Thursday, March 30, 2017

CÀ PHÊ BUỒN NGỦ

Tôi có để ý một điều không biết có đúng không ? Dường như bọn trẻ ở Úc rất ít uống hay không mấy thích cà phê, ở nước khác thì sao không biết ? Tôi nhớ hồi đó thời đi học nhất là lúc thi tốt nghiệp trung học, học bài khuya nên uống cà phê để tỉnh táo mà học bài riết rồi thành thói quen. Lên đại học sáng nào cũng uống ly "xây chừng" đen có kèm theo một điếu thuốc, sáng một cữ rồi tối tiếp tục, riết rồi thành ra nghiện, một thói quen thời thượng ngày ấy.


Qua Úc lúc đầu một ngày cũng vài ba cữ, ngày một gói thuốc lá, dần dần rồi ít đi, không hút thuốc, gần như không uống cà phê nhưng uống rượu, cái nào cũng chết không hà phải không các bạn. Nhiều khi đi shopping ngang các tiệm cà phê Tây, mùi rất thơm nhưng uống thì không cảm giác nhiều lắm.
Mấy năm gần đây có uống lại mỗi sáng lúc nào quên thì thôi, nhưng chỉ uống như kiểu uống nước chớ không phải là thưởng thức vì nghe người ta nói ngăn được bệnh tim mạch và bệnh gout, vì tôi đã bị rồi. Có khi đọc được bài nói uống cà phê tốt, khi thì nói không tốt. Có bài viết sao đây, vui vui của anh Vũ Thế Thành để các bạn tham khảo. (LKH)


CÀ PHÊ BUỒN NGỦ

Lợi và hại của cà phê đã được nói nhiều rồi. Nhưng mặc ai bàn ra tán vào, thiên hạ vẫn uống cà phê hà rầm.Uống sáng trưa chiều tối, uống để thưởng thức, để tán dóc, để tỉnh táo, và thậm chí có người buồn quá, uống để…ngủ. Trăm điều nghiêng ngửa đều đổ thừa tại chất caffeine. Nhưng có một thứ ít ai nói tới, đó là các chất chống oxýt hoá trong cà phê.
Cà phê cũng chống oxýt hoá
Trong cà phê có cả hơn ngàn loại chất chống oxýt hoá, đó là mới tính trong hạt cà phê tươi, chứ nếu hạt cà phê được ủ, như loại arabica thì phát sinh thêm 300 chất nữa.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Joe Vinson (đại học Scranton – Hoa kỳ), thì các chất chống oxýt hoá mà người Mỹ tiêu thụ chủ yếu đến từ cà phê, chứ từ rau quả trái cây chỉ là thứ yếu.


Tính trung bình, mỗi ngày người Mỹ xài khoảng 1.300 mg chất chống oxýt hoá nhờ uống cà phê, nhưng qua trà đen chỉ được 294 mg, chuối (76), các loại hạt (72), bắp (48), rượu vang đỏ (44), bia (42), táo (39), cà chua (32), và khoai tây (28).
Các chất chống oxýt hoá trong cà phê chủ yếu thuộc loại polyphenols, được xem là tốt hơn trong phòng bệnh so với các loại khác như vitamin C và E (cũng là các chống oxýt hoá).
Vậy cà phê chống ung thư?
Chất chống oxýt hoá có tác dụng vô hiệu hoá các nhóm gốc tự do phát sinh trong cơ thể người. Nhóm gốc tự do là những chất có hại, chúng tấn công vào DNA của các tế bào lành mạnh, gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Cơ thể cũng tự sản xuất ra được chất chống oxýt hoá, nhưng càng lớn tuổi mức sản xuất càng ít đi, nên phải bổ sung từ nguồn thực phẩm, như rau quả trái cây, các loại đậu, dầu thực vật,…
Lợi ích của các chất chống oxýt hoá là điều đã được khoa học thừa nhận. Tuy nhiên, khi đưa vào cơ thể người, hiệu quả lại tuỳ thuộc cơ thể hấp thu và sử dụng chúng như thế nào. Thiên hạ lại thường suy diễn theo kiểu: chất A có công dụng này. Trong thực phẩm (chức năng) này có chất A, như vậy thực phẩm này cũng có công dụng đó. Có cả ngàn chất chống oxýt hoá trong thực phẩm mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa giải mã được hết.


Khoa học không dám xác nhận, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm chức năng thì thừa sức… dám. Họ bán hàng kiểu đa cấp, quảng cáo mát trời. Ở Việt Nam, còn lôi kéo thêm các nhà khoa học (đồng bóng) vào các cuộc hội thảo cho thêm phần… chính nghĩa.
Trong cà phê có cả ngàn loại chất chống oxýt hoá, số lượng lại gấp nhiều lần so với các loại trái cây, rau củ quả, nhưng chẳng có nhà khoa học nào dám phát biểu, uống cà phê phòng chống rủi ro ung thư.
Rang-Tẩm- Độn, hạ gục Starbucks?
Hơn 50% người Mỹ uống cà phê mỗi ngày, coi như uống “chất chống oxýt hoá”… vô tư. Số còn lại, đa số là quý bà, không uống cà phê thì nguồn chống oxýt hoá của họ chủ yếu đến từ rau đậu trái cây. Ai thọ hơn ai?
Đây là đang nói về cà phê thứ thiệt đấy nhé! Rang tẩm đủ đô mới đạt tới mùi vị… “nhãn hiệu cầu chứng”, mỗi ly chứa khoảng 100 mg caffeine.


Còn cà phê Việt Nam thuộc loại “đa dạng”. Có loại non-caffeine, làm từ đậu nành, hương liệu, vị liệu,… vừa uống cà phê vừa ngủ gật. Loại khá hơn, làm từ hạt cà phê, nhưng rang-tẩm-độn lung tung cả lên, độn là chính. Rang quá độ thì caffeine tự nhiên còn sót lại được bao nhiêu? Cà phê đen thui, đặc quánh, uống một ly mà tim đập thình thịch như gặp lại…cố nhân. Cà phê bá đạo kiểu đó mà đòi hạ gục Starbucks!
Uống cà phê chẳng ai dám càm ràm
Dân Hà Lan uống cà phê nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi ngày 2,4 tách cà phê. Nghiên cứu về cà phê ồn ào nhất lại là Mỹ, nhưng dân Mỹ mỗi ngày chỉ uống 0,93 tách. Việt Nam xuất cảng cà phê (robusta) đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil, nhưng chỉ uống 0,034 tách. Chắc mấy bả sợ uống cà phê đen da, nhăn da và… hồi hộp?
Tung hê lợi ích của cà phê đầy rẫy trên mạng, nào là phòng ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, alzheimer, thậm chí cả ung thư gan nữa, nhưng bằng chứng khoa học lại quá yếu. Ngược lại, uống cà phê có hại cũng chẳng ai dám khẳng định. Uống cà phê thấy tỉnh táo hơn, huyết áp tăng chút đỉnh, hồi hộp… thì có thể, nhưng phải uống nhiều. Còn uống vài ba tách mỗi ngày mới cỡ 300 mg caffeine là chuyện nhỏ ! Cơ địa mỗi người khác nhau. Có người uống cà phê buổi tối, trằn trọc khó ngủ. Có người đi ngủ khoẻ re.


Uống cà phê, bên ngoài khoa học không khuyến cáo, về nhà chẳng ai (dám) càm ràm. Ra quán nhâm nhi ly cà phê, bàn chuyện áp phe cả buổi. Còn uống kiểu Tây, sáng ra mắt nhắm mắt mở, trực chỉ cây xăng, nốc ực 2 shots espresso, rồi phóng xe đi cày. Uống cà phê “công nghiệp” kiểu này cũng hơi… hãi. Dân Việt khổ (và) hạnh hơn dân Tây là ở chỗ này.
Vũ Thế Thành