Cái tên Nicholas Winton được xem là “người hùng thầm lặng” của nước Anh, khi ông đã làm điều kỳ diệu là cứu sống hàng trăm trẻ em Do Thái bên bờ vực diệt vong của một cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại, theo BBC.
Nicholas Winton bế một đứa trẻ được ông giải cứu năm 1939
Cuộc giải cứu thần kỳ
Năm 1938, chàng thanh niên Nicholas Winton lúc ấy là một nhà môi giới chứng khoán trẻ ở London, Anh. Qua tìm hiểu, Winton nhận thức sâu sắc về những gì đang diễn ra trên địa cầu, đặc biệt là tính mạng của những người Do Thái ở châu Âu bị đe doạ khi Đức Quốc xã chiếm đóng. Không phải băn khoăn quá lâu, Winton rời nước Anh, tìm đường đến Praha, Tiệp Khắc với một kế hoạch cứu sống hàng trăm trẻ em Do Thái.
Trước khi ông Winton qua đời ở tuổi 106, những thước phim quý giá của kênh CBS News (Mỹ) đã kịp ghi lại câu chuyện về cuộc giải cứu 669 trẻ em Do Thái của Nicolas Winton, người Anh tôn kính gọi ông là “Sir”. Câu chuyện được người đàn ông này giữ kín suốt nhiều thập kỷ.
Với những tư tưởng của Adolf Hitler, Đức Quốc xã sản sinh ra những luật lệ hà khắc, tàn độc về phân biệt chủng tộc, “bài người Do Thái”, khiến họ phải tìm đường di cư. Song ở thời điểm đó, rất ít quốc gia chấp nhận dòng người Do Thái tị nạn. Nhiều nước trong đó có Anh thắt chặt chính sách nhập cư của họ. Mùa hè năm 1938, đại diện 32 quốc gia gặp nhau ở Evian, Pháp nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn có xu hướng leo thang, nhưng hầu như đều từ chối nhận người Do Thái.
Ngày 9/11/1938 được coi là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống Do Thái của Đức Quốc xã, khắp các vùng lãnh thổ bị quân Hitler chiếm đóng ở Đức, một làn sóng bạo lực chống lại người Do Thái nổ ra: các giáo đường Do Thái bị đốt phá, các doanh nghiệp của người Do Thái bị tấn công tới tấp bằng cách đập vỡ tất cả các cửa sổ - được gọi là “Kristallnacht” (Đêm kính vỡ)… Nước Anh vào thời điểm đó đã đồng ý mở cửa biên giới đối với các trẻ em Do Thái tị nạn.
Nicholas Winton tên thật là Nicholas Wertheimer, sinh năm 1909 trong một gia đình cha mẹ là người gốc Do Thái. Dường như xuất thân gia đình đã giúp chàng thanh niên Winton có một cái nhìn sâu sắc hơn về thế cục đang xảy ra ở châu Âu, với những gì mà Đức Quốc xã có thể làm với người Do Thái.
Tháng 12/1938, khi Winton đã sẵn sàng với kế hoạch đi nghỉ đông thì nhận được lá thư của một người bạn từ Praha – Martin Blake, thành viên Uỷ ban Tị nạn Anh quốc ở Tiệp Khắc bấy giờ, với lời đề nghị: “Quên việc trượt ván đi, tôi cần sự giúp đỡ của anh”. Và thế là chàng trai mang dòng máu Do Thái lên đường sang Praha.
Bermann Thomas - một trong những đứa trẻ Do Thái được Winton giải cứu
Đầu năm 1939, cùng với Martin Blake và một người bạn nữa, Nicholas Winton biến căn phòng khách sạn ở thủ đô của Tiệp Khắc thành một trạm trung chuyển trẻ em Do Thái để đưa về Anh – dưới danh nghĩa là một văn phòng môi giới chứng khoán. “Tiếng lành đồn xa”, mỗi ngày có hàng ngàn người Do Thái tìm đến đây để mong đưa con cái họ chạy khỏi Tiệp Khắc.
Ban ngày, Nicholas Wilton cứ làm việc như một nhân viên chứng khoán trẻ mới vào nghề đầy nhiệt huyết, nhưng mỗi khi chiều xuống, ông lại nung nấu và kiên trì kế hoạch giải cứu những đứa trẻ Do Thái vô tội… Nicholas trở về Anh và kêu gọi Chính phủ hỗ trợ tiền, phương tiện vận chuyển và dày công tìm cả những gia đình Anh muốn nhận con nuôi, chàng trai trẻ còn nhờ tới sự trợ giúp của báo chí Anh để tìm kiếm những người có nhu cầu…
Từ tháng 3-tháng 8/1939, Winton đã tổ chức thành công 8 chuyến tàu và nhiều chuyến bay, đưa được tổng cộng 669 đứa trẻ Do Thái có nguy cơ bị Đức Quốc xã diệt chủng thoát khỏi Tiệp Khắc. Chuyến tàu cuối cùng rời bến ngày 2/8/1939, cho đến tháng 9/1939, quân Đức xâm lược Ba Lan, tuyên chiến với Anh khiến các hoạt động nhân đạo của Winton phải dừng lại.
"Người đàn ông thay đổi thế giới"
Nicholas Winton nhận Huân chương Sư tử Trắng của Cộng hoà Séc
Năm 1988, đài BBC của Anh mời Winton đến tham dự một chương trình đặc biệt, với sự tham dự của những “đứa trẻ” Do Thái được ông giải cứu năm nào. Khi người dẫn chương trình nói: “Ai ở đây là người đã được Nicholas Winton cứu sống, xin hãy đứng dậy”, cả khán phòng đồng loạt đứng lên. “Đó là giây phút cảm động nhất trong cuộc đời tôi”, ông Nicholas Winton nói.
Năm 2003, Nữ hoàng Anh Elizabeth phong tước ông là Sir Nicholas Winton; Năm 2011, Cộng hoà Séc đã xây dựng lại cuộc đời và chiến công của ngài Nicholas trong bộ phim “Gia đình của Nicky” với lời đề tựa “Người đàn ông Anh quốc đã thay đổi thế giới”. Năm 2014, ông nhận Huân chương Sư tử Trắng – huân chương cao quý của Cộng hoà Séc.
Nicholas Winton qua đời như đi vào giấc ngủ vĩnh hằng vào sáng ngày 1/7/2015 do chứng suy tim và suy hô hấp, hưởng thọ 106 tuổi - Đúng 76 năm 1 ngày trước đó, ông đã đưa 241 đứa trẻ Do Thái rời Praha trên một chuyến tàu.
Tượng Nicholas Winton và biểu trưng cuộc giải cứu những đứa trẻ Do Thái được đặt trang trọng tại nhà ga trung tâm Praha, Cộng hòa Séc.
Ngày 19/5/2016, một lễ tưởng niệm dành riêng cho Winton được tổ chức tại toà nhà Guildhall của London, với sự tham dự của khoảng 400 người, trong đó có 28 người được giải cứu, và các đại diện của chính phủ Séc, Slovakia và Anh.
Mai Đinh (Dịch)
Nguồn tham khảo: BBC