Vào thời Chiến Quốc, vùng phía Bắc Trung Quốc có hai giống ngựa vô cùng nổi tiếng: Một là ngựa Mông Cổ, sức mạnh vô biên, có thể chở được ngàn cân; hai là ngựa Đại Uyên, chạy như bay, một ngày có thể đi ngàn dặm.
Thành Hàm Đan có người nuôi đồng thời một con ngựa Mông Cổ và một con ngựa Đại Uyên. Ông dùng ngựa Mông Cổ vận chuyển hàng hóa, dùng ngựa Đại Uyên để đưa thư. Hai chú ngựa này được nhốt chung một chuồng, ăn chung một máng cỏ. Chúng thường đá nhau, cắn nhau vì tranh ăn, lần nào hai con cũng bị thương. Vị thương nhân đành phải mời bác sỹ thú y tới thăm khám, chi phí không ít, khiến ông vô cùng phiền não.
Vừa hay, cao thủ xem ngựa Bá Nhạc tới thành Hàm Đan, vị thương nhân sau khi nghe tin liền tới bái kiến Bá Nhạc, thỉnh ông tới giúp giải quyết vấn đề hóc búa này. Bá Nhạc tới chuồng ngựa ngó qua, rồi mỉm cười, chỉ nói hai chữ: “Phân máng”. Chủ nhân y kế mà hành, quả nhiên sau khi phân máng cỏ hai chú ngựa không còn đá nhau, cắn nhau nữa.
Chỗ tinh túy trong việc “phân máng cho ăn” là không sắp xếp hai người giỏi cùng làm một việc. Hai nhân tài có thực lực tương đương nhau cũng giống như hai chú ngựa ngàn dặm, khi ở cùng nhau, dẫu không tranh chấp, thì cũng khó tránh khỏi việc đố kỵ, so bì với nhau, khó có thể chuyên tâm làm việc mình nên làm. Như vậy chi bằng hãy tách họ ra.
Dẫu là sách lược dùng người của các bậc đế vương thời cổ đại, hay những nhà lãnh đạo, quản lý hiện đại, cũng đều tuân theo đạo lý này. Đương nhiên, cần tận dụng triệt để tài năng, không chỉ cần phân tách họ mà còn cần giỏi dùng người. Bởi lẽ những nhân tài khác nhau sẽ có những tài năng khác nhau, thích hợp với những công việc khác nhau. Đặt những năng lực khác nhau vào những mảnh đất phù hợp với họ, thì tài năng mới có thể sinh tồn và phát triển. Khi dưỡng có thể phân tách, nhưng khi dùng ắt phải hợp lại, mới có thể tự điều tiết và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Ví như trong “Thủy Hử Truyện” ngọc kỳ lân Ngư Tuấn Nghĩa và Tống Giang mỗi lần xuất binh, mỗi người thống lĩnh một đội quân chặn mỗi hướng khác nhau. Đây chính là sách lược phân máng điển hình.
Lại nói về vị thương nhân nọ, sau này ông lại nuôi hai chú heo, và vẫn làm theo lời của Bá Nhạc, cho ăn khác máng. Điều khiến ông không hiểu là heo ngày càng kén ăn, chẳng thấy có da có thịt. Ông bèn chủ động tìm tới Bá Nhạc nói ra điều nghi hoặc trong lòng. Bá Nhạc nghe xong nói với vị thương nhân rằng: “Nuôi lợn khác với nuôi ngựa, phải cho ăn chung máng.”
Vị thương nhân về nhà làm thử, quả nhiên linh nghiệm. Hai chú lợn chung một máng thì tranh nhau ăn ngon lành, rất nhanh chóng đã trở nên béo tốt.
Phân máng hay chung máng kỳ thực cần phải hiểu rõ sự việc. Chú ngựa thiên lý đã trưởng thành cần phải cho ăn khác máng, mỗi con có một sở trưởng của riêng mình, mỗi con phụ trách một việc. Nhưng những chú heo con chưa lớn lại cần ăn chung máng, cần có nơi cạnh tranh giúp chúng trưởng thành nhanh hơn.
“Cho ngựa ăn riêng máng” ý nói rằng cần đặt những người phù hợp vào cương vị phù hợp.
Nếu trong quá trình dùng người không đích đáng thì sẽ mất đi ưu thế chỉnh thể, dẫu có những lá bài tốt nhưng ván bài vẫn tanh bành. Trong lịch sử cũng có những trường hợp bất ngờ như vậy.
Ví như chuyện Lý Mật lãnh đạo quân Ngõa Cương. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại cao quý, văn võ kiêm toàn, có chí hướng cao xa. Vào cuối thời nhà Tùy khi quần hùng khởi nghĩa, ông là một trong những thủ lĩnh của đội quân Ngõa Cương, tự xưng là Ngụy Công, thống lĩnh quân Ngõa Cương nhiều lần đánh bại quân Tùy, vang danh thiên hạ. Ông một thời từng là thế lực lớn nhất cuối thời nhà Tùy, binh lính tinh nhuệ, lương thực đầy đủ, có thể nói là mưu thần như nước, dũng tướng như mưa. Nhưng ông lại không chịu lắng nghe can gián, mà nhất quyết vừa đánh Vương Thế Sung vừa đối phó với tướng Vũ Văn Hóa Cập, khiến binh bại danh liệt.
Trong quá trình “nuôi ngựa phân máng” còn cần chú ý phối hợp như thế nào, để mỗi người đều có thể phát huy tối đa khả năng của mình, chứ không phải là gây trở ngại lẫn nhau. Điều này cần khả năng quan sát tinh tường của những nhà quản lý với những “chú ngựa thiên lý” của mình, tốt nhất là phân công mỗi người gánh vác một việc mang tính bổ trợ cho nhau.
Trong lịch sử có rất nhiều người bình thường lại có thể lãnh đạo, làm nên đại sự. Chỗ ảo diệu của họ là sách lược giỏi dùng người, có thể bổ nhiệm nhân tài một cách hợp lý, điều động được tính tích cực của thuộc hạ. Bởi lẽ họ hiểu rằng: Bản chất của việc quản lý là thông qua việc điều động người khác mà hoàn thành nhiệm vụ.
Lê Minh
No comments:
Post a Comment