Saturday, February 3, 2018

NGƯỜI KỂ CHUYỆN TÌNH 11: NHẠC SĨ HOÀI LINH - THIỆP HỒNG MANG TÊN EM

Người Kể Chuyện Tình ngày càng trở nên gay cấn khi bước vào những chặng đường cuối. Trong đêm bán kết 2, bốn thí sinh Nam Cường, Triệu Long, Thúy Huyền, Phú Quí sẽ bước vào thử thách mới với chủ đề nhạc sĩ Hoài Linh. Bên cạnh đó, ca - nhạc sĩ Đình Văn sẽ ngồi ghế nóng cùng danh ca Phương Dung và Thái Châu để tìm ra ba thí sinh xuất sắc nhất bước vào đêm chung kết. Ngoài ra, đêm thi còn có sự góp mặt đặc biệt của 4 người con gái của cố nhạc sĩ. Họ sẽ cùng với các giám khảo ôn lại nhiều kỷ niệm khó quên về cuộc đời của nhạc sĩ Hoài Linh.

NHẠC SĨ HOÀI LINH

Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1920, mất năm 1995, là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc mang giai điệu và ca từ rất đẹp, gắn liền tên tuổi của nhiều ca sĩ thống trị dòng nhạc này.

Những sáng tác ban đầu của Hoài Linh thiên về tính lãng mạn, với ca khúc nổi tiếng nhất của ông giai đoạn này là Em ơi! Nếu đừng dang dở được thể hiện thành công qua tiếng hát danh ca Lệ Thu. Sau đó, ông chuyển sang dòng nhạc Vàng và nhanh chóng nổi tiếng với nhạc phẩm Sầu tím thiệp hồng (đồng tác giả với Minh Kỳ). Ca khúc trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như Chế Linh - Thanh Tuyền và sau này là Quốc Đại và Cẩm Ly.


Nhạc của Hoài Linh mang nhiều chủ đề, từ tình cảm đôi lứa như: Áo em chưa mặc một lần, Thiệp hồng anh viết tên em, Về đâu mái tóc người thương, Giọt lệ vu quy, Căn nhà màu tím, Hai đứa giận nhau, Nhịp cầu tri âm, Chuyện đêm mưa …, đến chủ đề về người lính, quê hương, ca ngợi thiên nhiên. Lời ca của Hoài Linh được đánh giá là đơn bay bướm, văn hoa, có vần có điệu. Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để lựa chọn.

Hoài Linh được coi là nhạc sĩ hiếm hoi của dòng nhạc vàng có đời sống vật chất thoải mái nhờ sáng tác. Tuy nhiên, sau đó ông trở nên trắng tay sau khi bị bại liệt do di chứng của tai biến mạch máu não. Nhạc sĩ ra đi trong cảnh nghèo khó, bệnh tật trước khi tấm lòng hảo tâm của đồng nghiệp và khán giả đến được với ông.


Trong chương trình Người Kể Chuyện Tình, bốn người con gái trong chín người con của cố nhạc sĩ cũng góp mặt để kể lại nhiều câu chuyện về cha mình. Cô con gái thứ ba của nhạc sĩ Hoài Linh thể hiện sự xúc động khi đến tham dự chương trình: “Tôi rất xúc động vì bố mình được tổ chức riêng một đêm nhạc trên truyền hình. Bố tôi là người đàn ông rất tuyệt vời, luôn yêu thương vợ con hết lòng. Tôi và các anh anh chị em lúc nào cũng kính trọng bố và xem ông là thần tượng để noi theo. Được ngồi ở hàng ghế khán giả, nghe lại những tình khúc cùng những mối tình thời trẻ của bố giúp tôi càng hiểu hơn về ông”.

Với vai trò là giám khảo khách mời, ca – nhạc sĩ Đình Văn có nhiều chia sẻ thú vị về nhạc sĩ Hoài Linh cũng như những câu chuyện về âm nhạc đang được quan tâm. Mặc dù chưa từng tiếp xúc với nhạc sĩ Hoài Linh nhưng Đình Văn luôn thần tượng cố nhạc sĩ vì những lời ca trong các sáng tác của ông rất hay và nhiều ý nghĩa. “Nhạc sĩ Hoài Linh đã đưa một nét nhạc tài hoa vào bolero, đặt những từ, những câu khiến chúng ta nghe xao xuyến”, Đình Văn chia sẻ.


Khi biết các các thí sinh Người Kể Chuyện Tình có tuổi đời còn rất trẻ nhưng yêu thích nhạc bolero, Đình Văn cho rằng không có lý do gì phải lên án, ngược lại cần phải tôn trọng họ.

“Âm nhạc là một vườn hoa, mỗi người có một nhu cầu thưởng thức hoa khác nhau. Nhu cầu khán giả đang thích nghe bolero thì cứ để tự nhiên, đến khi nào người nghe chán thì tự khắc âm nhạc sẽ theo dòng chảy mà giảm lại. Tại sao các em trẻ bây giờ thích hát bolero, tôi nghĩ vì dòng nhạc này quá quyến rũ, cũng có thể họ thấy khán giả thích nên hát theo trào lưu. Tôi từng nghe nhiều ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ chuyển sang hát dân ca, bolero nghe chịu không nổi, khiến tôi mắc cười. Tuy nhiên, âm nhạc nên thoải mái, em nào hát dở sẽ tự bị đào thải”.

Anh còn cho rằng âm nhạc hiện nay thay đổi rất nhiều, khán giả không chỉ nghe bằng tai mà còn nhìn bằng mắt. “Có thể một ca sĩ hát hơi tệ một chút nhưng đối với giới trẻ bây giờ không quan trọng. Không thể bắt thế hệ trẻ nghe nhạc giống thế hệ trước, không thể bắt một cậu bé 17 tuổi nghe nhạc và cảm thụ âm nhạc như một người 40 tuổi được. Xu hướng bây giờ phải đi theo hơi thở thời đại và chúng ta phải chấp nhận điều đó”, Đình Văn nói.


Dù lâu nay Đình Văn ít xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc, tuy nhiên anh vẫn luôn theo dõi những tranh luận của người trong nghề về âm nhạc. Là một trong những ca, nhạc sĩ chuyên trị dòng nhạc quê hương miền Nam, Đình Văn thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về việc học hành của ca sĩ miền Nam. Anh cho rằng câu nói từng gây “bão” của Thanh Lam là lỗi thời, không còn phù hợp với hiện tại.

“Thanh Lam là một trong những ca sĩ tôi rất ngưỡng mộ, vì thế tôi nghĩ câu nói của chị chỉ là bộc phát nhất thời thôi. Ca sĩ miền Nam bây giờ học hành rất nhiều. Quan niệm về sự học bây giờ rất khác, có thể tự học trên mạng, học từ thực tế, học từ những người đi trước chứ không nhất thiết phải vào trường lớp. Tại sao nhiều người tốt nghiệp nhạc viện nhưng không nổi tiếng, trong khi đó những người đang được chú ý đa phần là tay ngang. Cho nên câu nói của Thanh Lam chỉ đúng cho ngày xưa thôi, còn bây giờ thì điều đó đã quá lạc hậu rồi. Dù không xuất thân từ trường lớp, nhưng tôi rất đánh giá các ca sĩ trẻ hiện nay như Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng, Đông Nhi. Các em không chỉ hát hay mà còn rất đẹp, điều đó phù hợp với xu hướng hiện đại, giúp phần mang âm nhạc Việt hòa chung với thế giới. Dù lớn tuổi, nhưng ở nhà tôi vẫn nghe nhạc của Sơn Tùng để giúp bản thân trẻ lại”, Đình Văn chia sẻ.


Dù là một trong những cây đại thụ của dòng nhạc trữ tình quê hương, nhưng Đình Văn lại vắng bóng trên ghế nóng nhiều cuộc thi về dòng nhạc này. Giải thích về điều này, anh cho rằng bản thân nhận được nhiều lời mời làm giám khảo nhưng đều từ chối, chỉ tham gia những chương trình cảm thấy thích và phù hợp. “Hiện tại đối với tôi tiền không còn quan trọng, tình cảm mới quan trọng. Ở tuổi này, tôi đâu còn ăn Xài gì nữa, nên chương trình nào cảm thấy phù hợp thì tôi làm, điều đó thể hiện sự tôn trọng chính chương trình đó, tôn trọng khán giả và tôn trọng bản thân. Chương trình nào khi ngồi chấm điểm mà khán giả cảm thấy hài lòng thì sẽ rất hãnh diện, chứ cái nào cũng nhận thì khán giả sẽ phản ứng ngay”, Đình Văn nói.

Đình Văn tâm sự rằng, anh có một thời gian dài từ bỏ âm nhạc vì nhiệt huyết bị mất đi do phải lo lắng cho kinh tế gia đình. Ít ai biết rằng những ngày tháng khổ sở nhất của anh trải qua âm thầm, anh không cần ai phải giúp mình mà chọn cách tự đứng lên. Hiện tại, cuộc sống của Đình Văn có phần tốt hơn, chính vì thế anh dần tìm lại được ngọn lửa âm nhạc trong mình.


“Chính vì cuộc sống khiến cho nhiệt huyết trong tôi mai một. Tôi có một thời gian dài buồn phiền vì phải lo cho cuộc sống. Tôi là một người nhạc sĩ không giàu, vì tôi sống bằng con tim, tình bạn anh em quan trọng hơn tiền. Nếu trời cho tôi toàn tâm, toàn ý, cuộc sống không cần lo nghĩ gì, suốt ngày chỉ có ba lô trên vai cùng chiếc đàn thùng thì sẽ không còn gì bằng. Nhưng cuộc sống của tôi từng rất gian nan, nhà cửa không còn vì làm ăn thất bại, thời gian dài tôi bỏ âm nhạc vì phải dành toàn tâm để vực dậy, lo kinh tế cho gia đình. Tôi là người tự ái, không muốn dựa vào ai, chỉ âm thầm cố gắng từng ngày. Tôi ghét phải cho người khác biết hoàn cảnh của bản thân, không bao giờ tôi la lên là đang gặp khó khăn để người khác thương hại. Dù vậy, tôi cảm thấy may mắn vì ông trời vẫn giúp tôi giữ ngọn lửa âm nhạc cho đến tận bây giờ”, Đình Văn tâm sự.

Trong hậu trường, Đình Văn cũng gởi lời khuyên đến các thí sinh Người Kể Chuyện Tình, giúp họ nắm được những kỹ thuật quan trọng khi hát nhạc của Hoài Linh: “Các bạn đi thi về nhạc của chú Hoài Linh cần chú ý về quãng nhạc là quan trọng nhất. Bên cạnh đó hát đúng nốt mới ra được chất của Hoài Linh”.

Nguồn: Thế Giới Văn Hóa