Monday, February 12, 2018

TÌNH YÊU MỚI: GIẤC MỘNG Ở TUỔI VỀ HƯU HAY CƠN ÁC MỘNG

CÓ NÊN YÊU KHI ĐÃ NGOÀI 60 TUỔI?

Sau khi người chồng thứ hai qua đời vào năm 2007, Edie Tolchin bắt đầu hẹn hò ở tuổi 53. Bà gặp Ken Robinson, người cũng goá vợ và hai người bắt đầu hẹn hò nghiêm túc.


"Một số người không thích hôn nhân," Tolchin, sống ở New Jersey, Hoa Kỳ, nói. "Một số người thích độc thân. Tôi thuộc tuýp người thích hôn nhân. Và vào thời điểm đó tôi cảm thấy rất cô đơn."

Vào năm 2014, hai người kết hôn khi một người đã 60, còn người kia 63 tuổi.

Tuy nhiên, khác với những cặp mới cưới, thay vì đắm chìm trong những sự khởi đầu mới, điều đầu tiên họ làm là đến gặp luật sư để lên kế hoạch về tài sản. Tại đó, họ đề ra kế hoạch cho cuộc hôn nhân mới của hai người cũng như cho hai con riêng của Tolchin.


Những cuộc hôn nhân thứ nhì hoặc thứ ba có thể mang lại nhiều thách thức, vì thường thì lúc hai người thường đến với nhau, họ đã có một khối tài sản nhất định sau hàng chục năm làm việc. Điều này dẫn đến các vấn đề về con cái, cháu chắt đã trưởng thành và các vấn đề về thừa kế.

"Có rất nhiều thứ cần phải xem xét," Howard Pressman, một chuyên gia hoạch định tài chính của hãng Egan, Berger & Weiner tại Wasington, D.C, nói.


Tại Anh quốc, lượng đàn ông kết hôn khi đã gần 70 đã tăng lên 25%, trong khi đó tỷ lệ này tăng lên 21% ở phụ nữ, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, 67% số người ở độ tuổi 55-64 đã trải qua hôn nhân hai lần, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, và có 50% những người 65 tuổi trở lên tái hôn.

Nếu quý vị muốn tái hôn khi tóc đã pha sương, thì dưới đây là những điều cần nghĩ đến.


Sẽ ảnh hưởng những gì: Quý vị sẽ cần một chút hoạch định để xem liệu việc cưới hỏi có ảnh hưởng đến tài sản của mình hay không. Chuyện hôn nhân - nhất là ở giai đoạn về chiều của cuộc đời - không chỉ đơn thuần là lấy người mình yêu.

"Quý vị cần hiểu rằng mình có những trách nhiệm về mặt tài chính với người khác," Julia Chung, chuyên gia hoạch định về tài chính và bất động sản tại JYC Financial ở Langley, British Columbia, Canada, nói. "Tôi nghĩ rằng khi người ta đã nghỉ hưu hoặc đã lớn tuổi thì họ lại không nghĩ theo cách đó."


Chuẩn bị trong bao lâu: Quý vị cần có đủ thời gian để hiểu xem đời sống hôn nhân sẽ ảnh hưởng tới vấn đề tài chính thế nào và bàn bạc cách quý vị muốn giải quyết mọi việc. "Điều đầu tiên chúng tôi làm là dành nhiều thời gian nói chuyện với họ về cách mà họ muốn phân chia tài sản sau khi chết," Pressman nói.

Quý vị cũng cần nhận ra rằng người mà họ kết hôn thường sẽ trở thành người đưa ra tất cả các quyết định trong trường hợp quý vị bị mất năng lực hành vi, và ngược lại, quý vị cũng đóng vai trò đó nếu người kia mất năng lực hành vi, trừ phi quý vị đã lập giấy uỷ quyền cho người khác.


Quý vị cần nói rõ mình có nguyện vọng giải quyết các vấn đề ra sao trong những trường hợp này. Nếu quý vị không thể nói về những điều này trước khi cưới thì có lẽ quý vị nên nghĩ lại về việc tái hôn.

Việc cần làm ngay: Hãy tìm hiểu xem hôn nhân được hiểu như thế nào ở nơi quý vị sống. Tuỳ vào từng tiểu bang, tỉnh hay đất nước, hôn nhân có ý nghĩa khác nhau về mặt pháp lý. Ở Canada, Đạo Luật Gia đình ở mỗi tỉnh khác nhau.

"Có thể là tài sản mà quý vị đã có trước khi kết hôn sẽ là của quý vị và mãi mãi sẽ là của quý vị", Chung nói. "Nhưng cũng có thể là sau một thời gian nhất định, những tài sản này phải được chia đôi 50/50, và đây là điều gây quan ngại cho những người có khối lượng tài sản lớn mà họ đã gây dựng được sau nhiều chục năm."


Tại các tiểu bang của Hoa Kỳ cũng vậy. "Mỗi bang có các quy định khác nhau về tài sản khi quý vị cưới hỏi, ly dị và khi qua đời," Vickie Adams, một nhân viên hoạch định tài chính tại California, Hoa Kỳ, nói.

"Hôn nhân là một hợp đồng và quý vị cần phải hiểu điều đó sẽ ảnh hưởng tới mình thế nào."

Hãy xem xét những phúc lợi từ chính phủ dành cho quý vị. Tuỳ nơi quý vị sống và tuỳ điều kiện của từng cá nhân, hôn nhân có thể tác động đến khoản phúc lợi mà quý vị nhận được từ chính phủ.


Tại Hoa Kỳ, thu nhập của vợ hoặc chồng có thể tác động tới những phúc lợi quý vị được nhận - hoặc bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính từ các cuộc hôn nhân nào mà quý vị được nhận với tư cách là người bị ly dị.

Tại Canada, nếu quý vị được nhận khoản tiền đảm bảo hỗ trợ thu nhập (Guaranteed Income Supplement), thu nhập của người phối ngẫu có thể sẽ khiến quý vị không được hưởng khoản tiền này nữa. Vì vậy, quý vị cần kiểm tra với một nhân viên hoạch định tài chính hoặc với văn phòng phúc lợi chính phủ.


Hãy nghĩ về các khoản thuế. Liệu hai khoản thu nhập gộp lại của hai người có ảnh hưởng tới đâu trong chuyện quý vị bị đánh thuế về sau? "Đột nhiên quý vị có gấp đôi các khoản thu nhập," Pressman nói. "Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng quý vị sẽ phải chịu mức thuế cao hơn với ít nhất là một phần nào đó trong thu nhập của quý vị."

Hãy nghĩ đến chuyện ký hợp đồng tiền hôn nhân. Đây là một văn bản xác định rõ ra điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc hôn nhân tan vỡ. Việc tìm đến luật sư để thảo ra hợp đồng tiền hôn nhân nghe có vẻ không lãng mạn lắm. "Nhưng đó là điều lãng mạn nhất mà quý vị có thể làm," Chung nói. "Đó là cách để nói rằng quý vị yêu người kia và việc bảo vệ tài sản của họ là điều quan trọng với quý vị."


Hãy thảo luận về kế hoạch phân chia tài sản và những nguyện vọng khác. Có thể nghe thì không lành mạnh nhưng việc kết hôn có tác động đến tài sản khi quý vị qua đời. Vì vậy quý vị cần thay đổi bất cứ tài liệu về kế hoạch tài sản nào để phù hợp với bối cảnh gia đình mới. Ví dụ, nhiều người có con từ các cuộc hôn nhân trước vẫn muốn con cái họ được thừa hưởng gì đó khi họ mất.

"Điều mà tôi từng chứng kiến ở các cuộc tái hôn là khi vợ hoặc chồng mất đi khi tài sản đứng tên chung, tất cả đều chuyển sang cho người còn lại," Pressman nói.

"Sau đó người còn lại lại nói, 'tôi không để lại cho con cái của ông ấy / bà ấy thừa kế bất kỳ thứ gì,' và đột nhiên quý vị thấy vấn đề trở nên nghiêm trọng."


Ở một số nước khác, câu chuyện lại trái ngược hoàn toàn. Ở Pháp, con cái là những người đương nhiên được quyền thừa kế, vì vậy họ được quyền nhận một phần trong tài sản của bố mẹ.

"Nếu không có kế hoạch cụ thể, nếu người còn sống là bố hoặc mẹ kế, họ sẽ không được bảo vệ tốt," Daphne Foules, một luật sư thành viên của Spectrum IFA Group ở Pháp, nói.

Nếu quý vị thấy đó là điều quan trọng, hãy xử lý một cách hợp pháp, và chính thức hoá mọi việc. "Mọi việc sẽ không có ý nghĩa gì nếu không được viết xuống trong các văn bản có giá trị hợp pháp," Pressman nói.


Những việc có thể làm sau: Hãy xem xét lại tất cả những người thụ hưởng của mình. Một khi quý vị tái hôn, hãy rà soát lại tất cả các tài khoản của mình cùng với những người thụ hưởng - tài khoản lương hưu, bảo hiểm, và đảm bảo rằng đó vẫn là những người bạn muốn được nhận trợ cấp từ mình. Quý vị có thể muốn bỏ vợ/chồng cũ ra khỏi danh sách hoặc chia đều tài sản cho vợ / chồng mới và các con.

Hãy làm một cách khôn khéo: Hãy ngồi xuống bàn bạc cùng với gia đình. Điều này nên được thực hiện trước khi tái hôn, nhưng nếu không thể thì quý vị cũng nên thực hiện điều này sau khi cưới. Hãy cho con cái biết điều gì đang xảy ra đối với vấn đề tài chính của gia đình và hôn nhân của quý vị sẽ ảnh hưởng tới chúng thế nào - bởi chắc chắn chúng sẽ có câu hỏi.

"Minh bạch vẫn tốt nhất," Chung nói. "Quý vị có thể nói, 'Tôi đang gầy dựng một kế hoạch, đây là những lo ngại mà các luật sư đã đề cập, và đây là những cách mà chúng tôi sẽ xử lý chúng."


Kate Ashford
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

No comments: