Đôi lúc tôi cũng lên facebook xem chuyện thiên hạ để mở rộng tầm mắt. Sẵn tôi đang theo đề tài “Ăn mày giữa phố” nên tìm hiểu luôn về nghề cái bang thời hiện đại. Trước đây, tôi chỉ nghe “Cái Bang” trong truyện võ hiệp Kim Dung, là một hội tập hợp những người ăn mày nhưng là những người người ăn mày yêu nước và chuyên làm việc nghĩa. Đó là kiểu “cái bang” Á Đông có nhiều bang chủ tứ phương, bốn lộ như: Uông Kiếm Thông, Tiêu Phong, Du Thản Chi, Hồng Thất Công...
Còn “cái bang” phương Tây thì chỉ có mỗi một bang chủ tên là Davide Daw, được dân cộng đồng mạng phong danh hiệu “Ông tổ nghề” với website nổi tiếng: “Everyone Give Me One Dollar” (Mỗi người cho tôi một đô la). Khi mới thành lập trang này, Daw khẩn thiết cầu xin mọi người giúp đỡ một USD hoặc tiền tệ của các quốc gia khác để thực hiện tham vọng là một “triệu phú lập dị”. Anh này hứa hẹn sau khi thành đạt sẽ trả đầy đủ cho mọi người và giúp đỡ những người bất hạnh. Sau thời gian miệt mài kêu gọi, Daw đã gom góp được 30,000 USD.
Cái tin bang chủ Davide Daw gom được ba chục ngàn đô, dấy lên những trầm trồ khen ngợi, bình luận chê bai của cộng đồng mạng xã hội. Tuy nhiên mặc cho nhiều ý kiến, điều nối tiếp sau đó là xuất hiện hiện tượng “ăn mày online” xảy ra nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Một vài website với tên gọi “Old Village Store”, “Angel Shopping Mall” đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên facebook.
Phần lớn dư luận Trung Quốc hoài nghi về mức độ thật thà của hành khất online. Thực tế cho thấy, sau nhiều ngày kêu gọi vận động, các trang web này vẫn chưa nhận được khoản trợ giúp nào. Khi trào lưu này đang có dấu hiệu “chìm xuồng” tại Trung Quốc thì mới đây, các diễn đàn mạng bỗng xôn xao về một “thần cái” có khả năng xin xỏ được 750,000 NDT (tương đương gần 120,000 USD) trong vòng một tháng. Chỉ với vài lời thê lương trên mạng: “Không tiền mua nhà, bị vợ bỏ rơi, cầu xin mọi người hảo tâm giúp đỡ.” Theo điều tra của phóng viên, câu chuyện chỉ mang tính tin đồn nhảm do cộng đồng mạng phát tán thông tin.
Nhưng một hành khất thứ thiệt tại tiểu bang Kentucky lại làm nổi lên làn sóng bàn tán của dư luận. Ông Gary Thompson, một người tàn tật, làm nghề ăn xin, mỗi năm kiếm được 100,000 đô la. Chuyện khó tin nhưng có thật. Và không phải mình ông, nhiều hành khất khác kiếm được “thu nhập” tương tự như thế theo điều tra của các phóng viên báo chí. Lòng tốt của con người ban phát rộng rãi, cho nên mới có chuyện cũng một ông tên Gary xin tiền bằng cách như thế này. Ông viết lên mỗi tờ tiền 1 USD câu: “Hãy quay trở lại với tôi, tôi rất nghèo” và gởi thư đến những địa chỉ ông có được. Ông làm vậy nhằm lấy lại những tờ tiền đã chi ra. Để cho thông điệp của mình thực sự gây chú ý, ông Gary, 60 tuổi, dùng mực màu đỏ để viết. Đương nhiên, người đàn ông đã nghỉ hưu này không quên thêm vào địa chỉ nhà ông để cho những nhà hảo tâm biết đường mà gởi. Thật đáng ngạc nhiên, phương pháp kiếm tiền (hay tiết kiệm tiền nói theo kiểu của Gary) có một không hai này hóa ra rất hiệu quả. Có nhiều người sau khi đọc được câu khẩn nài trên đã động lòng gởi trả lại tiền cho ông.
Gary xin tiền bằng cách như thế này. Ông viết lên mỗi tờ tiền 1 USD câu: “Hãy quay trở lại với tôi, tôi rất nghèo” và gởi thư đến những địa chỉ ông có được.
Gary chủ yếu chỉ “xin tiền” đối với tờ 1 đô bởi vì khả năng “cho đi” của tờ tiền này lớn hơn so với các tờ mệnh giá 10 hay 20 đô. Nhưng cũng thật may mắn cho ông là có nhiều người hào phóng đã gởi thêm cho ông vài đô trong phong bì. Trung bình một ngày ông nhận khoảng 2 đô, một tháng là 60 đô. Cộng cả tiền cho thêm là gần 100 đô mỗi tháng. Gary không chỉ nhận lại tờ tiền đánh dấu của mình tại Mỹ mà còn ở một số nước xa xôi như Úc hay Hà Lan. Gary cho biết ông không cảm thấy xấu hổ hay áy náy vì những gì mà mình đã làm. Bởi vì ông cho rằng ông không lừa đảo ai cả, ông chỉ đơn giản là xin tiền mọi người mà không có bất kỳ ràng buộc hay hình thức hăm dọa nào. Hơn nữa, Gary tuyên bố rằng ông cũng không làm giàu bằng phương pháp này, số tiền ông nhận được chỉ dành để trả các chi phí sinh hoạt.
Đúng là những hành động kiếm tiền của một số người cần cho nhu cầu trang trải gì đó mà ngặt nghèo trong túi, chẳng cần phải áy náy hay xấu hổ nên không ít người đã noi theo phương pháp của ông Gary. Chẳng hạn như cô Chrissy Lance ở Ohio, 37 tuổi, với khao khát được sở hữu một đôi “gò bồng đảo” nảy nở và hấp dẫn hơn nên cô quyết định ra đứng đường để xin tiền đi nâng cấp “núi đôi”.
Trong trang phục bikini gợi cảm, sự xuất hiện của Chrissy giữa đường phố Akron với tấm biển trên tay “Tôi không phải người vô gia cư, nhưng tôi cần sự giúp đỡ để ‘tân trang’ bộ ngực của mình” đã thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường. Người phụ nữ có nước da ngăm đen, hiện là một nhân viên phục vụ tại quán rượu và là sinh viên Đại học Arkon, cho biết công việc hiện tại chỉ giúp cô có đủ tiền học và thanh toán các hóa đơn sinh hoạt thường ngày. Người qua đường có lòng tốt đầu tiên đã tặng cô 10 USD.
“Tôi không phải người vô gia cư, nhưng tôi cần sự giúp đỡ để tân trang bộ ngực”
Một bà mẹ ở Bellevue đã thu hút nhiều dư luận vì những nỗ lực “ăn xin” nhằm có tiền đóng học phí cho cậu con trai ở một trường năng khiếu trực thuộc Trường Nghệ thuật Idyllwild, California. Shelley Curley cho biết, cô phải “xin được” một khoản tiền kha khá, vì tiền học phí của cậu con trai sắp tới là 45,000 USD cộng thêm khoản tiền nợ trước đó là 4,000 USD. “Tôi không muốn vì nghèo, không có tiền học cho con mà ước mơ của con trai tôi bị gián đoạn”. Chính vì vậy, bà mẹ này đã phải chọn một vị trí thuận lợi nhất là một đoạn đường dốc trên xa lộ để “hành nghề”. Nhưng kết quả cuối cùng không biết cô có đạt được không.
Nhiều bình luận dân mạng cho đó là ý kiến “ăn xin” hay vì tính trung thực của vấn đề. Không ít mấy anh chàng “bợm” cũng tỏ ra ăn ý sáng kiến “Xin tiền mua bia”, thậm chí là một thùng bia. Có những tấm bảng viết rằng: “Tại sao tôi phải nói láo, tôi cần uống bia, nhưng không có tiền, cần xin giúp đỡ”. Có lẽ người ta thích cái tính thật thà, ngây ngô nên mở lòng rộng lượng. Những người “ăn mày bia rượu” đều không phải homeless, nhưng khi không có bia hoặc rượu để uống thì họ lại tổ chức đi... ăn xin. Lúc này, họ sẽ treo trước ngực tấm bảng có dòng chữ: “Hãy cho tôi 1 ly bia”. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng thu nhập của những “ăn mày bia rượu” này lại cao hơn hẳn so với những kiểu ăn mày khác. Lý do được đưa ra là người ta cho rằng, “ăn mày xịn” là kẻ vô dụng vì đến việc làm họ cũng không tìm được, trong khi “ăn mày bia rượu” chỉ gặp khó khăn tạm thời, và họ không tiếc để cho người ăn xin một vài cốc bia.
“Ăn mày xịn” là kẻ vô dụng vì đến việc làm họ cũng không tìm được, trong khi “ăn mày bia rượu” chỉ gặp khó khăn tạm thời, và họ không tiếc để cho người ăn xin một vài cốc bia.
Còn câu chuyện sau đây không phải ăn xin tiền nhưng mà là “xin vợ” thời hiện đại. Robert Darling thường xuyên di chuyển tuần một lần từ căn nhà hai phòng ngủ của mình ở bờ biển Bradley, New York để tới Manhattan tìm kiếm tình yêu với tấm biển: “Tôi đang tìm kiếm một quý cô giàu có làm vợ”.
Và tấm biển “tìm vợ” của Robert Darling thu hút rất nhiều sự chú ý của những người xung quanh. Đây được xem là kiểu “tìm vợ giàu” độc nhất vô nhị trên thế giới. Tuy nhiên, có một bài hát của một nhạc sĩ tay mơ như vầy: “Cho tôi được hóa thành, được làm một gã ăn mày / Nghêu ngao điệp khúc van nài / Buổi chiều trên sông Seine hát / Cho tôi được thấy nàng, một người hầu gái yêu kiều / Nàng tựa đầu trên gác mái, ngó xuống sông Seine nhìn tôi / Ngồi hoài ở trước cửa nhà / Đàn hoài những khúc tình ca...”. (Gã ăn mày tình yêu) lãng mạn hơn nhiều.
Riêng một người đàn ông vô gia cư có tên Williams ở New York đã tìm được việc làm sau khi đeo tấm biển quảng cáo “chất giọng vàng” của mình. Williams đeo tấm biển trên với hy vọng sẽ “xin” được việc làm cộng tác với đài truyền hình. Thật may mắn cho anh ta, một phóng viên đã ghi lại hình ảnh khi anh “quảng cáo” chất giọng của mình, và nó nhanh chóng trở thành hiện tượng trên Youtube. Sau đó, Williams đã trở thành khách mời của talk show truyền hình có tên Dr. Phil.
Williams ở New York đã tìm được việc làm sau khi đeo tấm biển quảng cáo “chất giọng vàng” của mình
Và cuối cùng là một người đàn ông vô gia cư tên James thích biến dãy biển ăn xin của mình thành một sân khấu ở Texas. Màn trình diễn của anh gồm 9 cái bát ăn xin ghi các tôn giáo và dưới đề dòng chữ: “Tôn giáo nào thương người vô gia cư nhất?”. Sau đó, gần như bát vô thần của anh nhận được nhiều tiền nhất, tiếp đó là bát Phật giáo còn bát đạo Hồi và Hindu gần như trống không. Theo như phân tích của James, những người vô thần dường như là người để ý đến kẻ cơ nhỡ nhiều nhất.
Ăn xin thời hiện đại có khác. Đúng là có 1-0-2 trên thế gian.
Màn trình diễn của anh James gồm 9 cái bát ăn xin ghi các tôn giáo và dưới đề dòng chữ: “Tôn giáo nào thương người vô gia cư nhất?”
Trang Nguyên
No comments:
Post a Comment