Sarah Palin, cựu thống đốc bang Alaska, nổi tiếng với một câu nói trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 về quan điểm chính trị với Nga: “Họ là hàng xóm của chúng ta, và bạn có thể nhìn thấy Nga từ một hòn đảo của Alaska”. Thực tế, Nga và Alaska gần đến mức người ta có thể thấy phía bên kia bằng mắt thường.
Vào một ngày quang đãng, bạn có thể leo lên một ngọn đồi ở mũi Prince of Wales, điểm cực tây trên đất liền của Mỹ, và nhìn qua eo biển Bering sang vùng đất liền của Siberia. Tuy nhiên, nơi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy Nga hơn là từ đảo Diomede Nhỏ, Mỹ.
Mũi Prince of Wales, Alaska ở bên phải, cách phần đất liền Siberia khoảng 80 km. Ảnh: NASA.
Tới trước năm 1948, thổ dân Eskimo trên hai hòn đảo Diomede vẫn có thể tự do đi lại giữa Siberia và Alaska để săn bắn, đánh cá hay thăm hỏi họ hàng. Thậm chí, họ hoàn toàn có thể xây một cây cầu hoặc đường hầm nối hai hòn đảo, bởi vùng biển ở giữa chỉ sâu trung bình 30 đến 45 m, với sóng hay thủy triều đều nhẹ.
Người bản địa còn có thể đi bộ từ đảo Diomede Nhỏ (trước) sang đảo Lớn trên một “cây cầu” băng tự nhiên hình thành vào mỗi mùa đông. Ảnh: Ira Block.
Tuy nhiên, vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một “tấm rèm băng giá” được kéo xuống eo biển Bering, đóng biên giới và chia cắt những gia đình sống trên hai hòn đảo Diomede. Nga và Mỹ đều xây dựng căn cứ quân sự trên đó. Người Eskimo trên đảo Diomede Lớn buộc phải di cư sang vùng đất liền Siberia.
Năm 1987, vận động viên bơi lội người Mỹ Lynne Cox quyết định bơi qua eo biển Bering giữa hai hòn đảo Diomede để phá tấm rèm băng từ thời Chiến tranh Lạnh. Đêm trước khi Lynne lên đường, lãnh đạo Liên Xô cấp phép cho cô lên hòn đảo Diomede Lớn.
Diomede Islands map
Lynne khi ấy mới 30 tuổi, khoảng cách không phải điều cô lo lắng, mà chính là hành trình bơi dưới nước 3,3 độ C. Những ngón tay của Lynne thâm tím dưới nước, cô chỉ có thể tự nhủ mình không được phép dừng lại dù tay chân lạnh cóng và hụt hơi liên tục. Khi đến đích, cô được chào đón với một tiệc ăn mừng trên bãi biển, những bình samovar đựng đầy trà nóng. Tại hội nghị thượng đỉnh Washington D.C. mùa hè năm ấy, hai lãnh đạo Nga – Mỹ đều tán dương Lynna với nỗ lực chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Dù vậy, những người Eskimo trên hai nửa Diomede vẫn chưa thể sớm đoàn tụ với gia đình. Ozenna, một tộc trưởng Eskimo trên đảo Diomede Nhỏ, trả lời Al Jazeera: “Chúng tôi biết mình có họ hàng bên đó. Những người già dần khuất núi, và chúng tôi chẳng biết gì về nhau. Chúng tôi dần mất đi tiếng bản địa. Giờ chúng tôi nói tiếng Anh, họ nói tiếng Nga. Đó không phải lỗi của ai cả, nhưng mọi thứ thật tệ”.
Phải tới năm 2017, Ozenna và bộ tộc của mình mới có thể xin giấy phép cho họ hàng ở Nga trở lại đảo Diomede Nhỏ dù họ chưa từng gặp nhau trước đó.
Làng Ignaluk trên đảo Diomede Nhỏ. Hòn đảo rộng hơn 725 hecta, với khoảng 100 cư dân có cuộc sống đánh bắt truyền thống. Ảnh: Filmservices.
Chỉ cách nhau hơn 4,3 km, nhưng đảo Diomede Lớn và Nhỏ lại nằm trên hai bán cầu khác nhau và thậm chí đường biên giới quốc tế nằm giữa chúng cũng chính là Đường Đổi ngày Quốc tế (IDL). Giờ trên Diomede Lớn sớm hơn đảo nhỏ 21 tiếng, vì vậy người địa phương có thể gọi nó là “Đảo Ngày Mai” và “Đảo Hôm qua”.
Bảo Ngọc (Theo Condé Nast Traveler)
Hiện đảo Diomede Lớn không có dân cư sinh sống do trở thành căn cứ quân sự của Nga, do đó du khách chỉ có thể tham quan đảo Diomede Nhỏ bên lãnh thổ Mỹ. Khách ra đảo Diomede Nhỏ cần thư cấp phép. Chi phí đi lại từ đảo vào đất liền và ngược lại khá đắt đỏ, phương tiện bị kiểm soát chặt chẽ.
Little Diomede Island (or “Ignaluk” in the native language)
Bạn nên tự sắp xếp phương tiện di chuyển như trực thăng hoặc thuyền, nơi ngủ nghỉ và thức ăn do trên đảo không có khách sạn hay quán cà phê – chỉ có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, một bưu điện và trường học, ít nhà dân có nước máy. Trong những năm gần đây, hòn đảo bắt đầu có internet tốc độ cao trong vài giờ mỗi ngày.Nhiệt độ trung bình trên đảo từ -12 đến -10 độ C. Vào mùa đông, người dân phải đào đường trên băng cho phi cơ nhỏ hạ cánh để vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa hay thư từ.