Hôm nay tìm được một bài viết về dầu BS Tín, hoài niệm và chia sẻ cùng các bạn. (LKH)
Dầu Bác sĩ Tín: Mùi bà đẻ đặc trưng
Là tiền thân của dầu khuynh diệp OPC “mẹ bồng con” ngày nay, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có một thời lừng lẫy suốt từ cuối thập niên 1940 đến năm 1975, không nhà nào mà không thủ sẵn vài chai.
Ông Bùi Dương Thạch, trưởng đại diện tộc họ Bùi tại phía Nam, cho biết gia đình ông vẫn còn giữ những vỏ chai dầu khuynh diệp mà xưa nhà ông quen xài. Nhiều năm nay, khi loại dầu này ngưng sản xuất thì nhà ông cũng chuyển sang dùng dầu khuynh diệp OPC như vớt vát mùi hương ký ức.
Mua dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín trúng xe hơi Austin
Hiện nay, chuyên gia kinh tế tài chính-TS Bùi Kiến Thành - con trai cả của ông chủ dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, tức ông Bùi Kiến Tín, đang suy nghĩ cố gắng phục hồi phần nào thương hiệu dầu mà cha mình gầy dựng. Ở tuổi ngoài 80, TS Thành vẫn còn nhớ cặn kẽ nhiều chi tiết xung quanh chuyện cha mình sản xuất và buôn bán dầu gió. Tài quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm của ông Bùi Kiến Tín là một trong những điều mà ông Thành tự hào lẫn thích thú.
Ông Bùi Kiến Thành kể ở cái thời từ năm 1942 đến năm 1956, khi một chiếc xe đạp cũng là cả một gia tài với nhiều người thì “ông papa” của ông đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7-8 m nhưng không đóng tải mà dùng mặt bằng để chất lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu cạnh. Gắn kèm chiếc xe là cái bảng to ghi Giải thưởng Bác sĩ Tín. Ai mua dầu của BS Tín cũng được cho một con số kèm theo. Đi cùng với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cho tới Cà Mau. Một chiếc xe quá lạ lùng và tưng bừng như vậy bảo sao dừng ở bãi chợ nào trẻ em, người lớn đều không xúm coi rần rần. Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất nghiêm túc, ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Đó là chiêu mà BS Tín nghĩ ra để từ Nam chí Bắc ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cũng như nhà thuốc Bác sĩ Tín.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cứ thế làm mưa làm gió, có năm nhà thuốc Bác sĩ Tín bán ra đến 25 triệu chai dầu khuynh diệp, trong khi dân số Việt Nam lúc đó chỉ có 20 triệu người.
Bán dầu gió từ ước ao... phát triển dân số Việt Nam
Từ hồi còn học bên Pháp, trong luận án tốt nghiệp bác sĩ của mình, ông Bùi Kiến Tín đã nêu vấn đề của dân tộc ông. Ông có một ước ao được góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh. Làm sao 20 triệu dân hiện tại có sức khỏe tốt để nâng dân số lên 50 triệu cho đúng với tầm cỡ lãnh thổ? Dân Việt Nam lúc đó không có đủ tiền để mua thuốc Tây. Đông dược rất tốt nhưng sản xuất chưa đúng với phương pháp khoa học, chưa hiệu quả. Và ông muốn thay đổi thực tế này. Khi sản xuất và bán thuốc, trên các loại dầu gió, dầu nóng xoa bóp và dầu cù là, BS Tín đều cho dán logo là ảnh một anh lực sĩ Việt Nam nâng cả đất nước Việt Nam lên. Bên dưới logo là ba chữ “Đại Cường Việt”.
Kinh doanh, trước tiên là để làm giàu, hẳn nhiên. “Nhưng với ông papa tôi, làm giàu không chỉ cho cá nhân ông mà còn là làm giàu cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ, khi ông papa làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền với câu khẩu hiệu “uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không khí tự do”. Bán thuốc không chỉ để dân khỏe ra mà ông còn muốn xây dựng nhận thức, xây dựng ý thức chủ quyền cho dân” - ông Thành nói về cha mình.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có màu xanh rất đặc trưng đựng trong những chai nhỏ từ 5cc đến 100cc. BS Tín, ảnh chụp trong giai đoạn 1955-1960. |
Dù là hôn nhân mai mối cho môn đăng hộ đối, lấy nhau từ thuở bà mới 15 tuổi, ông cũng chỉ 18 nhưng vợ chồng BS Tín đúng là một cặp “song kiếm hợp bích”, đồng vợ đồng chồng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Bà Nguyễn Thị Hòa, vợ BS Tín, có một tiểu sử đặc biệt. Là con gái của một đại điền chủ ở Quảng Nam, bà thay người anh cả đi học xa, thay cha mẹ lo công việc nhà, gồm cả việc trồng trọt, khai khẩn cơ man đất đai vùng Quảng Huế, Đại Lộc. Từ năm 13 tuổi, cứ tinh mơ 3-4 giờ sáng mỗi ngày, bà đã thức dậy dẫn hàng trăm “quân” lên ruộng đồng các ấp làm việc. Ông Thành tự hào: “Bà má tôi có phong cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo chứ không phải là một cô gái quê bình thường. Lấy chồng sớm, tiếp cận với ông papa tôi thì bà ảnh hưởng tầm nhìn của ông chồng. Bà là cô gái quê nhưng không phải ngồi ở đáy giếng mà nhìn lên trời và nhảy ra khỏi miệng giếng”.
Khi công việc kinh doanh dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín phát triển, bà đưa các em ruột của mình, tức người em thứ bảy Nguyễn Phan vốn có tài quản lý, vào Sài Gòn giao cho nhiệm vụ quản lý điều hành nhà thuốc, như là giám đốc sản xuất của nhà thuốc. Hay người em thứ tám Nguyễn Sang thì có nhiệm vụ phân phối thuốc, đưa bốn đoàn xe chở thuốc về các tỉnh, từ Nghệ An trở vào. “Bà má tôi không khác một nữ tướng điều quân khiển tướng, còn các cậu và mọi người xung quanh là “tá”. Bà không nói nhiều nhưng khi nói thì như quân lệnh, nói gì cũng đúng. Ai cũng sợ, cũng nể bà, kể cả ông papa tôi” - ông Bùi Kiến Thành cho hay.
Trong chuyện phân phối dầu Bác sĩ Tín, bà có những cách thức mềm mỏng của riêng bà khiến cho hàng triệu chai dầu có mặt ở những nơi mà người ta nghĩ phải qua kiểm soát gắt gao, như rừng U Minh hay chiến khu D. Bà cho xe tải chở dầu gió băng băng vào đó cung cấp cho bộ đội.
Mượn cái nồi lớn của thân sinh “thi sĩ điên” Bùi Giáng
Trước khi sản xuất dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, ông Bùi Kiến Tín khởi nghiệp ở Quy Nhơn, làm các loại thuốc ho, bổ huyết, thuốc trị táo bón. Bà Hòa tích cực tham gia cùng chồng ngay từ những ngày này. BS Tín nói cần một cái nồi đồng thật lớn để nấu thuốc thì bà liền nhận nhiệm vụ đi kiếm cho ra cái nồi như thế.
Bà đi về quê ngay lúc đám giỗ ở một nhà thuộc tộc họ Bùi thì gặp ông Bùi Thuyên, người nghèo nhất tộc, là cha ruột nhà thơ Bùi Giáng. Nghe chuyện, ông Bùi Thuyên gợi ý cho bà mượn cái nồi: “Nhà tôi có cái nồi không lớn lắm nhưng mà nó cũng lớn”. Như vậy, sự nghiệp làm thuốc của BS Tín khởi thủy xem ra lại có dây mơ rễ má với “thi sĩ điên” Bùi Giáng.
Tốn kém khủng khiếp để có “mùi bà đẻ”
Dầu gió được BS Tín bào chế có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu... và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Đây là loại tinh dầu có mùi rất đặc trưng, người bình dân quen gọi “mùi bà đẻ” bởi nó được các “bà đẻ” cực kỳ ưa chuộng.
Theo ông Lê Hữu Sanh, người năm xưa làm thư ký riêng của BS Tín, thì khi bắt tay sản xuất dầu khuynh diệp, ông chủ mình lúc đó chú ý tới những nhà sản xuất hương liệu của Hà Lan với các loại hương liệu làm nước hoa, sau đó ông phát hiện ở Bồ Đào Nha có sản xuất Eucalyptus là tinh dầu khuynh diệp. Độ tinh khiết của nó đạt đến 99,9%, khử được tất cả loại độc tố có hại cho da. Và như vậy cho dù loại dầu này rất đắt tiền, nếu dầu khuynh diệp trong nước bán 0,5 USD/kg thì dầu nhập về phải tốn đến 9 USD/kg, gấp chục lần dầu trong nước nhưng BS Tín vẫn quyết định nhập về. Ông Lê Hữu Sanh là người trực tiếp chịu trách nhiệm từ đặt hàng, xử lý giao dịch, khai đóng thuế đến nhận hàng về. “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về bằng đường tàu thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng 30-40 tấn, chiếm hai container. Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy 4-5 lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp” - ông Sanh nhớ lại.
Người làm những chuyện “điên rồ”
Nhớ về ông chủ với nhiều điều “huyền thoại”, ngoài cách giao việc rất độc đáo, đó là ghi âm lời dặn với những điều mục 1, 2, 3, 4... vào băng cassette, soạn bằng miệng cả những bức thư, những văn bản bằng tiếng Pháp cho thư ký đánh máy ra, ông Lê Hữu Sanh còn nể phục những sáng kiến và năng lực của ông Bùi Kiến Tín khiến ông phải nhiều phen bật ngửa: “Nhiều người nghe qua đều nói ông ấy nghĩ chuyện điên rồ nhưng với tôi, ông ấy là một người tài hiếm có”.
Ông Sanh kể trong những năm 1950, BS Tín từng nêu ý tưởng triển khai khu Disney Land sao cho giống y chang Disney Land của Mỹ ở khu đất rộng 290 ha tại Biên Hòa nhưng dự án này dở dang vì thời cuộc. Ông liên doanh với Ngân hàng Crocker Bank của Mỹ sáng lập ra Doanh Thương Ngân hàng với mục đích huy động vốn của các nhà nhập khẩu Việt Nam. Ngân hàng này hoạt động từ năm 1963 đến 1966. Ông sáng lập và đưa vào hoạt động một loạt cơ sở, như: Cát Thủy Triều ở Bình Thuận khai thác cát tinh bán cho Nhật, Muối Cà Ná sản xuất muối công nghiệp, Công ty Nông nghiệp Khánh Hòa bán cơm dừa cho các cơ sở sản xuất xà bông. Ông cũng được coi là người sáng lập Công ty Sản xuất Bình điện ắcquy Prestolite do thương hiệu ắcquy Autolite thuộc hãng xe Ford của Mỹ nhượng quyền...
Hồng Thu (Theo Plo.vn)
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment