Monday, February 19, 2018

NHẤT TIỄN MAI



Nhất tiễn mai - Lý Thanh Chiếu

Hồng ngẫu hương tàn, ngọc điệm thu, 
Khinh giải la thường, 
Độc thướng lan chu. 
Vân trung thuỳ ký cẩm thư lai? 
Nhạn tự hồi thì, 
Nguyệt mãn tây lâu. 

Hoa tự phiêu linh, thuỷ tự lưu, 
Nhất chủng tương tư, 
Lưỡng xứ nhàn sầu. 
Thử tình vô kế khả tiêu trừ. 
Tài há my đầu, 
Khước thướng tâm đầu.




一剪梅 - 李清照

紅藕香殘玉簟秋, 
輕解羅裳, 
獨上蘭舟。 
雲中誰寄錦書來? 
雁字回時, 
月滿西樓。 

花自飄零水自流, 
一種相思, 
兩處閑愁。 
此情無計可消除。 
才下眉頭, 
卻上心頭。




Nhất Tiễn Mai (Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải)


Sen tàn chiếu đẫm hơi thu, 
Vén xiêm, lên chiếc cô chu một mình. 
Mong chờ thư tự mây xanh, 
Nhạn về là lúa trăng thanh đầy lầu. 

Hoa rơi rụng, nước chảy mau, 
Tương tư một mối đeo sầu đôi nơi. 
Tình này chẳng thể khuây nguôi, 
Vừa nơi khóe mắt đã nơi đáy lòng.



Sơ lược tiểu sử tác giả:


Lý Thanh Chiếu 李清照 (1084-1155) hiệu Dị An cư sĩ 易安居士, người Tế Nam, Sơn Đông. Bà chẳng những là một tác gia vĩ đại trong nữ thi nhân, mà còn là một tác gia vĩ đại trong Tống từ. Bà là con gái của học giả trứ danh Lý Cách Phi. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với con trai Tể tướng Triệu Đĩnh Chi, tức Hồ Châu thái thú Triệu Minh Thành, có thể nói là một mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống. Đôi tài tử cùng nhau xướng hoạ thơ từ, chỉnh lý văn chương, sống một đời thanh tao u nhã. Năm Tĩnh Khang 1126, quân Kim đánh Tống, bà theo chồng chạy xuống phương nam, không lâu sau trượng phu qua đời, thân gái dặm trường thực khiến người ta thương xót. Một mình phiêu bạc, vãn cảnh rất thê lương, đấy đã gây thành bối cảnh ảm đạm trong toàn bộ Sấu ngọc từ 漱玉詞 của bà.

Bà quan niệm từ khúc cần hợp luật, ý tứ thanh nhã, coi thơ và từ là hai thể loại hoàn toàn độc lập (biệt thị nhất gia). Tác phẩm của Lý Thanh Chiếu có hai thời kỳ: trước đại biến Tĩnh Khang là những từ khúc về tình yêu đôi lứa thiết tha đằm thắm. Sau khi Tống Triều nam di, tác phẩm của bà là nỗi nhớ thương cố quốc, tình cảm cô liêu u tịch, phong cách kín đáo thâm trầm, xót xa cho kiếp hồng nhan bạc mệnh, hình thành phong cách riêng Lý Dị An, đẩy uyển ước từ phái lên vị trí đỉnh cao thời Lưỡng Tống. Từ của bà chỉ còn sót lại hơn 20 bài, song đều là những châu ngọc, gấm thêu.
(Nguồn: Thi Viện)