dựng chùa Diên Hựu (chùa một cột) với kiến trúc dân tộc: hoa sen nổi trên mặt hồ. Bấy giờ có 4 đại khí để lại cho xứ sở: Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Ðiền, Ðỉnh Phổ Minh, và Tượng Quỳnh Lâm.
Bài thơ này đã chứng tỏ sự giác ngộ phật đạo của nhà Vua.
Chỉ với những tâm thức nhuần thấm vô ngã mới dễ có thái độ sống phóng khoáng, không câu chấp sự tướng, kiến giải, dễ phát tinh thần đoàn kết, hòa hợp, và lòng nhân ái vị tha.
(Sưu tầm trên mạng)