"Một mình” là khúc tình ca day dứt, thấm đượm cô đơn, được vị nhạc sĩ trải lòng sau sự ra đi của người vợ quá cố.
Ngày 15/3/2016, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sau nhiều năm ngồi trên xe lăn do hậu quả của những cơn đột quỵ. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối. Nhạc sĩ Thanh Tùng là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mí mắt, Em và tôi, Lối cũ ta về...
Ông cũng là người có công định hình diện mạo nền nhạc nhẹ Việt Nam, đồng thời góp phần nhào nặn thế hệ “ca sĩ vàng” với những tên tuổi như Thanh Hoa, Ngọc Thúy, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... Trong số nhiều sáng tác làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thanh Tùng, Một mình là ca khúc mang đậm dấu ấn “cái tôi” trữ tình của ông nhất, được nhạc sĩ sáng tác từ chính hoàn cảnh của mình.
Nhạc sĩ Thanh Tùng trong những ngày cuối đời. Ảnh: Quý Đoàn.
Khi vợ qua đời năm nhạc sĩ Thanh Tùng 40 tuổi, ông ở vậy nuôi ba người con - hai trai và một gái. Thương vợ, thương mình, thương con, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc Một mình. Cả ba diva của làng nhạc Việt là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đều thể hiện thành công bài hát này.
Một mình là khúc ca dạt dào thương nhớ của một trái tim đơn côi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Đoạn nhạc mở đầu cất lên dìu dặt, da diết khiến tâm trạng người nghe không khỏi chùng xuống. Âm thanh ấy ám ảnh, tựa như bản hòa tấu của đêm tối - tiếng gió vang vọng bên thềm, xào xạc lùa vào tán lá, tiếng mưa đổ ào ào... Trên nền âm thanh ấy, giọng hát người nghệ sĩ cất lên cao vút, vừa như tự sự, vừa như chất vấn:
“…Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên...”
Gió, mưa vô tri vô giác đã được nhân cách hóa, trở thành cái cớ để người nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng của mình. Câu hỏi “gió nhớ gì”, “mưa nhớ gì” được lặp lại liên tiếp để rồi sau đó, chủ thể trữ tình xuất hiện:
“…Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Đêm nay tôi lại một mình...”
Người nghe dường như có thể hình dung ra dáng hình một người đàn ông lẻ loi trong đêm tối mênh mông yên tĩnh. “Bao đêm” đã qua nhưng “tôi” vẫn “một mình”. Cuộc sống luôn đối lập một cách trớ trêu như vậy. Từ hoàn cảnh cô đơn hiện tại, người nghệ sĩ ru mình vào những kỷ niệm trong quá khứ với người vợ tần tảo.
“…Nhớ em vội vàng trong nắng trưa
Áo phơi trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng con đang con nhỏ
Tan ca bố có đón đưa.
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai
Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng bóng em gầy...”
Một mình giống như tiếng nấc nghẹn ngào, chan chứa nhớ thương mà nhạc sĩ Thanh Tùng dành cho người vợ quá cố. Hình ảnh trong âm nhạc của Thanh Tùng chân thật và đẹp giản dị. Mạch cảm xúc dào dạt thấm nhuần trong từng câu chữ nên dù nhạc sĩ chỉ liệt kê ra một vài hình ảnh mang tính chất ước lệ: “vội vàng trong nắng trưa”, “giọt mồ hôi tóc mai”, “bóng em gầy”... nhưng từ đó, người nghe có thể nhận thấy tình cảm sâu nặng mà ông dành cho vợ.
Hình ảnh vợ nhạc sĩ Thanh Tùng trên sân khấu đêm nhạc "Một mình" vào năm 2008.
Mạch cảm xúc của bài hát đi từ hiện tại hiu quạnh về quá khứ (nhớ em) rồi lại từ quá khứ trở ngược về với hiện tại (vắng em).
“...Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi
Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu say
Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn cùng với tôi về...”
Đoạn kết của bài hát vừa bày tỏ nỗi niềm nhớ thương của nhạc sĩ Thanh Tùng với người đã khuất, vừa miêu tả hoàn cảnh cô quạnh của ông. Các cụm từ “tôi với tôi”, “ai với ai”... khắc họa hiện tại cô đơn đến tột cùng của nhạc sĩ. Nhưng cái đáng quý là trong hoàn cảnh đó, ông vẫn đau đáu nhớ về người vợ đã khuất. Trái tim ông khắc khoải không yên bởi mình đâu phải là kẻ cô đơn duy nhất: Thương em mênh mông chân trời lạ. Bơ vơ chốn xa xôi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng bên các con.
Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nổi tiếng đào hoa, phong lưu. Vì vậy, việc ông “gà trống nuôi con” suốt bao nhiêu năm khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ thầm ngưỡng mộ và thán phục sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Ông từng bồi hồi kể lại phút lâm chung, bà đã hỏi ông: “Nếu em chết, anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, bởi chỉ “không” là có thể nói lúc này. Chính vì thế, Thanh Tùng sống trọn nửa đời trong cô đơn giữa ngôi nhà lớn.
Ông nói về cuộc sống một mình: “Không còn cảm giác cô đơn nữa dù người ngoài nhìn vào thấy tôi một mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, có đông bạn bè. Trong thân phận của mình, tôi tìm được sự lý giải về tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn”.
Có lẽ việc chọn cuộc sống một mình của nhạc sĩ không chỉ để giữ trọn vẹn lời hứa với người đã khuất, mà bản thân ông đã tự tìm thấy cho mình một tình yêu đích thực trong sự cô đơn. Ở tuổi 68, nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi thanh thản sau 8 năm chống chọi bệnh tật. Ở nơi chín suối, có lẽ ông đang mỉm cười mãn nguyện khi cuối cùng, sau nhiều năm ly biệt, vợ chồng nghệ sĩ đã được đoàn tụ, hai trái tim cô đơn đã không còn “một mình”.
Hà Thu
No comments:
Post a Comment