Wednesday, February 7, 2018

ĐỊA VỊ ĐỔI LÒNG NGƯỜI

Những tấm gương xưa:
ĐỊA VỊ ĐỔI LÒNG NGƯỜI

Chỉ nghĩ đến ích lợi chung của đồng bào và Tổ Quốc mà quên hoặc gác bỏ quyền lợi riêng của mình, xưa nay chỉ có Bảo Thúc Nha.


Bảo Thúc Nha đã nhường ghế Tể Tướng của mình cho Quản Trọng và sau khi Quản Trọng cùng Thấp Bằng qua đời, nước Tề không còn người xuất chúng, Thúc Nha mới phải lên cầm quyền chính mà thôi.
 
Đó là vì Thúc Nha quan niệm đúng đắn về giá trị của địa vị.
 
Người đời lấy địa vị đánh giá con người.
 
Kẻ thức giả xét phẩm giá con người ngồi trên địa vị để định giá cho địa vị kia.

Nghĩa là đối với kẻ thức giả, địa vị quí hay không quí là do con người ở trên dịa vị ấy, chớ không phải ở "bản thân" của địa vị.
 
Nhưng xưa nay phần đông đều chăm chăm vào địa vị.
 
Đâu phải chỉ có những kẻ dung thường mới không nghĩ xa thế ấy. Cả đến những người có học có tài mà cũng nặng lòng vì địa vị, cho nên sanh ra thèm địa vị khi chưa được, và lo củng cố địa vị khi được rồi.
 
Nam Hoa Kinh chép đại khái rằng:
 
Liệt Tử làm Tể Tướng, nghe Trang Tử sắp sang chơi. Vốn biết Trang Tử là một bật hiền nhân có tài lớn, sợ Trang Tử cướp mất ngôi Tể Tướng của mình, Liệt Tử bèn ôm tướng ấn xuống ẩn núp nơi giếng can suốt ba ngày đêm. Trang Tử đến, biết được, tìm tới gọi lên nói:
 
- Sang đây tôi đi ngang qua một dãy gò. Trên gò có con kênh kênh đương ăn một con chuột chù. Tình cờ một chim phụng bay ngang qua. Giống chim phụng chỉ ăn trái trúc, uống nước suối, đậu cây ngô đồng. Nhưng kênh kênh không biết được chí chim phụng, tưởng chim phụng cũng như mình, nên vừa trông thấy bóng liền kẹp cứng chuột chù vào đôi chân, rồi ngưởng cổ "ngóe" một tiếng dữ dội. Sao bác cũng đem ghế Tể Tướng của bác mà "ngóe" tôi vậy?


Đoạn bỏ đi thẳng.
 
Sách Đông Châu Liệt Quốc chép đại khái rằng:
 
- Sô Kỵ là một thư sinh nước Tề. Tề Uy Vương là một kẻ ham mê tửu sắc, không kể đến việc nước việc dân. Sô Kỵ đem tài năng học thức của mình giác ngộ được Tề Uy Vương. Uy Vương bèn giao việc nước cho Sô Kỵ. Sô Kỵ sửa đổi chánh sự, trừ gian, cầu hiền, dựng lại nghiệp Bá cho nước Tề, ai cũng khen là người có tài kinh tế.
 
Sau đó Tôn Tẫn bị Bàng Quyên chặt chân và hành hạ tàn nhẫn. Vua Tề nghe lời Mặc Địch cho người lẻn sang Ngụy rước Tôn Tẫn về Tề. Uy Vương muốn cho Tôn Tẫn làm quan. Tôn Tẫn từ chối:
 
- Tôi chưa có chút công gì không dám nhận chức. Huống nữa lúc này Bàng Quyên đương ganh ghét, nếu biết tôi làm quan nước Tề tất sanh chuyện. Chi bằng hãy tạm giấu đi, lúc có việc dùng đến, tôi sẽ xin hết lòng.
 
Tề Uy Vương theo lời cho Tôn Tẫn ở nơi nhà Điền Kỵ.
 
Điền Kỵ đãi Tôn Tẫn vào bậc thượng khách.
 
Chẳng bao lâu, Bàng Quyên cử binh đánh nước Triệu. Triệu Thành Hầu cắt đất dâng cho nước Tề để xin cứu viện. Tề Uy Vương vốn biết tài Tôn Tẫn, muốn phong làm Đại Tướng đi cứu Triệu.. Tôn Tẫn thưa:
 
- Tôi là kẻ tàn tật được sống thừa, nếu làm Đại Tướng không khỏi quân địch chê cười nước Tề không có người tài. Xin Đại Vương cử Điền Kỵ thì hơn.
 
Uy Vương bèn cử Điền Kỵ làm Đại Tướng, Tôn Tẫn làm Quân Sư.
 
Tôn Tẫn luôn luôn giấu mình ở trong xe, bày mưa cho Điền Kỵ.
 
Bàng Quyên bị thua luôn mấy trận, xét trận pháp lòng nghi hoặc, nghĩ thầm:

- Hay là Tôn Tẫn đã lén trốn sang nước Tề. Nhưng không lẽ, vì hắn đã chết rồi kia mà!


Sau biết rõ có Tôn Tẫn trong dinh Tề, Bàng Quyên sợ quá, ban đêm rút quân về Ngụy.
Điền Kỵ và Tôn Tẫn thắng trận, trở về Tề. Uy Vương ban khen và giao cả binh quyền trong nước.
 
Sô Kỵ sợ sau này Điền Kỵ sẽ thay mình là Tướng Quốc, bèn cùng Công Tôn Duyệt tìm mưu đánh đổ Điền Kỵ và Tôn Tẫn.
 
Dịp may đưa đến:
 
Bàng Quyên sợ nước Tề dùng Tôn Tẫn thì nước Ngụy khó thắng nổi, mới sai người đem lễ vật đút lót để Sô Kỵ tâu với Tề Uy Vương đừng dùng Tôn Tẫn và Điền Kỵ nữa, Sô Kỵ nhận lễ, và nghĩ ra một kế ly gián vua tôi.
 
Sô Kỵ sai Công Tôn Duyệt giả làm người nhà Điền Kỵ, đem tiền nhờ một bốc sư ở Ngũ Cổ bói việc kiết hung. Công Tôn Duyệt nói cùng bốc sư:
 
- Tôi là người nhà của Điền Kỵ. Chủ tôi đã nắm được binh quyền trong tay, muốn mưu việc lớn, nên sai tôi đến nhờ thầy bói thử có thành công chăng.
 
Bốc sư từ chối không nhận. Công Tôn Duyệt bước ra ngoài hồi lâu thì một bọn sai nhân của Sô Kỵ áp vào bắt bốc sư đem về nạp cho Sô Kỵ.
 
Sô Kỵ dẫn bốc sư vào chầu Tề Uy Vương, tâu việc Điền Kỵ xem bói. Từ ấy Uy Vương đem lòng ngờ vực Điền Kỵ, thỉnh thoảng cho người đến dò xét hành động.
 
Điền Kỵ biết được, giả bệnh, giao trả lại binh quyền, Tôn Tẫn cũng xin từ chúc Quân Sư.
Bàng Quyên hay tin, mừng rỡ nói với các tướng:
 
- Từ nay nước Ngụy ta có cơ hoành hành trong thiên hạ.
 
Liền đó Bàng Quyên cất quân đi đánh nước Hàn.
 
Nước Hàn cầu cứu nước Tề.
 
Lúc ấy Tề Uy Vương đã mất, Tề Tuyên Vương nói ngôi. Mặc dù có sự cản trở Sô Kỵ, Tuyên vuơng vẫn sai Điền Kỵ làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư đem quân đi cứu nước Hàn.
Sau mấy trận kịch liệt, Tôn Tẫn lập mưu nhử Bàng Quyên vào thế bí, phục quân bắn chết Bàng Quyên dưới một gốc cổ thụ. Quân Ngụy đại bại. Vua Ngụy xin triều cống nước Tề.


Quan Tướng Quốc là Sô Kỵ nghĩ mình ngày trước ăn của lót nước Ngụy, muốn hãm hại Điền Kỵ, nay ăn năn, tự thấy xấu hổ, liền cáo bệnh, từ quan. Tề Tuyên Vương bèn cử Điền Kỵ làm Tướng Quốc, Tôn Tẫn làm Quân Sư và gia phong một ấp lớn. Tôn Tẫn từ chối, xin về ở ẩn nơi núi Thạch Lư.
 
Tôn Tẫn không ham địa vị bởi vì đã thấy rõ những sự bỉ ổi lòng ham địa vị gây nên.
 
Còn Liệt Tử và Sô Kỵ là hai nhà trí thức hữu danh một thời, chỉ vì muốn củng cố địa vị mà mang tiếng với hậu thế.
 
Liệt Tử là một nhà thông hiểu sự đời, làm thầy cả một nước lớn, Sô Kỵ là người thấy rõ chân lý, đem lời ngay làm cho kẻ mê muội giác ngộ. Hai người ấy đâu phải là những người không sáng suốt. Thế mà quyền lợi riêng, địa vị cao cũng làm cho lòng đen tối được. Như vậy thì con người ta không phải lúc nào cũng sáng suốt. Trí óc chỉ sáng suốt khi chưa bị quyền lợi riêng chi phối. Đến lúc sa vào vòng phú quí rồi, thì nếu không phải là bậc quân tử chân chính, thật khó mà giữ được thiên lương. Ai mà suốt đời " phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" thì mới gọi là người có bản lĩnh. Những người như thế danh vọng, địa vị mới không làm chuyển lòng được.

(đăng trong mạng Nguyễn Hữu Kính)

No comments: