Wednesday, February 28, 2018

ĐỪNG GỌI VỢ LÀ BÀ XÃ!

Đêm tân hôn, Tèo ôm chầm lấy vợ ngọt ngào nói:

- Kể từ hôm nay em đã là bà xã của anh rồi. Cứ nghĩ tới việc mỗi sáng thức dậy đều nhìn thấy bà xã là đủ hạnh phúc rồi.


Vợ Tèo nghiêm mặt:

- Anh đừng gọi em là bà xã.

- Chứ biết gọi thế nào đây? - Tèo nũng nịu.

- Thì anh cứ gọi là vợ yêu hay gì cũng được, đừng gọi là bà xã. - Vợ anh nói chắc nịch.

Tèo tò mò:

- Sao thế?

Vợ Tèo hắng giọng:

- Tôi còn lạ gì đàn ông các anh. Gọi bà 'xã' để bên ngoài có thêm các bà 'tỉnh', bà 'huyện', bà 'trung ương' và nhiều bà 'địa phương' các nữa chứ gì?

- !!!
(Sưu tầm trên mạng)

CHUYỆN ĐỜI VAN GOGH QUA NHỮNG KIỆT TÁC HỘI HỌA

Chung quanh cuộc sống của thiên tài hội họa Vincent Van Gogh vẫn còn nhiều bí ấn và tin đồn. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân của những rối loạn tâm thần, cũng như cái chết đột ngột của ông.

Nhìn vào những kiệt tác của Van Gogh, chúng ta có thể hiểu được phần nào chuyện đời của danh họa Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng.


Chân dung tự họa với chiếc tẩu - Câu chuyện về chiếc tai



Theo lập luận khoa học, tai của Van Gogh không lành lặn là do xô xát với một đồng nghiệp 
là Paul Gauguin
Nghiên cứu Chân dung tự họa với chiếc tẩu (1886) của Van Gogh, nhiều giả định đã được đưa ra, trong đó một số người tin rằng danh họa đã tự cắt tai của mình, một số khác lại khẳng định ông buộc phải cắt bỏ một số thùy trên tai do tình trạng viêm nhiễm, chưa kể một bộ phận khẳng định Van Gogh tự cắt tai do không hài lòng với các bức tranh của mình. Tuy nhiên, theo lập luận khoa học, vào thời điểm gần với sự ra đời của bức tranh, lúc Van Gogh đang sống ở miền Nam nước Pháp, giữa ông và một nghệ sĩ khác là Paul Gauguin đã xảy ra một vụ xô xát nhỏ mà nguyên do đến từ một cô gái hành nghề ở nhà thổ của địa phương. Vụ ẩu đả này đã làm Van Gogh bị thương khá nặng ở vùng tai.

Sunflowers – Kết quả của việc chế ngự chứng động kinh



Rượu absinthe là một trong những yếu tố tác động mạnh tới tư duy sử dụng màu sắc 
trong bức Sunflowers của Van Gogh

Những sắc thái phong phú của màu vàng trong bức tranh Sunflowers (Hoa hướng dương) của Van Gogh đã được các nhà khoa học giải thích là do danh họa sử dụng quá liều thuốc trị bệnh động kinh. Trong đó, rượu absinthe là một trong những yếu tố tác động mạnh tới tư duy sử dụng màu sắc của Van Gogh.

Starlight night – Kiệt tác giữa những cơn điên



Bức Starlight night được vẽ trong một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence

Starlight night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong thời gian điều trị bệnh tại một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence (Pháp). Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông. Trong bức tranh vẽ bầu trời cuộn xoáy, Van Gogh đã thay đổi vị trí của chòm sao Đại Hùng từ phía Bắc sang phía Nam. Đây cũng là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ trường phái ấn tượng thế hệ sau này.

The Potato Eaters – Bức tranh đánh dấu mối duyên với hội họa



The Potato Eaters mô tả cuộc sống mê muội, tối tăm, khổ ải của những người nông dân

Một trong những bức tranh đầu tay và nổi tiếng của Van Gogh là The Potato Eaters (Những người ăn khoai – 1885), khi ông đã 32 tuổi. Điều bất ngờ hơn cả là Van Gogh chỉ bắt đầu vẽ khi đã 27 tuổi. Trước đó, danh họa từng kinh qua nhiều công việc khác nhau, thậm chí nuôi dưỡng ý chí trở thành một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, cuối cùng, Van Gogh đã chọn vẽ tranh với chủ đề đầu tiên là mô tả cuộc sống mê muội, tối tăm, khổ ải của những người nông dân. Khi Van Gogh chuyển tới Paris vào năm 1886, ông đã gặp các họa sĩ trường phái ấn tượng nổi tiếng, và đó cũng là khởi nguồn thực sự cho sự nghiệp lừng lẫy của ông.

Van Gogh’s Bedroom – Căn phòng ngủ lập dị



Phòng ngủ của Van Gogh

Không chỉ Van Gogh mà em trai ông – Theo Van Gogh, cũng là một người vô cùng kỳ lạ. Mỗi ngày, em trai ông dành dụm 15 francs cho tới khi có đủ 300 francs để sắm sửa đồ nội thất cho một căn phòng ở Arles, miền Nam nước Pháp vào năm 1888. Đây chính là nơi Van Gogh trú ngụ, tránh xa những phê bình mà ông hết sức dị ứng. Ngay sau đó, Van Gogh đã quyết định sơn lại toàn bộ các vật dụng trong căn phòng này để trở nên phong cách hơn, và ông cũng vẽ một bức tranh kỷ niệm mang tên Van Gogh’s Bedroom (Phòng ngủ của Van Gogh) để ăn mừng sự kiện này.

Red Vineyard at Arles – Bức tranh bán được duy nhất của Van Gogh




Sinh thời, Van Gogh không có được sự vinh danh xứng đáng. Thiên tài là một danh xưng xa xỉ đối với danh họa. Ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất là Red Vineyard at Arles (Vườn nho đỏ ở Arles). Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời.

Wheat Field – Bức tranh cuối cùng của Van Gogh



Wheat Field – Bức tranh cuối cùng của Van Gogh

Vào thời điểm năm 1889 - 1890, vì bệnh tật, Van Gogh cảm thấy cuộc sống thật vô vọng và bản thân là gánh nặng đối với em trai. Sau khi tự bắn vào ngực để tự kết liễu, Van Gogh còn cầm cự được thêm hai ngày và còn tiếp tục vẽ nốt bức tranh còn dang dở - Chân dung Adeline Ravoux. Trước khi lìa đời, Van Gogh chỉ thốt ra một câu duy nhất “La tristesse durera toujours" - "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi". Em trai của danh họa đã thu thập tất cả các tác phẩm của anh trai, vợ của ông cũng công bố bức tranh cuối cùng của Van Gogh - Wheat Field (Đồng lúa mì). Tuy nhiên, gần đây, hai nhà khoa học là Stephen Neifi và Gregory White Smith đã phủ nhận Van Gogh tự vẫn mà cho rằng ông chết do quả đạn lạc của hai cậu bé vô danh.

100 năm sau khi qua đời, công chúng và giới nghệ thuật mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của Van Gogh. Ông được vinh danh là thiên tài hội họa. Nhiều tác phẩm của Van Gogh cũng được ngợi ca là kiệt tác đắt giá nhất của nghệ thuật đương đại, xuất hiện ở vô số các bộ sưu tập của các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới.


Theo: Trí Thức Trẻ

TỪ BI LÀ PHONG THỦY TỐT NHẤT

Người xưa có câu “Địa linh nhân kiệt”, nói lên đất có linh và vạn vật trên mặt đất cũng đều có linh. Ai thích lấy việc giúp người làm niềm vui thì sẽ được càng nhiều quý nhân phù trợ, còn người thích phó xuất, cống hiến thì phúc báo sẽ tích lũy ngày càng nhiều.


Triệu Tử Hào buôn bán phát tài, bèn mua mảnh đất ở ngoại thành rồi xây nên tòa biệt thự ba tầng, có vườn hoa hồ bơi rất khí phái. Sân sau còn có một cây vải đã trăm năm tuổi, và đây cũng chính là một trong những lý do Triệu Tử Hào mua mảnh đất này, vì vợ của anh rất thích ăn trái vải.

Lúc lắp đặt thiết bị, bạn bè đều khuyên Triệu Tử Hào tìm thầy phong thủy xem trước để tránh phạm sát khí.

Vốn là người không tin phong thủy, nhưng lần này Triệu Tử Hào lại tán thành ý kiến đó, đặc biệt đi đến Hong Kong thỉnh đại sư họ Tào khá nổi tiếng, đã xem phong thủy hơn 30 năm. Sau khi mời đại sư ăn cơm trong thành phố, Triệu Tử Hào lái xe chở Tào đại sư về vùng ngoại thành.

Trên đường đi, nếu phía sau có xe muốn vượt qua, Triệu Tử Hào đều né qua một bên. Thấy vậy Tào đại sư cười nói: “ Ông chủ Triệu lái xe vững chắc quá nhỉ! “. Tuy là người Hong Kong nhưng Tào đại sư nói câu này bằng tiếng phổ thông cũng tương đối lưu loát.

Triệu Tử Hào cười đáp: “ Những người muốn vượt qua đa số đều có việc gấp, tôi không muốn khiến họ bị chậm trễ “.

Đi đến thị trấn nhỏ, con đường hẹp hơn nhiều so với trong thành phố, Triệu Tử Hào liền giảm tốc độ xe lại. Xe đang chạy thì bất ngờ có một đứa trẻ chạy giỡn từ trong hẻm lao ra, Triệu Tử Hào lập tức giẫm phanh, bẻ tay lái, khó khăn lắm mới tránh được, sau khi đứa trẻ chạy đi, anh cũng không nhấn ga đi liền, mà nhìn vào đầu ngõ giống như đang chờ cái gì đó, một lát sau lại có một đứa trẻ khác chạy ra, đuổi theo đứa trẻ trước.


Tào đại sư kinh ngạc hỏi, “ làm sao cậu biết sau đó còn có đứa trẻ khác vậy? “.

Triệu Tử Hào trả lời, “ con nít đều là dí nhau đuổi bắt, nếu chỉ có một đứa trẻ thì nó cũng sẽ không cười vui vẻ đến thế “.

Nghe vậy, Tào đại sư liền giơ ngón tay cái lên cười nói: “ Cậu thật có tâm! “.

Khi xe vừa đến biệt thự, sân sau đột nhiên bay lên bảy tám con chim, Triệu Tử Hào thấy thế thì đứng lại ở cửa ra vào xin lỗi Tào đại sư: “ Phiền đại sư chờ một lát hãy vào “.

“ Có chuyện gì sao? “
, Tào đại sư một lần nữa kinh ngạc hỏi.

Triệu Tử Hào vừa cười vừa nói, “ sân sau chắc chắn có trẻ con đang hái trộm vải, nếu bây giờ chúng ta đi vào, chúng sẽ sợ hãi, lỡ như trong lúc quýnh quáng mà té khỏi cây thì không tốt “.

Tào đại sư im lặng một lát rồi nói, “ ta không cần nhìn phong thủy cho nhà của cậu nữa rồi “.



Lần này đến phiên Triệu Tử Hào kinh ngạc, “ tại sao vậy đại sư? “.

“ Nơi nào có cậu thì đều là phong thuỷ bảo địa “
, Tào đại sư đáp.

Nội tâm nghĩ đến sự yên vui của người khác thì người được lợi không chỉ họ mà còn cả bản thân chúng ta…
Xem phong thủy thì từ bi chính là phong thủy tốt nhất!
Tú Văn

CHIẾC NHẪN RƠI GIỮA ĐỜI


Một ngày nọ, ông Billy Ray Harris – một người lang thang 55 tuổi, ăn xin tại đầu đường Kansas (năm 1861 được công nhận là tiểu bang 34 thuộc miền Trung nước Mỹ). Một cô gái tên Sarah Darling đi ngang qua, cho vào trong chén của ông một ít tiền, nhưng cô không chú ý rằng chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào chén.


Sau khi Billy thấy, ông muốn bán chiếc nhẫn đi, có chủ tiệm ra giá 4000 đô-la. Đối với một người lang thang mà nói, đó đúng là một số tiền to lớn, nhưng Billy nghe xong lại do dự…

Sau mấy ngày cân nhắc, Billy quyết định đem chiếc nhẫn trả lại cho người đã mất. Ông ngồi đợi và trả nhẫn lại cho Sarah.


Khi Sarah nhận lại chiếc nhẫn đã mất của mình, cô vô cùng cảm kích, bởi vì đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô, ý nghĩa vô cùng to lớn. Để tỏ lòng cảm ơn, Sarah và người chồng hứa hôn của mình quyết định quyên tiền cho Billy, giúp ông có một cuộc sống bình thường như mọi người. Lúc ấy, hai người cho rằng có lẽ được vài ngàn thôi, không ngờ nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó, đều rất cảm động, ba tháng sau đã quyên được gần 190 ngàn đô-la.


Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe, nhưng vận may vẫn chưa hết.

Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi, cuối cùng đã tìm được ông. Ông cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

Billy và vợ chồng Sarah

Billy và người nhà đoàn tụ.

Cứ như vậy, Billy không chỉ có tiền, tìm lại được gia đình, mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô.


Sau khi Sarah kết hôn, cô có một đứa bé. Cô nói sẽ kể cho con của cô rằng Billy đối với gia đình cô quan trọng thế nào. Hơn nữa, câu chuyện chân thật này sẽ giúp đứa trẻ hiểu được điều gì là đúng, điều gì là sai. Như vậy, nhiều người đã hợp sức để thay đổi cuộc đời một người xứng đáng với sự trợ giúp đó.


Bây giờ, khi mọi người nhìn thấy Billy, họ không phải bố thí nữa, mà là nắm tay ông, chúc mừng ông.

Billy nói, khi nhớ lại nỗi khổ trước kia, ông vô cùng cảm tạ các vị Thần đã cho ông cơ hội này, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông sẽ sống thật tốt, để những người trợ giúp ông biết tấm lòng của họ không hề uổng phí.

Đây thật giống một câu chuyện thần thoại, các vị Thần để một kẻ lang thang nhặt được chiếc nhẫn, thử thách lòng tham của ông, kết quả kẻ lang thang vượt qua được cám dỗ, từ đó về sau sống một cuộc sống hạnh phúc.


Qua câu chuyện này, phải chăng có thể nói rằng, khi chúng ta làm việc tốt, bằng cách này hay cách khác chúng ta sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp cho tương lai của mình?

(Sưu tầm trên mạng)
Link tham khảo:



CHÙA ÔNG BỔN Ở CẦU KÈ

Quê ngoại của tôi ở Bến Cát thuộc huyện Cầu Kè, Trà Vinh trước thì gọi là tỉnh Vĩnh Bình. Tôi sinh ra ở xã An Phú Tân,Bến Cát, lớn lên có về Cầu Kè mấy lần bằng tàu từ bến Ninh Kiều xuống Trà Ôn rồi theo mấy con sông nhỏ đến Cầu Kè. Lúc đó thời chiến tranh nên khi xuống Cầu Kè có khi bị mấy ông du kích chận lại bắt lên bờ giữ cũng lâu lắm, tôi còn nhỏ nên chẳng nhớ mấy ổng nói gì nhưng sau đó thì gia đình tôi cũng ngại nên không xuống nữa.


Với tôi thì Cầu Kè không có ấn tượng gì lắm nhưng lúc nào cũng nhớ má tôi nói chùa "Ông Bổn" ở Cầu Kè linh lắm. Tôi chưa từng thăm chùa nên tôi cũng chẳng biết chùa thờ ai và tại sao có cái tên là "Chùa Ông Bổn". Hôm nay đọc được một tài liệu vế chùa nên post lên:

Lễ hội vu lan tại Cầu Kè - Chùa Ông Bổn với giá trị văn hóa và sinh hoạt lễ hội

Lễ hội vu lan tại Cầu Kè - Trà Vinh

Hàng năm, vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch, các chùa Phật giáo đều tổ chức trọng thể lễ Vu Lan với ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”; đồng bào Phật tử coi dịp Vu Lan là “mùa báo hiếu” đối với cha mẹ, ông bà đã qua đời.

Nhưng ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), Vu Lan thắng hội lại diễn ra rải rác trong suốt tháng Bảy âm lịch tại các chùa Ông Bổn ở vùng này: Vạn Ứng Phong Cung (chùa Giữa, xã Hòa Ân, trong ba ngày 8, 9 và 10), Niên Phong Cung (chùa Cây Xanh, xã An Phú Tân, trong hai ngày 15 và 16), Minh Đức Cung (chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân, trong ba ngày 18, 19 và 20) và Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè, trong bốn ngày từ 25 đến 28).

Trong cuốn “Chuyện xưa tích cũ” của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình ghi: “Ở Chợ Lớn, TPHCM, có ngôi chùa thờ Ông Bổn là quan Thái giám tên Trịnh Hòa. Ông làm quan vào đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Quốc. Lúc thăng quan, ông được vua tín nhiệm phái đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á như Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm, Việt Nam... để tìm cách liên lạc với những người Hoa ở hải ngoại.


Tuân lịnh vua, lúc đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, ra sức thi ân bố đức, giúp Hoa kiều tìm sinh kế và dạy họ phải giữ gìn thuần phong mỹ tục ... Nên sau khi ông mất, các Hoa kiều nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Nhà vua còn phong sắc cho ông chức tước Bổn Đầu Công (本頭公) tức Ông Bổn ngày nay”.

Hội Vu Lan tại các chùa Ông Bổn đều náo nhiệt, nhưng Vạn Niên Phong Cung ở thị trấn Cầu Kè là nơi diễn ra dài ngày nhất và thu hút lượng người đông đảo từ nhiều nơi đến tham dự.

Người địa phương có câu: “Hăm ba vào đám, hăm tám ra giàn” để nói thời gian diễn ra lễ hội dân gian này ở đây. Từ ngày “vào đám”, chùa liên tục tổ chức các buổi trai đàn có sự tham gia của các chư tăng ở Vạn Hòa cổ tự và sư sãi chùa Khmer trong phạm vi nội ô thị trấn. Lễ này cúng chay nên gọi là “làm chay”.

Hội thì nhiều ngày, nhưng lễ chính thức diễn ra trong một ngày rưỡi, suốt ngày 27 đến trưa ngày 28 thì chấm dứt. Từ sáng ngày 27, hàng đoàn xe ô tô đủ loại, đủ cỡ từ các nơi, đông nhất là từ quận 5, quận 6 (TPHCM) ùn ùn đổ về, đậu thành nhiều hàng dài dằng dặc, nối đuôi nhau trên đường quốc lộ và các bãi đất trống.

Nhiều nhà trong thị trấn có điều kiện đều bày hàng bán nước giải khát, cơm, cháo... hoặc dọn chỗ trong nhà cho khách phương xa tạm trú. Khách chỉ cần trả mười ngàn hay hai mươi ngàn đồng là có chỗ nghỉ tạm qua đêm. Nhiều người vào các chùa khác trong thị trấn cũng có chỗ nghỉ qua đêm mà không phải trả tiền. Đường phố nhộn nhịp sáng đêm.



Sáng ngày 28, “ra giàn”, cúng tất, cúng mặn bằng con heo trắng. Tất cả diễn ra trong âm thanh dồn dập, náo nhiệt của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm: trống lớn với phèng la, chập choã, chiêng và kèn lá). Trong khuôn viên sân là những hàng kệ sắp liền kề nhau, bày những giỏ phẩm vật do bổn phố dâng cúng, phần lớn là gạo, muối, khoai lang. Lễ kết thúc vào gần trưa, những giỏ này sẽ được phân phát cho bá gia bá tánh nghèo. Trước kia, còn có tục “thí giàn” là từ giàn cao người ta ném những thanh tre nhỏ khắp xung quanh để người dân tranh nhau lượm. Nhặt được bao nhiêu thẻ thì vô chùa nhận bấy nhiêu giỏ đồ cúng đem về nhà ăn lấy lộc...

Đây là sinh hoạt biểu hiện bản sắc văn hóa tín ngưỡng của bà con Hoa kiều Triều Châu, góp phần phát huy bản sắc đa văn hóa của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cộng cư lâu đời tại vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

********

Trước năm 1954, chùa Ông Bổn “theo chân” người Tiều (Triều Châu, Quảng Ðông, Trung Hoa) “mọc” khá nhiều nơi trên đất miền Tây. Và, tại một số chùa ở Tân Châu (tỉnh An Giang), Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), Cái Răng (tỉnh Cần Thơ), Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) và Bạc Liêu đều có hiện tượng Ông Bổn “lên” vào các ngày lễ lớn của chùa.

Ông Bổn “lên” là Ông nhập vào một người trần mắt thịt (gọi là “xác”) và thể hiện sức mạnh siêu phàm của mình bằng nhiều cách rùng rợn, nguy hiểm, rất hấp dẫn. Về sau, việc Ông Bổn “lên” dần tàn lụi ở các địa phương trên, chỉ duy nhất vẫn tồn tại ở huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).

Ông Bổn Uối rạch lưỡi

Theo sách vở, chùa Ông Bổn là nơi thờ Bổn Ðầu Công, tức là Trịnh Hòa, làm quan Thái giám đời vua Vĩnh Lạc (1403-1424) ở Trung Hoa. Ông được vua cử đi điều tra, tìm hiểu Hoa kiều hải ngoại ở các nước Ðông Nam Á. Ði tới đâu, ông cũng tận tình giúp đỡ đồng bào, nên sau khi ông mất, Hoa kiều nhớ ơn thờ ông làm phúc thần, và ông được nhà vua phong là “Bổn Ðầu Công”.


Nhưng Ông Bổn ở huyện Cầu Kè lại thờ 4 anh em kết nghĩa, khi qua đời thành thần, ở 4 chùa: Minh Ðức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư.

Mỗi chùa đều có một xác Ông Bổn để khi cần thì Ông “nhập”, “lên” báo cho dân chúng biết một vài việc cần kíp nào đó. “Xác” Ông Bổn là người địa phương, đạo đức tốt, được Ông tuyển chọn để bổ sung cho một xác khác đã “về hưu” hoặc qua đời. Sau thời gian thử thách (ngắn hoặc dài, tùy “xác”), “xác” này mới chính thức được Ông “nhập” dưới sự chứng kiến của 3 Ông Bổn của 3 chùa khác, bằng lễ tắm dầu nhằm tẩy sạch sự ô uế của xác. Dầu phộng nấu trong chảo đặt trong chính điện, ba Ông Bổn mỗi Ông cầm một bó lá tre chặt bằng ngọn, nhúng vô chảo dầu đang sôi sùng sục rồi quất lên khắp mình mẩy. Sau đó Ông Bổn mới sẽ được một ông Bổn dạy nói tiếng Tiều cùng huấn luyện cách rạch lưỡi, đánh trái chông...

Từ xưa đến giờ, ở Cầu Kè lúc nào cũng có 4 “xác” Ông Bổn. Từ năm 1954 tới nay là ông Hữu, ông Bắc, ông Mười Hai, ông Mỏn, một nhà sư tu chùa Vạn Hòa (tại thị trấn) và một ông thợ hớt tóc, tất cả đều là người Việt.

Ông Hữu làm ruộng ở Cây Sanh, ông Bắc chạy taxi ở Sài Gòn, ông Mỏn làm mướn... Ðiểm chung, các “xác” Ông Bổn và gia đình họ đều có cuộc sống nghèo. Mỗi khi Ông “nhập”, dù đang làm việc gì cũng phải ngưng lại, về đúng lúc để hoàn thành công việc “cõi trên” giao. Ông Hữu và ông Bắc đã qua đời từ nhiều năm nay.

Riêng ông Uối là dòng dõi người Tiều, con một chủ tiệm tạp hóa có tiếng tại thị trấn Cầu Kè. Ông được Ông Bổn “nhập” khoảng năm ông hai mươi tuổi. Từ đó đến khi “về hưu”, vào năm 2008, cuộc sống của ông và gia đình ông chật vật.

Nói về việc này, ông Uối tâm sự, “Biết sao được, mình là người phàm, thần thánh biểu sao chịu vậy!”. Nhà ông Uối ở bên bờ một con rạch nhỏ ngoại vi thị trấn Cầu Kè. Căn nhà tuềnh toàng mái lá, vách vừa tôn vừa lá, nền đất. Bà vợ ông buôn bán lặt vặt. Mấy đứa con ông quanh quẩn với việc ai mướn gì làm nấy.


Ông Bổn chuẩn bị vẽ bùa, cạnh bên trái là trái chông dùng để quất vô mình

“Từ khi Ông ‘nhập’ tới giờ, cha mẹ ‘hia’ (tiếng Tiều có nghĩa là ‘anh’) khá giả sao chẳng giúp gì?” tôi hỏi. Ông cười buồn, ngậm ngùi nói, “Cũng có chút đỉnh. Là con một gia đình chuyên buôn bán vậy mà tôi chẳng bán buôn gì được hết. Ðã vậy tôi, và các ‘đồng nghiệp’, còn bị một căn bịnh quái dị, lúc nào trong người cũng ớn lạnh. Chính cái cảm giác này đã khiến tôi không thể làm việc gì được lâu để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con!”

Ông Mỏn tiết lộ: “Ai ‘bị" Ông Bổn ‘nhập’ cũng đều có nước da xanh mét. Ai cũng nghèo, hình như Ông muốn vậy để họ không có điều kiện ăn chơi trác táng. Hồi mới ‘bị’ Ông ‘nhập’, bữa nào vui với anh em, nhậu thịt chó, thịt trâu hoặc làm bậy bạ nhứt định sẽ bị Ông hành tới chết đi sống lại. Một lần tởn tới già!”.

Ở Cầu Kè, Vu Lan Thắng Hội diễn ra tại các chùa ông Bổn, rải rác trong suốt Tháng Bảy Âm lịch, cụ thể như sau: Vạn Ứng Phong Cung trong 3 ngày 8, 9 và 10; Niên Phong Cung trong 2 ngày 15 và 16, Minh Ðức Cung trong 3 ngày 18, 19 và 20, nhưng vui nhất và thu hút hàng chục ngàn người khắp nơi đến tham dự là Vạn Niên Phong Cung trong 4 ngày từ 25 đến 28. Tại các chùa đều có Ông Bổn “lên”, từ một tới bốn.

Trong tiếng trống, kèn, chiêng, chập chả rộn rã của dàn “Tùa lầu cấu”, các Ông mặc đồ đỏ, bịt khăn đỏ, tay cầm gươm bén múa may, nói tiếng Tiều “như gió”, dù là người Việt rặt (bình thường không biết một tiếng Tiều nào).


Có ông cầm trái chông tua tủa những mũi thép dài 6 phân, sắc nhọn, sáng giới quất mạnh vào ngực vào lưng mình.

Có ông dùng dao nhỏ thật bén rạch lưỡi, dùng bút lông thấm máu lưỡi vẽ ngoằn ngoèo lên tờ giấy hình chữ nhật dài màu vàng nhạt. Ðó là bùa. Người ta thỉnh bùa về dán trong nhà để được bình an, mua may bán đắt.

Số người thỉnh bùa ngày càng nhiều, máu trong người các ông không đủ để vẽ bùa; để đáp ứng, các xác phải vô nước biển mấy ngày trước khi “lên”. Sau khi “thăng”, lưng và ngực các “xác” chỉ có những đốm đỏ, dấu vết của mũi nhọn trái chông quất mạnh vào; mặt lưỡi chỉ có lờ mờ những lằn dao bén rạch, ăn uống ngay một cách bình thường.

Bình thường là vậy nhưng khi nghĩ đến, ông Uối lắc đầu ngán ngẩm, “Nhìn cảnh ông Bổn rạch lưỡi, tắm dầu, đánh trái chông tôi và các xác khác đều ớn lắm. Ai cũng mang tâm trạng nếu lúc đó ổng “xuất” bất tử chắc lưỡi và lưng ngực bị thương, nhất là lúc tắm dầu dứt khoát bị phỏng”.


“Ngày nay, ông Bổn ‘lên’ chỉ làm mấy việc vừa kể, trước kia còn cảnh ông Bổn đi chưn không trên lớp than đước dài hàng chục thước, cháy đỏ rực nhờ sức quạt của hai hàng người ngồi hai bên. Ðang đi mà Ông ‘thăng’ thì chẳng biết làm sao”, ông Mười Một nhắc, kể và e sợ.

Các ông sợ thì sợ, nhưng hàng trăm năm nay chưa xảy ra “tai nạn” nào, vì Ông Bổn luôn “thăng” khi đã hoàn thành công việc thiêng liêng của mình, nhất là luôn bảo toàn các “xác”. 

(Sưu tầm trên mạng)

Tuesday, February 27, 2018

CHIM TU HÚ

Khi con tu hú gọi bầy,
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần


“Khi con tu hú gọi bầy. Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần”... - câu thơ khiến người đọc liên tưởng tới một loài chim hiền lành và xinh xắn như bất kỳ loài chim ăn trái nào đó. Thật khó tin nổi, tu hú lại là điển hình của một loài chim vô trách nhiệm và lưu manh bậc nhất.

Bất kỳ loài nào trong tự nhiên chào đời cũng đều xuất phát từ cái nôi mang nặng đẻ đau và chăm bẵm của đấng sinh thành. Một mai, khi tiếp nối vòng đời, các loài đều được thừa hưởng những nguồn gen và tố chất làm bố/mẹ để yêu thương, để chăm chút cho những đứa con yêu dấu của mình. Thiên chức làm mẹ và chính tình cảm với đứa con là sợi dây gắn kết đẹp đẽ nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho muôn loài. Nhưng loài tu hú (Endynamis scolopacea) được coi là vụng về, không biết ấp trứng lại từ chối phần thưởng quý giá đó và chính những đứa con của chúng sau này cũng trở thành ác thủ ngay từ những phút giây đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.


Mùa mưa là khoảng thời gian tuyệt vời để những mầm sống mới bắt đầu hồi sinh trên các cánh rừng mưa nhiệt đới. Loài thực vật khoác trên mình một tấm áo mới xanh non và đâu đó trong rừng, các vùng đất ngập nước, từng bụi lau, sậy cũng vươn mình trở nên rậm rạp hơn. Đó là nơi trú ngụ, làm tổ lý tưởng của một số loài chim chích đầm lầy thuộc giống Locustella. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chim tu hú thực hiện “thiên chức đẻ nhờ” mà tổ tiên của chúng đã truyền lại cho chúng trong cuộc sinh tồn. Trước tiên, tu hú mái tìm một tổ chim chích đã đẻ trứng và tự thưởng cho mình một quả trứng của loài chim này. Sau khi no nê, bà mẹ gian hùng này đẻ vào đó một quả trứng của mình. Trứng của tu hú nhỏ gần bằng kính thước của trứng chim chích, với hoa văn rất giống khiến vợ chồng nhà chim chích tội nghiệp cứ tưởng đó là trứng của mình.

Cách hành xữ tàn ác của chim tu hú con Endynamis scolopacea

Vì có gen di truyền về “chiến lược” và sự tinh quái nên tu hú mẹ đủ khôn ngoan nhận biết tổ chim chích mà nó đẻ nhờ sau một thời gian ấp trứng con của nó sẽ nở ra trước tiên, hoặc ít nhất thì cũng nở cùng ngày với quả trứng đầu tiên của chim chích. Mặc dù mới nở ra còn đỏ hỏn và mắt còn chưa nhìn thấy ánh sáng nhưng tu hú con đã thể hiện bản lĩnh của một ác thủ. Nó nhanh chóng dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy chú chim chích non tội nghiệp mới nở cùng những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ. Âm mưu của nó là độc chiếm nguồn thức ăn nuôi dưỡng bầy con của cặp chim chích bố mẹ.

Cách hành xữ tàn ác của chim tu hú con Endynamis scolopacea

Sau khi hoàn thành “sứ mệnh” vô cùng tàn nhẫn này, nó lớn lên rất nhanh và suốt ngày kêu réo nguồn thức ăn từ đôi chim chích nhỏ bé tội nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu tham ăn của đứa con hoang ác thủ to hơn cha mẹ chúng nhiều lần, cặp vợ chồng nhà chích vô cùng lao tâm khổ lực trong việc tìm kiếm thức ăn.

Chim chích mẻ và chim tu hú con Endynamis scolopacea

Vì có kích thước quá khổ so với tổ chim chích nên kẻ ác thủ phải nằm lên trên miệng tổ và miệng không ngớt đòi thức ăn để đáp ứng nhu cầu mau lớn. Khi đã đủ lông, đủ cánh, nó sẽ bay đi không một lời cám ơn kẻ nuôi dưỡng nó thành thục. Và rồi, một ngày kia, biết đâu nó lại đẻ nhờ chính vào cái tổ “bố mẹ nuôi” của mình.

Chân dung kẻ ác thủ Endynamis scolopacea

Hiện tượng “đẻ nhờ” của chim tu hú là một hiện tượng kỳ quái, tàn ác và vô cùng nham hiểm trong thế giới tự nhiên. Nguyên nhân vì sao mà chim tu hú con ngay khi chào đời đã có cách "hành xử" lưu manh đến như vậy?... Chim tu hú mẹ không tha mồi nuôi con được vì chim mẹ chuyên ăn sâu, ăn cả những con sâu có nọc độc. Đối với chim tu hú đã trưởng thành, cơ thể của chúng sẽ miễn nhiễm với độc tố của sâu độc; Còn chim tu hú con chưa có hệ thống miễn nhiễm, nên nếu ăn phải sâu độc có thể sẽ phải bỏ mạng. Chính vì thế mà tu hú mẹ phải nhờ đến các loài chim khác nuôi con mình. Đó cũng là mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh sinh động về cuộc đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống của muôn loài trong thiên nhiên hoang dã.


Tu hú có tên khoa học là Endynamis scolopacea. Chim trống có bộ lông hoàn toàn đen với ánh xanh thẫm. Chim mái lông lốm đốm đen nhạt và trắng, mặt l­ưng nâu đen nhạt, có ánh xanh lục và lốm đốm trắng. Đầu chim mái màu hơi nhạt hơn và hung hơn, các điểm trắng ở đây dài ra thành các vệt dọc, ở lông cánh và lông đuôi các vệt trắng chuyển thành các vằn ngang không đều; mặt bụng trắng có vằn đen nhạt.


Chim non lông đen toàn thân, nhưng sau kỳ thay lông đầu tiên nó đã chuyển thành bộ lông gần nh­ư chim mái. Chim trống thì có bộ lông đỏ trong một thời gian rồi chuyển dần sang bộ lông trưởng thành với mắt đỏ, mỏ xanh xám, gốc mỏ đen, chân xám chì.

Tu hú phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Đông nam Trung Quốc và Mã Lai. Ở Việt Nam, chim tu hú phân bố ở khắp các vùng đồng bằng và vùng trung du. Vào mùa Đông ở miền Bắc rất ít khi gặp loài này vì phần lớn chúng bay về phươngNam tránh rét.

Phùng Mỹ Trung


"ÂM ĐỨC" LÀ GÌ?

“Âm đức” là gì? Làm thế nào mới tích được “âm đức”?

Từ xưa đến nay, trong các tác phẩm văn học hay ngoài cuộc sống đời thường, chúng ta thường nghe nói đến những từ như: “âm phúc”, “âm đức”, “âm công”. Nhưng trong văn hóa truyền thống, những từ ngữ này được hiểu chính xác là gì?


Kỳ thực, nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của những từ ấy, đặc biệt là từ “âm”. Từ “âm” ở đây không có nghĩa là âm phủ, số âm hay âm dương. Từ “âm” trong “âm công, âm đức, âm phúc” mang ý nghĩa là ám, tức là thầm lặng, ngầm, âm thầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài. Điều này có nghĩa rằng, người làm việc thiện phải làm được ở trong thầm lặng, trong kín đáo, trong lặng lẽ, không phô trương.

Cổ ngữ có câu:“Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”. Ý nghĩa rằng, người nào âm thầm làm việc thiện tích đức thì Thượng Thiên cũng sẽ âm thầm ban phúc báo cho họ. Người âm thầm làm việc tốt sẽ tích được “âm đức” và việc làm nhân đức đó của họ sẽ được Thượng Thiên ghi công lại, gọi là “âm công” và ban phúc cho họ gọi là “âm phúc”.

Văn hóa truyền thống luôn cho rằng, hết thảy danh tiếng, tài vận, phúc lộc của một người ở đời này đều là do đời trước đã tích được đức mà sinh ra. Người nào có được loại “âm đức” này, Thượng Thiên sẽ ban thưởng xứng đáng cho người ấy.


“Âm đức” là tinh hoa của văn hóa truyền thống, là thể hiện tâm tín Phật hướng thiện, kính sợ Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Từ “Âm đức” xuất hiện đầu tiên trong cuốn “Thượng thư”. Trong đó viết rằng: “Duy thiên âm chất hạ dân”, ý tứ là: Ở trong sâu thẳm, Trời đang bảo hộ che chở cho con người. Đây là tư tưởng mộc mạc, thẳng thắn và chân thành nhất của con người cổ đại đối với Thiên mệnh. Thời cổ đại, các giá trị đạo đức của con người luôn được đề cao và coi trọng, vì thế họ tin rằng, mệnh của một người là do Thượng Thiên an bài và Thượng Thiên sẽ luôn ở trong âm thầm mà che chở, phù hộ cho họ.

Trong cuốn “Âm đức văn”, “âm đức” còn mang ý nghĩa Thiên nhân cảm ứng. Yêu cầu mọi người tự mình tích nhiều âm đức, âm công, hành thiện, làm việc tốt nhưng đừng khoa trương ở khắp mọi nơi, chỉ cần lặng lẽ, âm thầm đi làm là được bởi vì Thượng Thiên là “cảm ứng” được lòng người. Cho dù một người làm việc thiện mà không ai biết thì Văn Xương Đế Quân (Vị Thần chủ quản công danh phúc lộc) cũng sẽ âm thầm phù hộ và ban phúc lộc cho người ấy.

Vậy làm việc thiện mà thể hiện ra cho mọi người cùng biết thì có phải là “âm đức” không?

Làm việc thiện dù âm thầm hay thể hiện ra ngoài, muốn biết có tốt hay không cần phải xét xem cái tâm của người ấy, nhưng về cơ bản đều là những hành vi tốt đẹp, đáng được ca ngợi.


Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại chưa hẳn đã là làm việc thiện chân chính.Ví như, một số người làm việc thiện nhưng lại mong muốn để người khác biết đến nhiều hơn, để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn từ đó mà báo đáp mình. Như vậy, chẳng phải việc thiện ấy đã tự nhiên chuyển hóa thành phương tiện để người đó truy cầu cái “danh” và cái “lợi” cho bản thân mình rồi sao?

“Âm đức” là thiêng liêng, cho nên nếu làm việc thiện mà cố ý khoa trương bản thân để được “danh” và “lợi” thì hiệu lực của “âm đức” sẽ tự nhiên mất đi và cũng không tích được “âm công”, cũng liền khởi không được tác dụng chân chính của hành thiện.

Từ lý luận này, xem ra chỉ có không màng “danh lợi”, lặng lẽ làm việc thiện thì mới thực sự là hành thiện tích đức chân chính.

Mai Trà biên dịch
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

Âm đức theo cách hiểu ngày nay thì có nghĩa là lặng lẽ làm việc tốt, coi trọng sự vô tư cống hiến thật sự. Người xưa nói: “Âm dương là gì? Phàm làm việc thiện mà người ta biết đến thì được gọi là dương thiện. Làm việc thiện mà người ta không biết đến, ấy là âm đức. Âm đức thì được Trời đền đáp.Dương thiện thì được hưởng danh tiếng bởi người đời. Danh cũng là phúc vậy. Những kẻ có danh dễ bị tạo vật ganh ghét. Người đời hay hữu danh vô thực, thường chuốc lấy họa. Chỉ có âm đức mới bền lâu”. (Blogphongthuy)

KHÔNG THẮP HƯƠNG, KHÔNG BÁI LẠY MÀ VẪN ĐƯỢC PHÚC BÁO

Có một câu chuyện kể rằng, ở một thị trấn nọ có một ngôi chùa nhỏ, trong đó thờ phụng một vị Thần Thành hoàng. Theo truyền thuyết, Thần Thành hoàng đều là do Ngọc Hoàng đại đế bổ nhiệm. Đời trước của họ đều là những người tốt, trung thực và ngay thẳng. Cho nên Thần Thành hoàng ở các địa phương đều là những vị thần linh “thanh chính liêm minh”. Trách nhiệm của họ đều là bảo vệ sự bình an của dân chúng trong địa phương. Dân chúng ai ai cũng đều kính ngưỡng họ.


Mỗi lần vào ngày sinh nhật của Thần Thành hoàng, mọi người đều đi hội chùa thắp hương, cầu thần ban phúc, tiêu tai giải nạn, cũng có người đi để tạ ơn ân đức của Thần. Trong thời gian khoảng 10 ngày hội chùa, hương khói trong chùa không ngớt, mọi người đến đông đúc, ai nấy đều muốn lách vào. Thậm chí những người quỳ lạy còn bị dòng người chen lấn giẫm lên thân hoặc đá vào ngang mặt mà không thể hành lễ. Có những người còn đành phải hành lễ ở bên ngoài chùa cùng với những lời giao hàng, cãi lộn, trò chuyện của người đi đường…

Ở bên cạnh ngôi chùa ấy, có một bà lão mở một cái quán nhỏ. Quán nhỏ của bà ngoài bán chút đồ ăn và rượu còn bán nước chè cho khách thập phương qua lại. Bà lão cả đời vui vẻ làm việc thiện, quán của bà làm ăn cũng không tệ, người ra vào không ít.

Nhưng có một việc khiến bà lão không tài nào hiểu được. Đó là vào mỗi buổi sáng sớm của ngày khai hội chùa, có một người đàn ông trung niên đều tới quán của bà uống chè mãi đến tận tối mới rời đi. Ngày nào người đàn ông này cũng tới cho đến hết ngày hội chùa thì không còn thấy đến nữa, hơn nữa năm nào cũng đều như vậy. Người đàn ông này ăn mặc sạch sẽ, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ lịch sự nhã nhặn. Có đôi lần, bà lão cũng trò chuyện đôi câu với người đàn ông này. Lâu dần thành quen thuộc, bà nhận thấy người này rất có học vấn, hiểu đạo lý, cho nên lại càng khiến bà thấy kỳ lạ.


Một ngày người đàn ông này lại đến, quán của bà hôm đó không đông người lắm. Bà lão uống một chút rượu, rồi lấy can đảm hỏi ông ta: “Trong hội chùa, ca hát có, nhảy múa cũng có. Mọi người đều tranh nhau đi, còn ông tại sao lại chỉ ngồi ở bên ngoài thế này?”

Người đàn ông nghe xong câu hỏi của bà lão, chậm rãi trả lời: “Ta chính là Thần Thành hoàng kia, mấy ngày đều đến bên ngoài chùa cơ bản là vì không chịu nổi tiếng động lớn ầm ĩ và không khí nồng nặc của mùi hương khói”

Bà lão kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói sao? Ông chính là Thần Thành hoàng kia? Thật là điều không thể!”

Bà lão quả thực không tin vào tai mình, thế là lại nói: “Ông đừng đùa nữa, mọi người là kính ngưỡng và cảm tạ thần nên mới bỏ nhiều tiền để chúc mừng. Thế mà Thần lại trốn đi, nói thế chẳng hóa ra những người kia đều không có thành ý hay sao?”

Thế là người đàn ông trung niên đáp: “Giữa con người và thần linh là dựa vào sự thành tâm chứ không phải dựa vào tác dụng của bái lạy, đốt hương. Nếu như đốt hương mà được phúc thì người ác hay người làm việc xấu lại có thể dựa vào đốt hương để được phúc sao? Thế sao có thể thể hiện được sự chính trực của Thần đây? Cho nên người hành ác mà bái lạy đốt hương sẽ không có tác dụng gì, còn người hành thiện tích đức không thắp hương, bái lạy vẫn được phúc báo!”



“Lời ông nói nghe có đạo lý, nhưng làm sao tôi có thể tin một người đang ngồi ngay trước mặt mình chính là vị Thần Thành hoàng mà dân chúng kính ngưỡng đây?”
Bà lão lại hỏi.

Người đàn ông trung niên mỉm cười nói: “Hàng năm, cứ vào những ngày này, bà đều không giống những người khác đi vào trong chùa mà là ngồi một mình kính bái ta. Hơn nữa, bà còn không ngừng tự nhìn nhận lại bản thân mình, hy vọng làm người tốt để có thể nhận được sự bảo hộ của ta, có phải như vậy không?”

Bà lão nghe xong những lời này lập tức bị chấn động vô cùng: “Tại sao người đàn ông trung niên này lại biết được điều mình nghĩ trong lòng?” Bà vừa hồi tưởng lại vừa nghĩ : “Đúng vậy! Mỗi năm vào dịp hội chùa, bởi vì trong chùa vừa có múa vừa có hát, rất đông người đến náo nhiệt, lại chỉ có một mình trông cửa hàng nên mình không thể đi được. Mình đành phải đợi đến lúc đóng quán, một mình ngồi bái tạ Thần Thành hoàng, cảm tạ ngài đã bảo hộ cho mình thêm một năm bình an! Tại sao những lời này mình chỉ nói trong lòng với Thần Thành hoàng mà người đàn ông trung niên này lại biết? Xem ra ông ta chính là Thần Thành hoàng sao?”



Thế là bà lão vội vàng quỳ gối xuống, người đàn ông trung niên liền đỡ bà dậy và nói: “Xin bà hãy truyền đạt ý của những lời ta vừa nói đến người dân! Nếu như họ hiểu rõ điều này, tình trạng trong miếu Thành hoàng sẽ có cải biến, đồng thời nó cũng tự nhiên ảnh hưởng đến những địa phương khác, tình hình sẽ trở nên tốt đẹp. Nếu như có thể làm được như vậy, là bà đã trợ giúp thần rồi, bà tự nhiên cũng sẽ được phúc báo!”

Bà lão không ngừng gật đầu mà đồng ý: “Vâng! Tôi nhất định sẽ nói với mọi người!” Khi bà đang nói những lời này, bà đột nhiên phát hiện người đàn ông kia đã biến mất.

Bà lão chạy ra ngoài đường và kể với mọi người chuyện vừa mới xảy ra ở trong quán nhỏ của mình. Mọi người nghe xong đều kinh ngạc, có người mở to hai mắt và ngạc nhiên mừng rỡ, có người yên lặng không nói, cũng có người không tin những lời bà nói là sự thật.


Bà lão vẫn chân thành và kiên trì nói lại sự việc cho mọi người nghe, sau cùng mọi người cũng đã hiểu ra rằng: Một người nếu chỉ đốt hương và bái lạy để cầu sự bảo hộ của thần, cầu tiêu tai giải nạn là không có tác dụng. Còn người không đốt hương, bái lạy nhưng trong lòng kính ngưỡng thần, làm người tốt hành thiện tích đức thì nhất định được phúc báo.

Bà lão luôn ghi nhớ lời Thần Thành hoàng nói, làm người tốt hành thiện tích đức nên quán nhỏ làm ăn luôn thuận lợi, cuộc sống cơm no áo ấm đến tận cuối đời.

Theo NTDTV 
Mai Trà biên dịch (daikynguyen.vn)

ĐỜN CA TÀI TỬ VÀ CẢI LƯƠNG NAM BỘ

Nói thiệt nha, bạn có biết sự khác biệt giữa "đờn ca tài tử" và "cải lương Nam bộ" không? Tôi thì không. Thứ nhất, tôi không mấy thích dù từ nhỏ đã nghe hàng ngày nhất là mở radio hay truyền hình. Thứ hai, tôi chỉ thích nhạc vàng, nhạc trẻ và biết đàn, biết hát. Thứ ba, tôi không cách nào hát một câu vọng cổ hay cổ nhạc được.


Bây giờ thì khác, tự nhiên khi tôi nghe mấy câu vong cổ hay dạ cổ hoài lang,..tôi thấy sao sao mà cảm động lắm rồi tìm vài bài viết giới thiệu về vọng cổ, cổ nhạc miền Nam, về "Ông Cao Văn Lầu" và đã post lên cho các bạn rồi. Hôm nay tôi tìm được thêm một bài nữa để cho các bạn biết thêm sơ lược về nghệ thuật ca nhạc cổ của miền Nam:(LKH)

Bước đầu tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt giữa đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ


Nhiều ý kiến cho rằng đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ không nhiều khác biệt. Cũng có câu hỏi vì sao đờn ca tài tử mà không phải là cải lương được chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo tôi, thử thách về thời gian, tính truyền thống và đại chúng ở hai loại hình nghệ thuật này là yếu tố quyết định.

Những làn điệu và tính đại chúng của đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử đã có ở Nam bộ từ giữa thế kỷ XIX xuất phát từ nhạc lễ cung đình được các nghệ sĩ dân gian sáng tạo thành những làn điệu gốc, gọi là 20 bài tổ gồm: ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài Cò, tứ Oán.

Ba Nam (xếp vào mùa Thu) là Nam Ai, Nam Xuân, Nam Đảo, dùng vào những đoạn bi ai, kể lể. Còn sáu Bắc (xếp vào mùa Xuân- nhạc điệu vui tươi) gồm: Lưu Trường Thủy, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Cổ Bản, Xuân Tình, Tây Thi. Bảy Bài Cò (xếp vào mùa Hạ- giọng dồn dập, bực tức): Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm,Vạn Giá, Tiểu Khúc. Đây là 7 giai điệu xuất phát từ nhạc lễ cung đình. Tứ Oán (xếp vào mùa Đông- giọng hiền hòa bình thản): Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu. Mọi hỷ, nộ, ái, ố đều được biểu cảm trong từng nhóm của các bài Tổ nêu trên.

Đờn ca tài tử
Khi nghệ thuật cải lương ra đời đầu thế kỷ XX, người ta ghi nhận thêm một số bài đờn ca tài tử trong nhóm dây quản (Khóc Hoàng Thiên, Xang Xừ Liếu, Sương Chiều, Tú Anh, Trung Thu…) để dành riêng cho những khúc tiết vui, hoan ca. Tất cả đều phải tuân thủ theo âm giai ngũ cung (5 nốt chính): Hò, xự, xang, xê, cống. Căn bản là vậy nhưng trong từng giai điệu, hoặc tùy vào nhạc cụ, nhạc sĩ còn sử dụng linh động thêm một số nốt như Ú, Líu, Á, Tồn… (đồng thanh) làm cho âm điệu phong phú hơn.

Các nghệ nhân dựa vào đó mà sáng tạo ra nhiều ca điệu trầm, bổng, nhặt, khoan, cốt để diễn tả nội dung bài hát cho sinh động sát hợp với thực tế cuộc sống lưu dân Nam bộ thời mở cõi. Đặc biệt, người cầm đờn phải biết nhấn, nhá, buông, thả, chụp, tuốt, tạo thành những âm thanh réo rắt, thanh thoát, du dương theo cung bậc của từng ca từ. Người ca cũng thế, phải ngân nga, bổng, trầm, sao cho ăn với chữ đờn. Tuy phong phú và linh hoạt trong giai điệu nhưng người ca hoặc sáng tác không thể tự ngẫu hứng mà buộc phải tuân theo nguyên tắc dùng các nốt chữ như trên. Kể cả vọng cổ cũng thế.

Bản chất của đờn ca tài tử là tính đại chúng và xã hội hóa. Phần lớn là hình thành theo nhóm, ở khắp mọi nơi vùng sông nước. Họ ca hát theo cảm hứng, theo điều kiện thích hợp ở từng địa điểm, được thực hiện từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, cũng không cần sân khấu và không cả hóa trang vào vai diễn… Nhạc cụ chủ yếu: đờn cò, đờn kìm, độc huyền cầm, đờn tranh, nhịp song loan… Nhạc cụ sau cùng khi có bài vọng cổ (sau 1918) thì có thêm đờn guitar phím lõm để sử dụng cho người ca vọng cổ, làm phong phú thêm cho nghệ thuật đờn ca tài tử ở Nam bộ.

Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng và ban nhạc tài tử biểu diễn tại Lễ hội Việt- Nhật 2017. Ảnh: DUY KHÔI
Sự tiếp biến và cải cách của cải lương

Cải lương xuất hiện ở những năm đầu của thế kỷ XX. Về cấu trúc, lúc đầu cải lương là sự chuyển thể của nghệ thuật hát tuồng (hát bội xưa), hòa quyện cùng sự tiếp biến của đờn ca tài tử kết hợp với thể loại ca nhạc kịch nước ngoài… Từ đó hình thành một loại hình nghệ thuật mới có kịch bản ca diễn hoành tráng trên sân khấu. Theo thời gian, cải lương dần có sự tổng hợp nhạc dân tộc dân gian, kịch nói, hoạt kê hài hước, hồ quảng, kể cả tân nhạc… thành những vở tuồng có bố cục, lớp lang và rất công phu trong sáng tác, dàn dựng. Người nghệ sĩ phải được hóa trang và hóa thân vào vai diễn trên sân khấu. Có gánh hát, chủ gánh hát (ông bầu) và có doanh thu. Bản thân hai chữ cải lương đã nói lên bản chất của sự cải tiến, đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng. Vì vậy cải lương là loại hình nghệ thuật hoàng kim, cuốn hút người xem ở Nam bộ trọn thế kỷ XX. Ba nhân vật được coi là cùng thời và tạo nền tảng cho nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời (xếp thứ tự người sinh trước):

- Nhân sĩ Tống Hữu Định bút hiệu Trịnh Trai (1869 – 1932) người xứ Vĩnh Long. Ông thuộc dòng dõi một công thần nhà Nguyễn, nổi tiếng trong tổ chức các cuộc đờn ca tài tử, cải lương. Năm 1918 ông tổ chức một đêm hát cải lương tại nhà riêng với sự tham gia nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong tỉnh và Sài Gòn với tư cách mạnh thường quân hay “ông bầu”. Nhờ vậy mà phong trào đờn ca tài tử ở Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ vượt trội các tỉnh lân cận.

- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953) là soạn giả cải lương nổi tiếng, người Cần Thơ. Ông khởi nghiệp bằng sáng tác thơ, văn và các thể loại dân ca với 78 tác phẩm được xuất bản chỉ trong vòng 15 năm (1901 – 1915). Từ năm 1916, ông bắt đầu viết tuồng (chuyển thể từ hát bội sang cải lương) dựa vào 20 giai điệu bài tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (lúc đó chưa có bài vọng cổ) mà soạn thành ca kịch bản, phục vụ cho sân khấu cải lương đầu tiên ở Nam bộ. Ông có trên 80 tác phẩm tuồng tích và tâm lý xã hội. Đặc biệt các tuồng “San Hậu”, “Phụng Nghi Đình”, “Giọt máu chung tình” đã được chọn làm tài liệu giảng dạy tại các trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 2006 trong quyển “Cần Thơ thế và lực” Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, trang 68 viết: “Đối với sân khấu Nam Bộ, nếu Cao Văn Lầu Bạc Liêu là cha đẻ của bài Dạ Cổ Hoài Lang thì Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ”.

- Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 – 1976) người tỉnh Bạc Liêu là tác giả của bản Dạ Cổ Hoài Lang sáng tác năm 1918 cũng áp dụng âm giai ngũ cung theo lối chơi đờn ca tài tử. Sau này khi nghệ thuật cải lương phát triển mạnh, bài Dạ Cổ Hoài Lang là gốc để phát triển vọng cổ và vọng cổ luôn trở thành bài hát chủ lực trong các cuộc đàn hát tân, cổ, đờn ca tài tử và trên sân khấu cải lương Nam bộ. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu khai sinh vọng cổ, góp phần làm thăng hoa cho nghệ thuật cải lương Nam Bộ.

Đờn ca tài tử
Điều khiến người ta dễ ngộ nhận giữa cải lương và đờn ca tài tử là: Cải lương cũng phải sử dụng âm giai ngũ cung khi áp dụng 20 bài tổ, bài vọng cổ và những bài trong nhóm dây quản cũng giống như đờn ca tài tử. Nhưng đó là sự giống nhau màu sắc nghệ thuật chứ không giống nhau về hình thái hay bản chất. Trong trường hợp chơi đờn ca tài tử, người ta có thói quen ca trích đoạn trong cải lương cốt để cho buổi sinh hoạt văn nghệ thêm hào hứng, mùi mẫn, nhưng như thế không thể gọi là buổi diễn cải lương được.

***

Đờn ca tài tử và cải lương tuy có một số điểm tương đồng về nghệ thuật nhưng lại khác nhau về quy mô, bản chất, quá trình hình thành và phát triển. Hiện nay nghệ thuật sân khấu cải lương dần qua thời hoàng kim, nhưng đờn ca tài tử vẫn tồn tại như cách loại hình này phát triển hàng trăm năm nay bởi tính đại chúng, bình dân rộng mở, giản dị trong giải trí, giao lưu nghệ thuật ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp xã hội. l

Đoàn Nô

Tài liệu tham khảo:

- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền Cuộc đời và sự nghiệp. Sở VHTT Cần Thơ 2001
- Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát (50 năm cải lương), NXB Trẻ năm 2007.

Nguồn: Cần Thơ Online

Monday, February 26, 2018

SÀI GÒN – “CÁI TÊN CỦA NGÀY HÔM QUA”

Không biết từ bao giờ, trong phòng lưu niệm trên tầng chót của tháp Eiffel – Paris, đã có tên “Sài Gòn” trên bảng tên khoảng cách từ đây đến những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, tại đài thiên văn Greenwich, London – nằm ngay trên kinh tuyến gốc số 0, tên “Sài Gòn” được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ. Tọa độ Sài Gòn là kinh tuyến Đông 106 độ – 43 phút.


Sau năm 1975, nhiều bản đồ thế giới xuất bản ở nước ngoài có ghi tên địa điểm Ho Chi Minh city với hàng chữ chú thích: “formerly Saigon“ (nguyên là Sài Gòn). Thế nhưng, trong mắt nhiều người Việt và nước ngoài, tên Sài Gòn không chỉ là địa danh, không chỉ là hoài niệm xa vắng mà cao hơn nữa từ lâu rồi, đó còn là một địa chỉ quốc tế, một icon – biểu tượng – đầy sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau.

Poster quảng bá du lich Sài Gòn những năm 1970 của hãng máy bay Air Vietnam

Mở cửa 200 năm trước

Tôi tìm thấy tên Sài Gòn được người Anh viết là “Sai-gong” trong quyển A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 của John Barrow, in năm 1806, cách đây 209 năm! Có lẽ đây là quyển sách xưa nhất bằng tiếng Anh viết về Việt Nam và cũng là quyển sách nước ngoài xưa nhất nhắc đến tên Sài Gòn. Tác giả quyển sách là một nhà nghiên cứu Anh đã từ Batavia (Jakarta-Indonesia) cập bến Sài Gòn vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang xây dựng kinh thành Gia Định trở thành hậu cứ lớn để tiến công Tây Sơn. John Barrow ghi nhận “Sai-gong” là nơi nhà vua xứ Đàng Trong đóng đô, hơn nữa còn là thương cảng nhộn nhịp tàu bè đến mua bán, nhất là xuất khẩu gạo. Mặc dầu còn mới mẻ nhưng Sài Gòn đã thay thế được Hội An và Quy Nhơn – hai cảng thị trở nên tiêu điều vì chiến tranh, để mở cửa Đàng Trong ra với bên ngoài. Rất đáng kể, Sài Gòn còn có xưởng đóng tàu theo kiểu Tây dương (châu Âu) và có quân cảng – hậu cứ của hải quân nhà Nguyễn. Khi tác giả có mặt tại “Sai-gong”, tại cảng đã có 7 thương thuyền của Bồ Đào Nha, một chiến hạm Pháp thuộc đội quân của Giám mục Bá Đa Lộc – người hỗ trợ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn và nhiều thương thuyền khác. Chính chiến hạm Pháp đã đưa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi cầu viện vua Napoleon đệ tam…

Bìa quyển A voyage to Cochinchina của John Barrow có nêu tên Sài Gòn từ 1792

Và rồi, hơn 50 năm sau cuộc gặp gỡ Việt-Pháp đó, éo le thay, thực dân Pháp đã đến xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Không hạ được Đà Nẵng để tiến chiếm kinh đô Huế, quân Pháp chuyển qua đánh Sài Gòn. Quân nhà Nguyễn gắng sức nhưng rồi thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859. Cuộc chiếm đóng của người Pháp ở Sài Gòn và đất Nam kỳ sau đó không dễ dàng. Sau bốn năm bình định, đến ngày 15.6.1865, chính quyền Pháp mới chính thức ban hành sắc lệnh lập ra “Ville de Saigon ” – thành phố Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn chuyển qua một quỹ đạo văn minh mới.

Công nghiệp hóa sớm nhất


Người Pháp đã đem văn minh phương Tây đến Sài Gòn trộn với chất phương Đông sẵn có của nó để tạo ra một Sài Gòn mới mẻ và độc đáo. Rất thuận lợi, Sài Gòn đi vào công nghiệp hóa cùng thời những phát minh kỳ vĩ của loài người: xe lửa, máy bay, đèn điện, đường dây thép, điện ảnh… Sau 30 năm xây dựng, người Pháp đã cải biến Sài Gòn thành đô thị hiện đại đầu tiên ở Việt Nam sánh vai cùng nhiều đô thị châu Á đã phát triển trước đó như Singapore, Penang, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo. Cho đến đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn chỉnh: bưu điện, nhà máy điện, nhà máy nước, công nghiệp đóng tàu, đường nhựa, đường xe lửa, bến cảng và sân bay… Chính nhờ kinh nghiệm xây dựng Sài Gòn và ngay cả phương tiện và nhân lực của Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng tiếp “Hanoi ville”, “Tourane ville” (Đà Nẵng) và một loạt thành phố khác vẫn tồn tại ở Việt Nam.

Nhà hàng và phố xá mang tên Sài Gòn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Paris, London, Sydney… Trong ảnh: “Sài Gòn nhỏ” tại California – Hoa Kỳ

Thời cơ và số phận đã bắt Sài Gòn đi trước trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Những nhà máy, công ty, chợ đầu mối, thương xá, ngân hàng, hãng xe đò, xe lửa đầu tiên của Việt Nam đều ra đời từ Sài Gòn. Cũng từ đây, hình thành nên những nghề nghiệp mới: thợ thuyền, kỹ sư, doanh nhân và ngay cả những ngành nghề mới: nhật trình (báo chí), tiểu thuyết, nhà in, nhà sách… Ngay cả về giáo dục, từ Sài Gòn đã “khai sinh” việc giảng dạy chữ quốc ngữ trong trường học và sử dụng chữ quốc ngữ trong công sở và báo chí. Cũng từ Sài Gòn, đã hình thành hệ thống tiểu học – trung học, trường dạy nghề, trường sư phạm, trường cấp tỉnh, trường cấp miền (chỉ riêng đại học, người Pháp mới lập ra trước nhất ở Hà Nội để tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với nền giáo dục Nho học lâu đời).

Dòng sông ra biển lớn

Sông Sài Gòn là dòng sông lớn, dễ dàng ngược xuôi ra biển. Vựa lúa Nam bộ và hàng hóa cả nước theo sông Sài Gòn ra với thế giới. Những tuyến đường viễn dương lần lượt ra đời: Sài Gòn-Singapore-Marseille, Sài Gòn-Hongkong-Thượng Hải-Yokohama và xa hơn nữa đến San Francisco và New York. Chẳng mấy chốc, có thêm đường hàng không Sài Gòn-Paris nối châu Âu, Sài Gòn-Hongkong nối với Đông Bắc Á và Mỹ. Những tuyến đường biển đường không, báo chí và viễn thông xuất phát từ Sài Gòn đã mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn không chỉ cho người Sài Gòn mà còn cho người Việt Nam, người Đông Dương ra với năm châu. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên mới được các sĩ phu yêu nước nhóm lửa đã mau chóng từ Sài Gòn “xuất dương”, tìm đến những đất nước tiên tiến cả Đông lẫn Tây để học hỏi, kiếm sống và khám phá những tư tưởng cách mạng.

Saigon Place, khu Banktown – Sydney (Úc)

Cho đến trước 1945, Sài Gòn đã rõ nét là một trung tâm giao thương và hàng hải nhộn nhịp, một trung tâm công nghiệp lớn, nhất là sơ chế nông sản, có vị trí quan trọng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sài Gòn là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ Á sang Âu và từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Sài Gòn còn là một thành phố mang phong vị Á-Âu, với gần 500 ngàn dân đến từ tứ xứ và nhiều châu lục. Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” của Đông Dương, nơi có dinh Toàn quyền, có các tòa lãnh sự và thương vụ của các cường quốc Anh, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Khi chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra năm 1941, người Nhật đã đặt đại bản doanh tại Sài Gòn để điều hành cuộc chiến Đông Nam Á. Sài Gòn đã hứng bom không quân Mỹ nhưng may mắn không bị nhiều tàn phá. Những diễn biến chiến tranh khốc liệt hơn 30 năm sau đó càng làm thế giới biết đến tên Sài Gòn không chỉ liên quan vận mệnh kinh tế mà còn là vận mệnh chính trị của cả Đông Dương và khu vực.

Yêu kiều giữa chiến tranh


Năm 1948, chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại và Pháp dựng lên, đặt thủ đô ở Sài Gòn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn trở thành trung tâm đầu não về cả hành chính và quân sự cả nước cho một bên trong cuộc chiến. Kế đến năm 1955, Sài Gòn lại tiếp tục làm thủ đô cho miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong nửa đầu thập niên 1950, phố xá Sài Gòn bắt đầu có biến đổi một ít so với thời kỳ trước 1945. Nhiều công sở trung ương, công sở ngoại giao, nhiều phố phường thương mại mọc lên. Sài Gòn bắt đầu có cấp quận. Người các tỉnh đổ về tỵ nạn chiến tranh và kiếm sống gia tăng làm thành phố từ 500 ngàn dân tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khu ổ chuột, định cư tạm bợ ra đời: Bàn Cờ, Vườn Chuối, quận 4… Những con kênh lớn như kênh Tàu Hũ bị nhà dân lấn chiếm hai bên bờ. Thành phố phát triển trong chiến tranh, không giữ được quy hoạch cũ, mau chóng xộc xệch.

Dinh Độc Lập hai tuần trước Tết Mậu Thân (Sài Gòn 1967 – 1968 ) / Ảnh (C ): Dave DeMIlner

Từ 1955 đến 1965, Sài Gòn có mười năm yên bình để phục hồi lại vẻ yêu kiều trước chiến tranh. Song sau đó, mười năm kế tiếp từ lúc có những xáo trộn chính trị dồn dập, quân Mỹ đổ vào, cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt thì Sài Gòn bước qua một giai đoạn phát triển gấp gáp. Sài Gòn trở nên một thành phố có đủ sự lãng mạn, cái đẹp vốn có từ thời thuộc địa Pháp đến những dấu ấn mới tự do theo kiểu Mỹ. Cùng lúc đó, Sài Gòn lại phải mang vào những tác động thô bạo và tàn bạo của chiến tranh. Song cũng chính vào thời kỳ phát triển với nhiều mâu thuẫn như thế, Sài Gòn vẫn được thế giới biết đến như một thành phố có sức sống đa dạng, mạnh mẽ, năng động. Tất cả các hoạt động và thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu quốc tế của Sài Gòn, nhất là con người Sài Gòn, phong cách Sài Gòn có được từ 1865-1975, đã trở thành một tài sản quý giá không thể thiếu, một dấu ấn không thể bác bỏ khi lịch sử sang trang.

Tên Sài Gòn và tọa độ tại bảng ghi đài thiên văn Greenwich

Sài Gòn với vốn liếng lịch sử hơn 100 năm đi ra biển lớn, hơn 100 năm đấu tranh và xây dựng đã trở thành một cái tên tự hào chung cho cả nước. Sài Gòn còn là một cái tên quốc tế đã thành danh, một thương hiệu được tin cậy trong và ngoài nước. Những thế hệ Việt Nam đương đại và sau này có hiểu biết được bề dày độc đáo của Sài Gòn mới có thể yêu Sài Gòn sâu hơn nữa. Và không thể không đồng thuận với những thế hệ trước về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị đẹp của Sài Gòn, từ những hàng cây cho đến những kiến trúc và cảnh quan độc đáo, từ những con người cá tính và đóng góp phong phú, từ những ý tưởng và cách nghĩ, cách làm phóng khoáng. Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới!

Nguồn: Người Đô Thị Online