Saturday, February 29, 2020

CHUYỆN TÌNH CASABLANCA

Đã qua gần nhiều thập kỷ nhưng phim “Casablanca” và chuyện tình lịch sử của nó vẫn mang sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi người xem. Với những kỹ thuật phim chất lượng và dàn diễn viên xuất sắc, bộ phim “Casablanca” vẫn đang được xếp vào một trong những phim hay nhất mọi thời đại.


Casablanca là một bộ phim tình cảm Mỹ của đạo diễn Michael Curtiz được công chiếu vào năm 1942. Bộ phim có sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao hàng đầu Hollywood như: Humphrey Bogart và Ingrid Bergman cùng các diễn viên Paul Henreid, Claude Rains,Conrad Veidt, Sydney Greenstreet và Peter Lorre.

Nội dung phim “Casablanca”

Bộ phim lấy bối cảnh trong giai đoạn Thế chiến thứ hai đang bao trùm, dòng người từ khắp châu Âu tìm mọi cách để sang Mỹ. Casablanca trở thành điểm trung chuyển cho những ai muốn thoát khỏi cuộc chiến. Nhưng sau đó, nơi đây trở thành vùng chiếm đóng của phát xít.

Bộ phim "Casablanca" kể về chuyện tình lãng mạn, đầy trắc trở và sự hy sinh cao cả của nhân vật nam đối với người mình yêu

Nhân vật trung tâm của bộ phim là Rick Blaine, sau khi lưu vong đến Casablanca, anh đã mở một quán cafe ở đó, đặt tên là Rick’s Cafe Americain. Anh chàng rơi vào rắc rối khi 2 nhân viên người Đức bị sát hại, và cảnh sát bắt đầu truy lùng thủ phạm. Rick nhận được hai tấm giấy thông hành từ Ugarte, một người chuyên bán hộ chiếu và anh ta định bán nó với giá rất cao. Tuy nhiên, Ugarte bị bắt, Rick đem giấu 2 tấm giấy thông hành để qua mặt cảnh sát. Ngày đêm đó, Rick gặp lại Ilsa Lund, người yêu cũ của anh khi còn ở Paris. Chồng của Ilsa là một lãnh tụ kháng chiến chống phát xít người Tiệp Khắc Laszlo, đối tượng đang bị truy lùng gắt gao của Đức. Hai vợ chồng Ilsa tìm mọi cách để có được giấy thông hành sang Mỹ. Điều đặc biệt là Rick là người duy nhất còn nắm giữ hai tấm giấy thông hành, và chỉ có anh mới là người có khả năng giúp đỡ hai vợ chồng Ilsa. Sau những giằng xé về tâm lí, cuối cùng Risk đã sắp đặt để đưa được vợ chồng Ilsa lên máy bay rời khỏi Casablanca bằng 2 tấm giấy thông hành anh đang nắm giữ.

Thành phố Casablanca xinh đẹp được chọn làm bối cảnh trong bộ phim

Một chuyện tình buồn vượt thời gian

Nói về Rick và Ilsa Lund, chuyện tình của hai người gắn liền với những kỷ niệm đẹp đẽ tại Paris. Ilsa Lund gặp Rick sau khi cô nhận được tin chồng mình bị bắn chết. Họ đã có những giây phút rất hạnh phúc bên nhau, nó được dệt lên như một bản tình ca bất hủ, gắn với ca khúc As Time Goes By. “Anh đang nhìn em này, cô bé!” là câu nói mà Rick hay nói khi bên cạnh Ilsa Lund. Trong lúc người ta đang đối mặt với cuộc chiến, thì họ chọn thời điểm này để yêu nhau. Cho đến khi nhận ra rằng, việc ở lại Paris sẽ gây nhiều bất lợi với Rick, họ hẹn nhau cùng chạy trốn đến Casablanca để tránh cuộc chiến.

Bộ ba nhân vật chính tạo nên một câu chuyện tình yêu, tình người đầy cảm động

Nhưng đến khi tàu sắp khởi hành thì Ilsa Lund không đến. Trong cơn mưa, Rick nhận được bức thư từ chối của Ilsa Lund trong sự hụt hẫng và anh đành chấp nhận phải ra đi một mình. Cho đến lúc gặp lại người yêu cũ, Rick vẫn thắc mắc rằng tại sao Ilsa Lund lại bỏ rơi anh tại Paris. Anh vẫn luôn yêu Ilsa Lund và chờ đợi câu trả lời từ phía cô. Sau khi biết được sự thật rằng người chồng hiện tại là người chồng trước đây của cô còn sống, Rick đã không trách móc Ilsa Lund nữa. Thậm chí anh còn đối đầu với phía cảnh sát để giúp vợ chồng Ilsa Lund rời khỏi Casablanca. Về phía Ilsa Lund, cô luôn chịu sự dằn xé về nội tâm trước tình yêu và trách nhiệm của mình. Ilsa Lund đã quyết định ở lại Casablanca cùng Rick vì cô không muốn bỏ rơi anh lần nữa. Mặc dù vậy, Rick vẫn chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình để Ilsa Lund cùng chồng ra đi. Đến cuối cùng Rick vẫn lựa chọn sự cô đơn, và mối tình của anh luôn là sự tiếc nuối vô bờ đối với người xem cả một thời đại. Cho đến nay, mỗi khi bài hát As Time Goes By được cất lên, lại khơi gợi cho chúng ta một câu chuyện buồn đầy xúc động của bộ phim bất hủ Casablanca.

Thành công về mọi mặt và trở thành bộ phim bất hủ của mọi thời đại

Bộ phim Casablanca dựa trên nội dung của vở kịch Everybody Comes to Rick’s (chưa bao giờ được công diễn) của Murray Burnett và Joan Alison. Bộ phim là một tác phẩm được pha trộn hoàn hảo giữa ba thể loại tình cảm – hài hước và ly kỳ. Nhằm tận dụng sự kiện quân Đồng minh tấn công Bắc Phi, bộ phim đã được công chiếu sớm và đạt được doanh thu rất cao. Đồng thời giành được ba giải Oscar trong đó có giải quan trọng là giải Phim hay nhất.

Bộ phim đã gặt hái được nhiều thành công vang dội, trong đó có giải thưởng Oscar cao quý

Sự thành công của bộ phim chính là nhờ có sự diễn xuất xuất thần của các diễn viên. Các vai diễn trong phim đều thể hiện một cách giàu cảm xúc, từ ánh mắt cho đến cá tính nhân vật đều rất xuất sắc. Kỹ thuật phim cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của phim. Trên nền kịch bản hay, những lời thoại đắc giá, cộng theo đó là diễn xuất và kỹ thuật. Không dùng nhiều kỹ xảo, được quay trong bối cảnh cũ, nhưng thành công củ bộ phim cũng không hề thua kém gì so với các phim Hollyood hiện nay.

Ca khúc "As time goes by" bất hủ cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công cho bộ phim

Một điều không thể bỏ qua khi nhắc đến bộ phim là giai điệu bất hủ của ca khúc As Time Goes By. Ca khúc gắn liền với những trường đoạn kỷ niệm của Rick và Ilsa lúc họ còn bên nhau ở Paris. Cùng với sự thành công của bộ phim, bài hát này cũng được Viện phim Mỹ bầu chọn và vinh danh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng 100 ca khúc. Còn đối với khán giản, mỗi khi lắng nghe giai điệu của nó đều có những giây phút hoài niệm về chuyện tình buồn trong phim Casablanca.

Sau hơn 60 năm sau ngày công chiếu, Casablanca vẫn luôn đứng đầu bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất trong lịch sử. Cho đến nay, bộ phim tiếp tục được đánh giá cao và được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood và trở thành mẫu mực trong lịch sử điện ảnh.

(Sưu tầm trên mạng)



TRÍ TUỆ CỦA CỔ NHÂN: TỰ DO NGÔN LUẬN

Lịch sử xưa nay đã chứng kiến nhiều chiến công lẫy lừng bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc là nhờ biết dựa vào lòng dân, được dân giúp sức. Cũng có trường hợp dù xây dựng quân đội trăm vạn, thành trì kiên cố, vũ khí bậc nhất, nhưng để mất Giang Sơn rồi mới thấm thía “ngã tay chèo mới biết lòng dân như nước”. Mà muốn biết lòng dân như thế nào thì chỉ có để dân nói, nghe lời thật của dân mà thôi. Xã hội hiện đại đề cao tự do ngôn luận chính là vì thế.


Tử Sản là một vị tể tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, được ví là Xuân Thu đệ nhất nhân. Dưới thời ông, những chính sách cải cách ruộng đất, cải cách triều đình, quân đội và pháp luật đã khiến nước Trịnh cường thịnh. Danh tiếng Tử Sản cũng vang khắp các chư hầu. Trong Cổ học tinh hoa có chép chuyện Tử Sản bàn về tự do ngôn luận như thế này:

Dân nước Trịnh thường hay đến trường học nhà quê để nghị luận những chính sách hay, dở của quan lại.

Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng:

Tôi định phá hết các trường nhà quê đi, ông tính sao?

Tử Sản nói:

Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan lại làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm, cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.


Vả chăng, ta nghe mình hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình, chớ ta không từng nghe mình chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như phải đắp đê để mà giữ lấy nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Như thế thì chẳng bằng cứ khơi đê cho nước chảy thì hơn. Nay ta hẵng cứ để trường học, khiến ta thường được nghe những những câu chê bai để làm thứ thuốc chữa cho ta thì hơn.

Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng:

Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy.

Người ta càng cao xa, càng tôn quí bao nhiêu, thì càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay thì hay thực, song lại hay làm cho mất lòng, nên những người đã có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình nghe.


Nhiên Minh đây bảo phá nhà trường là vì nghe sự thực mà mất lòng, ấy chính là có ý kiểm duyệt. Tử Sản đây mà bảo giữ nhà trường là vì yêu sự thực, được nghe sự thực lấy làm vui sướng, ấy chính là có ý cho tự do ngôn luận.

Các nhà trường nước Trịnh bấy giờ có phải như các tờ báo ngày nay, là những cơ quan để cho dân sự được tự do mà đàm luận về những chính sách hay dở hay không? Nếu như vậy, thì ra xưa nay dân sự vẫn có cách làm cho những điều cầu nguyện của mình đạt được tới chính phủ, mà chính phủ khôn khéo, tưởng cũng nên lợi dụng cái cách ấy, không nên tuyệt đi, lại càng không nên kiểm duyệt và lợi dụng vậy.

Những câu Tử Sản nói ví như khơi đê cho nước chảy để phòng sự tụt ngập tràn trụa rất nguy, hết lòng làm phải chớ không phải ra oai nạt nộ mới tuyệt được sự oán trách của dân, thực là những câu nói rất nhằm với chân lý, ta không nên bỏ qua.


Ôi! Một chính phủ mà vững bền hay hư hỏng là nghiệm ở lòng dân yêu hay ghét vậy. Nếu dân chúng đã ghét những chính sách không ra gì, dám nói ra miệng, mà mình lại chỉ thị oai như muốn bưng miệng, hạn chế tự do ngôn luận, chớ không muốn sửa đổi lỗi mình, thì mình có khác gì như anh chàng thấy nồi nước sôi rào ra ngoài, không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy vào trong nước vậy.

Theo Cổ học tinh hoa

THÀNH ĐÔ – ĐẾN RỒI KHÔNG MUỐN ĐI


Nổi tiếng là nơi có vô số những món ăn ngon và lạ của Trung Hoa, Thành Đô là điểm đến rất được lòng khách du lịch 4 phương. Bởi khi đến đây du khách được thưởng thức ẩm thực tuyệt hảo và được du ngoạn cùng thiên nhiên tươi đẹp không đâu sánh bằng.

Thành Đô - "thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc" pha lẫn giữa nét cổ kính và hiện đại

Nếu ai đã từng đọc qua cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa, sẽ không mấy xa lạ với địa danh Thành Đô – kinh đô của nước Thục thời xưa. Nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc và là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Thành Đô là một trong những thành phố phát triển năng động nhất tại Trung Quốc.

Thành phố 4000 năm lịch sử

Với bề dày lịch sử hơn 4000, Thành Đô là nơi bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đất nước Trung Hoa. Tại đây còn lưu giữ một phần của đền Vũ Hầu được xây dựng theo lối kiến trúc triều đại nhà Thanh, là thánh địa trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng.

Phố Cẩm Lý thanh bình và cổ kính, là nơi nổi tiếng để du khách trải nghiệm văn hóa Thành Đô

Đến Thành Đô, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những khu phố cổ nằm xen lẫn giữa thành phố hiện đại. Nơi nổi bật cho nét đẹp cổ kính của Thành Đô là khu phố cổ Cẩm Lý, nằm ở phía nam thành phố, con đường dài 350 mét sẽ cho du khách bước vào một không gian cổ kính, trầm lắng. Đi dạo trong phố Cẩm Lý, du khách sẽ thấy nơi đây khá giống với khung cảnh của thời xưa, từ cách bố trí kiến trúc, trang trí nhà cửa cho đến các hàng quán và cả những món ăn. Giữa hai bên đường, các ngôi nhà, quán ăn được xây 2,3 tầng bằng gạch đỏ trông như những tửu lầu hay xuất hiện trong các bộ phim kiếm hiệp. Ngoài ra, mỗi đêm đến khu phố Cẩm Lý hiện lên ấm áp dưới ánh sáng vàng của những chùm đèn lồng được treo ở khắp lối đi.

“Đô thành” ẩm thực

Với những du khách có sự yêu thích khám phá ẩm thực, thì Thành Đô là một điểm đến khá lí tưởng để được thưởng thức những đặc sản của đất nước Trung Hoa. Hội tụ vô số các món ăn ngon – bổ – lạ, Thành Đô được xem là “Đô thành” ẩm thực nổi tiếng nhất vùng Tứ Xuyên. Đây là “thành phố ẩm thực” đầu tiên của Châu Á và thứ 2 trên thế giới. Đến Thành Đô du khách sẽ được thưởng thức những món ăn địa phương cay xè và các đặc sản như: lẩu Tứ Xuyên trứ danh, mì lạnh, gà cay, gà lạnh, tào phớ cay,…

Ẩm thực Thành Đô mang hương vị cay nồng đặc trưng và khá bắt mắt

Hầu hết các món ăn tại Thành Đô xuất hiện khá sớm, sau đó được gìn giữ và lưu truyền qua từ đời này sang đời khác. Ngoài các món ăn truyền thống, nơi đây còn du nhập một số nét văn hoá ẩm thực hiện đại phương Tây. Với 20 kỹ thuật chế biến ẩm thực và sử dụng 10 loại hương vị cổ truyền, ẩm thực Thành Đô sẽ chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất.

Quê hương của những chú gấu trúc

Tạo cảm hứng cho những thước phim “Kung Fu Panda”, Thành Đô là nơi sinh sống của những chú gấu trúc khổng lồ. Đến Khu bảo tồn gấu trúc, du khách sẽ có cơ hội tận mắt trông thấy những chú gấu tinh nghịch và đáng yêu. Ngoài ra, ở đây còn có rất nhiều loài động – thực vật quý hiếm khác như báo tuyết, báo gấm và hàng ngàn loài thực vật nhiệt đới.

Ngắm nhìn những chú gấu trúc đáng yêu là một trải nghiệm thú vị khi đi du lịch Thành Đô

Con người chân thành – cởi mở

Một yếu tố quan trọng để tạo nên nét đặc trưng về văn hoá Thành Đô là con người. Người Thành Đô sống rất chan hoà, cởi mở, yêu cuộc sống và thân thiện với du khách. Không vội vã như nhịp sống ở các thành phố lớn, cuộc sống của con người nơi đây rất nhẹ nhàng và vô tư. Giới trẻ Thành Đô thường thích tìm đến những quán cà phê, quán trà để trò chuyện và đọc sách. Cuộc sống ở đây trôi qua một cách nhẹ nhàng không ồn ào, không nhộn nhịp khiến cho ai ghé thăm cũng cảm thấy dễ chịu và bình yên.

Kinh kịch - loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Thành Đô

Dừng chân tại Thành Đô, du khách sẽ có những giây phút hoài niệm cũ khi đi qua những con phố cổ và thưởng thức những món ăn đặc sản nức tiếng. Với những giá trị tuyệt vời và đầy hấp dẫn như thế, Thành Đô sẽ là điểm đến lí tưởng cho du khách được trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống bình yên.

Theo VYC Travel



Friday, February 28, 2020

4 NHÀ HÀNG 3 SAO MICHELIN TẠI TRUNG QUỐC

The Langham, Thượng Hải


Mặc dù vị trí của The Langham ở Bến Thượng Hải, khu Thượng Hải cũ, khách sạn này lại nằm bên trong một tòa nhà kính hiện đại đi kèm một vài yếu tố Trung Quốc truyền thống. Tất cả các phòng đều có cửa sổ kính trong suốt kéo từ trần đến sàn đem đến tầm nhìn tuyệt đẹp ra quang cảnh thành phố.


Nhà hàng được trao 3 sao Michelin năm 2017. Dưới sự giám sát của bếp trưởng Justin Tan, thực khách bắt đầu một thực đơn đa dạng với sứa ướp giấm, cá tuyết chiên giòn với nước tương ngọt, hoặc bún ướp phủ đậu phộng, dưa leo ướp với bào ngư thái lát. Bữa ăn kết thúc bằng bản nhạc ngọt ngào với tổ chim tre luộc nấm trắng và hạt mai cùng kẹo Trung Quốc.

The Eight, Macau


Theo quan niệm của người Trung Quốc, số 8 là con số tài lộc, may mắn - và đây cũng là tên của nhà hàng được vinh danh 3 sao vàng Michelin trong 4 năm liên tiếp bởi tạp chí Michelin Guide.


Theo đó, The Eight phục vụ các món ăn đặc sắc mang hương vị vùng Quảng Đông, với cách bày trí đa dạng, tinh tế. Một trong những món ăn được ưa thích nhất lại nhà hàng là càng cua hấp ăn kèm nước chấm rượu gừng. Ngoài ra, thực khách có thể thưởng thức hơn 40 loại Dimsum như há cảo tôm, bánh bao thịt nướng, xíu mại… vào bữa ăn trưa và trải nghiệm những bữa ăn tối cổ điển, sang trọng mang tinh hoa ẩm thực Trung Hoa. Nhà hàng nổi tiếng này cũng sở hữu hầm rượu khổng lồ với hơn 16.800 loại rượu khác nhau.

Đặc biệt, điểm nhấn của The Eight không chỉ đến từ ẩm thực tuyệt vời mà còn đến từ nội thất xa hoa được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Hồng Kông Alan Chan. Lấy cảm hứng từ các yếu tố truyền thống Trung Quốc như biểu tượng số tám giàu có hay hình ảnh cá chép vàng mang ý nghĩa thịnh vượng, Alan Chan đã kiến tạo The Eight trở thành nhà hàng được giới sành ăn và yêu kiến trúc mê mẩn.

Robuchon au Dôme, Macau


Nhà hàng 3 sao Michelin này trước kia có tên Robuchon a Galera, sau đó đổi thành Robuchon au Dôme khi chuyển về khu trung tâm Macau. Vượt ra khỏi ranh giới Macau, Robuchon au Dôme là nhà hàng mang đẳng cấp khu vực khi được trao tặng 3 sao Michelin trong vòng 11 năm liên tiếp, từ năm 2009 đến năm 2018. Nhà hàng mang đến cho thực khách những thực đơn tuyệt vời của ẩm thực ẩm thực Pháp, được chế biến tỉ mỉ bởi đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới Joël Robuchon. Ngoài ra, khi đến Robuchon au Dôme, khách hàng có cơ hội thưởng lãm bộ sưu tập rượu vang đồ sộ với hơn 17.000 nhãn hiệu, đã được vinh danh với với Giải thưởng Grand Spectator của Wine Spectator hàng năm kể từ năm 2005.


Nằm trên tầng thượng của khách sạn Grand Lisboa, Robuchon au Dôme có tầm nhìn không gian rộng lớn hướng ra cảnh sắc tuyệt đẹp của Macao. Thiết lập tiêu chuẩn đặc biệt cho bữa ăn hoàn hảo, Robuchon au Dôme sử dụng những bộ đồ ăn tốt nhất, bao gồm ly rượu từ Riedel - thương hiệu được lựa chọn bởi những người sành rượu và các chuyên gia về đồ uống và đĩa phục vụ bạch kim cao cấp từ Bernardaud.

Thưởng thức các món ăn ngon cùng các loại rượu vang thượng hạng, dịch vụ hoàn hảo trong không gian lãng mạn và sang trọng tại Robuchon au Dôme sẽ là những trải nghiệm không thể nào quên cho du khách tới Macau.

Jade Dragon, Macau



Ngoài The Eight và Robuchon au Dôme, Jade Dragon là nhà hàng thứ 3 tại Macao sở hữu 3 ngôi sao Michelin đáng thèm muốn tại Macau. Dưới bàn tay tài hoa của vị đầu bếp nổi tiếng Kelvin Au Yeung, những món ăn tại Jade Dragon được làm từ nguyên liệu hạng nhất và trải qua công đoạn chế biến khéo léo như thịt nướng với vải thiều hay súp hầm thuốc.


Về kiến trúc, các chi tiết trang trí làm bằng gỗ mun, pha lê, kim loại quý như vàng, bạc tạo cho nhà hàng Jade Dragon cảm giác hiện đại mà không kém phần xa hoa. Những hầm rượu phủ thủy tinh có chân đế chạm ngọc bích cũng là điểm nhấn hút khách tại nhà hàng.

Nếu du khách muốn đến và thưởng thức ẩm thực tại những nhà hàng 3 sao Michelin khi du lịch Trung Quốc, nhớ ghi chú lại những nhà hàng trên đây nhé! Chắc chắn chúng sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị!

Theo Viet Viet Tourism

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG VI?

Tháng giêng năm nay, Ngọc hoàng vân du thăm hạ giới nhưng không còn thấy cảnh buôn thần bán thánh bát nháo như mọi năm, mừng rỡ nói với Thái thượng lão quân:

- Khá khen cho con người đã thoát khỏi vô minh!


Ai dè, Thái thượng lão quân làm Ngọc hoàng cụt hứng:

- Ngọc đế ơi, chẳng qua vì họ sợ một con vi rút mới ra đời nên không dám tụ tập đó thôi!

Ngọc hoàng ngạc nhiên:

- Vi rút tên chi, từ đâu đến?

- Nó là một dòng mới xuất hiện từ chủng Corona, đã giết hàng ngàn người và đang lây lan khắp thế giới! Nó xâm nhập con người từ thói quen ăn tươi nuốt sống động vật hoang dã!

Ngọc hoàng nghe thế cố gắng lắm mới kềm được cơn buồn nôn, trầm ngâm:

- Nhân quả nhãn tiền, chỉ tội cho dân lành cộng nghiệp... Mà cái tên Corona có phải nghĩa là “vương miện”? Ai là người đặt cho nó cái tên hay quá vậy?


Thái thượng lão quân định lấy iPad ra tra cứu thì Ngọc hoàng khoát tay:

- Khỏi, dù là ai thì cũng quá tài. Vì tuy nhỏ tí ti nhưng con vi rút ấy ra đời như để tranh giành chiếc vương miện trong giấc mộng hoàng đế của ai kia!

Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online

Thursday, February 27, 2020

TRUYỀN THUYẾT LY KỲ VỀ CÂY NHÂN SÂM HÀN QUỐC

Truyền thuyết về củ Nhân Sâm Hàn Quốc

Ngày xưa, có một cậu bé hiếu thảo họ Kang, mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ tại một ngôi làng nọ ở chân núi. Không bao lâu sau mẹ cậu bị ốm nặng, cậu bé vô cùng lo lắng vì không biết làm sao chữa khỏi bệnh cho mẹ. Sau đó, cậu tìm đến hang núi Quan Âm (Kwan-Eum) thuộc núi Jin-Ak để cầu nguyện cho mẹ mau chóng khỏi bệnh.

Vị thần núi cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cậu bé nên đã xuất hiện trong giấc mơ và chỉ cho cậu cách chữa bệnh cho mẹ. Trong giấc mơ, thần núi bảo rằng: "Ở trên đỉnh núi Quan Âm có một loại cây thân cỏ. Loại cây này có 3 quả, mọc trên vách đá của núi. Con hãy nhổ cây lấy rễ và mang về nhà, sắc rễ cây lên rồi mang nước cho mẹ con uống. Điều cầu khẩn của con sẽ thành hiện thực". Dặn dò cậu bé xong, vị thần liền biến mất.

Đằng sau những cây nhân sâm bổ dưỡng là cả một câu chuyện


Ghi nhớ lời dặn của vị thần, sau khi tỉnh giấc cậu bé liền trèo lên vách núi đá Quan Âm để tìm loại cây thân cỏ đó. Sau khi tìm thấy, cậu mang về nhà và sắc lên cho mẹ uống. Mẹ cậu uống xong cảm thấy trong người khoẻ hơn trước rất nhiều. Mỗi ngày cậu bé đều sắc thuốc cho mẹ uống, chẳng bao lâu sau đó bà khỏi bệnh.

Cậu bé mang hạt của loài cây đó đem trồng ở khu vườn nhà mình. Cậu chính là người đầu tiên trồng cây nhân sâm trong lịch sử Hàn Quốc. Loại cây thần dược dần dần được nhiều người biết đến. Vì rễ cây trông rất giống với hình dạng của con người nên được gọi là nhân sâm.

Nhân sâm vẫn được nhiều người biết đến với những công dụng tuyệt vời trong việc chữa trị các loại bệnh

Củ Sâm biết đi !?

Trong dân gian vẫn hay lưu truyền về chuyện "củ sâm biết đi", ngày xưa người ta khi đi rừng quan sát thì thấy cây sâm đang mọc ở đây nhưng sau một thời gian quay lại thì thấy cây mọc dịch chuyển sang chỗ khác, tựa như biết đi.

Một số giải thích cho rằng do Sâm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá nên cần phải hút trong đất rất nhiều khoáng chất cần thiết, vì thế sau một thời gian sinh trưởng, đất nơi đó không còn đủ dinh dưỡng cho cây Sâm hấp thụ tạo củ nữa thì rễ cây sẽ vươn về hướng khác có dinh dưỡng nhiều hơn và làm cây từ từ dịch chuyển.


Nhân Sâm Hàn Quốc ngày nay

Ngày nay, nhân sâm đã được nhiều người biết đến với những công dụng tuyệt vời trong việc chữa trị các loại bệnh. nhâm Sâm là loại sản phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, là một thực phẩm, dược liệu quý với nhiều công dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe, đề kháng của cơ thể,...

Do đặc thù thiên nhiên ưu đãi về địa lý, khí hậu và chất đất rất thích hợp cho việc trồng sâm và cho ra những củ sâm thượng hạn có chất lượng tuyệt vời thuộc vào loại hàng đầu trên thế giới. Với tổng sản lượng lên đến hàng vài chục nghìn tấn sâm mỗi năm, vì thế thật không ngoa khi từ lâu Hàn Quốc đã được biết đến dưới cái tên “Xứ sở Sâm”.

Nhân sâm tươi Hàn Quốc có hình dáng giống người nhất do phần thân củ dày và nhiều thịt. Phần đầu và phần củ giống như đầu và thân mình của người, phần rễ dài, chia tác rõ ràng giống như đôi chân. Các chuyên gia nghiên cứu về nhân sâm tin rằng: đặc điểm hình dáng của nhân sâm Hàn Quốc là độc nhất, có được là do sự kết hợp tuyệt vời giữa đất đai, khí hậu và phương pháp canh tác từ lâu đời của người Hàn Quốc.

Loại cây này được nhân giống và trồng nhiều tại Geumsan và đây cũng là vùng trồng sâm nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Huyện 금산 (Geumsan) là một huyện ở tỉnh Chungcheong ở phía Nam Hàn Quốc nổi tiếng là vùng đất chuyên trồng Sâm và Nấm Linh Chi tốt nhất. Nơi đây là vùng núi, có điều kiện đất đai, khí hậu, ánh nắng mặt trời thích hợp cho ra loại sâm chất lượng không vùng nào sánh bằng. Nhờ khí hậu chênh lệch rõ rệt giữa ngày và đêm, đất trồng tốt, sâm trồng ở Geumsan chứa nhiều thành phần có hoạt tính dược lý nổi trội như Saponin và Germanium. Tới Geumsan, còn có cả một "Bảo tàng nhân sâm Geumsan” đến đây bạn có thể tìm hiểu về lịch sử 1.500 năm của loại thảo dược này ở đây.


Du khách có thể mua Nhân Sâm tại Chợ sâm Geumsan. Chợ sâm Geumsan còn là chợ nhân sâm lớn nhất trên toàn thế giới.

Những năm 1940, đây chỉ là một chợ quê được hình thành để bán các mặt hàng thảo dược từ vùng núi kế bên. Giờ đây nó đã trở thành một chợ chuyên về thuốc Bắc lớn nhất khu vực miền Trung Hàn Quốc với tên gọi “Chợ nhân sâm, thuốc bắc Geumsan”.

Hơn 80% lượng sâm sản xuất ra của Hàn Quốc được bán ở đây. Nơi đây hình thành nên một khu chợ lớn nhất thế giới chuyên về nhân sâm và thảo dược với hơn 1300 cửa hàng ở Geumsan. Lượng giao dịch nhân sâm hàng năm lên tới hơn 21 nghìn tấn, tương đương khoảng 550 triệu USD.”

Công Dụng Nhân Sâm

- Giảm ngộ độc rượu, bia
- Phòng bệnh Alzheimer
- Giảm đau
- Phòng bệnh tim mạch, tiểu đường
- Tăng cường thể lực và sinh lý
- Chống bệnh tật: tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống bệnh tật và nhiễm trùng.
- Giảm thiểu một số rối loạn tiền mãn kinh
- Chống stress và trầm cảm.


Trường hợp không nên dùng sâm

- Cảm mạo, phát sốt
- Những người bị bệnh gan mật
- Viêm dạ dày và ruột
- Những bệnh giãn phế quản, bị lao, ho ra máu
- Những người cao huyết áp
- Những người bị mất ngủ
- Thanh niên hay bị di tinh, bị xuất tinh sớm
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ nhỏ dưới 14 tuổi không nên dùng nhân sâm


Cách dùng sâm

+ Sâm tươi thái mỏng pha trà uống
+ Sâm tán bột pha nước đun sôi
+ Sâm thái thành lát ngậm
+ Sâm thái lát rồi đem đi sắc uống
+ Nấu cháo ăn
+ Sâm hấp trứng gà
+ Sâm hầm thịt gà



Nhân Sâm Hàn Quốc có mấy loại?

Phân loại dựa trên môi trường sống

1. Jaebaesam (Trồng tại nông trang)

Loại nhân sâm này được nuôi trồng trên các nông trang. Thân củ dày và nhiều thịt, có khoảng 2-3 rễ chính, có màu trắng nhạt. Số lượng rễ con tùy thuốc và chất lượng đất, biện pháp canh tác, độ ẩm, phân bón,... Nhân sâm nuôi trồng được 4-6 năm rồi thu hoạch sẽ cho ra củ có chất lượng tốt nhất!

2. Jangnoesam (Trồng trong môi trường hoang dã)

Loại nhân sâm được trồng trong môi trường tự nhiên ở vùng núi. Cây phát triển tốt ở các khu vực có độ ẩm cao dưới bóng mát cây bạch dương và cây sơn mài, sâu trong các ngọn núi, các vùng sâu vùng xa.

3. Sansam (Nhân sâm hoang dã)

Nhân sâm hoang dã mọc tự nhiên trên các vùng đồi núi xa xôi, hiểm trở. Loại nhân sâm này có hàm lượng dưỡng chất cao hơn hẳn. Sâm hoang dã có mùi thơm nồng nàn và cực kỳ đắng. Chỉ cần ngậm một lát, nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng lên tức thì.

Phân loại dựa trên phương thức chế biến

1. Saengsam (Nhân sâm tươi)

Đây là nhân sâm mới được khai thác vẫn ở dạng nguyên thủy, chưa qua chế biến, thường được thu hoạch sau 4-6 năm. Ở Hàn Quốc, người ta thường sử dụng nhân sâm tươi bằng cách xay nhuyễn làm đồ uống, pha thêm chút mật ong hoặc sữa, hoặc làm nguyên liệu cho một số món ăn: gà tần sâm, cháo sâm, salad sâm, sâm nướng với thịt, thịt bò xào sâm,...


2. Baeksam (Bạch sâm)

Nhân sâm 4-6 năm tuổi được cạo vỏ rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời đến khi độ ẩm giảm còn dưới 14%, phương pháp này giúp sâm có thể bảo quản được trong thời gian dài, thường được dùng để làm vị thuốc hoặc làm trà sâm. Bao gồm:

Jiksam (Sâm thẳng): Củ nhân sâm được phơi khô ở dạng thẳng đứng.
Bangoksam (Sâm bán cong): Phần rễ chính được uốn cong rồi đem phơi khô.
Goksam (Sâm cong): Cả phần thân và rễ được uốn cong trước khi phơi.
Misam: Củ sâm được cắt bổ hết rễ rồi đem phơi nắng.

3. Taegeuksam (Sâm Taegeuksam)

Sâm Taegeuk là hình thức trung gian giữa bạch sâm và hồng sâm. Loại sâm này được rửa sạch rồi ngâm trong nước nóng, sau đó được cạo vỏ rồi đem sấy khô. Nó có màu nâu nhạt hoặc nâu đỏ.

4. Hongsam (Hồng sâm)

Hồng sâm được chế biến bằng phương pháp hấp sấy ở nhiệt độ cao khoảng từ 3-5 lần, có thể bảo quản được trong thời gian dài, lên tới 10 năm. Hồng sâm lành tính hơn nhân sâm rất nhiều, có thể phù hợp cho mọi đối tượng và hầu như ít có tác dụng phụ. Được áp dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh AIDS và những bệnh nhân bị nhiễm chất độc dioxin. Có rất nhiều chế phẩm từ hồng sâm: bột sâm, viên sâm, nước sâm,... Có thể sử dụng hồng sâm đều đặn trong thời gian dài để bồi bổ sức khỏe.

5. Hắc sâm

Phương pháp chế biến ra hắc sâm mới được nghiên cứu và áp dụng thành công trong những năm gần đây. Theo đó, củ nhân sâm tươi được hấp sấy khoảng 9 lần cho đến khi nó chuyển thành màu đen, đôi khi có mùi hơi khét. Hắc sâm được biết đến hiện nay là có hàm lượng Saponin cao nhất, hơn hẳn nhân sâm tươi và hồng sâm, đặc biệt tốt và phù hợp với người già.

Trên đây là câu chuyện truyền thuyết về loài thảo dược có công dụng tuyệt với giúp cho cậu bé tìm thuốc trị bệnh cho mẹ. Cho đến bước phát triển trong việc canh tác, chế biến và xuất khẩu khiến cho Sâm Hàn Quốc trở nên một thương hiệu nổi tiếng được ưa chuộng trên khắp thế giới với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

(Sưu tầm trên mạng)

VÌ SAO NẮP BIA NÀO CŨNG CÓ 21 RĂNG CƯA?

Bia là một loại nước giải khát tuyệt vời cho mùa hè, và là một phần không thể thiếu của nhiều bữa tiệc. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết thông tin thú vị liên quan đến những chiếc nắp bia có răng cưa.


Nguồn gốc những chiếc nắp chai có răng cưa

Ngày 2/2/1892, ngành công nghiệp đóng chai đã mãi mãi thay đổi nhờ sự xuất hiện của chiếc nắp chai vương miện (loại nắp chai bia kim loại ta thường thấy ngày nay). Ý tưởng vĩ đại này thuộc về William Painter, một nhà sáng chế người Mỹ. Cả cuộc đời ông có hơn 80 phát minh, nhưng việc cho ra đời chiếc nắp chai kim loại chính là phát minh thành công nhất và nhanh chóng "hô biến" Painter thành một người giàu có.

Những năm 1880, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại nước giải khát có ga và chúng rất được ưa chuộng. Nhưng việc vận chuyển loại nước giải khát này lại có nhiều khó khăn vì các loại nút bằng gỗ bần, sứ hoặc kim loại đều không bảo đảm được độ kín dẫn đến ga bị thất thoát và chất lượng nước giải khát bị ảnh hưởng rõ rệt.

Quyết tâm ngăn hiện tượng này, Painter đã phát minh ra loại nắp chai với tên gọi Crown Cork. Nắp chai mới có phần viền lượn sóng và một miếng lót phía trong nhằm ngăn chất lỏng tiếp xúc với miếng kim loại.


Sau khi làm việc với các nhà sản xuất chai lọ để hoàn thiện sản phẩm, năm 1892, Painter xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình và đến 1893, ông thành lập hãng "Crown Cork and Seal Company", hiện có tên là "Crown Holdings Inc.", hãng sản xuất các loại nút chai và vật dụng trong ngành giải khát thuộc top đầu thế giới

Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, chiếc nắp chai cũng được tinh chế dần dần. Phần chất liệu được thay từ kim loại thành nhựa PVC, số răng cưa trên nút chai và độ cao của nắp được giảm bớt đi. Tuy nhiên đường viền lượn sóng như hình chiếc vương miện vẫn được giữ lại.

Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ khi biết Crown Holdings, Inc – công ty của Painter vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Trụ sở chính của công ty hiện nằm ở Philadelphia, Mỹ.


Vì sao nắp chai bia có 21 răng cưa?

Trên thực tế, những nắp bia đầu tiên do William Painter sáng chế ra có 24 răng cưa. Trong những năm 1930, mọi người đều sử dụng loại nắp chai này nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng vì có quá nhiều răng cưa nên nắp chai bia quá chặt và rất khó mở.

Sau nhiều thí nghiệm lặp đi lặp lại, số lượng răng cưa cuối cùng được điều chỉnh thành 21 như ngày hôm nay. Nhưng tại sao lại là 21 răng cưa?

Đầu tiên, 21 là bội số của 3. Trong nguyên tắc cơ học của vật lý, ba điểm chống đỡ một vật nào đó là ổn định hơn so với hai hoặc bốn điểm. Nhưng áp dụng nguyên tắc ba điểm để cố định miệng chai tròn lại có độ khó rất cao, vì thế nắp chai bia cần phải có số răng cưa là bội số của 3.

Thứ hai, nắp chai phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản, một là niêm phong thật kỹ, hai là cố định chắc chắn. Nắp chai có 21 răng cưa thỏa mãn được cả hai yêu cầu này.


Cuối cùng, vì bia chứa một lượng ga nhất định. Khi mở không đúng cách, có thể dẫn đến áp suất không đồng đều bên trong chai, khiến người sử dụng bị tổn thương, nắp chai 21 răng cửa có thể bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi mở nắp. Hơn nữa, thiết kế lượn sóng của nắp không chỉ làm tăng ma sát mà còn tạo điều kiện giúp việc mở nắp chai thuận tiện hơn.

Do hiệu suất tốt nhất về độ kín, độ cứng và dễ mở, nắp bia 21 răng cưa đã được hoàn thiện và trở thành tiêu chuẩn quốc tế.

Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Wednesday, February 26, 2020

KÊNH ĐÀO PANAMA – KỲ QUAN “THÉP” CỦA THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Bắt đầu từ giấc mơ kết nối thế giới bằng cách xây dựng một tuyến biển qua hai lục địa, kênh đào Panama đã được xây dựng trong 3 thập kỉ bằng mồ hôi công sức của rất nhiều người. Năm 1994, kênh đào được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 7 thành tựu kỹ thuật xây dựng lớn nhất của thế giới hiện đại.


Kênh đào Panama nhìn từ trên cao

Sứ mệnh kết nối hai đại dương

Cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, kênh đào được xây dựng với mục đích để tàu bè giữa 2 đại dương có thể qua lại. Công trình đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, góp phần giảm thiểu chi phí trong vận tải thủy giữa hai đại dương. Trong quá khứ, để vận chuyển hàng hóa từ New York đến San Francisco, thay vì phải vượt qua hơn 22.500km qua eo biển Drake và mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực Nam của Nam Mỹ, hiện nay, nhờ vào kênh đào Panama, việc đi lại chỉ tốn còn 9.500 km.

Nhóm kỹ sư người Mỹ đã thực hiện dự án kênh đào Panama


Ý tưởng về việc xây dựng kênh đào vượt qua eo đất của Trung Mỹ có từ năm 1534, khi hoàng đế Charles V của đế quốc La Mã và vua Tây Ban Nha, cho rằng xây dựng một kênh đào tại Panama có thể làm cho các tàu thuyền lưu thông dễ dàng và thuận tiện hơn.

Song mãi đến năm 1880, được khích lệ nhờ sự thành công trong việc xây dựng kênh đào Suez nối liền 2 đại dương đầu tiên trên thế giới Suez, Ferdinand de Lesseps đã bắt đầu xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển (nghĩa là không cần các âu thuyền) thông qua tỉnh Panama (khi đó nó là một tỉnh) vào ngày 1/1/1880.

Khởi công 1881, với hơn 44.000 nhân công trải qua quá trình "xẻ núi, bẻ hướng sông"


Bắt đầu kế hoạch, các nhân công sẽ đào xuyên các ngọn núi tại điểm thấp nhất, Culebra (nghĩa là "rắn ở Tây Ban Nha") để xây dựng một kênh cấp biển. Sau đó, họ phải làm việc cật lực để di dời hơn một trăm hai mươi triệu tấn đất đá, dọn dẹp hàng tram tấn bùn và đá lở hỗn loạn tại các địa điểm khai quật khiến công đoạn đào kênh bị chậm lại một cách đáng kể, số lượng nhân công cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

Những cửa cống khổng lồ được xây dựng ở cả hai đầu của kênh đào vào năm 1913


Bên cạnh đó, việc xây dựng 77 km chiều dài của kênh đào đã vấp phải nhiều trở ngại, bao gồm bệnh dịch (cụ thể là bệnh sốt rét và bệnh sốt vàng) cũng như các vụ lở đất. Sáu ngàn người đàn ông đã chết trong năm năm đầu tiên, với con số rất đáng báo động 350 người chết mỗi tháng. Panama được biết đến như là "bờ biển sốt". Đến cuối năm 1885, do thiệt hại lớn về nhân lực và sự thiếu kinh nghiệm của người Pháp, kế hoạch đào kênh Panama bị từ bỏ.


Tàu kéo U.S. Gaton là phương tiện đầu tiên đi thử qua cổng Gatun của kênh đào Panama


Cuối cùng, cho đến năm 1904, công trình này đã được Mỹ xúc tiến lại, xây dựng hoàn thành và bắt đầu mở cửa vào năm 1914. Các tiến bộ trong vệ sinh đã làm cho số lượng tử vong giảm xuống trong thời kỳ xây dựng của người Mỹ, song vẫn có 5.609 công nhân chết trong thời kỳ này (1904-1914). Tổng cộng, số người chết trong quá trình xây dựng kênh đào lên tới khoảng 27.500 người.

Panama – Kỳ quan “thép” của thế giới hiện đại 

Sự ra đời của kênh đào Panama đóng góp rất quan trọng trong việc góp phần làm giảm độ dài tuyến đường biển, tạo thuận lợi trong việc việc giao thương hàng hóa giữa hai đại dương. Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã đặt tên Kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại nhờ vào quy mô và mức độ của nó.


Mở ra cánh cửa giao thông thuận tiện cho tàu bè qua lại


Trong quá khứ, chưa có ai từng tưởng tượng đến việc xây dựng một kênh đào Panama xuyên biển, nổi liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho đến khi nó được hoàn thành và trở thành một trong những kỳ quan “thép” hiện đại thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan như ngày hôm nay.

Theo: VYC Travel

VĂN HÓA ẨM THỰC HÀN QUỐC


Văn hóa ẩm thực Hàn Quốc là sự kết hợp độc đáo và tinh tế của đa dạng các loại thức ăn mang đậm nét văn hóa cổ truyền. Ẩm thực Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng của ẩm thực Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng phần lớn các món Hàn đều có đặc trưng riêng, điều dễ thấy nhất là hầu hết chúng đều ưu tiên hướng đến sức khỏe. Trong ẩm thực Hàn Quốc, rau củ là nguyên liệu chính, phương pháp nấu ăn chủ đạo là xào và nướng, chú trọng vào vị tươi ngon tự nhiên của thực phẩm.

Với đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới, Hàn Quốc có một nền văn hóa ẩm thực khá phong phú và hấp dẫn với nhiều món ăn theo mùa khác nhau. Du khách đến du lịch Hàn Quốc, ngoài tham quan, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khám phá nền giải trí sôi động, còn để thưởng thức những món ngon, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực xứ sở kim chi.

Món ăn Hàn Quốc hầu hết đều có màu sắc bắt mắt.

Những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc
Với đặc điểm vị trí địa lý có ba mặt giáp với biển, nên ẩm thực Hàn Quốc đa dạng các loại thực phẩm từ hải sản, rau củ quả, đậu, trái cây ôn đới,... Điểm chung là các món ăn đều có sự cân bằng màu sắc, hương vị, kết cấu, tạo cho món ăn bề ngoài bắt mắt nhưng vẫn chứa đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe. Món ăn Hàn Quốc thường có vị cay, hăng và rất đậm đà gia vị.

Kim chi - Món ăn đại diện cho ẩm thực Hàn Quốc

Nếu như ở Việt Nam, nước mắm vừa là nước chấm vừa là loại gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn thì kim chi cũng là món rất quan trọng, không bao giờ vắng mặt trong mâm cơm của người Hàn. 

Hiện có hơn 200 loại kim chi khác nhau tại Hàn Quốc như kim chi củ cải, kim chi hành lá, kim chi dưa chuột, kim chi cải thảo, kim chi lá kim,... Trong đó, kim chi cải thảo là món ăn phổ biến và được ưa chuộng nhất. Kim chi cải thảo được làm từ bắp cải thảo ướp với bột ớt, muối, cà rốt, ớt chuông, lê, tỏi, gừng, hành lá,... sau đó ủ cho lên men và bảo quản ở nhiệt độ thấp. 

Kim chi có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe như đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa tiểu đường, huyết áp cao và ung thư. Người Hàn Quốc dùng kim chi ăn kèm với nhiều món ăn hoặc làm nguyên liệu chế biến các món mặn như kho cá, kho thịt, nấu canh bò hầm, trộn tôm thẻ,...

Kim chi cải thảo rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Các món ăn Hàn Quốc thường ngày

Trong mâm cơm hàng ngày của người dân Hàn Quốc thường có rất nhiều món ăn được trình bày trong những đĩa, chén nhỏ. Thông thường, bữa cơm sẽ có món chính là cơm, các món phụ bao gồm canh, súp, kim chi, cá khô, thịt kho, rau xào,... 

Điểm đặc biệt của các món ăn Hàn là các gia vị dùng chế biến, bất cứ món ăn nào cũng được nêm nếm với nước tương, đậu tương lên men, tỏi, bột ớt, dầu mè, vừng,... tạo nên hương vị đậm đà và màu sắc rực rỡ cho món ăn.

Mâm cơm hàng ngày của một gia đình Hàn Quốc.

Ẩm thực Hàn Quốc theo mùa

Vào mỗi mùa trong năm, ẩm thực Hàn Quốc lại có những món ăn riêng thích hợp cho từng mùa. Chẳng hạn, vào mùa hè, mọi người thường ăn các món có tính mát như gà hầm sâm, mì lạnh, thịt lươn nướng, kem,... Vào mùa thu, tiết trời dễ chịu, có chút gió se lạnh, thích hợp thưởng thức các món như cua, tôm sống ngâm nước tương, cá nướng, nấm thông, bánh gạo rượu, cháo Jook, súp cua càng xanh, bánh gạo,... Còn vào mùa đông, du khách du lịch Hàn Quốc nhất định phải ăn thử món canh đậu hũ và kim chi, gà hầm đậu, súp xương bò,...

Món gà hầm sâm Hàn Quốc thơm ngon, bổ dưỡng.

Cách bày trí món ăn

Trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, việc bày trí món ăn trên bàn cũng rất được chú trọng. Việc sắp xếp món ăn dựa vào quy ước bữa cơm nên có 3, 5, 7, 9 món ăn. Món canh sẽ đặt bên phải chén cơm, sau đó các món phụ được đặt theo hàng phía trên. Phía bên phải mâm cơm đặt những món nóng và thịt, bên trái đặt món lạnh và rau, ở giữa đặt các loại nước sốt. Dụng cụ ăn uống bao gồm đũa và thìa, đặt bên phải chén cơm.

Quy tắc ăn uống

Do sự ảnh hưởng của đạo Khổng mà ít nhiều quy tắc ăn uống trong bàn ăn của người Hàn khá cầu kỳ và kiểu cách. Trong bữa cơm, người lớn tuổi nhất trong bữa ăn phải nhấc đũa ăn trước thì mọi thành viên khác mới được bắt đầu ăn. Trước khi ăn phải nói cảm ơn, không được gây tiếng động khi ăn, nhai thức ăn chậm rãi, và không làm rơi vãi đồ ăn ra ngoài bàn. Đặc biệt, đũa Hàn Quốc thường dẹp, nếu không sử dụng thạo sẽ khó gắp, do đó, cần phải khéo léo mới dùng được.

Bữa cơm Hàn Quốc truyền thống có đông đủ thành viên gia đình.

Các món ăn truyền thống Hàn Quốc xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim, chương trình giải trí ăn khách của xứ sở kim chi đã giúp đưa văn hóa ẩm thực Hàn Quốc được nhiều người biết đến hơn. Hầu hết các món Hàn có vị vừa phải, rất dễ ăn nên được rất nhiều người yêu thích và trở thành món ăn khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Theo VYC Travel

NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP HỒI GIÁO


Bí ẩn Thư Pháp Hồi Giáo

Môi trường Hồi Giáo giáo đã thúc đẩy sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Đó chính là nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo. Thư pháp theo cách hiểu đơn giản là nghệ thuật viết chữ đẹp. Thư pháp Hồi Giáo là phép viết chữ của người Arab được nâng lên thành một nghệ thuật, là phương tiện để biểu hiện cái tâm, cái khí của người dùng bút. Sự phối hợp giữa hình ảnh và ý nghĩa đã tạo ra ý nghĩa ẩn dụ, đây cũng chính là những tấm mạng phủ lên các tác phẩm nghệ thuật Hồi Giáo nói chung và nghệ thuật thư pháp nói riêng.


Thư pháp Hồi Giáo là một nghệ thuật, các tác phẩm thư pháp vừa mang mục đích thoả mãn nhu cầu về cái đẹp của con người vừa mang mục đích phục vụ cho tôn giáo. Người nghệ sĩ viết thư pháp để trang trí trong các thánh đường, các vòm cầu nguyện,… Nghệ thuật thư pháp còn xuất hiện trong các sách – sách thánh, kinh Qu’ran, sách văn học nghệ thuật và các vật trang trí trong đời sống thế tục như: trang trí trong các ngôi nhà, các toà lâu đài. Đó là những bức thư pháp được viết lên tường, trên các miếng gạch men; các đồ dùng trong thánh đường hay trong nhà như: cây đèn, hay các loại gốm men xanh,…


Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo có môi trường phát triển rộng lớn bao gồm các nước như: Arab, Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, các nước Trung Á và một số nước châu Phi. Mỗi bức thư pháp là một sáng tạo nghệ thuật của những người nghệ sĩ. Ta có thể thấy được ở thời đại bấy giờ với những chất liệu và kĩ thuật nhất định người nghệ sĩ đã viết nên những câu kinh Qu’ran bằng màu vàng của kim loại vàng, kết hợp với những màu sắc khác như màu bạc hay màu xanh,… đã làm cho những trang kinh trở thành một tác phẩm nghệ thuật chân chính chứ không chỉ là vật để ghi lại những điều răng dạy của thượng đế Allah.

Mỗi bức thư pháp là một là một sự bí ẩn ẩn chứa đằng sau những tấm mạng. Chúng ta khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật này cũng như đang thực hiện động tác vén mạng, Thượng đế ẩn sau bảy mươi tấm mạng của ánh sáng và bóng tối, nên càng vén ta càng thấy sự bí ẩn là vô cùng vô tận.

Đỉnh cao của nghệ thuật

Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo đã đạt tới đỉnh cao khi những người nghệ sĩ không chỉ viết thư pháp trên giấy mà họ còn viết lên trên các công trình kiến trúc, các vật dụng sinh hoạt. Để đem chữ viết trang trí lên các bức tường là một điều không phải đơn giản, không phải ai cũng có thể làm được, các nghệ sĩ vừa bảo lưu những điều răng dạy của Allah vừa là những người học tập sự sáng tạo của Allah trong việc biến tấu những chữ viết thành những đường nét hài hoà tinh tế để trang trí trong các thánh đường.


Nhờ vậy mà không khí trong các thánh đường trở nên thiêng liêng hơn, đầy ý nghĩa hơn, các bức tường không còn trở nên đơn điệu nữa, do đó thu hút các giáo dân gắn bó và tôn kính tôn giáo của họ hơn, thánh đường đã trở thành nơi chứa đựng cái đẹp, mà con người thì luôn yêu cái đẹp là vướn tới cái đẹp.

Ngoài ra, những bức thư pháp được viết trên gạch men, được dùng để trang trí trong nhà còn mang ý nghĩa Hạnh phúc và may mắn là những đồng hành tuyệt vời. Những đồ vật khi được viết những nét chữ Arab thiêng liêng lên đó sẽ rất có giá trị và rất được trân trọng. Những dòng chữ đó có thể là những câu trích trong kinh Qu’ran hay cũng có thể là những câu thơ trữ tình,…

Những loại hình thư pháp đặc sắc khác

Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo là một đỉnh cao trong nền thư pháp thế giới, bên cạnh đó một số nghệ thuật thư pháp khác cũng rất phát triển như: thư pháp của người Trung Quốc, thư pháp Tiếng Việt, thư đạo Nhật Bản,… Trong đó thư pháp của người Trung Quốc được khá nhiều người biết đến nhất. Trong quá trình sáng tạo chữ viết của mình người Trung Hoa đã bắt đầu chú trọng vào phép viết chữ, từ những chữ viết được viết trên lụa (chữ lệ), những chữ được khắc trên tre, nứa, trên chuông hoặc những kim loại bằng đồng (chữ kim), cho đến chữ triện và chữ hiện đại như ngày nay, đó là một quá trình rất dài và kì công. Thư pháp được xem là linh hồn của mỹ thuật Trung Hoa, viết thư pháp là một loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao, là nghệ thuật biểu hiện tâm hồn của tác giả, người ta còn có câu nét chữ nết người cũng từ việc viết chữ mà xác định được tâm tính của người viết. Vì vậy mà viết chữ cũng được xem là nghệ thuật. Thư pháp Trung Hoa chủ yếu xuất hiện trong các sách vở, các câu đối treo trong nhà, những dòng chữ đề thơ trong các bức tranh, cây quạt hay các vật dụng sinh hoạt thế tục khác. Khác với thư pháp Hồi Giáo, người Trung Hoa viết thư pháp không chịu sự chi phối của yếu tố tôn giáo và cũng không nhằm mục đích chính là phục vụ cho tôn giáo. Họ xem viết chữ là một thú giải trí tao nhã của những bậc tài danh, viết thư pháp còn là một trong những cách để rèn luyện tính kiên nhẫn, giữ tâm tính ôn hoà.


Nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ xuất hiện muộn hơn, tuy nhiên vẫn được chú trọng, người Việt coi việc viết chữ và cho chữ là một điều rất thiêng liêng, việc viết thư pháp cũng chịu không ít ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nên có nhiều nét tương đồng với thư pháp của người Trung Quốc.


Hay nghệ thuật thư đạo của Nhật Bản cũng là một đặc sắc thư pháp đáng chú ý. Ở Nhật Bản khiếu thẩm mĩ luôn dựa vào sự giản dị kết hợp với tính trầm tư mặc tưởng của Thiên Đạo và tinh thần võ sĩ đạo đã làm cho nghệ thuật thư pháp phát triển thành một phong cách rất đặc biệt. Các bức thư pháp không chỉ đơn giản là tác phẩm nghệ thuật mà nó còn là sự phối hợp hài hoà với tinh hoa Thiên Đạo Nhật Bản. Với đặc điểm này, thư pháp còn mang ý nghĩa truyền tải nội dung tâm pháp.


Người Hồi Giáo giáo coi nghệ thuật viết chữ là chức năng cao quý, một môn khoa học ưu việt và chiếm số lượng lớn lực lượng sáng tác lẫn người thưởng thức.

Theo: VYC Travel