Việc sử dụng các vũ khí bằng các loài vi khuẩn, sinh vật, hay chính là vũ khí sinh học – bioweapons – đã xuất hiện từ thời kì xa xưa. Vào năm 1500 trước công nguyên, dân tộc Hittites ở Asia Minor (bán đảo ở phía Tây châu Á, là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ) nhận ra được sức mạnh của dịch bệnh và đã đưa người mang bệnh dịch sang lãnh thổ của đối phương. Nhiều đội quân cũng đã biết đến sức mạnh của vũ khí sinh học trong một thời gian dài, họ đã dùng máy bắn đá bắn những xác chết bị lây bệnh dịch vào trong thành trì của đối phương. Nhiều nhà sử học còn phán đoán rằng, 10 bệnh dịch trong Kinh thánh mà Moses gọi xuống để đẩy lùi quân đội Ai Cập có vẻ là một chiến dịch sử dụng vũ khí sinh học hơn là sự trả thù của Chúa.
Từ những buổi ban đầu, sự tiến bộ của Y học đã mở rộng thêm tri thức loài người, chúng ta có thể hiểu được thêm về các mầm bệnh nguy hiểm cũng như cách mà hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại chúng. Nhưng ngay trong lúc nghiên cứu và phát triển các loại vaccin, thì đó cũng là lúc xuất hiện ngày càng nhiều những tác nhân sinh học có khả năng hủy diệt đáng sợ.
Nửa đầu thế kỉ 20, nhân loại đã chứng kiến việc sử dụng vi khuẩn bệnh than tại Đức và Nhật, và ngay sau đó là chương trình phát triển vũ khí sinh học của Mỹ, Anh và Nga. Ngày nay, việc phát triển vũ khí sinh học đều vi phạm Hiệp ước về việc sử dụng vũ khí sinh học năm 1972 (Biological Weapons Convention) và Nghị định thư Geneva. Nhưng dù cho một số quốc gia đã đồng ý phá hủy các kho vũ khí sinh học và ngừng các nghiên cứu lại, mối nguy cơ hiện vẫn còn đó.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về các loại vũ khí sinh học, cũng như nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh sinh học trong tương lai.
Bioweapon 10: Bệnh đậu mùa
Thuật ngữ “vũ khí sinh học – biological weapon” thường làm nảy sinh trong đầu chúng ta những phòng thí nghiệm vô trùng của chính phủ, những bộ đồ vấy đầy những chất độc hại hay những ống nghiệm chứa các chất đầy màu sắc huyền bí. Thực tế thì, trong lịch sử, vũ khí sinh học xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau: những người nhiễm bệnh dịch đi lang thang, túi giấy chứa đầy bọ chét gây dịch bệnh, hay như trong suốt cuộc chiến tranh Pháp – Indian (French and Indian War – thường được nhắc đến với cái tên Chiến tranh Bảy năm – 1754 và 1756 – 1763), vũ khí sinh học chỉ đơn giản là những tấm chăn đắp hàng ngày.
Theo mệnh lệnh của Trung úy Jeffrey Amherst, quân đội Anh đã sử dụng thủ đoạn, phân phối những chiếc chăn có chứa mầm bệnh đậu mùa cho những bộ lạc sống ở vùng Ottawa. Những người dân ngay sau đó đã bị nhiễm đậu mùa, không như những kẻ xâm lược đến từ châu Âu, họ chưa bao giờ gặp bệnh này và không được miễn dịch với nó. Dịch bệnh đã lây lan khắp các bộ lạc với tốc độ khủng khiếp.
Bệnh đậu mùa gây ra bởi variola virus. Ở thể điển hình, tỉ lệ tử vong là 30%. Triệu chứng của bệnh gồm có sốt cao, đau nhức người, kèm theo nổi nhiều ban đỏ, phồng rộp lên chứa đầy nước, sau đó sẽ để lại sẹo vĩnh viễn. Bệnh chủ yếu lây truyền qua sự tiếp xúc với da người bị bệnh hoặc các dịch cơ thể, tuy nhiên cũng có thể lây qua đường thở ở trong môi trường ngột ngạt, hạn chế.
Năm 1967, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phát động chiến dịch tiệt trừ tận gốc bệnh đậu mùa bằng cách tiêm chủng. Và kết quả rất khả quan, năm 1977 đánh dấu sự chấm dứt của dịch bệnh này. Bệnh đã được loại trừ hoàn toàn ra khỏi môi trường, nhưng trong nhiều phòng thí nghiệm vẫn còn lưu giữ mẫu virus. Cả Nga và Mỹ đều được WHO cho phép lưu giữ mẫu vật, nhưng bệnh đậu mùa đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vũ khí sinh học của nhiều quốc gia, vậy nên cho đến nay không rõ bao nhiêu quốc gia dự trữ bí mật nguồn bệnh này.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC (Center for Disease Control) đưa bệnh đậu mùa vào nhóm vũ khí sinh học loại A do tỉ lệ tử vong cao và sự lây nhiễm qua không khí. Dù cho có vaccin phòng bệnh, nhưng chỉ có các bác sĩ và quân đội được tiêm phòng – điều này có nghĩa rằng phần còn lại của thế giới vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu nó được sử dụng làm vũ khí sinh học. Virus có thể được phóng thích ra môi trường như thế nào? Có thể bằng cách phun xịt, hay cách cổ điển: đưa người bị bệnh vào khu vực địch.
Cách phát tán vũ khí sinh học có khi rất đơn giản, không hề phức tạp như tưởng tượng. Hãy xem phần tiếp theo, xem vũ khí sinh học có thể lây lan qua phong bì thư như thế nào.
Bioweapon 9: Bệnh than
Trong năm 2001, những bức thư có chứa chất bột màu trắng đã làm xáo trộn Thượng nghị viện Mỹ và báo chí. Khi mà thư từ được vận chuyển đi khắp nơi mà trong phong bì chứa bào tử của loại vi khuẩn chết người Bacillus anthracis, sự hoang mang tột độ trong dân chúng xảy ra ngay sau đó. Những bức thư chứa mầm bệnh than đã gây bệnh cho 22 người, 5 trong số đó đã tử vong. Bảy năm sau, FBI thu hẹp điều tra và xác định thủ phạm là nhà vi sinh học Bruce Ivans, đã tự tử trước khi vụ án khép lại.
Do tỉ lệ tử vong cao và độ bền vững trong môi trường mà vi khuẩn than được xếp vào nhóm vũ khí sinh học loại A. Vi khuẩn này thường sống ở trong đất, từ đó các động vật ăn cỏ tiếp xúc với bào tử của vi khuẩn. Chúng ta thường bị nhiễm bệnh qua sự tiếp xúc, đường thở và đường ăn uống.
Phần lớn các ca nhiễm bệnh đều do tiếp xúc, khi chúng ta chạm phải bào tử của vi khuẩn. Nguy hiểm nhất là khi hít phải bào tử, bào tử sẽ di chuyển vào phổi, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ đưa chúng tới các hạch lympho. Tại đây, bào tử bắt đầu nhân lên, tiết ra độc tố làm xuất hiện các triệu chứng như sốt, các vấn đề về đường hô hấp, mệt mỏi, nhức cơ, nổi hạch lympho, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và xuất hiện các vết loét màu đen. Trong 3 dạng lây truyền bệnh thì dạng hít phải vi khuẩn là nguy hiểm nhất, tỉ lệ tử vong là 100% nếu không điều trị, 75% nếu được điều trị tích cực. Số liệu có được chính là từ 5 nạn nhân đã tử vong năm 2001.
Không dễ nhiễm bệnh ở điều kiện thường, và bệnh không truyền được từ người sang người. Thông thường, chỉ có các công nhân, bác sĩ thú y và người của quân đội là được tiêm phòng vaccin. Số còn lại trong chúng ta hoàn toàn có thể mắc bệnh nếu có ai đó quyết định sử dụng vũ khí sinh học này.
Do vaccin phòng bệnh không được phổ biến rộng rãi – đó là một phần lý do khiến chúng ta lo lắng về các vũ khí sinh học – sự tồn tại bền lâu ngoài môi trường cũng là một yếu tố thuận lợi cho bệnh than. Nhiều tác nhân sinh học nguy hiểm chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn trong những điều kiện nhất định. Nhưng vi khuẩn bệnh than B. anthracis có thể tồn tại đến 40 năm và hơn thế nữa, vậy nên sự đe dọa đến sức khỏe vẫn tồn tại quanh đây.
Những đặc điểm trên khiến cho bệnh than là một loại vũ khí sinh học thường xuyên được sử dụng trong những chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học trên thế giới. Các nhà khoa học Nhật Bản đã phun nước có chứa mầm bệnh vào người dân vùng Manchuria trong cuộc chiến tranh sinh học cuối những năm 1930 có tên Unit 731. Quân đội Anh thử nghiệm bom có chứa vi khuẩn vào năm 1942 và đã phát tán vi khuẩn ra toàn bộ đảo Gruinard, để rồi 44 năm sau, 280 tấn formaldehyde được sử dụng để khử sạch vùng này. Năm 1979, trong một tai nạn, liên minh Xô Viết đã phát tán một lượng vi khuẩn vào không khí, làm 66 người tử vong.
Ngày nay, B. anthracis là một trong những vi khuẩn chúng ta biết rõ nhất về tính chất và độ nguy hiểm của nó. Rất nhiều chương trình phát triển loại vũ khí sinh học này được thực hiện trong nhiều năm trong khi chúng ta đã có vaccin phòng bệnh, việc tiêm vaccin rộng rãi có thể sẽ được thực hiện nếu xảy ra một cuộc chiến tranh sinh học.
Có nhiều loại vũ khí sinh học thậm chí còn không có vaccin phòng bệnh. Cách duy nhất để phòng tránh là tránh không phơi nhiễm với bệnh.
Bioweapon 8: Sốt xuất huyết Ebola
Đây là loại virus nguy hiểm nhất trong số các virus gây sốt xuất huyết – virus Ebola. Ebola đã trở thành vấn đề nổi cộm vào những năm 1970 khi bệnh lan sang các nước Zaire và Sudan ở châu Phi, giết chết hàng trăm người. Thập kỉ tiếp theo, dịch bệnh bùng nổ khắp châu Phi ngay cả trong những điều kiện kiểm soát ngặt nghèo. Từ khi được phát hiện ra, không dưới bảy lần dịch bệnh xuất hiện trong các bệnh viện và các phòng nghiên cứu tại châu Phi, châu Âu và nước Mỹ.
Được đặt tên cho một vùng ở Congo nơi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên, các nhà khoa học cho rằng virus Ebola thường trú ngụ trong cơ thể người ở khu vực dịch tễ của bệnh, trong các động vật vùng châu Phi, nhưng chính xác nguồn gốc và môi trường sống của loại virus này thì hiện vẫn là một bí ẩn. Thực tế, chúng ta chỉ bắt gặp loại virus này khi chúng đã gây bệnh cho người và các loài linh trưởng khác.
Một khi đã lây nhiễm vào vật chủ, virus có thể lây truyền qua đường máu hoặc dịch tiết. Tại châu Phi, virus lan truyền trong các bệnh viện. Cá thể bị bệnh có thể có biểu hiện từ ngày 2 đến ngày thứ 21 sau khi nhiễm virus. Triệu chứng điển hình gồm có đau đầu, mỏi cơ, đau họng, yếu người, kèm theo tiêu chảy và nôn. Một số người còn bị xuất huyết trong hoặc ngoài cơ thể. Trong số những người bị bệnh, khoảng 60 đến 90% sẽ tử vong sau 7 đến 16 ngày.
Các bác sĩ vẫn chưa giải thích được tại sao lại có những người phục hồi nhanh hơn những người khác, mà có người lại bị tử vong, dù họ được điều trị bằng cách nào đi chăng nữa. Và như đã nói ở trên, hiện chưa có vaccin phòng virus Ebola. Thực tế, chúng ta chỉ có vaccin cho một dạng sốt xuất huyết duy nhất: sốt vàng – yellow fever.
Trong khi rất nhiều nhà nghiên cứu đang tìm cách chữa trị và ngăn ngừa bùng nổ của dịch bệnh sốt xuất huyết do Ebola, đội ngũ các nhà khoa học của Xô Viết lại tìm cách sản xuất vũ khí sinh học từ virus này. Ban đầu họ nuôi cấy virus này trong phòng thí nghiệm và đã gặp nhiều khó khăn hơn việc nghiên cứu virus Marburg trước đó. Những năm đầu thập kỉ 90, họ đã giải quyết được vấn đề. Trong khi bình thường, Ebola lây qua đường tiếp xúc với chất dịch của cơ thể, các nhà nghiên cứu đã quan sát được virus cũng có khả năng phát tán vào trong không khí ở điều kiện trong phòng thí nghiệm. Khả năng phát triển vũ khí sinh học dưới dạng phun sương và tỉ lệ tử vong giúp cho Ebola giành được một vị trí trong danh sách các vũ khí sinh học loại A.
Bản thân từ “Ebola” có ý nghĩa giống như sự khiếp sợ và tử vong, mặc dù chúng ta biết nó được có vài thập kỉ gần đây. Hãy xem phần tiếp theo và thấy rằng, có những vũ khí sinh học chúng ta đã biết từ hàng thế kỉ trước.
Bioweapon 7: Bệnh dịch hạch
The Black Death đã giết chết một nửa dân số châu Âu vào thế kỉ 14 – người ta vẫn thường rùng mình khi nhắc đến sự kiện này. Được đặt cho cái tên “the great dying”, viễn cảnh về sự trở lại của dịch bệnh đủ để đưa loài người đến bờ vực. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vụ dịch lớn đầu tiên trên thế giới là sốt xuất huyết, nhưng cái tên “dịch hạch” cũng đã xuất hiện từ rất lâu, và đi cùng với nó là một vũ khí sinh học loại A: vi khuẩn Yersinia pestis.
Bệnh dịch hạch thường có 2 thể: thể hạch và thể phổi. Dịch hạch thể hạch – bubonic plague – thường được lây truyền qua vết cắn của bọ chét, nhưng cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường tiếp xúc với dịch cơ thể. Gọi là dịch hạch thể hạch vì cơ thể người bị bệnh sẽ nổi các hạch ở bẹn, nách và cổ. Sưng hạch thường kèm theo sốt, rét run, đau đầu và kiệt sức. Triệu chứng xuất hiện sau 2 – 3 ngày và thường kéo dài 1 – 6 ngày. Nếu không được điều trị đúng cách, 70% số người nhiễm bệnh sẽ chết. Dịch hạch thể phổi – pneumonic plague – hiếm hơn và có thể lan truyền qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện trực tiếp với người khác. Triệu chứng của thể bệnh này là sốt cao, ho, ho ra dịch lẫn máu và khó thở.
Những người nhiễm bệnh dịch hạch – dù còn sống hay đã chết – đều được coi là phương tiện truyền bệnh. Năm 1940 dịch bệnh đã xảy ra ở Trung Quốc do Nhật tràn sang xâm lược và mang theo những bao tải chứa đầy bọ chét mang bệnh. Ngày nay, các nhà chuyên môn cho rằng dịch hạch sẽ được sử dụng làm vũ khí sinh học dưới dạng phun sương, do bệnh có thể ở phổi. Dù sao thì, vẫn không thể loại trừ việc sử dụng kí sinh trùng gây bệnh.
Nhiều quốc gia đang nghiên cứu việc sử dụng vi khuẩn dịch hạch như một vũ khí sinh học, trong khi trên thế giới thi thoảng vẫn xảy ra các vụ dịch dịch hạch. Nếu được điều trị đúng cách, tỉ lệ tử vong của bệnh có thể giảm xuống còn 5%. Hiện chưa có vaccin phòng bệnh.
Một vũ khí sinh học tốt không có nghĩa chúng phải có tỉ lệ tử vong cao. Phần tiếp theo sẽ chứng minh điều đó.
Bioweapon 6: Tularemia
Dù tỉ lệ tử vong của tularemia chỉ khoảng 5%, vi sinh vật gây bệnh này là một trong những vi khuẩn dễ lây nhiễm nhất trên Trái Đất. Năm 1941, Liên minh Xô Viết đã thông báo 10.000 ca nhiễm bệnh. Sau đó, trong thời kì Đức bao vây Stalingrad, con số này lên đến 100.000, phần lớn là quân Đức mắc bệnh. Nhà nghiên cứu vũ khí sinh học Ken Alibek cho rằng dịch không phải là ngẫu nhiên, đây chính là cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học. Alibek đã góp phần phát triển vaccin phòng tularemia cho Xô Viết, trước khi đào ngũ sang Mỹ năm 1992.
Francisella tularensis xuất hiện trong hơn 50 loài sinh vật và nhất là trong các loài gặm nhấm, các loài thỏ. Con người bị mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với con vật bị bệnh, qua vết cắn của chúng, ăn thịt con vật bị bệnh, hay hít phải vi khuẩn dưới dạng sương mù trong không khí.
Triệu chứng điển hình xuất hiện sau 3 đến 5 ngày và phụ thuộc vào cách thức lây nhiễm. Bệnh nhân có thể có sốt, rét run, đau đầu, tiêu chảy, nhược cơ, đau khớp, ho khan và mệt mỏi tăng dần. Những triệu chứng giống như viêm phổi có thể xuất hiện. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể có suy hô hấp, shock và tử vong. Bệnh thường diễn biến ít hơn 2 tuần, nhưng trong thời gian đó, người bệnh thường nằm liệt giường.
Tularemia không lây truyền từ người sang người và có thể chữa khỏi đơn giản bằng kháng sinh hay phòng ngừa bằng cách tiêm vaccin. Bệnh lây lan rất nhanh giữa vật nuôi và người hay qua việc phát tán dưới dạng phun sương. Đây là yếu tố giúp F. tularensis được xếp vào nhóm các vũ khí sinh học loại A chứ không phải là tỉ lệ tử vong. Chúng có thể tồn tại rất lâu ở dạng phun sương. Do đó, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh Xô Viết đều cố gắng tạo nên thứ vũ khí sinh học tularemia mới từ sau chiến tranh thế giới lần 2.
Nếu ý tưởng tạo ra vũ khí sinh học từ những con thỏ xinh đẹp làm bạn giật mình, vậy thì hãy đón chờ phần tiếp theo. Bạn sẽ thấy bất kể thứ gì quanh ta cũng có thể góp phần tạo nên một loại vũ khí sinh học nào đó.
Bioweapon 5: Độc tố botulinum
Hãy hít thật sâu nào. Nếu trong lượng khí bạn vừa hít vào có chứa độc tố botulinum, bạn không có cách nào biết được điều đó. Và với những vũ khí sinh học lan truyền theo đường không khí, điều cần thiết là phải không có màu sắc và mùi vị. Sau khoảng 12 đến 36 tiếng sau, triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện: mắt nhìn mờ, nôn và khó nuốt. Tại thời điểm ấy, hy vọng duy nhất của bạn là một liều giải độc botulism – và phải sử dụng trước khi các triệu chứng trở nên nặng hơn. Nếu không được điều trị, sự liệt cơ sẽ xảy ra, ban đầu là cơ xương, và sau đó là đến cơ hô hấp – bạn sẽ tử vong.
Nếu không được hỗ trợ về hô hấp, vi khuẩn Clostridium botulinum sẽ giết chết bạn trong khoảng 24 đến 72 giờ. Vì lý do đó mà loại vi khuẩn chết người này được đưa vào danh sách các vũ khí sinh học loại A. Với sự trợ giúp của máy thở, tỉ lệ tử vong giảm từ 70% xuống còn 6%, nhưng phải mất nhiều thời gian để hồi phục. Đó là vì độc tố gắn chặt vào nơi đầu dây thần kinh nối với cơ, ngắt tín hiệu điều khiển từ não bộ. Để có thể hồi phục hoàn toàn, cơ thể bệnh nhân cần phải tái tạo các cúc tận cùng của dây thần kinh – việc này thường kéo dài nhiều tháng. Và mặc dù tồn tại vaccin, nhưng do có nhiều tác dụng phụ nên không được sử dụng rộng rãi.
C. botulinum xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong đất và trầm tích dưới đại dương. Bào tử thường bám vào rau quả và các loại sinh vật biển. Khi ấy, chúng không có hại gì cả. Chỉ khi nào chúng bắt đầu phát triển thì chúng mới tiết ra độc tố. Con người thường nhiễm độc do dùng thức ăn ôi thiu, thức ăn bảo quản bằng nhiệt độ và hóa chất không thích hợp là môi trường giúp bào tử vi khuẩn phát triển. Vết thương sâu và đường ruột của trẻ nhỏ cũng là hai nơi có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn.
Độc tố, tính khả dụng và khả năng điều trị bị giới hạn giúp độc tố botulinum trở thành một đề tài ưa thích trong các chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học. May mắn thay, hiệu quả của vũ khí này không cao. Năm 1990, những thành viên của tổ chức khủng bố Aum Shinrikyo đã phân tán độc tố bằng cách phun sương để chống lại các mục tiêu chính trị, tuy nhiên không gây ra tỉ lệ tử vong như mong muốn. Năm 1995, nhóm này chuyển sang sử dụng tác nhân hóa học sarin gas trong vụ tấn công dưới tàu điện ngầm ở Tokyo, làm 12 người chết và hàng nghìn người bị thương.
Bạn cứ nghĩ vũ khí sinh học là phải tác động trực tiếp tới đối phương, làm tổn thương đối phương. Tuy nhiên, hai phần tiếp theo sẽ cho thấy, loại vũ khí sinh học tác động đến nguồn cung cấp lương thực cũng gây ra hậu quả không nhỏ.
Bioweapon 4: Bệnh đạo ôn – rice blast
Có rất nhiều vi khuẩn, virus và độc tố đe dọa tới loài người, tuy nhiên có rất nhiều tác nhân sinh học khác lại ảnh hưởng theo một cách khác: các loại cây trồng. Cắt nguồn cung cấp lương thực của đối phương là một chiến lược được thử nghiệm nhiều trong quân sự, khi mà một quốc gia phải chống lại quân xâm lược, hay bị vây hãm trong bức tường thành. Không có lương thực, dân chúng sẽ yếu, hoảng sợ, náo loạn và chết.
Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nga, đã chi ngân sách đáng kể cho việc nghiên cứu các dịch bệnh và côn trùng tác động đến nguồn lương thực. Thực tế là, trong nền nông nghiệp hiện đại, việc tập trung canh tác chỉ một loại lương thực nào đó sẽ là miếng mồi béo bở cho những kẻ muốn phá hoại và gây ra nạn đói.
Một loại vũ khí sinh học như vậy là rice blast – một dịch bệnh cho cây trồng gây ra bởi nấm Pyricularia oryzae (hay Magnaporthe grisea). Lá của cây bị bệnh nhanh chóng bị xám lại bởi hàng nghìn bào tử nấm. Sau đó các bảo tử nấm nhân lên, lan sang các cây khác, hút hết chất dinh dưỡng của cây trồng và làm giảm sản lượng trầm trọng. Trong khi việc phát triển các dòng kháng nấm là biện pháp tốt để chống lại dịch bệnh cho cây trồng thì với rice blast, hiện tại chưa có cây trồng nào kháng được toàn bộ 219 dòng của loại nấm này.
Nhiều quốc gia đã theo đuổi và phát triển rice blast như một loại vũ khí sinh học, trong đó có Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình nghiên cứu của mình, gần 1 tấn nấm đã được phát tán khắp châu Á trong chiến tranh xâm lược.
Bạn thích ăn hamburger hơn ăn cơm? Phần tiếp theo sẽ cho bạn thấy, miếng thịt bạn đang ăn chưa hẳn đã an toàn.
Bioweapon 3: Dịch tả trâu bò – Rinderpest
Khi Genghis Khan xâm lược châu Âu vào thế kỉ 13, ông đã tình cờ làm lan tràn một vũ khí sinh học nguy hiểm trên vùng đất vừa xâm chiếm được. Những gia súc vận chuyển lương thực cho ông đã mang đến một bệnh dịch đáng sợ cho gia súc, hiện được biết đến với cái tên tiếng Đức – rinderpest.
Rinderpest gây ra bởi một virus giống virus sởi, gây bệnh cho gia súc và các động vật nhai lại khác như dê, bò rừng hay hươu cao cổ. Bệnh lây lan nhanh, làm con vật bị bệnh sốt, chán ăn, lỵ và viêm màng nhầy. Bệnh diễn ra khoảng 6 đến 10 ngày, thường gây chết cho các con vật do mất nước trầm trọng.
Qua nhiều thế kỉ, loài người đã tìm ra được nhiều động vật khác bị nhiễm rinderpest khắp thế giới, hậu quả để lại trầm trọng với hàng triệu con ngựa và nhiều loài khác bị chết. Khi đó, đại dịch xảy ra ở châu Phi trầm trọng đến nỗi những con sư tử đói khát ở đây không còn thức ăn, và chuyển sang ăn thịt người, những người chăn nuôi gia súc kiệt quệ và phải tự tử. Nhờ có chương trình tiêm chủng vaccin, hiện nay rinderpest đã được kiểm soát ở hầu hết các nơi trên thế giới.
Trong khi Genghis Khan sử dụng rinderpest không có chủ ý, nhiều quốc gia hiện đại khác lại có mục đích riêng của mình. Canada và Mỹ đều đã có những nghiên cứu riêng về loại virus này, sử dụng chúng như vũ khí sinh học nhắm tới các loài gia súc.
Nhiều vũ khí sinh học có nguồn gốc từ thế giới cổ đại. Ngược lại, nhiều loại khác chỉ mới xuất hiện.
Bioweapon 2: Nipah Virus
Virus luôn thích ứng và phát triển theo thời gian. Với dân số thế giới đang ngày một gia tăng, việc xuất hiện một bệnh dịch mới là không thể tránh khỏi. Và khi một dịch bệnh nào đó nặng hơn hết thảy, gây hại hơn hết thảy, thì gần như chắc chắn sẽ có người nghĩ đến việc biến chúng thành những vũ khí sinh học.
Nipah virus là một virus gây bệnh, gây chú ý cho các tổ chức y tế năm 1999. Dịch bùng nổ ở vùng Nipah thuộc Malaysia, gây bệnh cho 265 người, trong đó 105 người tử vong. Dù trong số đó 90% là những người buôn bán lợn, các nhà nghiên cứu lại cho rằng virus này có nguồn gốc từ loài dơi ăn quả. Nguồn gốc chính xác phương thức lây truyền virus còn nhiều nghi ngờ, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng virus có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp hay qua dịch cơ thể. Dù sao thì, chưa có báo cáo nào cho thấy virus có thể lây truyền từ người sang người.
Bệnh cảnh diễn biến trong khoảng 6 – 10 ngày, triệu chứng đa dạng từ nhẹ, giống cảm cúm thông thường như sốt, đau cơ... đến viêm não. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng uể oải, đờ đẫn, mất định hướng, co giật, và tỉ lệ tử vong là 50%. Hiện tại chưa có phác đồ điều trị chuẩn hay vaccin phòng bệnh.
Nipah virus được liệt vào danh sách các vũ khí sinh học loại C. Dù hiện tại chưa rõ có quốc gia nào nghiên cứu về nó hay chưa, nhưng khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong 50% khiến nó trở thành một trong những vũ khí sinh học cần đề phòng.
Trong thiên nhiên đã xuất hiện các yếu tố giúp loài người giết hại lẫn nhau. Nhưng điều đó không làm thỏa mãn một số người. Trong phần cuối, chúng ta hãy cùng xem xem, một số nhà khoa học đã mong muốn cải tiến các thứ vũ khí chết người này như thế nào.
Bioweapon 1: Chimera Viruses
Dịch hạch, đậu mùa, bệnh than – một thế giới chết chóc của các tác nhân sinh học luôn đe dọa mạng sống con người. Chúng không ngừng biến đổi, tiến hóa và sinh ra các chủng mới nguy hiểm hơn. Nhưng sẽ ra sao, nếu chính con người chúng ta thay đổi bộ gen của chúng? Điều gì khủng khiếp sẽ xảy ra khi người ta làm điều đó để tiến hành một cuộc chiến tranh? Không may, những điều đó không còn là phỏng đoán hay chỉ xuất hiện trong các tiểu thuyết viễn tưởng – nó đang thực sự diễn ra.
Trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, chimera là con quái vật đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử. Các nhà nghệ thuật cuối thời Trung cổ thường sử dụng nó như một hình ảnh của tổ hợp những gì độc địa của thiên nhiên. Trong di truyền học hiện đại, một chimeric organism là một thực thể sống có chứa gen của các loài khác. Dùng một tên chung cho tất cả các thực thể sống như vậy, bạn có thể nhầm rằng, tất cả các chimera đều rất đáng sợ – đó đều là những cố gắng thay đổi thiên nhiên của con người nhằm phục vụ cho các mục đích xấu. May mắn thay, không phải như vậy, sự mở rộng các kiến thức về khoa học di truyền đã giúp tạo ra các sinh vật giúp ích cho con người. Ví dụ về một chimera, sự kết hợp giữa common cold – một loại virus đường hô hấp – với polio – virus gây viêm tủy xám – lại có thể giúp chữa các khối ung thư não.
Nhưng các cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục, sự lạm dụng các ngành khoa học như thế này là không thể tránh khỏi. Các nhà khoa học di truyền đã tăng khả năng gây chết người của bệnh đậu mùa và bệnh than bằng cách thay đổi cấu trúc gen của virus gây bệnh. Bằng cách tổ hợp gen, các nhà khoa học đã phỏng đoán rằng có thể tạo ra một loại virus mà gây ra hai bệnh. Cuối những năm 80, Dự án nghiên cứu Chimera của Nga đã tạo ra được loại siêu virus bằng cách tổ hợp gen của bệnh đậu mùa với Ebola.
Một ác mộng khác có thể xảy ra, là việc phát triển các loại virus mà cần các tác nhân khác để kích hoạt chúng. Một virus tiềm ẩn – stealth virus – sẽ ở ẩn trong cơ thể sống, không hoạt động cho đến khi nhận được một tín hiệu kích thích nào đó. Hãy thử tưởng tượng trong trường hợp này, với độc tố botulinum, khi kết hợp với liều giải độc tố, chỉ làm tăng thêm tỉ lệ tử vong cho nạn nhân. Như vậy những vũ khí sinh học loại này sẽ không chỉ mang tỉ lệ tử vong cao hơn, mà còn làm mất sự tin tưởng của dân chúng vào chính phủ, vào hệ thống y tế quốc gia.
Thế kỉ 20 vừa qua, với sự phát triển của khoa học, từ khả năng chia cắt nguyên tử đến việc bẻ gãy bộ gen của sinh vật, các nghiên cứu khoa học đã đem lại cho con người khả năng tiềm tàng to lớn để xây dựng một thế giới tốt hơn – cũng như phá hủy thế giới ấy.
Trung Kiên / Genk
Tham khảo Howstuffwork
No comments:
Post a Comment