Wednesday, February 26, 2020

NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP HỒI GIÁO


Bí ẩn Thư Pháp Hồi Giáo

Môi trường Hồi Giáo giáo đã thúc đẩy sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Đó chính là nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo. Thư pháp theo cách hiểu đơn giản là nghệ thuật viết chữ đẹp. Thư pháp Hồi Giáo là phép viết chữ của người Arab được nâng lên thành một nghệ thuật, là phương tiện để biểu hiện cái tâm, cái khí của người dùng bút. Sự phối hợp giữa hình ảnh và ý nghĩa đã tạo ra ý nghĩa ẩn dụ, đây cũng chính là những tấm mạng phủ lên các tác phẩm nghệ thuật Hồi Giáo nói chung và nghệ thuật thư pháp nói riêng.


Thư pháp Hồi Giáo là một nghệ thuật, các tác phẩm thư pháp vừa mang mục đích thoả mãn nhu cầu về cái đẹp của con người vừa mang mục đích phục vụ cho tôn giáo. Người nghệ sĩ viết thư pháp để trang trí trong các thánh đường, các vòm cầu nguyện,… Nghệ thuật thư pháp còn xuất hiện trong các sách – sách thánh, kinh Qu’ran, sách văn học nghệ thuật và các vật trang trí trong đời sống thế tục như: trang trí trong các ngôi nhà, các toà lâu đài. Đó là những bức thư pháp được viết lên tường, trên các miếng gạch men; các đồ dùng trong thánh đường hay trong nhà như: cây đèn, hay các loại gốm men xanh,…


Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo có môi trường phát triển rộng lớn bao gồm các nước như: Arab, Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, các nước Trung Á và một số nước châu Phi. Mỗi bức thư pháp là một sáng tạo nghệ thuật của những người nghệ sĩ. Ta có thể thấy được ở thời đại bấy giờ với những chất liệu và kĩ thuật nhất định người nghệ sĩ đã viết nên những câu kinh Qu’ran bằng màu vàng của kim loại vàng, kết hợp với những màu sắc khác như màu bạc hay màu xanh,… đã làm cho những trang kinh trở thành một tác phẩm nghệ thuật chân chính chứ không chỉ là vật để ghi lại những điều răng dạy của thượng đế Allah.

Mỗi bức thư pháp là một là một sự bí ẩn ẩn chứa đằng sau những tấm mạng. Chúng ta khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật này cũng như đang thực hiện động tác vén mạng, Thượng đế ẩn sau bảy mươi tấm mạng của ánh sáng và bóng tối, nên càng vén ta càng thấy sự bí ẩn là vô cùng vô tận.

Đỉnh cao của nghệ thuật

Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo đã đạt tới đỉnh cao khi những người nghệ sĩ không chỉ viết thư pháp trên giấy mà họ còn viết lên trên các công trình kiến trúc, các vật dụng sinh hoạt. Để đem chữ viết trang trí lên các bức tường là một điều không phải đơn giản, không phải ai cũng có thể làm được, các nghệ sĩ vừa bảo lưu những điều răng dạy của Allah vừa là những người học tập sự sáng tạo của Allah trong việc biến tấu những chữ viết thành những đường nét hài hoà tinh tế để trang trí trong các thánh đường.


Nhờ vậy mà không khí trong các thánh đường trở nên thiêng liêng hơn, đầy ý nghĩa hơn, các bức tường không còn trở nên đơn điệu nữa, do đó thu hút các giáo dân gắn bó và tôn kính tôn giáo của họ hơn, thánh đường đã trở thành nơi chứa đựng cái đẹp, mà con người thì luôn yêu cái đẹp là vướn tới cái đẹp.

Ngoài ra, những bức thư pháp được viết trên gạch men, được dùng để trang trí trong nhà còn mang ý nghĩa Hạnh phúc và may mắn là những đồng hành tuyệt vời. Những đồ vật khi được viết những nét chữ Arab thiêng liêng lên đó sẽ rất có giá trị và rất được trân trọng. Những dòng chữ đó có thể là những câu trích trong kinh Qu’ran hay cũng có thể là những câu thơ trữ tình,…

Những loại hình thư pháp đặc sắc khác

Nghệ thuật thư pháp Hồi Giáo là một đỉnh cao trong nền thư pháp thế giới, bên cạnh đó một số nghệ thuật thư pháp khác cũng rất phát triển như: thư pháp của người Trung Quốc, thư pháp Tiếng Việt, thư đạo Nhật Bản,… Trong đó thư pháp của người Trung Quốc được khá nhiều người biết đến nhất. Trong quá trình sáng tạo chữ viết của mình người Trung Hoa đã bắt đầu chú trọng vào phép viết chữ, từ những chữ viết được viết trên lụa (chữ lệ), những chữ được khắc trên tre, nứa, trên chuông hoặc những kim loại bằng đồng (chữ kim), cho đến chữ triện và chữ hiện đại như ngày nay, đó là một quá trình rất dài và kì công. Thư pháp được xem là linh hồn của mỹ thuật Trung Hoa, viết thư pháp là một loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao, là nghệ thuật biểu hiện tâm hồn của tác giả, người ta còn có câu nét chữ nết người cũng từ việc viết chữ mà xác định được tâm tính của người viết. Vì vậy mà viết chữ cũng được xem là nghệ thuật. Thư pháp Trung Hoa chủ yếu xuất hiện trong các sách vở, các câu đối treo trong nhà, những dòng chữ đề thơ trong các bức tranh, cây quạt hay các vật dụng sinh hoạt thế tục khác. Khác với thư pháp Hồi Giáo, người Trung Hoa viết thư pháp không chịu sự chi phối của yếu tố tôn giáo và cũng không nhằm mục đích chính là phục vụ cho tôn giáo. Họ xem viết chữ là một thú giải trí tao nhã của những bậc tài danh, viết thư pháp còn là một trong những cách để rèn luyện tính kiên nhẫn, giữ tâm tính ôn hoà.


Nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ xuất hiện muộn hơn, tuy nhiên vẫn được chú trọng, người Việt coi việc viết chữ và cho chữ là một điều rất thiêng liêng, việc viết thư pháp cũng chịu không ít ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nên có nhiều nét tương đồng với thư pháp của người Trung Quốc.


Hay nghệ thuật thư đạo của Nhật Bản cũng là một đặc sắc thư pháp đáng chú ý. Ở Nhật Bản khiếu thẩm mĩ luôn dựa vào sự giản dị kết hợp với tính trầm tư mặc tưởng của Thiên Đạo và tinh thần võ sĩ đạo đã làm cho nghệ thuật thư pháp phát triển thành một phong cách rất đặc biệt. Các bức thư pháp không chỉ đơn giản là tác phẩm nghệ thuật mà nó còn là sự phối hợp hài hoà với tinh hoa Thiên Đạo Nhật Bản. Với đặc điểm này, thư pháp còn mang ý nghĩa truyền tải nội dung tâm pháp.


Người Hồi Giáo giáo coi nghệ thuật viết chữ là chức năng cao quý, một môn khoa học ưu việt và chiếm số lượng lớn lực lượng sáng tác lẫn người thưởng thức.

Theo: VYC Travel

No comments: