Với tôi thì Cầu Kè không có ấn tượng gì lắm nhưng lúc nào cũng nhớ má tôi nói chùa "Ông Bổn" ở Cầu Kè linh lắm. Tôi chưa từng thăm chùa nên tôi cũng chẳng biết chùa thờ ai và tại sao có cái tên là "Chùa Ông Bổn". Hôm nay đọc được một tài liệu vế chùa nên post lên:
Lễ hội vu lan tại Cầu Kè - Chùa Ông Bổn với giá trị văn hóa và sinh hoạt lễ hội
Lễ hội vu lan tại Cầu Kè - Trà Vinh
Hàng năm, vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch, các chùa Phật giáo đều tổ chức trọng thể lễ Vu Lan với ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”; đồng bào Phật tử coi dịp Vu Lan là “mùa báo hiếu” đối với cha mẹ, ông bà đã qua đời.
Nhưng ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), Vu Lan thắng hội lại diễn ra rải rác trong suốt tháng Bảy âm lịch tại các chùa Ông Bổn ở vùng này: Vạn Ứng Phong Cung (chùa Giữa, xã Hòa Ân, trong ba ngày 8, 9 và 10), Niên Phong Cung (chùa Cây Xanh, xã An Phú Tân, trong hai ngày 15 và 16), Minh Đức Cung (chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân, trong ba ngày 18, 19 và 20) và Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè, trong bốn ngày từ 25 đến 28).
Trong cuốn “Chuyện xưa tích cũ” của Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình ghi: “Ở Chợ Lớn, TPHCM, có ngôi chùa thờ Ông Bổn là quan Thái giám tên Trịnh Hòa. Ông làm quan vào đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Quốc. Lúc thăng quan, ông được vua tín nhiệm phái đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á như Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm, Việt Nam... để tìm cách liên lạc với những người Hoa ở hải ngoại.
Tuân lịnh vua, lúc đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, ra sức thi ân bố đức, giúp Hoa kiều tìm sinh kế và dạy họ phải giữ gìn thuần phong mỹ tục ... Nên sau khi ông mất, các Hoa kiều nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Nhà vua còn phong sắc cho ông chức tước Bổn Đầu Công (本頭公) tức Ông Bổn ngày nay”.
Hội Vu Lan tại các chùa Ông Bổn đều náo nhiệt, nhưng Vạn Niên Phong Cung ở thị trấn Cầu Kè là nơi diễn ra dài ngày nhất và thu hút lượng người đông đảo từ nhiều nơi đến tham dự.
Người địa phương có câu: “Hăm ba vào đám, hăm tám ra giàn” để nói thời gian diễn ra lễ hội dân gian này ở đây. Từ ngày “vào đám”, chùa liên tục tổ chức các buổi trai đàn có sự tham gia của các chư tăng ở Vạn Hòa cổ tự và sư sãi chùa Khmer trong phạm vi nội ô thị trấn. Lễ này cúng chay nên gọi là “làm chay”.
Hội thì nhiều ngày, nhưng lễ chính thức diễn ra trong một ngày rưỡi, suốt ngày 27 đến trưa ngày 28 thì chấm dứt. Từ sáng ngày 27, hàng đoàn xe ô tô đủ loại, đủ cỡ từ các nơi, đông nhất là từ quận 5, quận 6 (TPHCM) ùn ùn đổ về, đậu thành nhiều hàng dài dằng dặc, nối đuôi nhau trên đường quốc lộ và các bãi đất trống.
Nhiều nhà trong thị trấn có điều kiện đều bày hàng bán nước giải khát, cơm, cháo... hoặc dọn chỗ trong nhà cho khách phương xa tạm trú. Khách chỉ cần trả mười ngàn hay hai mươi ngàn đồng là có chỗ nghỉ tạm qua đêm. Nhiều người vào các chùa khác trong thị trấn cũng có chỗ nghỉ qua đêm mà không phải trả tiền. Đường phố nhộn nhịp sáng đêm.
Sáng ngày 28, “ra giàn”, cúng tất, cúng mặn bằng con heo trắng. Tất cả diễn ra trong âm thanh dồn dập, náo nhiệt của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm: trống lớn với phèng la, chập choã, chiêng và kèn lá). Trong khuôn viên sân là những hàng kệ sắp liền kề nhau, bày những giỏ phẩm vật do bổn phố dâng cúng, phần lớn là gạo, muối, khoai lang. Lễ kết thúc vào gần trưa, những giỏ này sẽ được phân phát cho bá gia bá tánh nghèo. Trước kia, còn có tục “thí giàn” là từ giàn cao người ta ném những thanh tre nhỏ khắp xung quanh để người dân tranh nhau lượm. Nhặt được bao nhiêu thẻ thì vô chùa nhận bấy nhiêu giỏ đồ cúng đem về nhà ăn lấy lộc...
Đây là sinh hoạt biểu hiện bản sắc văn hóa tín ngưỡng của bà con Hoa kiều Triều Châu, góp phần phát huy bản sắc đa văn hóa của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cộng cư lâu đời tại vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
********
Trước năm 1954, chùa Ông Bổn “theo chân” người Tiều (Triều Châu, Quảng Ðông, Trung Hoa) “mọc” khá nhiều nơi trên đất miền Tây. Và, tại một số chùa ở Tân Châu (tỉnh An Giang), Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), Cái Răng (tỉnh Cần Thơ), Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) và Bạc Liêu đều có hiện tượng Ông Bổn “lên” vào các ngày lễ lớn của chùa.
Ông Bổn “lên” là Ông nhập vào một người trần mắt thịt (gọi là “xác”) và thể hiện sức mạnh siêu phàm của mình bằng nhiều cách rùng rợn, nguy hiểm, rất hấp dẫn. Về sau, việc Ông Bổn “lên” dần tàn lụi ở các địa phương trên, chỉ duy nhất vẫn tồn tại ở huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).
Ông Bổn Uối rạch lưỡi
Theo sách vở, chùa Ông Bổn là nơi thờ Bổn Ðầu Công, tức là Trịnh Hòa, làm quan Thái giám đời vua Vĩnh Lạc (1403-1424) ở Trung Hoa. Ông được vua cử đi điều tra, tìm hiểu Hoa kiều hải ngoại ở các nước Ðông Nam Á. Ði tới đâu, ông cũng tận tình giúp đỡ đồng bào, nên sau khi ông mất, Hoa kiều nhớ ơn thờ ông làm phúc thần, và ông được nhà vua phong là “Bổn Ðầu Công”.
Nhưng Ông Bổn ở huyện Cầu Kè lại thờ 4 anh em kết nghĩa, khi qua đời thành thần, ở 4 chùa: Minh Ðức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư.
Mỗi chùa đều có một xác Ông Bổn để khi cần thì Ông “nhập”, “lên” báo cho dân chúng biết một vài việc cần kíp nào đó. “Xác” Ông Bổn là người địa phương, đạo đức tốt, được Ông tuyển chọn để bổ sung cho một xác khác đã “về hưu” hoặc qua đời. Sau thời gian thử thách (ngắn hoặc dài, tùy “xác”), “xác” này mới chính thức được Ông “nhập” dưới sự chứng kiến của 3 Ông Bổn của 3 chùa khác, bằng lễ tắm dầu nhằm tẩy sạch sự ô uế của xác. Dầu phộng nấu trong chảo đặt trong chính điện, ba Ông Bổn mỗi Ông cầm một bó lá tre chặt bằng ngọn, nhúng vô chảo dầu đang sôi sùng sục rồi quất lên khắp mình mẩy. Sau đó Ông Bổn mới sẽ được một ông Bổn dạy nói tiếng Tiều cùng huấn luyện cách rạch lưỡi, đánh trái chông...
Từ xưa đến giờ, ở Cầu Kè lúc nào cũng có 4 “xác” Ông Bổn. Từ năm 1954 tới nay là ông Hữu, ông Bắc, ông Mười Hai, ông Mỏn, một nhà sư tu chùa Vạn Hòa (tại thị trấn) và một ông thợ hớt tóc, tất cả đều là người Việt.
Ông Hữu làm ruộng ở Cây Sanh, ông Bắc chạy taxi ở Sài Gòn, ông Mỏn làm mướn... Ðiểm chung, các “xác” Ông Bổn và gia đình họ đều có cuộc sống nghèo. Mỗi khi Ông “nhập”, dù đang làm việc gì cũng phải ngưng lại, về đúng lúc để hoàn thành công việc “cõi trên” giao. Ông Hữu và ông Bắc đã qua đời từ nhiều năm nay.
Riêng ông Uối là dòng dõi người Tiều, con một chủ tiệm tạp hóa có tiếng tại thị trấn Cầu Kè. Ông được Ông Bổn “nhập” khoảng năm ông hai mươi tuổi. Từ đó đến khi “về hưu”, vào năm 2008, cuộc sống của ông và gia đình ông chật vật.
Nói về việc này, ông Uối tâm sự, “Biết sao được, mình là người phàm, thần thánh biểu sao chịu vậy!”. Nhà ông Uối ở bên bờ một con rạch nhỏ ngoại vi thị trấn Cầu Kè. Căn nhà tuềnh toàng mái lá, vách vừa tôn vừa lá, nền đất. Bà vợ ông buôn bán lặt vặt. Mấy đứa con ông quanh quẩn với việc ai mướn gì làm nấy.
Ông Bổn chuẩn bị vẽ bùa, cạnh bên trái là trái chông dùng để quất vô mình
“Từ khi Ông ‘nhập’ tới giờ, cha mẹ ‘hia’ (tiếng Tiều có nghĩa là ‘anh’) khá giả sao chẳng giúp gì?” tôi hỏi. Ông cười buồn, ngậm ngùi nói, “Cũng có chút đỉnh. Là con một gia đình chuyên buôn bán vậy mà tôi chẳng bán buôn gì được hết. Ðã vậy tôi, và các ‘đồng nghiệp’, còn bị một căn bịnh quái dị, lúc nào trong người cũng ớn lạnh. Chính cái cảm giác này đã khiến tôi không thể làm việc gì được lâu để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con!”
Ông Mỏn tiết lộ: “Ai ‘bị" Ông Bổn ‘nhập’ cũng đều có nước da xanh mét. Ai cũng nghèo, hình như Ông muốn vậy để họ không có điều kiện ăn chơi trác táng. Hồi mới ‘bị’ Ông ‘nhập’, bữa nào vui với anh em, nhậu thịt chó, thịt trâu hoặc làm bậy bạ nhứt định sẽ bị Ông hành tới chết đi sống lại. Một lần tởn tới già!”.
Ở Cầu Kè, Vu Lan Thắng Hội diễn ra tại các chùa ông Bổn, rải rác trong suốt Tháng Bảy Âm lịch, cụ thể như sau: Vạn Ứng Phong Cung trong 3 ngày 8, 9 và 10; Niên Phong Cung trong 2 ngày 15 và 16, Minh Ðức Cung trong 3 ngày 18, 19 và 20, nhưng vui nhất và thu hút hàng chục ngàn người khắp nơi đến tham dự là Vạn Niên Phong Cung trong 4 ngày từ 25 đến 28. Tại các chùa đều có Ông Bổn “lên”, từ một tới bốn.
Trong tiếng trống, kèn, chiêng, chập chả rộn rã của dàn “Tùa lầu cấu”, các Ông mặc đồ đỏ, bịt khăn đỏ, tay cầm gươm bén múa may, nói tiếng Tiều “như gió”, dù là người Việt rặt (bình thường không biết một tiếng Tiều nào).
Có ông cầm trái chông tua tủa những mũi thép dài 6 phân, sắc nhọn, sáng giới quất mạnh vào ngực vào lưng mình.
Có ông dùng dao nhỏ thật bén rạch lưỡi, dùng bút lông thấm máu lưỡi vẽ ngoằn ngoèo lên tờ giấy hình chữ nhật dài màu vàng nhạt. Ðó là bùa. Người ta thỉnh bùa về dán trong nhà để được bình an, mua may bán đắt.
Số người thỉnh bùa ngày càng nhiều, máu trong người các ông không đủ để vẽ bùa; để đáp ứng, các xác phải vô nước biển mấy ngày trước khi “lên”. Sau khi “thăng”, lưng và ngực các “xác” chỉ có những đốm đỏ, dấu vết của mũi nhọn trái chông quất mạnh vào; mặt lưỡi chỉ có lờ mờ những lằn dao bén rạch, ăn uống ngay một cách bình thường.
Bình thường là vậy nhưng khi nghĩ đến, ông Uối lắc đầu ngán ngẩm, “Nhìn cảnh ông Bổn rạch lưỡi, tắm dầu, đánh trái chông tôi và các xác khác đều ớn lắm. Ai cũng mang tâm trạng nếu lúc đó ổng “xuất” bất tử chắc lưỡi và lưng ngực bị thương, nhất là lúc tắm dầu dứt khoát bị phỏng”.
“Ngày nay, ông Bổn ‘lên’ chỉ làm mấy việc vừa kể, trước kia còn cảnh ông Bổn đi chưn không trên lớp than đước dài hàng chục thước, cháy đỏ rực nhờ sức quạt của hai hàng người ngồi hai bên. Ðang đi mà Ông ‘thăng’ thì chẳng biết làm sao”, ông Mười Một nhắc, kể và e sợ.
Các ông sợ thì sợ, nhưng hàng trăm năm nay chưa xảy ra “tai nạn” nào, vì Ông Bổn luôn “thăng” khi đã hoàn thành công việc thiêng liêng của mình, nhất là luôn bảo toàn các “xác”.
(Sưu tầm trên mạng)