Hằng năm vào 23-27 tháng 4 âm lịch, dân miền Tây nói riêng và dân Nam bộ nói chung rất nhiều người về Châu Đốc để cúng tế vì đó là dịp vía Bà Chúa Xứ (Chữ nôm: 主處聖母, Chúa Xứ Thánh Mẫu, “Holy Mother of the Realm”). Tôi có mấy lần theo bà nội đi cúng hoặc có khi cả gia đình đều đi.
Miếu Bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam, sau khi cúng bà xong là qua chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu và nhất định phải vào Khổng miếu để lạy ngài Khổng Tử. Có một lần ba tôi chở tụi tôi đi Tri Tôn để thăm người bạn, nửa thế kỷ trước, đường xá ở đây gồ ghề lắm. Sau đó đi núi Ông Két, rồi đi Tịnh Biên mua đồ lậu của Trung Quốc.
Miếu Bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam, sau khi cúng bà xong là qua chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu và nhất định phải vào Khổng miếu để lạy ngài Khổng Tử. Có một lần ba tôi chở tụi tôi đi Tri Tôn để thăm người bạn, nửa thế kỷ trước, đường xá ở đây gồ ghề lắm. Sau đó đi núi Ông Két, rồi đi Tịnh Biên mua đồ lậu của Trung Quốc.
Hồi đó không chỉ người Hoa mà cả người VN khắp nơi đều rất chuộng hàng TQ, lúc đó hàng TQ qua Miên và người Miên mang lậu qua biên giới bán lại cho người Việt. Hàng TQ lúc đó ai cũng mê vì đẹp và rất bền như vải vóc, nhất là đồ dùng trong bếp: nồi, chảo, bình thủy, thau, bô....xài cả chục năm cũng không hư.
Lúc đi Tri Tôn là vào vùng Thất Sơn, hình thế lạ vì giữa đồng bằng mà mọc lên mấy ngọn núi, dọc đường vào hoặc ngang qua những làng của người Miên, nhiều chùa Miên và nhiếu nhất vẫn là những cây Thốt Nốt.
Thất Sơn hay Bảy Núi, hồi đó tôi chỉ biết tên có mấy núi nhưng bây giờ rảnh rỗi nên muốn thử tìm hiểu xem Thất Sơn có gì mà ai cũng nói linh thiên huyền bí và ghê ghê sợ sợ. (LKH)
Theo Wikipedia:
Bảy Núi còn có tên là Thất Sơn, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng là Bửu Sơn, gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử khoảng một triệu năm trước, trong thời kỳ Pleistocene, hàng loạt các hoạt động tân kiến tạo đã làm vỏ trái đất ở khu vực Bảy Núi bị nức nẻ, lún sụt hoặc nhô cao nhiều nơi. Sau đó là những đợt biển tràn ngập cả vùng Nam Bộ khoảng 10.000 đến 11.000 năm thì chấm dứt. Dấu tích của những thời biển tiến này còn để lại các bậc thềm biển cổ ở những vùng quanh núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường... của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Phần nhô cao tức đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km. Khởi đầu từ xã Phú Hữu (huyện An Phú) qua xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc), bao trùm lên gần hết hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, về tận xã Vọng Thê, Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.
Đứng trên góc độ địa hình, có thể chia đồi núi An Giang thành hai dạng chính:
- Dạng núi dốc: được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt như đã nói trên, nên chúng thường cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau (đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta), như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài...
- Dạng núi thấp và thoải: được hình thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào có tuổi trias và Creta nên có độ dốc nhỏ dưới 15 độ, độ cao thấp, ít khe suối và bề mặt có khi là đất, như núi Nam Qui, núi Sà Lon, núi Đất...
Và vùng Bảy Núi khi xưa là đất của Chân Lạp. Rồi trong một cuộc tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ đã trở lại ngôi vua. Để tạ ơn, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, trong đó có Bảy Núi, vào năm 1757.
Mời các bạn đọc thêm bài sau đăng trong Cantho online. (LKH)
MÙA XUÂN KHÁM PHÁ MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA VÙNG BẢY NÚI
Tên gọi Bảy Núi (Thất Sơn) ra đời khi nào, tên núi, định vị cụ thể, ý nghĩa địa danh trong tâm thức người dân và nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử được các nhà nghiên cứu xưa nay cất công tìm hiểu, lý giải nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Chỉ biết rằng, quần thể "Bảy ngọn núi thiêng" phía Tây Nam An Giang trở thành không gian thiên tạo kỳ vĩ, mang nhiều yếu tố văn hóa - tâm linh đặc trưng vùng.
MÙA XUÂN KHÁM PHÁ MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA VÙNG BẢY NÚI
Tên gọi Bảy Núi (Thất Sơn) ra đời khi nào, tên núi, định vị cụ thể, ý nghĩa địa danh trong tâm thức người dân và nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử được các nhà nghiên cứu xưa nay cất công tìm hiểu, lý giải nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Chỉ biết rằng, quần thể "Bảy ngọn núi thiêng" phía Tây Nam An Giang trở thành không gian thiên tạo kỳ vĩ, mang nhiều yếu tố văn hóa - tâm linh đặc trưng vùng.
Dựa vào nhiều sử liệu và những truyền thuyết dân gian - hệ thống núi nơi đây có bảy ngọn núi chính – "Thất Sơn": núi Nước (Bích Thủy Sơn, Thủy Đài Sơn), núi Tô (hay Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Ô Thước Sơn, Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, Bạch Hổ Sơn), núi Năm Giếng (Dài Năm Giếng, Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn).
Hệ thống núi, dốc cao trải dài chiếm hầu hết diện tích của toàn vùng, rừng thiên nhiên (và nhân tạo), vườn cây ăn trái phủ xanh dày đặc, tạo thành mảng quang xanh thẳm bao trùm. Trong lòng những ngọn núi có nhiều hang cạn, hang sâu, gắn với truyền thuyết, giai thoại về các kỳ thú khổng lồ (hổ, rắn…) tu luyện thành "thần"; các đạo sĩ ẩn thân trong hang phát đạo thành tiên… Trên bề mặt các núi, ngọn núi có nhiều mỏm đá, vồ đá, đá hình nhân, tượng vật, hòn đá đặt chồng lên nhau kỳ lạ như có bàn tay sắp xếp, nắn tác của con người làm cho các ngọn núi linh thiêng trong tâm thức người dân bản xứ, khách tham quan.
Dưới chân núi là dãy đồng bằng (ruộng cao) bao quanh. Tầng đất cát pha (ruộng trên) và đất phù sa tiếp giáp ngoài xa đồng bằng thấp trũng. Đặc thù sản xuất của đất ruộng trên là gieo sạ không đều nhau, chỉ sản xuất vào mùa mưa, mùa nắng để đất hoang. Vì vậy, ruộng lúa trở thành một bức tranh nhiều sắc màu.
Không gian văn hóa đặc sắc của Bảy Núi là hệ thống đình, chùa, miếu, thánh thất dày đặc theo đặc điểm tôn giáo khác nhau. Chùa Phật giáo Nam Tông Khmer là một chỉnh thể toàn thiện về kiến trúc – lịch sử – văn hóa tâm linh. Hiện nay, Bảy Núi có 64 ngôi chùa Khmer Nam Tông. Mỗi chùa hàm ẩn giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, từ cổng đến tường rào, chính điện, sala, hệ thống mộ tháp, tượng Phật, chim thần… được đúc khắc tỉ mẩn từng chi tiết, sơn son thếp vàng lộng lẫy, ẩn hiện thấp thoáng dưới rừng cây cổ thụ, cây thốt nốt… tô điểm cho không gian Bảy Núi huyền ảo, cổ kính…
Bên cạnh đó, thánh thất, đình, chùa, miếu của người Kinh có giá trị lịch sử, văn hóa, ghi dấu ấn thời kỳ sinh thịnh nhiều dòng tín ngưỡng, tôn giáo của lưu dân người Việt thuở xưa đến đây khai phá, ẩn dật: Chùa Tam Bửu, Phi Lai, chùa Bửu Sơn, chùa Vạn Linh... Hệ thống đình, chùa, miếu là ranh giới trung gian giải thích sự đa dạng đời sống tâm linh của cư dân nơi đây. Với họ, Bảy Núi nơi linh tụ đấng siêu nhiên, "thế giới bên kia", "hạ ngươn"… Hợp thức: núi - giai thoại (truyền thuyết) về núi, cao nhân đạo sĩ (tôn giáo) – chùa, miếu làm cho Bảy Núi thành nơi "bí ẩn" trong tâm thức người dân An Giang – Nam Bộ.
Đề cập đến "Thất Sơn huyền bí", không thể không nói đến những giai thoại về hiện tượng các "ông đạo" tu thân, có sức lực siêu phàm, tâm tính kỳ quái, thu phục thú dữ, "dự đoán thiên cơ bất khả lộ"... Quanh vùng núi, dân gian nói nhiều đến sự hiện diện của Phật thầy Đoàn Minh Huyên lập nền đạo pháp Bửu Sơn Kỳ Hương, Nhà yêu nước, giáo chủ Ngô Lợi – đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, "Đạo lành" của ông Trần Văn Thành - người chỉ huy Khởi nghĩa Láng Linh, giai thoại về chúa Nguyễn Ánh lánh nạn ở núi Cấm khi Tây Sơn truy thân... Ngoài ra, những mẩu chuyện kể về các cao nhân trổ tài thu phục thú dữ ở Bảy Núi như "đạo sĩ" Ba Lưới - đánh nhau với "xà thần", hổ, báo; người dân đi núi, rừng gặp rắn hàng trăm ký "đu mình tát nước" bên ao, suối; cách bắt rắn "vỗ miệng hang" của thầy rắn, bài thuốc trị rắn độc… được ca truyền đến hôm nay.
Hàng năm, Bảy Núi diễn ra nhiều lễ - hội cổ truyền, lễ - hội tâm linh của người Kinh và Khmer. Xuất phát từ phong tục, tín ngưỡng, người Khmer thực hiện lễ thức ở chùa, khung cảnh sinh hoạt lễ - nhạc - hội nối tiếp phản ánh được đời sống tín ngưỡng đa dạng, không gian xứ núi nhộn nhịp. Quá trình tiếp biến văn hóa giữa người Khmer, Kinh diễn ra mạnh mẽ, tạo nên sự phong phú trong lễ - hội truyền thống, tín ngưỡng… Lễ – hội tôn giáo, tín ngưỡng của người Kinh có lễ cúng Đức Bổn sư Ngô Lợi - giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, lễ giỗ tập thể tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa diệt chủng Pônpốt trong chiến tranh Tây Nam tại chùa Tam Bửu, Phi Lai, Nhà mồ Ba Chúc; hành hương kính viếng chùa, miếu, hang núi… trong dãy Thất Sơn của du khách thập phương – Những ý niệm tâm linh làm nổi bật nét đặc trưng văn hóa nơi đây.
Cây thốt nốt được xem là biểu tượng hợp thể không gian văn hóa của Bảy Núi. Thốt nốt sinh sống trên mọi địa hình, xen kẽ rừng tràm, trúc, tầm vông, mọc thành hàng thẳng tắp sát chân núi hoặc ăn sâu ra đồng bằng giáp ven đất phù sa… Đứng trên triền đồi – núi nào cũng nhìn thấy rừng cây thốt nốt ngút ngàn, suông thẳng chót vót giữa trời xanh, cảnh tượng thiên nhiên đặc sắc. Cây thốt nốt hình thành nên nghề nấu đường thốt nốt của bà con Khmer, nghề leo cây thốt nốt lấy nước, các món ăn, thức uống từ cây thốt nốt… Sản phẩm từ cây thốt nốt tạo ra một nhịp sống mang dấu ấn văn hóa – tính cộng đồng của cư dân nơi đây.
Nghề truyền thống của người Khmer, Kinh ở Bảy Núi ra đời trên địa thể thiên nhiên đặc thù, hơn 100 năm: nghề làm gốm (Châu Lăng, Tri Tôn); nấu đường thốt nốt, nghề đan đệm bàng, cà ròn (toàn vùng Bảy Núi); dệt thổ cẩm (Văn Giáo, Tịnh Biên)… Tính hỗn dung, tiếp biến văn hóa, tính cộng đồng dân tộc Kinh – Khmer ở làng nghề diễn ra mạnh mẽ. Hai cộng đồng cư dân học hỏi cách thức sản xuất, tạo biến đổi trong từng nghề, sản phẩm làm ra mang dấu ấn cho dân tộc về tính thẩm mỹ, văn hóa ở An Giang nói riêng, cộng đồng dân tộc miền núi Việt Nam nói chung.
Văn hóa ẩm thực "Thất Sơn huyền bí" xuất phát từ đặc trưng địa lý. Trong các "món ăn bình dân" ở đây luôn gắn liền 2 yếu tố rừng và núi. Điều kiện sản xuất rau màu khó khăn, nên rau, lá rừng trở thành thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày. Để xác định được cây – lá nào ăn được là một quá trình đúc tụ kinh nghiệm của dân xứ núi. Ngày nay, cây - rau rừng không còn giới hạn món ăn gia đình, món ăn "kham khổ", thực phẩm này trở thành đặc sản của Bảy Núi, điển hình như: bánh xèo ăn với lá rừng, rau – lá rừng ăn với các món lẩu, các lóc nướng gói bánh tráng, rau rừng chấm mắm Prahoc, Simlo…
Động vật đặc sản chế biến "món ăn bình dân" không phải thú rừng (heo rừng, rắn, gia cầm…) mà là các loại côn trùng sống dưới đất gò núi, ruộng cao. Theo người dân nơi đây, món ăn từ động vật "côn trùng" này, ngày xưa chỉ là "món ăn độn" trước thiên nhiên khắc nghiệt, hoặc món "ăn chơi" của trẻ em, dần phổ biến, trở thành đặc sản: ve sầu rang mỡ, chiên bột; cua núi luộc; kỳ nhông núi chiên giòn; dế nhủi sữa dồn đậu phộng chiên bột… Dân xứ núi, du khách đến du lịch rất khoái khẩu các món ăn từ côn trùng. Sản vật này trở thành nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi khi đến mùa săn bắt…
Người Kinh, Khmer có hình thái cư trú khác nhau. Người Khmer thường trú ngụ trên địa hình cao, quần tụ theo đồng tộc thành phum, sóc riêng biệt nằm sâu dưới chân núi hay những cánh đồng tách biệt, xa lộ, xa sông, xa chợ. Từ khoảng không gian núi cao, đồng bằng lòng chảo. Rất dễ nhận diện "khu vực" cư trú của người Khmer qua hình ảnh vài chục ngôi nhà bao bọc nhau thấp thoáng dưới cây rừng, cây thốt nốt, rừng tầm vông… tạo thành môtíp đặc trưng cho không gian văn hóa Bảy Núi.
Người Kinh sống thích hợp tất cả các địa hình, đa phần cư trú nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất, sinh sống, giao thương: dọc theo các tuyến lộ, chợ, kinh, rạch… Người Kinh, sống bằng nhiều nghề: sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, trồng cây ăn trái trên đồi núi, buôn bán.
Do quá trình phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, người Khmer ở sâu trong phum, sóc được dời về sống ven theo các tuyến lộ, khu dân cư, nơi thị tứ, cộng cư xen kẽ với người Kinh để phát triển sản xuất…
Người Khmer đến nay vẫn sản xuất theo lối thủ công, không phải hạn chế về máy móc, kỹ thuật mà do địa hình, diện tích đất canh tác từng gia đình nhỏ hẹp nên gieo sạ không đồng loạt, cách nhau gần 1 tháng. Đến thời điểm thu hoạch, chủ yếu gặt tay, chuyển về nhà bằng gánh và đập lúa bằng bàn ván; gặt, đập vần đổi công. Vào mùa, từng đoàn người gánh, đập lúa nhộn nhịp cả phum, sóc… Những hình ảnh, gặt – gánh – đập bằng thủ công rất đặc biệt mang dấu ấn cách thức sản xuất cổ xưa của cư dân còn lưu lại ở Bảy Núi. Bà con Khmer chăn nuôi bò thả rong trên sườn núi, đồng bằng với số lượng vài chục đến cả trăm con trong một khu vực nhất định, đến giờ chỉ cần vài đứa trẻ lùa về, không cần nhốt trực tiếp trong chuồng trại như nơi khác; làm chuồng trại trong hoặc gần nhà…
Hiện nay, đời sống người dân Bảy Núi đã nâng cao, những chiếc xe gắn máy, xe đạp thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn. Nhưng hình ảnh chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh chở khách, chở hàng hóa trên các con đường ở Bảy Núi là dấu ấn sâu đậm còn lưu giữ, phản ánh việc đi lại, hình thức làm ăn của người dân xứ núi xưa kia. Xe ngựa (hay xe bò) chở hàng, chở khách, chở người đi lễ - hội đình, chùa… Hình ảnh mộc mạc, giàu chất trữ tình này trở thành đặc trưng văn hóa của cư dân miền núi mà ở An Giang ngày nay còn lưu lại.
Bảy Núi còn tồn hiện nhiều bí ẩn về văn hóa vật chất, tinh thần như người dân thường gọi "Thất Sơn mầu nhiệm", "Thất Sơn kỳ bí"… Vẻ bí ẩn này đã trực tiếp hay gián tiếp xoay chuyển tạo ra nhiều nét văn hóa đặc trưng cho Bảy Núi!
Liêu Ngọc Ân
Nguồn: Cần Thơ Online
No comments:
Post a Comment