Tuesday, March 28, 2017

ĂN CÔN TRÙNG: BÉO, BÙI VÀ...HÃI

Hồi đó vào những tháng cuối năm, dế cơm ở đâu bay ra nhiều lắm. Mấy tay nhậu bắt dế cơm, moi ruột, nhét đậu phộng vào bụng đem chiên dòn làm mồi. Người lớn dụ con nít, ăn dế chóng lớn. Tôi muốn làm người lớn nên nhắm mắt ăn đại, nhai sơ xịa rồi nuốt chửng. Cảm giác béo, bùi và…hãi. Hơn nửa thế kỷ sau, tổ chức FAO mới kêu gọi thế giới ăn côn trùng vì tính chất bổ dưỡng của nó. Cảm giác “béo, bùi và hãi” tự nhiên sống lại…


ĂN CÔN TRÙNG: BÉO, BÙI VÀ...HÃI.

Vấn đề chính là giải quyết suy dinh dưỡng
Từ thời tiền sử loài người đã ăn côn trùng: nhộng, kiến, mối, châu chấu, cào cào, ve sầu, sâu bướm, bọ xít, bọ cạp,…Càng văn minh, con người càng xa lánh, xua đuổi, thậm chí tiêu diệt côn trùng, nói gì đến ăn uống. Chỉ mãi đến năm 2013, tổ chức Lương Nông (FAO) mới chính thức kêu gọi người ta nên ăn côn trùng vì lý do an ninh lương thực. Dân số thế giới ước tính đến năm 2050 sẽ khoảng 9 tỉ, các nguồn tài nguyên tạo ra lương thực (đất đai, sông biển, rừng,..) sẽ là sức ép lớn, kể cả môi trường.


Hiện nay có khoảng 2 tỉ người ăn côn trùng, chủ yếu ở các nước đang phát triển, với gần 2.000 loại côn trùng được liệt kê là xài được.
Nước nghèo, thịt thà đâu mà ăn! Bởi thế FAO nhấn mạnh nguồn protein dồi dào ở côn trùng sẽ là giải pháp cho vấn đề suy dinh dưỡng. Hàm lượng protein ở châu chấu là (13-28%), dế (8-25), mối (13-28). Nếu so với các loại thịt khác thì cũng đâu kém, thịt bò (19-26), cá rô phi (16-19), tôm hùm (17-19), mực (15-18).
Hàm lượng protein ở côn trùng thay đổi tùy giai đoạn phát triển. Giai đoạn ấu trùng kém hơn so với trưởng thành. Đó là chưa kể protein ở côn trùng có khá nhiều acid amin thiết yếu như lysine, threonine, tryptophan,..
Lượng chất béo thiết yếu (cơ thể người không tổng hợp được) như omega-3, omega-6 ở côn trùng cũng dồi dào. Rồi thì các loại khoáng, đặc biệt là sắt và kẽm khá nhiều. Các vitamin cũng phong phú, B1, B2, B12, A, E,..


Nói ra thì hơi ớn…
Nuôi côn trùng để làm thực phẩm mới thú vị. Để sản xuất cùng lượng protein, thì nuôi dế cần lượng thức ăn ít hơn 6 lần so với nuôi bò, 4 lần nuôi cừu, 2 lần nuôi heo gà. Đó là chưa kể côn trùng ăn uống dễ tính, nói ra thì hơi ớn, các chất thải hữu cơ phân chuồng, phân ủ, rác rưởi,…côn trùng xơi tuốt. Ăn tạp lớn nhanh, nuôi bò heo gà phải mất cả vài tháng đến 1 năm, chứ côn trùng chỉ cần vài tuần tới 1 tháng.
Dễ nuôi thì việc nuôi côn trùng phóng thích ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính và amoniac cũng ít hơn rất nhiều so với nuôi trâu bò heo gà,…
Béo bổ, rẻ tiền, lại giải quyết được vấn đề môi trường, thì chẳng trách gì FAO xúi người ta ăn côn trùng. Hãi? Thì nuôi côn trùng làm thức ăn gia súc. Cao cấp hơn thì nuôi côn trùng để chiết xuất protein. Đằng nào cũng chui vào bụng con người, trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. FAO đang nỗ lực vận động truyền thông theo hướng này.


Cũng phải “giáo dục” từ từ…
Không chỉ có kiểu chiên dòn như món dế cơm, người ta còn phăng lắm kiểu, nào là trứng kiến mỡ hành, bọ cạp nướng trui, ve sầu rang lá chanh, sushi côn trùng, còn có cả trứng kiến rang vàng cho mấy bà ăn vặt. Đó là hàng “nguyên con”. Ông Tây bà đầm nhìn thấy ớn. Một số công ty phương Tây mới đây đưa vào thị trường bột côn trùng: bột dế, châu chấu, cào cào,…kèm “hướng dẫn sử dụng” làm bánh pudding, bánh chocolate,…Nói chung để người tiêu dùng bớt hãi hơn nếu không nhìn thấy… “nguyên con”. Tuy nhiên, cũng có vài nhà hàng chơi bạo, làm bánh pizza, nhấn lên mặt bánh vài con dế chiên cho hấp dẫn.



Về mặt an toàn thực phẩm, đa số côn trùng là loại ăn cỏ (herbivores) ít có vấn đề hơn loại ăn tạp (omnivores). Điều lo ngại là côn trùng đánh bắt bị nhiễm thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Ngoài ra, côn trùng giàu protein, nên cũng có thể gây dị ứng với một số người.
Tây ngửi mắm nêm, mắm ruốc của ta thì sợ. Ngược lại, nhiều loại pho mát của Tây, ta ngửi là chạy. Khẩu vị là chuyện khó tranh luận ăn thua lắm. Món ăn cũng phải có cái gì hay mới lưu truyền được cả ngàn năm. Côn trùng cũng vậy.


Dù sao thì trở ngại an toàn trong việc ăn côn trùng không đáng kể so với trở ngại về mặt văn hóa. Béo, bổ và hãi. Vấn đề là có dám ăn hay không mà thôi.
Vũ Thế Thành



No comments: