Một hôm có một đứa cháu hỏi ông mình: “Tại sao ông chỉ nghe đài, đọc sách mà không xem ti vi?”. Ông cụ trả lời: “Vì hình ảnh của ngôn ngữ rõ ràng hơn hình ảnh của ống kính”.
Trong Thế chiến thứ hai, một phóng viên tường thuật ngày máy bay Đức ném bom xuống thủ đô Luân Đôn, có câu: “Con chim chẳng còn chỗ mà đậu”. Chi tiết ấy vẽ ra trong trí tưởng tượng của người đọc một hình ảnh thật rõ ràng: Người ta thấy ngay một nơi hoang tàn, bị san bằng thành bình địa, vắng vẻ chẳng còn sự sống, chẳng thấy một bóng cây. Một cảnh tang thương xé nát lòng người.
Trong Thế chiến thứ hai, một phóng viên tường thuật ngày máy bay Đức ném bom xuống thủ đô Luân Đôn, có câu: “Con chim chẳng còn chỗ mà đậu”. Chi tiết ấy vẽ ra trong trí tưởng tượng của người đọc một hình ảnh thật rõ ràng: Người ta thấy ngay một nơi hoang tàn, bị san bằng thành bình địa, vắng vẻ chẳng còn sự sống, chẳng thấy một bóng cây. Một cảnh tang thương xé nát lòng người.
Một ví dụ khác mới xảy ra năm 2012. Không có hình ảnh nào mô tả ngày tận thế của nhân loại, nhưng chỉ mấy câu tiên tri vu vơ đủ làm mọi người hoang mang, khiếp đảm. Trong tâm trí mọi người, đời sống chỉ còn một màu đen, ảm đạm, chết chóc. Ở bên trời Âu nhiều người dân Pháp bỏ nhà cửa chạy lên núi Pic de Bugarach. Họ tin rằng, khi lịch của người Maya chấm dứt vào ngày 21/12/2012 thì thế giới sẽ sụp đổ và chỉ có những cư dân làng này thoát nạn. Ở Mỹ, giới giàu có bỏ ra năm, bảy chục ngàn đô đặt mua một hầm trú ẩn kiên cố, tiện nghi đặt bên dưới nhà. Ở quận Bình Tân, nhiều công nhân tay làm hàm nhai cũng hoang mang, đứng ngồi không yên, bỏ công ăn việc làm, vét hết tiền bạc chạy đi mua đèn cầy, mì gói, gạo, mắm mang về nhà nằm chờ ngày tận thế.
Nếu bạn còn nghi ngờ về sức mạnh của ngôn ngữ, mời bạn hãy tưởng tượng về nội dung của video clip này: Một người mù ngồi ăn xin trên đường phố. Cạnh ông có mẩu giấy xé từ thùng mì ăn liền, nguệch ngoạc bằng bút bi mấy chữ: “Tôi mù. Hãy giúp tôi”. Người người qua đường không ai không thấy sự hiện diện của ông ta, không ai không đọc tờ giấy đó, nhưng đoàn người vẫn nối đuôi nhau dửng dưng đi qua, họa hoằn mới có một đồng xu rơi xuống chỗ ông ngồi. Chuyện đã khác đi khi một cô gái đến gần đọc tấm giấy bìa, bỏ đi nhưng rồi cô quay lại ngay. Cô vừa nẩy ra một sáng kiến để giúp người ăn xin. Cô lật tờ giấy, lấy bút ra viết mấy chữ sau lưng, xong đặt lại chỗ cũ. Dòng người vẫn tiếp tục đi, nhưng lạ thay, nhiều người đã dừng lại, những đồng xu bố thí bắt đầu rơi xuống như mưa và những tiếng lộp độp vui tai đó đã làm khuôn mặt khắc khổ của người mù thoáng hiện nét rạng rỡ của một nụ cười. Bạn biết cô gái đã viết gì không? “Hôm nay trời đẹp. Tôi không nhìn thấy”. Video clip này đã có hơn bảy triệu lượt người vào xem, trong số đó không ít người đã xem đi xem lại nhiều lần. So sánh hai câu trên, không ai phủ nhận sức mạnh hình ảnh trong mấy chữ vắn tắt cô gái viết ra. Ai đọc xong cũng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người bất hạnh và chợt nhận ra mình còn may mắn hơn ông ta. Nỗi vui mừng đó thúc đẩy họ làm một nghĩa cử cao đẹp.
Hình ảnh của ống kính không gây được hiệu ứng như vậy. Tấm ảnh bé gái trần truồng hốt hoảng chạy dưới một trời bom đạn có thể gây chú ý, gây sốc, nhưng sẽ không có ý nghĩa sâu sắc nếu bên cạnh không chua dòng chữ: “Cô gái na-pan”.
Một cuộc tranh luận hơn thua giữa hình ảnh ống kính và hình ảnh của lời nói trên mạng đã thu hút nhiều người tham gia, đa số là giới trẻ. Hầu hết họ tôn vinh sức mạnh của hình ảnh qua ống kính. Vấn đề ở đây không nằm ở chỗ hơn thua, mà là yếu tố nào tích tụ lại và tạo nên cái vốn văn hóa nơi mỗi con người chúng ta. Cuộc tranh luận đi vào bế tắc vì giới trẻ không nhìn vấn đề như vậy.
Hình ảnh ống kính không nói lên hết câu chuyện muốn nói, không đánh động được những tình cảm sâu lắng trong lòng người. Lời nói lưu lại trong tâm trí chúng ta lâu dài hơn, có khi ăn sâu vào tâm khảm, khó mà gỡ bỏ được. Truyện tranh sẽ không ai đọc nếu không có lời minh họa. Hàng triệu người xem phim câm Charlot nhưng thử hỏi có được mấy người hiểu hết cái triết lý cao siêu Charlie Charplin muốn gởi gắm?
Cuối một đời người, những gì còn lại trong tâm trí mỗi chúng ta chắc chắn không phải là một hình ảnh cụ thể nào, mà đó chính là những câu danh ngôn, luân lý, triết lý hoặc ca dao tục ngữ thâm trầm mà ta đã gom nhặt để làm hành trang trong cuộc sống. Có lần một người nói với Đức Phật: Tôi muốn Hạnh Phúc.
Phật nói:
Trước hết hãy từ bỏ “Tôi”, tức cái ngã.
Tiếp đến hãy từ bỏ “muốn”, tức là dục vọng. Tất cả những gì còn lại là Hạnh Phúc.
Tiếp đến hãy từ bỏ “muốn”, tức là dục vọng. Tất cả những gì còn lại là Hạnh Phúc.
Ai đã đọc, nghe mẩu chuyện trên chắc chắn sẽ khó mà quên hai câu Đức Phật nói. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta đã hiểu, tâm đắc và sống theo chân lý ấy. Ngôn ngữ con người quả thật kỳ diệu.
NGUYỄN HỒNG
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 176
No comments:
Post a Comment