Nói đến Sóc Trăng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những món ăn dân dã truyền thống đã góp phần làm rạng danh văn hóa ẩm thực cộng đồng người Khmer.
Và thứ bánh đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi chính là bánh ống.
Mỗi lần về Sóc Trăng gặp người bán bánh ống ở chợ, tôi lại bồi hồi nhớ về khoảng đời tuổi thơ nghèo khó. Hồi đó, vì hoàn cảnh khó khăn, ba má tôi phải rời quê ra TP Sóc Trăng sinh sống. Ba tôi làm công nhân cho một xí nghiệp tư lương ba cọc ba đồng, má tôi một nách ba con, ở nhà làm công việc nội trợ.
Quầy bánh ống dân dã
Kế nhà tôi là gia đình dì Năm, một gia đình người Khmer tốt bụng, buôn bán ngoài chợ. Cám cảnh hoàn cảnh gia đình tôi, dì có nhã ý “chỉ vẽ” cho má tôi cách làm món bánh ống bán để "có đồng ra đồng vào" - như lời dì nói. Má tôi vui lắm, về nói lại với ba tôi, sau vài phút suy nghĩ ông gật đầu đồng ý. Ngay hôm sau, má tôi tìm người quen vay tiền mua quang gánh và các đồ dùng để “ra nghề”.
Hằng ngày, sau khi cơm nước buổi chiều, má lại lục đục dưới bếp chuẩn bị các nguyên liệu cho món bánh ống để kịp buổi chợ sớm.
Tôi thường phụ má làm các công việc lặt vặt như rọc lá chuối phơi rồi xé vừa kích cỡ xếp ra rổ, nạo dừa khô vắt lấy nước cốt, dừa rám lấy xác, rang mè và đâm lá dứa vắt lấy nước để pha vào bột cho có mùi thơm và màu sắc bắt mắt. Má thì chọn gạo ngon vo sạch, phơi ráo cho vào cối đá đâm nhuyễn. Khoai mì mài, vắt ráo nước để sẵn mỗi thứ ra thau.
Trời tờ mờ sáng, má quẩy quang gánh ra chợ, đầu gánh phía trước là chiếc nồi đất, phía trên miệng nồi là miếng gỗ tròn có đục 3 lỗ, trên đó có gắn 3 ống trúc mỏng, đường kính cỡ 4-5cm, dài 15cm. Dưới đáy mỗi ống là một miếng thiếc mỏng soi lỗ ở giữa để ghim vào một que tre nhú lên mặt ống. Mặt trên ống là nắp đậy cũng là miếng thiếc tròn có đục lỗ để giữ que đứng thẳng, khi bánh chín dễ rút ống ra.
Trong nồi có chứa lưng nước, cạnh bên là túi than đước vụn. Phía sau quang gánh có các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn như bột gạo, bột khoai mì, đường, muối, nước cốt dừa, nước lá dứa, muối mè rang, xác dừa rám vỏ nạo, lá chuối tươi rọc sẵn…
Bánh ống Sóc Trăng
Ổn định chỗ ngồi ngoài chợ, má sắp xếp mọi thứ xuống và bắt đầu nhóm cho than cháy bùng lên. Chờ cho nước sôi già mới lấy thau bột và bắt đầu đổ bánh. Má dùng phễu đặt trên miệng ống và lấy muỗng múc bột cho vào từng ống, ấn bột xuống cho dẽ dặt rồi đậy nắp thiếc lại chưng cách thủy.
Chờ khoảng 5 phút thấy mùi thơm sực nức trong ống bốc lên tận mũi là bánh chín. Giở nắp thiếc ra, kéo nhẹ chiếc que lên lấy bánh ra, đặt bánh vào miếng lá chuối. Thuận tay, má rắc thêm vào đó một ít muối mè, xác dừa nạo trao cho khách là xong...
Nhìn chiếc bánh hình trụ màu xanh ngọc thạch, trên có xác dừa nạo trắng tinh và muối mè tỏa hương thơm ngát trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Cắn một miếng bánh sẽ cảm nhận vị béo, ngọt, xôm xốp của bánh hòa lẫn mùi thơm của mè, của lá dứa… lan tỏa vào miệng.
Thời gian lặng lẽ trôi, nhờ trời, Phật phù hộ nên gánh bánh ống của má không bao giờ bị ế hàng. Cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định, anh em tôi đều ăn học đến nơi đến chốn…
Má nay đã ra người thiên cổ. Mỗi dịp anh em tụ họp về nhà đông đủ nhân ngày giỗ bà, nhìn lên di ảnh trên bàn thờ, ai cũng ngậm ngùi không cầm được nước mắt khi nhớ hình ảnh má với đôi quang gánh tảo tần nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, thành người...
TTO