Sunday, February 4, 2018

THIẾU LÂM TỰ: HUYỀN THOẠI & SỰ THẬT

Huyền thoại về “Ngôi sao Bắc Đẩu”

Với bề dày lịch sử 1.500 năm, Thiếu Lâm tự - Trung Quốc là kho tàng võ công thâm hậu vang danh khắp thiên hạ. Các nhà nghiên cứu võ học trên thế giới đều phải thừa nhận rằng Thiếu Lâm tự là cội nguồn của nhiều môn phái.


Một chuyến đi về cái nôi võ thuật để tìm một chân dung thật về ngôi sao huyền thoại...

Kẻ tu học trên mạng!

Tôi lên mạng với lời rao: “Muốn đi đến chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc, ai biết chỉ giúp?”. Chỉ trong nửa ngày đã có hàng tá lời hồi đáp: đường đi nước bước đến Thiếu Lâm tự mỗi người mách bảo một phách, người thì bảo Thiếu Lâm tự ở Châu Nam, tỉnh Phúc Kiến; kẻ đoan chắc chân truyền kungfu ở Bàn Sơn, Hà Bắc; có kẻ lại bảo: “Anh cứ đến Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội, ở đó dạy Thiếu Lâm tự Liễu Đôi - Hà Nam, chân truyền chính gốc, cần gì mò sang Tàu?” (!?).

Rối quá tôi lại rao: “Muốn đi tu chùa Thiếu Lâm chính gốc bên Trung Quốc, ai đã từng tu, muốn tu, sắp tu, xin liên hệ email nguyenbnus... xin hậu tạ!”. Hai ngày sau thư điện tử đã có hồi âm: “Em là Hưng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, từng sang chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, Hà Nam, Trung Quốc hai lần, đầu tháng giêng em sẽ sang nhập học, nếu cần anh bay ra Hà Nội, em sẽ giúp...”. Tôi thu xếp bay ra Hà Nội ngay.


Hưng với thân hình đúng nhà võ - cao lớn, vai u thịt bắp, rất am hiểu Thiếu Lâm tự - kể cho tôi biết: Đúng là bên Tàu có đến ba ngôi chùa mang tên Thiếu Lâm, nhưng chính gốc chân truyền chỉ có một là Tung Sơn Thiếu Lâm tự ở thị trấn Đăng Phong, tỉnh Hà Nam.

Chính nơi này, năm 527 (sau Công nguyên) tổ sư Bồ Đề Đạt Ma - con vua Nam Thiên Trúc (miền nam Ấn Độ) đã lên đường vượt biển sang Trung Hoa và đến Tung Sơn, chọn động Thiếu Thất để tham thiền diện bích (nhìn vào vách đá) suốt chín năm liền.

Từ đó, ông đúc kết tinh yếu ra môn phái Thiếu Lâm tự với năm bộ sách bí truyền tuyệt thế võ công chấn động giang hồ và là nền tảng cho hầu hết các môn võ khác như Nga Mi, Không Động, Võ Đang, karatedo, taekwondo, judo, kiếm đạo Nhật Bản và cả Vovinam… cũng đều xem

Tung Sơn Thiếu Lâm tự

Bồ Đề Đạt Ma là thủy tổ
.

Kungfu Trung Hoa hay võ Thiếu Lâm tự vang danh giới võ lâm giang hồ từ hơn ngàn năm qua bởi 72 tuyệt kỹ kungfu như thương đao bất nhập pháp (binh khí không thể chém vào người), bích hổ du tường công (leo tường), tù thủy công (chạy trên mặt nước), phi tiềm tẩu bích (chạy trên vách, bay trên mái)…

Chỉ cần luyện thành công một trong 72 tuyệt kỹ cũng đủ tư cách để lập ra một võ phái danh trấn giang hồ!... Chỉ nghe Hưng kể về những huyền thoại thôi mà tôi đã rạo rực muốn nhập môn trở thành võ tăng rồi... Hưng hẹn tôi về thu xếp, đúng mồng mười tháng giêng sẽ ra Bắc cùng nhau cất bước “tiếu ngạo giang hồ”...

Đọc những bộ sách kiếm hiệp như Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long ký , Thần điêu đại hiệp… tôi đã quá mê mẩn những thần công lực của các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm. Trong lịch sử Trung Hoa, dấu ấn các cao thủ chùa Thiếu Lâm cũng rực rỡ không kém.

Từ đời Đường, tuyệt đỉnh võ học Thiếu Lâm tự đã chấn động giang hồ khi 13 vị cao tăng chùa Thiếu Lâm giúp vua Đường Thái Tông phá trận Vương Thế Sung (mà vừa qua Đài truyền hình TP.HCM đã cho trình chiếu bộ phim nhiều tập San bằng Thiếu Lâm tự. Lịch sử võ học cũng lưu danh các cao tăng như Chí Tháo, Huệ Dương, Đàm Tông… đã đóng góp cho nền võ học thế giới những huyền công tuyệt kỹ.


Tinh hoa của Thiếu Lâm là võ đạo. Võ động, đạo tịnh - tinh thần Thiếu Lâm là mượn cái động để trở về cái tịnh. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho đến giờ vẫn chưa khám phá hết kho tàng nội công và khí công của võ đạo. Đi đến chân truyền tuyệt kỹ của Thiếu Lâm tự là một con đường khổ ải. Các tiểu tăng thường được đưa vào chùa từ tuổi lên 5, lên 7, học từ tấn pháp, thân pháp, quyền pháp, cước pháp... rồi la hán quyền, mai hoa quyền.

Bước vào trung cao thì tùy vào thể trạng, nhỏ con thì luyện báo quyền, cao gầy thì hạc quyền, to cao thì long quyền... Không phải ai cũng có thể bước vào hàng cao thủ Thiếu Lâm, vì phải có căn duyên, phải đạt khí lực và nội lực thâm hậu mới có thể luyện tuyệt kỹ, bằng không sẽ phản đòn nội thương. Để đạt đến vô vi quyền (vô chiêu thắng hữu chiêu), dùng khí lực nuôi thao tác liên kết hệ thống thần kinh và huyệt đạo để dẫn khí lực ra chiêu thì mới gọi là thượng thừa, mới có thể gọi là Đạt Ma khí công…


Với một kẻ ngoại đạo như tôi, kho tàng võ thuật Thiếu Lâm tự quả như ngọn núi Thái Sơn mà mới một vài bài quyền của các tiểu tăng đánh võ như múa trong đoàn võ thuật Thiếu Lâm Tinh Anh - Bắc Kinh vừa qua Sài Gòn hồi tháng mười hai cũng đủ khiến tôi choáng ngợp...

Chuyến tàu tốc hành phương bắc


Đúng hẹn với Hưng, tôi vác balô ra Hà Nội. Vừa xuống sân bay trời lạnh 100C, nhưng cảm thấy lạnh hơn khi điện thoại cầm tay của Hưng “ò…í…e…”. Mới ngày hôm trước còn liên lạc, Hưng vẫn dặn: rét lắm đấy, hôm qua đài báo ở Bắc Kinh, Trịnh Châu lạnh đến âm 180C. Hưng còn dặn nên cạo đầu để bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc cao tăng… Vậy mà…

Tiếng còi tàu tốc hành liên vận Hà Nội - Bắc Kinh trong đêm nghe sao não lòng. Kẻ tu học qua mạng vẫn biệt tăm, đường xa vạn dặm biết đâu mà lần, chẳng lẽ quay về? Nhưng tóc đã xuống, tâm đã tịnh, tiệc chia tay vợ con đã tàn... nào có thể thối lui?

“Gió hiu hiu sông Dịch lạnh tê, tráng sĩ ra đi chừ không trở về...”. Con tàu liên vận nối liền thủ đô hai nước phóng vào màn đêm hun hút, trên tàu chỉ có đúng 11 người VN - mùa này đang vào tiết đại hàn, người phương bắc ùn ùn kéo xuống phương nam chứ có ai ngược lên phương bắc!

Ông soát vé tàu ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại nhiều lần khi biết tôi sẽ xuống ga Trịnh Châu - Hà Nam (cách Bắc Kinh 500km về phía nam) để đi Thiếu Lâm tự, bởi mùa này không ai đi viếng chùa Thiếu Lâm lại càng không thể tin là đi học võ, vì thời tiết năm nay vô cùng khắc nghiệt, trung bình cũng âm 100C, miền núi Tung Sơn luôn có bão tuyết.


Quả như lời ông soát vé nói, tàu chỉ mới đến Quế Lâm, bắc tỉnh Quảng Tây, giáp VN, tuyết đã rơi dày đặc; làng mạc, những cánh rừng phủ trắng một màu tuyết - hiện tượng này ngay chính người Trung Quốc cũng cho là khác thường, bởi vùng Hoa Nam cả 20 năm qua chưa có tuyết rơi!

Tàu vượt sông Trường Giang trong đêm tối, tôi tiếc là không có dịp để ngắm một trong những dòng sông lớn nhất Trung Hoa - nơi mà ngàn năm trước tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã rời nước Lương để đến Thiếu Lâm tự của Bắc Ngụy chỉ bằng một cọng lau đạp nước qua sông (cước đạp lô điệp quá giang) để từ đó “cửu niên diện bích” (chín năm thiền mặt quay vào trong vách đá) trong động Thiếu Thất trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.

Tàu vào ga Trịnh Châu chỉ đỗ đúng năm phút cho hai người khách xuống: tôi và anh Kim Sơn - người phiên dịch. Trên tàu có lò sưởi nên chưa cảm thấy cái lạnh, vừa ra khỏi tàu đôi tai tôi gần như đóng băng (!), nhiệt độ bên ngoài âm 10C, nhưng khi lên xe đò về đến thị trấn Đăng Phong, cách Trịnh Châu 80km về phía đông bắc mới biết mình vẫn còn may mắn vì trước đó hai ngày một cơn bão tuyết đã ập vào Trịnh Châu, làm tắc nghẽn giao thông suốt hai ngày. Chuyến xe đò mà tôi đi về Đăng Phong là chuyến đầu tiên sau cơn bão tuyết!


Dãy Tung Sơn đang dần hiện ra, huyền thoại về tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự đã ở sau lưng, trước mắt là một thế giới khác về Thiếu Lâm tự đang mở ra…

Chợ kungfu

Tôi cứ hình dung đó là một thị trấn cổ kính ngàn năm với những võ sinh đang luyện tập dưới bóng núi Tung Sơn, bởi trong tám kinh đô cổ của Trung Quốc thì tỉnh Hà Nam chiếm hết bốn - gồm An Dương, Lạc Dương, Khai Phong và mới đây là Trịnh Châu (1600 – 1100 trước Công nguyên). Thế nhưng tất cả đều tan biến ngay trong phút đầu gặp gỡ...
Công nghệ “chân truyền”!

Thị trấn Đăng Phong đang hối hả xây dựng, con đường cao tốc từ thành phố Trịnh Châu dẫn về Đăng Phong rộng sáu làn xe, dấu ấn duy nhất là bên sườn núi người ta cho tạc vào vách núi chân dung các vị cao tăng đang luyện khí công. Còn lại là hàng loạt tòa nhà cao tầng đang đua nhau vươn lên; nhà hàng, khách sạn ba sao, bốn sao vươn dài ra tới dãy Tung Sơn - nơi tọa lạc chùa Thiếu Lâm.

Ngay tại bến xe, người tài xế xe đò tên Kỳ sau khi nhìn cái đầu trọc “truyền thống” và biết ý định của tôi muốn tìm một “lò” chân truyền để tu học, anh móc điện thoại di động gọi ngay, sau đó bảo: “Lên chùa học làm gì cho mệt, ghé chỗ bạn tôi, chỉ học vài tháng là đạt tuyệt khí công (!?)”.

Tôi ngần ngại, nói muốn học cho đến nơi đến chốn để về nước mở lò dạy võ. Kỳ như biết quyết tâm của tôi: “Tôi bao tất, 10.000 tệ (khoảng 20 triệu tiền Việt Nam), có bằng do đệ tử chân truyền của phương trượng cấp, sang Mỹ còn mở trường dạy võ được huống hồ gì VN!”. Tôi dò hỏi: “Vậy học mấy tháng?”. Anh lái xe cho biết chỉ cần ba tháng là được, rồi anh vung tay múa quyền giống như mấy tiểu sư phụ trong đoàn Thiếu Lâm Tinh Anh!


Khắp Đăng Phong đâu đâu cũng có thể liên hệ vào học ở võ đường, Học viện Thiếu Lâm. Một bảng hiệu nhỏ như bảng hiệu “nhận giặt là” ở Hà Nội cũng được ghi “Thiên Long Thiếu Lâm võ đường”, hay một tòa nhà trên phố chỉ cao ba tầng cũng được chèo kéo vào giới thiệu là “Tiểu Long Thiếu Lâm học viện”...

Và chỉ cần lên taxi mà miệng bập bẹ với tài xế “Shao lin ssu…” là sẽ được chở ngay tới một “mối” luyện kungfu vô danh hoặc hữu danh nào đó mà ai cũng đoan chắc “chính hiệu chân truyền”; như một thời ở Hà Nội người ta tranh nhau chất “chân truyền” của các quán thịt chó trên đê Yên Phụ, nào là anh Tú xịn, anh Tú béo, anh Tú chính gốc...

Thậm chí có “cò” còn tuyên bố sẵn sàng bảo kê cho tôi vào chùa tu, nhưng ban đêm có thể ra thị trấn ăn chơi, nhậu nhẹt đàn đúm - vì “cò” này bảo thanh niên trai tráng mà ở trong chùa thì hoạn sướng hơn!


Một anh cò có đôi mắt sắc như dao của Kinh Vô Mệnh rủ rỉ: “Chỗ tôi không cần phải học chi cho mệt, cứ đến ghi danh và tìm chỗ ăn ở cho thoải mái, tôi sẽ chạy cho tấm bằng chứng nhận đã tu luyện do chính đương kim phương trượng Vĩnh Tín ký và đóng dấu. Nhiều võ sinh từ Mỹ, Pháp sang cũng “học” theo cách này mà...”.

Thấy tôi lo ngại, Kinh Vô Mệnh lật bài ngửa phán ngay: “Giấy giả thôi, chỉ tốn có 1.000 tệ, mấy đại sư phụ có tài thánh cũng không biết giả - thật!”. Anh Kim Sơn, người phiên dịch đã có mười năm lăn lộn khắp đất nước Trung Hoa, cho biết: “Chuyện giả chữ ký và dấu son là chuyện bình thường ở đất nước này, đến tiền mà còn làm giả đến mức ngân hàng còn không phát hiện được!”.

Ngụy phái hay chân truyền đều khó lòng phân biệt thì tôi còn biết tu học cửa nào đây?

Duyên phận!



Còn đang phân vân vì không biết thân phận sẽ trôi về chốn võ lâm nào giữa cái chợ võ ồn ào, náo nhiệt này, may mắn thay tôi lại bắt mối được với một người tự giới thiệu là Mã Hải Phong - thư ký riêng của một cao tăng đang tu tại chùa Thiếu Lâm.

Phong dáng đậm người, nói nói cười cười và có vẻ thật thà khi “thành thật khai báo”: “Tôi đâu biết võ, chỉ học lóm vài chiêu để phòng thân khi đi chợ, học võ mệt lắm, nhưng thầy của tôi chính gốc chân truyền!”.

Phong gọi taxi và đưa chúng tôi về một căn nhà nhỏ gần con đường cao tốc dẫn lên Thiếu Lâm tự. Căn phòng lạnh đến ghê người, chiếc cửa nhỏ bé được che bằng miếng cao su dày để chắn gió rét, phòng bên ngăn cách bằng một tấm kính tôi thấy có mấy chú nhỏ đầu cạo trọc đang hì hục tập võ mà tôi đoán là các tiểu võ tăng.

Ban đầu cứ nghĩ là mình đã bị lừa vào chốn tà phái, nhưng định thần nhìn quanh, với cách bài trí trong phòng, tôi thấy có thể yên tâm phần nào: nhiều bức ảnh treo trên tường là ảnh các vị lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ… chụp chung với các cao tăng, có những tấm trướng ghi thành tích của chủ nhân của nó và cả một dàn thập bát ban võ nghệ thương, đao, chùy, kiếm…


Mã Hải Phong hỏi tôi chỉ học võ hay cả đạo lẫn võ; nhu cầu ăn, ở, mua sắm trang phục loại nào, có đủ khả năng ở phòng riêng không, thời gian lưu lại tu học là bao nhiêu năm... và ghi chép rất cẩn thận vào sổ tay. Móc điện thoại di động nói chuyện khá lâu, rồi Phong quay sang tôi với gương mặt tươi tỉnh: “Đại sư phụ sẽ đến ngay, sẽ trao đổi trực tiếp với anh!”. Chỉ chưa đầy 30 phút, Mã Hải Phong mừng rỡ reo lên: “Cao tăng đến... Sư phụ đến...!”.

Một bóng người vén chiếc màn cao su nặng trịch bước vào, bóng tối bao trùm lấy căn phòng bởi tấm thân hộ pháp dễ gần trăm ký choán hết ánh sáng của cánh cửa nhỏ. Tôi bất chợt rùng mình, không phải vì tấm thân hộ pháp mà vì gương mặt con người ấy - gương mặt mà tôi đã gặp đâu đó, rất quen như là mới gặp trong cái thị trấn Đăng Phong nhỏ bé này…

Cao tăng ngồi đối diện và nhìn tôi rất lâu, ánh mắt nhỏ xíu nhưng đầy uy lực, ánh mắt của người có quyền lực, hỏi lại tôi những câu mà thư ký Mã Hải Phong đã hỏi, rồi lại nhìn tôi rất lâu và phán một câu: “Ngũ quan của anh rất tốt, anh đến với tôi là do duyên phận, tôi nhận anh làm đệ tử và cho phép gọi tôi là sư phụ!”.


Tôi cũng bất ngờ mừng vui, không vì lời khen tặng của sư phụ mà chính vì chợt nhớ ra ông chính là nhân vật cao cấp trong giới cao tăng Thiếu Lâm tự: hình ảnh của ông ở ngay trong căn phòng này, chụp chung với các nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ... Ở khách sạn, khu bán hàng lưu niệm trong thị trấn Tung Sơn hình ảnh của ông cũng được trưng bày khá nhiều trên các tờ bướm, tập bưu ảnh…

Thậm chí ảnh của sư phụ còn nhiều hơn cả phương trượng đại sư Vĩnh Tín - đương kim trụ trì Thiếu Lâm tự. Ngay cả quyển kỷ yếu Tung Sơn Thiếu Lâm tự võ tăng đoàn mà các cô nhân viên lễ tân khách sạn tặng khách cũng tràn ngập hình ảnh sư phụ… Duyên phận của tôi đã bắt đầu từ đây.

Không để đệ tử đợi lâu, như để chứng minh danh tánh “chân truyền đại sư”, sư phụ đưa ngay danh thiếp cho tôi: “Thích Diên Truyền - tổng giáo đầu võ tăng đoàn Tung Sơn Thiếu Lâm tự” - nhân vật cao cấp sau đại sư trụ trì phương trượng trong 180 cao tăng chùa Thiếu Lâm Tung Sơn!

Nói theo thư ký Mã Hải Phong thì: danh tiếng của ngài cũng giống như Quý Bố, danh tướng đời Tần mà trong giới giang hồ võ lâm vẫn truyền tụng: “Được ngàn lạng vàng không bằng một tiếng ừ của Quý Bố!”. Quý Bố vừa “ừ” với tôi kia rồi! Tôi như Trương Đan Phong vừa mở được “huyền công yếu quyết” để tìm ra nội công thượng thừa!

Tổng giáo đầu không vội đi sâu vào việc tu học, ngài phất tay ra lệnh cho tôi theo ngài ra ngoài. Tôi tuân theo, cứ tưởng sư phụ sẽ gọi taxi; nhưng không, sư phụ “tung chưởng” bấm remote - tiếng “ót ét” vang lên từ chiếc xe hơi riêng, tự ngài cầm lái và đưa tôi đi về hướng Thiếu Lâm tự...

Chuyện đời thật trái khoáy, ngày xưa có những hiệp khách đến quì lạy dưới mưa sa bão tuyết bảy ngày bảy đêm trước cổng chùa Thiếu Lâm để mong các cao tăng nhận vào làm đệ tử. Nay đệ tử vừa lặn lội từ đất phương nam xa xôi đến đây đã được đích thân sư phụ ưu ái đưa bằng xe hơi riêng lên thẳng nội cung Thiếu Lâm…

Trong "nội cung" Thiếu Lâm tự


Không còn cảnh xe ngựa lốc cốc từ Đăng Phong lên Tung Sơn như mười năm trước mà tôi đã từng nghe kể, cũng không thấy các tiểu tăng Thiếu Lâm trầm mình trong tuyết trắng để bảo vệ các pho sách bí quyết nội công, khí công của Tàng Kinh Các như trong truyền thuyết...

Đường lên Thiếu Lâm tự bây giờ đã là cao tốc sáu làn xe và thay cho các tiểu tăng là hai ba vòng rào bảo vệ thu tiền vé khách thập phương vào vãn cảnh chùa...

Đây, Tàng Kinh Các!


Thiếu Lâm tự được vua Hiếu Văn Đế xây dựng vào năm Thái Hòa thứ 19 đời Bắc Ngụy (năm 495). Lịch sử ngôi chùa này cũng khá truân chuyên và đầy chất giang hồ hiệp khách như trong tiểu thuyết Kim Dung, đã từng là nơi tỉ thí võ nghệ của giới võ lâm và bị tàn phá nhiều lần trong các năm 556, 844, 962; bị cháy đến ba lần vào các năm 612, 1736, 1928; đây cũng là một trong những mục tiêu bị đập phá tàn bạo nhất của tỉnh Hà Nam bởi các hồng vệ binh trong “đại cách mạng văn hóa” thập niên 1960. Mãi đến cuối thập niên 1970 Thiếu Lâm tự mới được đại trùng tu để có diện mạo như hiện nay.

Sư phụ Thích Diên Truyền như muốn khẳng định “thương hiệu” của mình trước kẻ đệ tử hèn mọn phương nam nên khi vào cổng soát vé Thiếu Lâm tự, ngài cố tình lái xe vào đường ngược chiều (!?). Mấy anh bảo vệ chạy ra nhìn lom lom, sau khi biết đích xác là cao tăng đại sư liền xăng xái lùi vào và cười rất tươi - quả thật “ngoại công” của sư phụ vô cùng đắc địa! Ở ngay cổng tam quan chùa, anh bảo vệ cũng phải lùi bước khi ngài đưa tôi vào tham quan Thiên Hoàng Cung, Bảo Chánh Điện, Tàng Kinh Các…


Tôi ngẩn ngơ khi đứng trước Tàng Kinh Các - gian nhà cổ kính mà ngàn năm qua là nơi dòm ngó, đột nhập của bao thần thâu lục lâm (siêu trộm). Nơi lưu giữ các pho sách bí truyền nội công, khí công để luyện 72 tuyệt kỹ đều nằm ở đây. Trong lịch sử của giới võ lâm, mỗi khi Tàng Kinh Các bị đột nhập, xâm phạm, dù đó là kẻ thần thâu, hiệp khách hay đó là đấng quân tử, quân vương… đều làm cho giới giang hồ khuấy động, bao cảnh máu đổ đầu rơi vì đã chạm vào nơi đại trọng của các cao tăng Thiếu Lâm tự.

Tàng Kinh Các vẫn cổ kính như xưa, những chiếc tủ to chứa đựng bí quyết thâm hậu võ công vẫn ẩn mình sau lớp cửa. Một vị cao tăng đi tới đi lui lạnh lùng nhìn kẻ lạ phương nam. Một vị tiểu tăng ngồi co ro bên hữu môn vừa bán ít hàng lưu niệm như xâu chuỗi, tượng Phật, nhang đèn…cho khách thập phương, vừa đọc sách mà theo thư ký Mã Hải Phong thì đó là những võ tăng “thất sủng” được sư bác đưa ra làm “dịch vụ”.

Vị tiểu tăng bán hàng lưu niệm rất khó chịu khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, vì đường đường là võ tăng chân truyền trong 180 vị cao tăng chùa Thiếu Lâm ngày đêm tu luyện tuyệt kỹ khí công mà lại bị xem như một người phàm, buôn bán mấy món lặt vặt sao? Thà được lưu danh như Lỗ Trí Thâm, xuất gia núi Ngũ Đài, ăn thịt chó, uống rượu mạnh ngang dọc chốn giang hồ vẫn còn hơn làm “ông chủ” hiệu dịch vụ Tàng Kinh Các!...

Tôi bước chân lên điện Tây Phương thánh nhân - nơi thờ sư tổ Bồ Đề Đạt Ma. Bức tượng ông đạp cọng lau qua sông Trường Giang được khắc họa quá tinh xảo, có cảm giác như ngài vẫn còn quanh quẩn đâu đây để lo âu trước những thăng trầm của ngôi cổ tự này.
Dấu ấn đặc biệt, đáng xem nhất trong ngôi cổ tự này là cựu võ đường Thiên Phật tự, nơi có hơn 40 phiến đá nền bị lún sâu, còn in đậm những dấu chân ngàn năm của các thế hệ cao tăng luyện tuyệt kỹ La hán quyền, Mai hoa phong vũ quyền, Bài sơn chưởng, Nhất chỉ thiền công…

Còn ngoài sân, những cây bồ đề, cây tùng bách vẫn còn những vết lõm trên thân cây là dấu tích của các thế hệ Thiếu Lâm cao tăng luyện Trúc diệp thủ, Thiết tý công, Bao thụ công... Đó là dấu vết không thể chối cãi được của một pho bí truyền về nội công, khí công cao siêu dưới vòm trời võ học trần gian…

Phía sau cánh cửa thiền phòng…



Tiếng cầu kinh râm ran phía dưới điện Thiên Hoàng Cung, sư phụ đã biến mất từ lúc nào tôi cũng chẳng hay, chắc ngài đã dùng tuyệt kỹ “phi hành công” (phi thân) để lo việc chùa. Nhiều tiểu tăng trẻ tuổi từ khu thiền phòng lật đật cầm bát, tô, ca, cà mèn đi nhanh về phía tiếng kinh cầu, thì ra đã đến giờ các cao tăng đi dùng cơm trưa.

Tò mò muốn biết các cao tăng ăn những gì mà nội công quá thâm hậu, tôi cũng lò dò theo các tiểu tăng đến phòng cơm. Một thân hình hộ pháp trấn ngang trước cửa, xua đuổi như gặp tà, tôi thoáng thấy bóng sư phụ bên trong, ngài đang lim dim tụng kinh nên chẳng can thiệp gì cho tôi vào bên trong được.


Tiếng tụng kinh lắng dần và bắt đầu tiếng xì xồ, cười nói vui vẻ, những vị sư trẻ bước ra cười rất tươi, người trên tay bát cháo to ụ, người thì cà mèn mì đầy ắp, lại thêm hai, ba cái bánh bao kèm theo.

Thư ký Mã Hải Phong cho biết các sư phụ trong chùa Thiếu Lâm chỉ ăn chay và theo kiểu buffet mì, cháo, cơm, bánh bao, trứng luộc… ai thích ăn thứ gì thì tự chọn. Các cao tăng lớn tuổi ăn tại phòng ăn, còn các tiểu tăng thích tự do, thích riêng tư thì mang về thiền phòng.

Sư phụ tôi xuất hiện, tay ngài cũng cầm một bát cháo to, vừa đi vừa cười. Ngài cũng thuộc loại trẻ tuổi nên mang suất ăn trưa về phòng. Ngài hào phóng bảo thư ký Phong: “Đưa đệ tử xuống ăn cơm rồi về phòng riêng của thầy mà ngơi nghỉ, chiều mới bàn việc học ”.
Bụng đói cồn cào, một bát mì to không kém của thầy, dặm thêm hai cái trứng gà luộc mà vẫn còn thòm thèm, nhưng cảm thấy ngại vì xung quanh có khá nhiều người là khách của chùa cùng xuống ăn nên tôi bỏ đũa và líu ríu theo thư ký Phong về khu thiền phòng…

Tôi không thể hình dung thiền phòng - nơi ăn chốn ở riêng tư của các cao tăng thuở trước ra sao, nhưng thiền phòng thời nay là tòa nhà hai tầng khá hiện đại. Bước vào cửa là dãy hành lang tối om om với vài chiếc bóng đèn vàng vọt, nhưng vào bên trong thì phòng nào cũng được trang bị máy điều hòa hai chiều nóng - lạnh, máy điện thoại riêng và nhà vệ sinh riêng.

Bên ngoài cho dù giữa trưa nhưng vẫn là điều khổ ải trần thân vì giá lạnh đối với người phương nam quen nắng ấm quanh năm như tôi. Bước vào phòng của sư phụ quả là diễm phúc, máy sưởi chạy rù rì, chiếc giường nệm êm ru làm đệ tử díu mắt… Sư phụ tổng giáo đầu vừa ăn cháo, vừa viết thư pháp. Thầy viết khá đẹp, trên tường còn treo nhiều bức thư pháp lớn với nhiều nội dung về võ đạo.


Ăn xong thầy bảo tôi: cứ tự nhiên nghỉ ngơi, thầy có việc phải ra thị trấn độ một giờ sau sẽ quay lại. Thầy đi rồi, thư ký Mã Hải Phong và người phiên dịch nằm lăn quay ra ghế xalông mà ngáy. Tôi leo lên chiếc giường của cao tăng định đánh một giấc, nhưng “cơ hội ngàn năm” được vào thiền phòng các cao tăng nên lò dò đi tìm hiểu.

Có lẽ sư phụ tôi là tổng giáo đầu nên trong phòng ngài còn có máy vi tính nối mạng riêng, hai chiếc đại đao và thương to lớn dựng bên tường thuộc thập bát ban võ nghệ (18 món binh khí) của môn phái Thiếu Lâm dùng để luyện tập.

Trong chiếc tủ đứng của sư phụ có khá nhiều sách và kinh, tràng hạt và nhiều hình ảnh về những chuyến ra hải ngoại của sư phụ. Một khám phá khá thú vị là trong tủ của thầy có khá nhiều thuốc tây trị bệnh thông thường như cảm mạo, đau bụng...!

Cuộc sống của cao tăng Thiếu Lâm tự cũng thật phong phú và khá đời thường. Bên phòng của các cao tăng khác quần áo “dân sự” phơi phóng khắp nơi, nhiều cao tăng trẻ còn treo vài bộ đồ jean để khi cần có thể dạo phố. Nhiều võ tăng trẻ còn sắm cả dàn máy CD để nghe nhạc nhẹ, nhạc trữ tình!

Điều đặc biệt hơn là bên ngoài sân trước khu thiền phòng còn có khoảng vài chục chiếc xe hơi đủ loại, đủ kiểu, đủ màu sắc, không chỉ là xe của khách mà đa số là xe hơi riêng của các cao tăng trong chùa!

Dịch vụ của tổng giáo đầu


Sư phụ tổng giáo đầu bảo tôi gặp được ngài là do có duyên phận, không phải ai cũng có thể gặp ngài để dập đầu bái sư tu học. Trong những ngày ở Tung Sơn - Thiếu Lâm tự, tôi chưa từng thấy ngài ra chiêu tuyệt kỹ võ công nào, nhưng tuyệt chiêu “công nghệ chiêu sinh” của ngài quả thật thượng thừa!

Bi hài “tu học”

Sau khi để tôi tự do với “nội cung” Thiếu Lâm tự , ngài đưa tôi trở ra ngôi nhà lạnh lẽo gần thị trấn và giới thiệu về các “dịch vụ tu học”.

Sư phụ cho biết: ai cũng tưởng tu luyện Thiếu Lâm là vô chùa, nhưng trong chùa chỉ dành cho 180 cao tăng, những người có duyên phận đặc biệt, do chính sư bác phương trượng Thích Vĩnh Tín phỏng vấn trực tiếp và chọn lựa; thầy cũng có “chân” trong việc tuyển chọn, nhưng điều kiện đầu tiên phải là người Trung Quốc sống ở Trung Quốc!

Tôi là người dị bang ngoại tộc thì chín kiếp nữa cũng không thể lọt vào tầng lớp cao tăng Thiếu Lâm tự. Nhưng sư phụ trấn an ngay: “Đệ tử vẫn có thể tu học qua lớp của thầy mở riêng, học phí vào khoảng 16.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 32 triệu đồng), khóa của thầy đào tạo trong hai năm là đảm bảo sẽ được cấp giấy chứng nhận do chính phương trượng trụ trì chùa Thiếu Lâm ký và đóng dấu là có thể về VN mở lò, mở lớp" (!?).

Tôi hỏi: “Thưa sư phụ, có lớp nào rẻ hơn không?”. Thầy liền trợn mắt: “Chỉ riêng tiền ăn uống, trang phục đã là 5.000 tệ rồi, đệ tử là ngoại bang, ăn ở cao cấp hơn, còn kinh kệ, tụng niệm và phải học tiếng Hán nữa!”.

Chỉ riêng tiền trọ học thôi cũng được thầy cho biết là 8.000 tệ/năm. Tiếp lời, sư phụ đưa tôi ra phía sau căn nhà, ở đó có khoảng chừng chục đứa trẻ, tuổi cao nhất cũng chỉ 15-16 đang luyện võ. Sư phụ nói: “Anh sẽ được vào lớp này, ít người dễ học hơn!”.

Tôi như chết đứng giữa Đăng Phong xa lạ, trước một uy danh tối cao như tổng giáo đầu thì không thể xí gạt chuyện vì tò mò mà thâm nhập chốn võ lâm uy nghiêm. Còn tu học ư ? Tôi đâu thể “lục thân khả đoản” (cắt đứt quan hệ với vợ con) tự nhiên bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con leo lên núi cạo đầu đi tu hai năm?

Tôi tìm cách tháo lui nên thưa với thầy: “Xin được cáo lui về thị trấn để gọi điện về nước, vì khi tôi sang còn có mười người bạn cũng nhờ tôi hỏi giá học phí”. Thầy tỏ ra mừng rỡ khi biết còn thêm mười đệ tử sẽ sang: “Ta sẽ giới thiệu đệ tử vào ở khách sạn ba sao của Thiếu Lâm tự quốc tế, bình thường sẽ phải trả 400 tệ/đêm, nhưng người là đệ tử của ta sẽ bớt chỉ còn 250 tệ/đêm, cứ nghỉ ngơi để mai còn làm lễ bái sư, ta sẽ ban cho người một pháp danh...”.

Không biết tôi có đồng ý hay không, ngài sai thư ký Phong mang ra tập hồ sơ to đùng, bảo ghi tên, tuổi, địa chỉ ở VN, đóng dấu ký tên giao biên lai và thu 200 nhân dân tệ, bảo đó là “chi phí ghi danh - kể từ bây giờ người đã là đệ tử của ta”. Thư ký Phong nhanh chóng xách balô ra xe và chở thẳng tôi về “Thiếu Lâm quốc tế khách sạn”!


Ở sảnh lễ tân suýt chút nữa tôi đã chứng kiến đòn Tiên nhân chưởng (chưởng tay tiên) của tổng giáo đầu khi cô gái phương bắc xinh đẹp như người mẫu cao đến thước tám từ chối cho ngài ký giấy bảo lãnh cho chúng tôi vào khách sạn vì không biết ngài là ai (!?).

Đôi tay hộ pháp của ngài cứ bấu lên chiếc quầy đá mà nghiến răng nhìn cô người mẫu lạnh lùng, ngay tại quầy khách sạn cũng treo đầy ảnh của ngài chụp với các lãnh đạo Trung Quốc mà cô gái (chắc cô mới vào làm việc nơi này) vẫn không hay biết. Không lay chuyển được ý chí của “người mẫu”, cuối cùng sư phụ phải đưa giấy chứng minh cao tăng ra trình!
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, đón taxi quay trở lại chân núi Tung Sơn để tìm hiểu về hệ thống hơn 40 học viện, đại võ đường Thiếu Lâm tự và đi thăm rừng bảo tháp bằng đá. “Rừng” là nơi có hơn 230 bảo tháp với nhiều hình dạng tròn, vuông, lục giác, tứ giác, bát giác, ngọn cao nhất lên đến 15 thước, là nơi chôn cất những vị cao tăng nổi tiếng từ đời nhà Đường cho đến nay.

Tôi cũng đến thăm Diện Bích động, nơi mà 1.500 năm trước tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã diện bích cửu niên (ngồi nhìn vào vách đá suốt chín năm trường) để luyện đến tuyệt đỉnh võ thuật truyền cho muôn đời sau… Nhưng đời sau có đạt đến chân truyền thuần khiết?

Vừa về đến phòng khách sạn, tôi đã bật ngửa khi thấy sư phụ tổng giáo đầu và thư ký Phong đang ngồi trong phòng. Sư phụ có vẻ phật ý khi cho biết đã chờ suốt bốn tiếng chỉ để thống nhất ngày giờ làm lễ “dập đầu bái sư” như đã thỏa thuận hôm qua.

Sư phụ nói: “Đó là tục lệ của Thiếu Lâm tự, ai muốn làm đệ tử chân truyền của Thiếu Lâm tự cũng phải làm lễ bái sư dưới sự chứng kiến của các võ sinh đồng môn và phải đặt một phong bì với 1.000 tệ gọi là cúng tổ !”. Anh phiên dịch thật tình muốn giúp tôi nên trả giá: “1.000 tệ là cho cả mười người bạn của anh ấy luôn phải không thầy?”.


Sư phụ suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu: “Mỗi người 1.000 tệ, không được đại diện!”. Tôi đồng ý sẽ làm lễ bái sư vào tối mai. Sư phụ và thư ký Phong tỏ ra rất hài lòng. Khi thấy tôi bật tivi xem chương trình Fashion TV với những cảnh khá “nóng”, tổng giáo đầu bảo: “Kể từ bây giờ hãy kiêng rượu thịt, trai gái và thuốc lá đi!”.

Mặt trái của huyền thoại…

Tôi thầm cảm ơn thư ký Mã Hải Phong trong những ngày ở Thiếu Lâm tự, bản tính thật thà của anh vô tình đã giúp tôi tìm hiểu khá sâu về cuộc sống đời thực trong thế giới võ lâm đầy huyền thoại này.

Phong cho biết: “Không chỉ riêng tổng giáo đầu mà rất nhiều cao tăng trong chùa Thiếu Lâm đều có đường dây và hệ thống võ đường riêng ở bên ngoài và từ những khoản thu không nhỏ này, nhiều cao tăng đã sắm sửa xe hơi, nhà lầu. Nhiều sư phụ còn có cả đường dây “tuyển sinh” từ Mỹ, châu Âu…”.

Còn khoản thu “bái sư” không nhỏ với những võ đường từ vài trăm đến vài ngàn võ sinh sẽ về tay ai? Phong thật thà cho biết: “Các sư phụ - chủ các võ đường chứ ai! Thầy phương trượng đâu có chủ trương nhận đệ tử lấy tiền như vậy, qui định và tinh thần của Thiếu Lâm tự từ cổ chí kim cũng không như vậy!”.


Bài học từ ngàn xưa của đại sư Thiếu Lâm tự Hạnh Ân vẫn còn lưu giữ trong Tàng Kinh các cho đến hôm nay: “Nếu có một kẻ vô đạo đức đến xin được truyền thụ võ công, ta sẽ không dạy cho hắn điều gì cả , dù kẻ ấy muốn dâng ta ngàn vàng”. Bài học này không biết có thất truyền trước kẻ hậu sinh?...

Làn sóng “dịch vụ” đã làm ngay các cao tăng cũng cảm thấy mình quá xa lạ ngay trên chính ngôi chùa mà họ đã dành trọn cho con đường tu học. Ở nhiều nơi trong khu vực Tung Sơn - Thiếu Lâm tự, tôi bắt gặp nhiều vị tu sĩ được phái ra làm dịch vụ.

Một vị tu sĩ còn khá trẻ cho biết: “Tôi được cha mẹ gửi lên chùa để làm tu sĩ từ năm 10 tuổi, trong ba năm đầu chuyện học tập võ và đạo thì học rất tốt, nhưng không hiểu sao từ khi có làn sóng du lịch tràn về thì tôi thường xuyên bị đưa ra đây bán hàng lưu niệm”.

Hôm tôi mua vé vào xem sân khấu bán nguyệt biểu diễn võ thuật kungfu, các tiểu tăng trẻ luôn bở hơi tai vì những màn biểu diễn liên tục theo vòng xoay của các đoàn khách tham quan. Trên sân khấu rất tươi trẻ và màn nội công của họ rất điệu nghệ, không ai có thể phủ nhận được những đòn khí công, nội công vô cùng điêu luyện nhưng khi ra sau cánh gà thì cũng co ro, xuýt xoa vì lạnh như người phàm - trời bên ngoài âm 50C kia mà từ sáng đến giờ họ đã có đến hơn năm suất diễn rồi!...


Một tiểu tăng mà tôi gặp bên ngoài sau màn biểu diễn cho biết: “Tôi vào chùa từ năm lên tám tuổi, tham gia biểu diễn từ năm lên mười. Bây giờ là mùa đông, khách đến tham quan ít nên còn thời gian tập luyện, nghỉ ngơi, còn mùa hè thì khỏi nói, từ sáng đến tối cứ như một diễn viên thực thụ, không còn đâu thời gian kinh kệ, rèn luyện và nâng cao võ thuật…”.

Tôi cảm thấy đã đến lúc hạ màn “nhập môn” nên thú thật với sư phụ tổng giáo đầu vào giờ chót là chưa chuẩn bị tinh thần để làm lễ bái sư, mà chỉ muốn có một đêm họp mặt, gặp gỡ với các bạn đồng môn nhỏ tuổi, sau tết tôi sẽ cùng nhiều người bạn khác sang nhập học. Và đêm chia tay ấy, một thế giới nhân sinh khác, xúc động hơn nhiều, đã như muốn níu chân tôi...

Những người bạn đồng môn


Theo lịch hẹn đến 18g mới đến lễ bái sư, nhưng 16g30 sư phụ đã cho thư ký Phong đến phòng khách sạn để đón chúng tôi. Phong nói thẳng: “Sư phụ đã đặt tiệc tại nhà khách thị ủy Đăng Phong, tất cả tốn hết 400 nhân dân tệ, anh thanh toán trước, nhưng ngài rất thất vọng vì anh không chịu bái sư như đã thỏa thuận ban đầu!”.

Đêm bái sư… hụt!

Nhà khách thị ủy Đăng Phong to lớn như một khách sạn, có cả phòng nghỉ, nhà hàng karaoke và cả massage nữa. Cô lễ tân trẻ đẹp hình như quá quen với các cao tăng bên Thiếu Lâm tự nên nhanh chóng bước ra mời sư phụ và tôi vào bên trong phòng kín.
Bên trong phòng vắng lặng, tôi hỏi sư phụ: “Thế các bạn đồng môn của tôi đâu?”. Ngài bảo: “Các môn sinh đang còn luyện tập, đã cho người đi đón từ chiều”. Từ võ đường của sư phụ về đến thị trấn dễ đến năm cây số, các bạn đồng môn của tôi phải chạy bộ dưới trời mưa tuyết để đến dự tiệc!

Tiệc được dọn lên, quả là một sự phung phí cho đêm “bái sư hụt” này: 18 món ăn! Sư phụ, thầy huấn luyện viên trưởng, một võ tăng - bạn sư phụ - tên Úy Tín Lượng và 10 môn sinh của lớp mà tôi được bố trí cùng học. Thầy cho biết nhiều môn sinh khác đã về quê trú đông, lớp chỉ còn 10 môn sinh, số này nhà quá nghèo nên không có tiền đi xe đò về quê.

Thầy giới thiệu sơ qua từng người và bảo với mọi người: “Môn sinh này tên Nguyên, từ VN sang và sẽ nhập học cùng các đệ tử ngay sau Tết Nguyên đán, chúng ta cùng nâng ly nhân buổi ra mắt này…”. Các đệ tử líu ríu nâng cốc rượu, sư phụ lại càng buồn hơn khi cho đến giờ phút này mà tôi vẫn không chạm cốc với ngài bằng hai tay!

Tôi cũng có ý định xem sư phụ có “phá giới” khi trên bàn tiệc có đến 18 món ăn, trong đó không ít thịt, cá, tôm tép. Sư phụ uống rượu và ăn rất khỏe nhưng quả tình không phá giới, chỉ ăn các món chay. Tàu hủ sữa thầy làm một hơi đến bốn bát, tôi ái ngại cho thân hình hộ pháp của ngài trong những giờ luyện tập Ngọa hổ công, Đàn tử quyền, Thiết ngưu công... những tuyệt kỹ cần thân hình gọn nhẹ và nhanh nhạy!

Sư phụ lại khen tôi có ngũ quan tốt và cái tên quá đẹp (làm tôi vô cùng mắc cỡ!). Ngài nhắc tích xưa Trung Hoa về Bình Nguyên Quân của nước Triệu vốn là “tứ đại công tử” thời Xuân Thu Chiến Quốc, sánh vai ngang hàng với Mạnh Thường Quân của nước Tề thuở trước.
Ngài bảo: “Bây giờ người đã là đệ tử của ta, tuy còn chưa làm lễ bái sư nhưng cần phải học ngay câu này “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (Một ngày cũng là thầy, suốt đời mới là cha). Theo quan niệm của người Hán, mệnh lệnh của sư phụ không thể không làm, lời thầy dạy còn quan trọng hơn cả chiếu chỉ của hoàng đế...!”.

Sư huynh tuổi lên sáu!


Tôi ít chú ý đến sư phụ nữa mà quay sang trò chuyện với các bạn đồng môn. Tôi chú ý đến Tào Cẩm Cường, quê ở Giang Tây, là đồng môn bé nhất trong võ đường, đến tháng ba này chú mới lên sáu tuổi nhưng đã có hơn hai năm là môn sinh dưới bóng “chân truyền” của sư phụ tổng giáo đầu Thích Diên Truyền.

Ngay từ ngày đầu khi gặp gỡ ở võ đường, tôi đã “thất lễ” khi thấy chú quá bé nhỏ - nhỏ như đứa con gái út của tôi nên đã đưa tay vuốt chiếc đầu trọc của chú. Đang vui vẻ, Tào Cẩm Cường gạt phắt tay tôi và xổ một tràng phương ngữ.

Anh Kim Sơn vừa dịch vừa cười: “Anh đã vi phạm giới luật của chốn võ lâm, cho dù anh lớn tuổi đến đâu nhưng đã nhập môn, đã là đệ tử thì anh phải gọi các chú bé này là sư huynh!”.

Suốt hơn hai năm nuôi mộng võ lâm, chưa một lần Tào Cẩm Cường được gặp lại mẹ. Thầy huấn luyện viên trưởng cho biết nhà của Cường nghèo lắm, vì muốn một cuộc đổi đời cho con sau này mà bà mẹ đã bấm bụng chắt chiu 3.000 nhân dân tệ cho con lên Tung Sơn theo học Thiếu Lâm tự, bà cũng chỉ gói ghém đủ cho con ra bến xe và nhờ người đưa đi, bởi đâu đủ tiền để hai mẹ con cùng vượt ngàn cây số.

Các bạn đồng môn kể những ngày đầu lên đây Cường chỉ khóc suốt, không chịu ăn, học hay làm bất cứ thứ gì vì quá nhớ mẹ, như con bê, con cún tuổi còn chưa dứt sữa ai mà không khóc! Hỏi Cường có nhớ mẹ không, chú ngồi thừ người ra và lắc đầu. Hình bóng người mẹ hình như đã phai mờ khi đằng đẵng bao ngày tháng ấy chú không gặp lại. Mẹ chú không lên thăm, cũng không điện thoại, không một dòng thư, chỉ đến kỳ đóng học phí thì bưu điện chuyển lên cho sư phụ vài ngàn tệ!

Các sư huynh nhỏ tuổi của tôi được ăn một bữa ra trò, ngay cả khi sư phụ đã buông đũa thì các sư huynh vẫn còn hồn nhiên đánh chén. Đa số họ hằng năm trời chỉ cơm rau, mì nhạt mà ngày đêm luyện võ trong môi trường vô cùng khắc nghiệt.

Các môn sinh phải thức dậy từ bốn giờ sáng chạy xuống núi, luyện tập sức chịu đựng về thể lực, khí lực trong mọi địa hình, mọi thời tiết dù mưa sa hay tuyết trắng. Hôm lên Tung Sơn, người ta chỉ cho tôi xem hồ Lộng Nguyệt đã đóng băng, nơi này cũng là chỗ các môn sinh Thiếu Lâm ngày đêm ôn luyện Tù thủy công (lội nước) bất kể mùa hè rực nắng hay mùa đông băng tuyết.

Huấn luyện viên trưởng trong hơi men đã thú thật với tôi về tương lai của những sư huynh tuổi lên năm, lên sáu này: “Đa số khi học ra sẽ xin vào làm vệ sĩ cho các công ty tư nhân, nghề này hiện đang hút người ở khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Còn nữ võ sinh thì có thể xin vào làm huấn luyện viên thể dục ở các trường tiểu học, nhưng cũng khó lắm vì trong thời buổi hàng vạn thanh thiếu niên từ nông thôn đổ xô về thành thị kiếm việc làm thì ngàn người phải tranh nhau một chỗ làm là chuyện bình thường…”.

Tào Cẩm Cường tỏ vẻ quyến luyến với tôi nhiều hơn trong đêm họp mặt, chú có vẻ buồn khi sư phụ cho biết tôi sẽ về nước và sang năm mới chính thức sang nhập môn. Sư huynh Cường tuy mới lên sáu nhưng không hiểu sao người ta lại bố trí học chữ cùng với mấy “sư huynh” tuổi lên mười, mười lăm nên một chữ Hán chú cũng chưa viết được!

Tôi hỏi Cường có muốn về quê với mẹ không, chú lắc đầu và chỉ vào các sư huynh lớn tuổi khác: “Các sư huynh này đã tu luyện nơi này hàng chục năm, có ai về đâu!”. Tôi biết tâm hồn của chú giờ đây đã dành trọn cho con đường huyền thoại.

Tôi chỉ biết cầu mong cho chú được như chú bé ăn mày Cẩu Tạp Chủng - Thạch Phá Thiên nghèo nàn, thất học trong Hiệp khách hành của Kim Dung, qua mặt hàng trăm võ tăng Thiếu Lâm, chưởng môn phái Võ Đang, bang chủ Cái Bang hơn 40 năm cố tình tranh đoạt cảnh giới tối cao võ công. Cẩu Tạp Chủng chỉ ngắm bức tranh của Lý Bạch ẩn chứa thần công tuyệt thế trên đảo Hiệp Khách mà vô tình luyện tới cảnh giới tối cao của võ công…
Tôi cũng không hiểu sao mình lại quyến luyến các sư huynh nhỏ tuổi mà hồn nhiên đến thế, tình cảm mà tôi chưa từng có được nơi tổng giáo đầu. Đêm như dài hơn, những cái bắt tay lại càng bịn rịn.

Sư huynh Hoàng Lượng Sảng, 15 tuổi, nắm chặt tay tôi khi tôi gửi tặng các sư huynh vài món quà trẻ con như bánh trái: “Thôi đệ về đi, sang năm lại sang để huynh đệ ta cùng ôn luyện võ công…”. Nhìn cảnh các sư huynh co ro chạy bộ bước ngắn bước dài về lại núi Tung Sơn dưới nền tuyết trắng, tôi biết mình đã có lỗi khi nói dối các sư huynh nhỏ tuổi này…

Tuyệt kỹ cuối cùng của các cao tăng


Qua nhiều thăng trầm động loạn, Thiếu Lâm tự đã từng là nơi binh đao, máu lửa, nơi quan quân triều đình và cả các môn phái khác muốn hạ bệ vị trí “bá chủ võ lâm” của Thiếu Lâm tự trong chốn giang hồ.

Nhiều cao tăng đã xả thân hoặc lên núi ẩn cư để giữ gìn tinh thần của tổ sư để lại - vừa bảo tồn vừa sáng tạo nên nhiều lối luyện công vô cùng huyền ảo. Nhưng cũng có lúc Thiếu Lâm tự vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các phương trượng đại sư...

“Thương hiệu luận kiếm”!

Mùa thu năm 1333 vào đời vua Huệ Tông (Thuận Đế) nhà Nguyên, để chỉnh lý nội bộ Thiếu Lâm đã phát triển môn phái ra ngoài tầm kiểm soát, bốn vị trưởng lão tiền bối đã ẩn cư hơn 20 năm trong núi sâu đã xuất hiện giữa sân Tàng Kinh Các để triệu tập đại hội với sự chủ trì của thiền sư phương trượng Nguyên Hạnh. 700 trưởng tràng chi nhánh, các tân môn, cựu môn, quan nhân… đã về dự.

Thiền sư phương trượng đã cảnh cáo các võ sư nguyên là võ tăng Thiếu Lâm tự xuất chánh tự ý mở dạy bừa bãi kungfu, tuyệt kỹ làm ô uế, mai một uy danh của “ngôi sao Bắc Đẩu chốn võ lâm”. Cũng trong kỳ đại hội chỉnh lý này, các sư trưởng và các võ tăng xuất chánh đã tổng kết từ hàng ngàn phương pháp, cách thức, bí quyết luyện Thiếu Lâm khắp nơi thành pho 72 tuyệt kỹ (thất thập nhị huyền công niên tuyệt kỹ).

Người trong chốn giang hồ chỉ cần luyện một trong 72 tuyệt kỹ cũng đủ để lập ra một võ phái. Từ xưa đến nay sử sách chỉ ghi lại một cao tăng Thiếu Lâm luyện được đến bảy tuyệt kỹ và được phong là kỳ nhân trong giới võ lâm Trung Hoa…

Ngày nay, ngôi chùa cũng như huyền thoại về võ thuật Thiếu Lâm được nâng lên một mức cao hơn và bị thương mại hóa một cách triệt để, nói trắng ra người ta đang khai thác thương hiệu này như muốn vắt kiệt tất cả nội công thâm hậu của nó.

Chỉ riêng tại Trung Quốc đã có đến gần 60 nhãn hiệu, thương hiệu sử dụng “mác” Thiếu Lâm tự; từ bia, rượu, quần áo, thuốc lá, nhà hàng, khách sạn cho đến hàng gia dụng, mỹ phẩm, xe hơi, vỏ xe, hải sản, đồ trang trí nội thất... cũng đều sử dụng cái tên “Thiếu Lâm tự”!

Chỉ riêng tại Đăng Phong - cái nôi của Thiếu Lâm tự - đã có hàng chục võ đường, học viện mang tên Thiếu Lâm tự mà chính tổng giáo đầu Thích Diên Truyền cũng không thể cho tôi biết cái nào là “chân truyền”, cái nào “ngụy phái” - ngay cả quán xá, quán nhậu ở thị trấn này cũng vô số bảng hiệu đàng hoàng treo biển Thiếu Lâm.

Nhiều người Trung Quốc mà tôi đã gặp đều cho rằng cái tên Thiếu Lâm tự đang là “cái máy thu tiền” của nhiều người trong khi họ chẳng hiểu chút gì về võ thuật cũng như không liên quan gì đến ngôi chùa hay cao tăng.

Trong nước chưa đối phó được với nạn “tước đoạt bản quyền” thì ở nước ngoài, thương hiệu Thiếu Lâm tự cũng xô bồ không kém với hàng trăm sản phẩm, nhãn hiệu, nhiều ngôi chùa, võ đường mang tên Thiếu Lâm tự cũng đã đường hoàng mọc lên, thậm chí còn được cấp cả “thương hiệu độc quyền”.

Theo một báo cáo của Văn phòng luật bản quyền và thương hiệu Trung Quốc, chỉ qua một cuộc khảo sát đã cho thấy có đến 117 thương hiệu “Thiếu Lâm Tự” được đăng ký “độc quyền” tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngay cả thương hiệu chùa mang tên “Thiếu Lâm tự” cũng đã được đăng ký tại ít nhất ba ngôi chùa ở bờ tây nước Mỹ, còn các nước tại châu Âu, châu Á thì không thể thống kê được.

Sư phụ Thích Diên Truyền cũng thừa nhận việc này khi cho tôi biết: hôm võ tăng đoàn của chính chùa Thiếu Lâm sang Mỹ biểu diễn, họ bị chính quyền chặn lại vì đã có người nắm giữ thương hiệu này tại địa phương rồi và cáo buộc chúng tôi vi phạm bản quyền!

Ngay chính “đệ nhất chân truyền” của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma mà còn bị “cấm cửa” bởi hàng rào luật pháp quốc tế thì quả là một cuộc “hoa sơn luận kiếm” mới lại bắt đầu nảy lửa binh đao với “thương hiệu Thiếu Lâm Tự… luận kiếm!”.

Công nghiệp khai thác huyền thoại


Nhiều người dân ở Đăng Phong thầm cảm ơn về sự phát triển của thị trấn, từ một vùng đất miền núi nghèo nàn vài năm trước, nay Đăng Phong đang đứng trước ngưỡng cửa một thành phố công nghiệp - một nền công nghiệp duy nhất: công nghiệp khai thác huyền thoại võ thuật Thiếu Lâm tự.

Từ Đăng Phong kéo dài lên đến chùa Thiếu Lâm không biết cơ man nào là thương hiệu mang tên Thiếu Lâm Tự và hàng trăm lớp võ, võ đường, học viện từ bình dân ổ chuột đến cao cấp như một khách sạn hai, ba sao…

Vào mùa hè, mỗi ngày có đến hàng đoàn xe buýt đổ khách ồ ạt lên Thiếu Lâm tự, khách muốn vào tham quan ngôi cổ tự ngàn năm này phải mua vé 20 nhân dân tệ (phí thuyết minh, xem thi đấu, xe vận chuyển, cáp treo... trả riêng).

Chính quyền địa phương cũng vừa cho xây dựng hệ thống nhà bán hàng lưu niệm, nhà hàng, bãi đậu xe với sức chứa hàng chục ngàn người dưới chân Tung Sơn - con đường dẫn vào ngôi chùa cổ kính ngàn năm bây giờ quả hiện đại và to lớn như một đại công viên hoành tráng, thậm chí hoành tráng đến mức nhiều người đã đến trước cổng tam quan nhỏ bé của Thiếu Lâm tự nằm khuất sau những tàng cây mà vẫn hỏi: “Tới chùa chưa?”.

Công nghiệp khai thác huyền thoại đã lấn át tinh thần thượng võ ngàn đời của Thiếu Lâm tự!

Lần đầu tiên khi nghe đến cái tên Công ty Thiếu Lâm Tự, tôi đã nghĩ có kẻ nào lại mạo danh để đoạt thương hiệu của các cao tăng chùa Thiếu Lâm. Nhưng chính tổng giáo đầu Thích Diên Truyền bảo đó là chuyện nghiêm túc: đây là công ty do chính các cao tăng chùa Thiếu Lâm lập nên để bảo vệ thương hiệu. Tên gọi chính thức là Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghệ Thiếu Lâm Tự Tung Sơn - Hà Nam.

Công ty Thiếu Lâm Tự đã đệ đơn xin đăng ký bản quyền thương hiệu chính thức tại 88 quốc gia - đây được xem là đòn tuyệt kỹ cuối cùng của các cao tăng chùa Thiếu Lâm nhằm giành lại thương hiệu đã bị các “ngụy phái” tước đoạt.


Tổng giáo đầu Thích Diên Truyền cho biết thêm: Công ty Thiếu Lâm Tự đã khởi kiện một số cá nhân, đơn vị trong tỉnh Hà Nam ra tòa, việc phán quyết của tòa chưa ngã ngũ nên cũng chưa biết việc bồi hoàn sẽ ra sao, nhưng chắc chắn họ sẽ phải tháo bảng hiệu, kể cả những học viện, võ đường do chính các cựu cao tăng đứng ra mở vì nó đã không còn là “chân truyền”.

Khi tôi nói có rất nhiều võ đường tại VN cũng mang tên Thiếu Lâm Tự, tổng giáo đầu cho biết hiện Công ty Thiếu Lâm Tự chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu tại VN, nhưng trong tương lai chỉ có võ đường nào được cấp giấy chứng nhận của Công ty Thiếu Lâm Tự mới được trương bảng hiệu! Công ty Thiếu Lâm Tự ngoài việc đăng ký độc quyền tổ chức huấn luyện võ thuật, tu học, biểu diễn kungfu trên khắp thế giới, còn có chức năng kinh doanh đủ các ngành nghề mà đời sống thế tục cho phép.

Chưa hết, Thiếu Lâm tự cũng đã trình lên Tổ chức UNESCO xin được xếp chùa này vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại...

Mức độ khai thác Thiếu Lâm tự hôm nay thật khủng khiếp! Các cao tăng tuy nội công, khí công vô cùng thâm hậu, kinh kệ thông suốt hơn người nhưng vẫn bị cuốn vào vòng xoáy của cỗ máy kinh doanh.


Tôi không thể nào quên ánh mắt của vị cao tăng già trừng trừng trút giận vào tôi khi tôi cố chụp ảnh ngài đang phụ giúp một tiểu tăng bán những món hàng lưu niệm cho du khách ở chùa Thiếu Lâm.

Chính làn sóng du lịch, mức độ khai thác hình bóng huyền thoại ngôi chùa, khai thác kungfu cao cường của các cao tăng ở mức độ khủng khiếp này đã làm cho họ trở nên xa lạ trên chính nơi mà họ đã chọn gửi gắm kiếp tu hành từ tấm bé...

Giấy hẹn ngày trở lại nhập môn Thiếu Lâm tự tôi đã bỏ lại Đăng Phong. Tôi đang cố quên tất cả, quên đi thực tế hôm nay, để chỉ giữ lại những hình bóng huyền thoại, dẫu là huyền thoại cũng vẫn cuốn hút hơn nhiều…

BINH NGUYÊN



No comments: