Trong kinh Phật nói: “Thân này chẳng phải là Ta, chẳng phải của Ta, chẳng phải tự ngã của Ta”. Vậy phải quán như thế nào để thấy được nó chẳng phải Ta, chẳng phải của Ta, chẳng phải tự ngã của Ta.
Đáp: Có hai phần:
Về sắc uẩn:
Sắc uẩn do bốn đại hợp thành, giả hiện có thân tướng. Đã do bốn đại hòa hợp thành thì đất là của đất, sao bảo là của Ta? Cũng thế, nước là của nước, gió là của gió, lửa là của lửa đâu thể bảo là của Ta? Còn thế nào là chẳng phải Ta? Bởi ta là hữu tri, vốn có đủ tánh phân biệt hiểu biết, trái lại bốn đại là vật không tri giác làm sao gọi bốn đại là Ta? Vả lại bốn đại mỗi đại đều có tính chất riêng, đất tính cứng, nước tính ướt, gió tính động, lửa tính nóng, mỗi phần riêng biệt hợp lại đâu thể thành một thể thuần nhất. Vì thế nên biết sắc uẩn cũng không phải tự ngã của Ta, vì tự ngã là một cái thể nguyên vẹn.
Về tâm có bốn thứ:
Thọ, tưởng, hành, thức. Tức thuộc về phần tinh thần. Thọ: do căn trần tiếp xúc mà sanh khổ vui, hoặc bình thường (không khổ, không vui). Tưởng: do nghĩ nhớ những việc đã qua, suy tưởng việc sắp đến, nghĩ việc hiện tại. Hành: do niệm sanh diệt tương tục trong từng sát na, có thiện hành, ác hành, vô ký hành. Thức: do phân biệt lành dữ, tốt xấu, phải quấy... có thủ xả, không thủ xả.
Về Tưởng có phải là Ta chăng ? Tưởng do nhớ nghĩ mà thành, không nhớ nghĩ thì Tưởng cũng không. Nếu bảo Tưởng là Ta thì khi không nhớ nghĩ ta cũng không. Thế nên biết Tưởng chẳng phải là Ta. Lại Tưởng do nghĩ nhớ mà thành, thì Tưởng là của nhớ nghĩ sao gọi là của Ta? Tưởng có tưởng về quá khứ, tưởng về vị lai, tưởng về hiện tại, không một thể nhất định không phải tự ngã của Ta.
Về Hành có phải là Ta chăng ? Hành do niệm khởi, niệm diệt thì Hành cũng không. Nếu bảo Hành là Ta, như vậy khi niệm diệt Ta cũng không. Thế là Hành cũng chẳng phải Ta. Hành do niệm khởi thì Hành là của niệm sao bảo của Ta? Hành có ác hành, thiện hành, vô ký hành, sanh diệt không dừng, không có thể cố định, nên cũng không phải tự ngã của Ta.
Về Thức có phải là Ta chăng ? Thức do phân biệt sanh, không phân biệt thì Thức cũng không. Nếu bảo Thức là Ta tức khi không phân biệt Ta cũng không. Thế nên Thức chẳng phải là Ta. Thức đã do phân biệt sanh thì Thức là của phân biệt, sao bảo của Ta? Thức có thủ có xả, có bình thường, không thủ không xả, chẳng có một thể cố định nên cũng chẳng phải tự ngã của Ta.
Như vậy, nếu quán cùng tột lẽ trên, chúng ta sẽ thông đạt lý vô ngã, khi tâm chấp ngã hết tức mầm mống sanh tử dứt, ngay đó là Niết Bàn vậy.
(Trích trong mạng của Thiền Viện Thường Chiếu)
No comments:
Post a Comment