Xuân Nhật Tây Hồ Ký Tạ Pháp - Âu Dương Tu
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Dao tri hồ thượng nhất tôn tửu,
Năng ức thiên nhai vạn lý nhân.
春日西湖寄 謝法
歐陽修
酒逢知己千杯少,
話不投機半句多。
遙知湖上一樽酒,
能憶天涯萬里人。
Ngày Xuân ở Tây hồ gởi ông Tư Pháp họ Tạ (Dịch thơ: Lưu Khâm Hưng)
Cùng bạn hiền ngàn ly không đủ,
Kẻ không quen không muốn nửa lời.
Trên hồ một chén chơi vơi,
Nhớ người bạn cũ chân trời xa xăm.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Âu Dương Tu (1007 - 1072), (chữ Hán: 歐陽修) tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc.
Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.
Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại "thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Tuý Ông đình ký, Mai Thánh Du thi tập tự, Thu thanh phú, Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với 6 cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).
Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.
Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.
Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ, thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh tham gia thi tiên sĩ, liên tục đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.
Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.
Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.
Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tằng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân và 2 con là Tô Đông Pha, Tô Triệt.
Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).
(Sưu tầm trên mạng)