Thursday, March 30, 2017

HOA LÚA

"Có một người con gái tôi thương
Trong lòng tôi em là hoa lúa".

(Ngô Văn Phú)


Gần như chúng ta ăn cơm hàng ngày phải không. Cơm được nấu từ hạt gạo. Gạo xay ra từ hạt lúa, Nhà nông trồng lúa, lúa trổ bông và cho hạt. Vậy thì trong số các bạn có được bao nhiêu người đã từng ngắm qua "hoa lúa" ?

Tôi mới đọc được một bài viết của Nguyễn Đăng Tấn đăng trên mạng vietnamnet, bài viết nói về việc chọn "quốc hoa" cho Việt Nam và những tranh cải về loại hoa nào, có người đề nghị hoa Lúa, trong đó có một đoạn như thế này:



..."Theo tôi chọn hoa lúa làm quốc hoa cũng có cái lý lẽ riêng. Hoa lúa đẹp trong thơ ca nhưng cũng đẹp trong hiện thực. Bạn đã bao giờ được đằm mình trong hương lúa chưa? Nhất là đi trong hương lúa, câu "hương đồng gió nội" không hẳn chỉ nói về cái sự "trở về" mà nói đúng cái bản chất mộc mạc với hương thơm rất riêng mà không có loài hoa nào có được của hoa lúa.


Một chiều gió nồm Nam bạn đi trong bạt ngàn hương lúa, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, bỗng thấy khoan khoái. Và cái màu xanh ngút ngắt ấy thân thương biết nhường nào.

Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân cả lá, như một sự hết mình, sự hòa điệu với đất trời và với nhân sinh.



Nhiều người có lý khi nói rằng Việt Nam ta là một trong những trung tâm của lúa nước. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói về cây lúa nước và về chim Lạc, loài chim được tổ tiên ta tạc trên trống đồng. Giáo sư cho rằng thực chất chim Lạc là con cò. Trong tiếng Việt cổ, ruộng lúa nước được gọi là ruộng Nác (bây giờ nhiều địa phương ở nước ta nước vẫn gọi nước là Nác). Chim gắn với ruộng Nác, ăn trên ruộng Nác là con chim Lạc. Lạc là đọc chệch của từ Nác mà ra.


Người Việt làm ruộng trồng lúa. Người Việt gắn với nghề nông, đi từ nông mà lên. Ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cây lúa gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Cây lúa vui với cái vui của cuộc đời, buồn với nỗi buồn của thế sự khi phải "nhổ lúa trồng đay" trong cuộc khai hóa văn minh của phương Tây.

Hoa lúa gắn với nét đẹp của người con gái nông thôn, thùy mị dịu dàng. Cái đẹp đó từ môi trường tạo nên, đằm thắm như hương cau, hương bưởi, hương lúa quê hương. Và cũng thật dễ hiểu, hầu như các thi sỹ viết về hoa lúa lại nghĩ đến vẻ đẹp của các cô gái nông thôn."...



Hoa Lúa không được chọn nhưng có một bài thơ của Hữu Loan nói về hoa Lúa, mời các bạn. (LKH)


HOA LÚA
Tác giả: Hữu Loan

Em là con gái đồng xanh 
Tóc dài vương hoa lúa 
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ 
Giếng ngọt, cây đa 
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm 
Nhạc quê hương say đắm 
Trong lời em từng lời 
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một 
Em ca giữa đồng xanh bát ngát 
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa 
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ 
Có dân ca quan họ 
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ 
Cầm tay trao một miếng trầu 
Yêu nhau cởi áo cho nhau 
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay 
Quê hương ta núi ngất, sông đầy 
Bát ngát làng tre, ruộng lúa 
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương 
Xa em năm nhớ, gần em mười thương 
Còn bàn tay em còn quê hương mãi 
Em mang nguồn ân ái 
Căng ngực trẻ hai mươi và trong mắt biếc nhìn anh 
Em gái quê si tình 
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn.... 
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt 
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp 
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu 
Ta đi đầu sát bên đầu 
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.

HŨU LOAN





No comments: