Sunday, March 26, 2017

HỒ CON RÙA


"Thương thay thân phận con rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia."
(Cadao)

Hồ Con Rùa ngày ấy...bây giờ


Dường như trong TP.HCM không có giao lộ nào với một tiểu đảo có nhiều đổi thay và gắn liền với lịch sử bằng hồ Con Rùa. Vị trí để có hồ Con Rùa ngày nay có từ cuối thế kỷ 18. Trải qua hàng trăm năm, vị trí này đã nhiều lần thay đổi từ hình thức đến nội dung và cả tên gọi.

Thương thay thân phận con rùa ...


Hồ Con Rùa ở ngay giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Võ Văn Tần và Trần Cao Vân (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Ngày nghỉ rất đông người dạo chơi. Không còn một ghế trống. Khách đến đây đủ các thành phần. Sinh viên, học sinh, trí thức, thợ thuyền. Già có trẻ có. Nam có nữ có. Người lớn thì tìm góc khuất thu mình ngắm thiên hạ dạo chơi. Người trẻ thì lăng xăng ghi lại hình ảnh...


Lầu nước, nơi đây sau này sẽ là vị trí hồ Con Rùa
Một già một trẻ đang đắt tay nhau. Đứa bé chừng 12 tuổi. Ông già có lẽ cũng đã bước vào ngưỡng 70. Chúng tôi cùng đi trên một lối đi hẹp. "Ông nội ơi nãy giờ con có thấy con rùa nào đâu mà gọi là hồ con rùa hả ông ?". Nhận xét của đứa bé quả không sai. Dưới nước không có rùa đã đành. Trên khô cũng không có một hình tượng rùa nào. Thế mà vẫn gọi đây là hồ Con Rùa!

Ông già nở nụ cười, con còn nhỏ đi chơi mà biết nhận xét thế là giỏi lắm. Đúng đó con, ngày xưa, cũng không xưa lắm đâu nơi đây có tượng một con rùa trên lưng có mang tấm bia. Ca dao có câu "Thương thay thân phận con rùa, Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia". Ở đây không phải chùa nhưng nó vẫn phải đội tấm bia to nhưng giờ thì mất rồi.

Sự hiểu biết của đứa bé chỉ cần giải thích như thế là đủ. Nhưng với chúng tôi, những người sống trong giai đoạn đó đã từng thấy con rùa và cũng đã hiểu vì sao nó lại mất đi.

Công trường chiến sĩ
Trước khi có tên hồ Con Rùa thì nơi đây là công trường Chiến Sĩ. Theo các giai thoại truyền miệng năm 1967, tướng Nguyễn Văn Thiệu lên cầm quyền tại miền Nam đã nghe lời chiêm tinh gia Huỳnh Liên sửa đổi lại công trường Chiến Sĩ cho phù hợp với vận mệnh của mình. Theo Huỳnh Liên, vị trí của dinh Độc Lập là vị trí đầu rồng nằm trên long mạch dẫn đến đuôi rồng tại Công trường Chiến Sĩ. Long mạch này sẽ giúp người chủ dinh phát hưng vượng. 

Tuy nhiên, do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền. Vì vậy cần phải đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không cho rồng vẫy đuôi nữa thì mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài.

Như vậy tại Công trường Chiến Sĩ sẽ có tượng 1 con rùa to đúc bằng đồng đang gồng mình đỡ một tấm bia thạch anh ghi danh sách một loạt các nước viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền miền Nam. Sau khi hoàn tất, công trình này được đổi thành tên thành Công trường Quốc tế. Tuy nhiên, chính vì có tượng con rùa, người dân vẫn thích gọi là hồ Con Rùa.

Rùa và bia. Bia ghi tên các quốc gia
Có rất nhiều nhận định về hồ Con Rùa. Có người cho rằng kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm, đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng. Một số người khác thì lại quả quyết kiến trúc tháp lại giống hình đuôi rồng vươn cao, nhưng có con rùa đè chặt ở phần đầu ngọn. Cũng có người có điều kiện từ trên cao nhìn xuống thì toàn thể kiến trúc trông giống như một con rùa. Năm 1976, xảy ra vụ án hồ Con Rùa. Tượng con rùa đội bia bị một nhóm phá hoại đặt chất nổ phá bỏ.

40 năm sau sự cố đó, hồ Con Rùa vẫn hiên ngang với nắng mưa. Nơi đây trở thành nơi dừng chân của những đôi tình nhân hò hẹn, của học sinh, sinh viên sau giờ học tìm đến vui chơi, của những người già tìm chút thư giãn cuối đời. Hàng loạt quán cà phê máy lạnh, nhà hàng sang trọng mọc lên góp phần tăng sự hấp dẫn của hồ Con Rùa.

Lịch sử hình thành

Tai vị trí hồ Con Rùa bây giờ, vào năm 1790 là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Sau đó, vua Minh Mạng đã đổi tên Khảm Khuyết thành Vọng Khuyết. Năm 1837, Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng. Vị trí cửa Vọng Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành và nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông.

Đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay vẫn còn cây dài bóng mát như xưa.
Đến đời Tự Đức, sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông người Pháp đã cho phá bỏ thành Phụng vào ngày 8.3.1859 rồi xây dựng thành phố vào 3 năm sau đó.

Dựa trên những con đường sẵn có trong thành Phụng, người Pháp sắp xếp lại khu hành chính mới. Hồ Con Rùa hiện nay nằm ở cuối con đường dẫn ra bến sông được đánh số 16. Về sau, con đường này được phó đô đốc hải quân Pháp Pierre-Paul de la Grandière đặt lại là đường Catinat (sau này là đường Tự Do rồi bây giờ là Đồng Khởi).

Ở khu vực này lúc bấy giờ khá đông dân. Vì thế, năm 1878 một lầu nước kiên cố được xây dựng để phục vụ người dân. Đoạn đường từ phia sau lầu nước đến nhà thờ Đức Bà được đổi tên thành đường Blancsubé. Con đường này được mở rộng và kéo dài đến đường Mayer (đường Hiền Vương và bây giờ là Võ Thị Sáu) khi lầu nước bị đập bỏ vào năm 1921. Đoạn đường mới mở có tên là Garcerie.

Đường Blancsubé và đường Garcerie nối với nhau thành một đường thẳng bị đường Testard (đường Võ Văn Tần) và đường Larclauze (đường Trần Cao Vân) cắt thành một giao lộ được đặt tên là Công trường Maréchal Joffre. Đây chính là vị trí hồ Con Rùa ngày nay.

Hồ Con Rùa bây giờ.
Trong khoảng thời gian này, người Pháp cho xây dựng giữa giao lộ một tượng đài bằng đồng có 3 binh sĩ Pháp và một hồ nước nhỏ để đánh dấu cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Người Pháp gọi đây là công trường Chiến sĩ nhưng trong dân gian cứ gọi là công trường Ba hình.

Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm phá bỏ tượng 3 binh sĩ Pháp chỉ để lại hồ nước đồng thời đặt lại tên đường Garcerie thành đường Duy Tân.

Đến năm 1967, tướng Thiệu tiến hành cho xây dựng công trường Quốc Tế nhằm vinh danh các quốc gia có viện trợ kinh tế lẫn quân sự cho chính quyền chế độ cũ.

Người thiết kế công trường Quốc Tế là kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Theo nhận định của nhiều người, hiện trạng hồ Con Rùa có nhiều đổi khác so với thiết kế ban đầu. Nguyên nhân cũng vì sự mê tín của tướng Thiệu mà ra. Từ khi công trình có tượng con rùa bằng đồng mang trên lưng tấm bia cao ghi tên các nuóc thì người dân bắt đầu gọi là hồ Con Rùa mà quên đi tên chính thức của nó...


Đường Duy Tân bây giờ là đường Phạm Ngọc Thạch. Cho dù không còn con rùa, nhưng với "cây dài bóng mát, với khung trời đại học" hồ Con Rùa vẫn mãi mãi là một địa danh, một khu vực rất đẹp trong lòng người Sài Gòn và du khách mỗi khi đến Sài Gòn.

Trần Chánh Nghĩa
(Theo Vietnamnet)

No comments: