Đặc biệt là trong thời kỳ phong kiến hưng thịnh. Vào thời ấy, quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đang được đề cao một cách tuyệt đối. Vậy nên, trai gái yêu nhau lãng mạn là chuyện cực kỳ hãn hữu.
Tuy nhiên, nếu lấy văn thơ làm bằng chứng để so sánh thì chưa chắc bây giờ thanh niên yêu đã lãng mạn hơn các cụ ngày xửa ngày xưa.
Nhân ngày xuân, xin chép tặng các bạn trẻ những bài thơ tình từ thời nhà Đường và xin bạn đọc hãy suy ngẫm để lý giải cho câu hỏi: (LKH)
Thời nào yêu lãng mạn hơn?
Nam nữ bây giờ yêu nhau mạnh bạo do được giải phóng về quan niệm yêu đương. Nhưng từ thời thịnh Đường, vào khoảng những năm 700, Đỗ Thu Nương đã viết bài thơ “Kim lũ y”:
“Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi”
Xin tạm dịch nghĩa là:
“Chàng ơi, chàng đừng tiếc cái áo thêu kim tuyến của em.
Chàng hãy tiếc cái tuổi đương thì của em
Em là cành hoa, chàng bẻ được thì bẻ đi
Đừng chờ cây hết hoa, bẻ cành không thì bẻ làm gì?”
Nhà thơ Quyền Đức Dư thì có bài thơ “Quần đới giải” tuyệt hay về ý nghĩa của son phấn:
“Tạc dạ quần đới giải
Kim triêu hỷ tử phi
Diên hoa bất khả khí
Mạc thị cảo châm quy”
Tạm dịch nghĩa:
“Tối qua em ngủ, em cởi bỏ dải quần
Sáng thấy niềm vui như loài hỷ phơi phới bay ra
Em cứ giữ mãi mùi son phấn đã dùng
Thì thế nào chàng cũng quay trở lại với em”
Các bạn nữ đọc bài thơ này rồi hãy chọn cho mình một loại nước hoa, son phấn có thể giữ được lòng trai.
Kim Xương Tự lại có bài thơ nói về nỗi “bực mình” về tiếng hót của con chim oanh:
“Đả khởi hoàng anh nhi
Mạc giao chi thượng đề
Đề thời kinh thiếp mộng
Bất đắc đáo Liêu Tê (Tây)”
Tạm dịch nghĩa:
“Hãy đuổi hộ thiếp con oanh vàng kia đi
Con chim oanh đang hót trên cành cây đấy
Nó hót làm thiếp tỉnh giấc mộng
Vì trong mơ thiếp được đến với chàng ở Liêu Tây”
Lý Bạch, một người được coi là tiên tửu đã có những bài thơ tuyệt hay về rượu và uống rượu. Nhưng ông cũng có một bài thơ tuyệt hay về tình yêu:
“Đương quân hoài quy nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi”
(Xuân tứ)
Tạm dịch nghĩa:
“Lúc chàng đang muốn về quê
Thì cũng là lúc ruột thiếp đang đứt ra từng khúc vì nhớ chàng
Gió xuân kia, ta với mi có quen biết gì đâu
Tại sao lại thổi tung màn của ta để chui vào?”
Một người con gái nhớ chồng đến mức khó chịu với cả làn gió xuân khi làn gió “tự tiện” vào màn với mình thì quả thật là chưa từng thấy.
Rồi lại có một người mong muốn nước mắt của mình biến thành mưa để cho người chồng mình không đi chinh chiến nữa. Đó là Trương Mỹ Dung:
“Nhất áp xuân giao vạn lý tình
Dặm trường phương thảo dặm trường oanh
Nguyện tương song lệ đề vi vũ
Minh nhật lưu quân bất xuất thành”
Tạm dịch:
“Một chén rượu tiễn chàng đi vạn dặm
Dặm trường não nùng cỏ biếc, não nùng lời chim oanh
Thiếp mong giọt lệ thành mưa nhỏ
Để nói bước chân chàng không đi xa”
Có một bài thơ tuyệt hay của một tác giả vô danh mà sau này không biết nhạc sĩ Xuân Hồng có lấy ý để đưa vào bài hát “Chiếc khăn tay” hay không? Chuyện là vào thời nhà Đường, giặc Hung Nô xâm lấn bờ cõi, nhà vua phải cử các đội quân đồn trú ở biên cương. Để giúp đội quân này có thêm áo ấm, vua vận động mọi người khâu áo gửi cho lính ngoài biên ải. Tất nhiên, các cung nữ trong thành cũng phải tham gia. Có một người lính khi nhận được chiếc áo bông, thấy phía sau áo dày lên một cách đáng ngờ liền tháo chỉ và phát hiện ra trong đó có một tấm vải, trên đó có chép bài thơ:
“Sa trường chinh thú khách,
Hàn khổ nhược vi miên?
Chiến bào kinh thủ tác,
Tri lạc a thùy biên;
Súc ý đa thiêm tuyến,
Hàm tình cánh trước miên,
Kim sinh dĩ quá dã,
Trùng kết hậu sinh duyên”
Dịch thơ:
“Sa trường người lính chiến
Đêm lạnh ngủ chẳng yên
Áo ấm tay trân trọng
Đến ai nào biết tên
Tình sâu, mũi kim nhặt
Ý nặng, lớp bông dày
Kiếp này thôi đã lỡ
Xin hẹn kiếp sau này”
Người lính có được bài thơ không dám giấu, mà mang nộp cho viên tướng chỉ huy. Viên tướng mang về bẩm vua. Nhà vua gọi các cung nữ ra tra hỏi người viết bài thơ này. Một cung nữ cúi đầu sợ hãi nhận. Nhà vua thương xót bèn gọi người lính về và gả cô cung nữ cho người lính. Một cái kết thật có hậu!
Có một bài thơ nói về sự tương tư của trai gái yêu nhau mà các thế hệ người Việt đã từng học chữ Hán trước đây ai cũng biết, đó là “Trường tương tư” của Lương Ý Nương.
Có câu chuyện rằng, một cô gái tên là Lương Ý Nương nhà ở ven bờ sông Tương yêu một chàng trai cũng sống ven sông Tương, nhưng ở phía trên. Không hiểu sao bố mẹ chàng trai không cho họ được kết hôn. Buồn quá, cô gái (Lương Ý Nương) đã làm bài thơ “Trường tương tư” rồi gửi cho chàng trai. Anh chàng mang bài thơ cho cha mẹ đọc. Đọc bài thơ xong, ông bà cảm động và cho phép chàng trai lấy cô gái.
Có một điều kỳ lạ ở bài thơ này là lời chữ Hán khi được dịch sang lời Việt không khác nhau là mấy.
Nhân ngày xuân, xin đọc lại bài thơ này để so sánh mình có được như người xưa hay không?
“Hoa hoa lá lá rụng bời bời
Lòng nhớ người, sao chẳng thấy người
Ruột muốn đứt thêm, thêm đứt ruột
Châu rơi thành ngấn, lại châu rơi
Ta có một tấc lòng
Không có ai mà hỏi
Muốn nhờ gió đuổi mây
Để được cùng trăng nói
Ôm đàn lên lầu cao
Lầu cao trăng dãi khắp
Tương tư khúc chẳng thành
Lệ nhỏ giây đàn đứt
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu có bến lội
Tương tư không bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương
Trong mơ không được gặp
Chỉ có chết mà thôi
Đã vào cửa tương tư
Mới biết tương tư khổ
Trường tương tư, trường tương tư
Trường tương tư dài thương nhớ
Sớm biết nỗi đau này
Xin đừng cùng nhau biết”
Đọc những bài thơ trên, các bạn thử xem mình đã lãng mạn bằng người xưa khi yêu chưa?
Kim Triêu
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment