Áo đỏ em đi giữa phố đông,
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Em đi lửa cháy trong bao mắt,
Anh đứng thành tro em biết không?
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Em đi lửa cháy trong bao mắt,
Anh đứng thành tro em biết không?
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Xưa nay, thơ tình của thi sĩ cổ kim đông tây nhiều không kể xiết. Có một thi phẩm hay viết về tình yêu được nhiều người thuộc, yêu quý và nâng niu để rồi những lúc vui buồn ngâm nga, giãi bày nỗi niềm quả là một hạnh phúc. Tôi nghĩ Áo đỏ của Vũ Quần Phương thuộc số ít hạnh phúc ấy, bởi cái tình thơ, cái cảm xúc thơ đã nói hộ được nhiều điều cho những tâm hồn đã yêu, đang yêu và sẽ yêu mai này.
Áo đỏ
Áo đỏ em đi giữa phố đông,
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Em đi lửa cháy trong bao mắt,
Anh đứng thành tro em biết không?
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Xét về phương thức biểu đạt, ba câu thơ đầu của bài Áo đỏ sử dụng chủ yếu là tả và kể xen lẫn nhau. Kể lại một tình huống nhân vật xưng anh bắt gặp hình ảnh người con gái bất ngờ đi qua phố. Màu áo đỏ là tâm điểm tạo sự cuốn hút để ánh mắt mọi người nhìn vào, mê đắm và say sưa khiến cho "lửa cháy trong bao mắt". Anh cũng không ngoại lệ. Ngẩn ngơ. Đứng lặng. Nhưng cái "hơn người" của anh không chỉ dừng lại ở phút cháy lòng mà "đứng thành tro" giữa chốn đông người nơi phố xá. Thế đấy, bài thơ độc đáo cốt ở câu cuối bài, chính điều đó làm nổi bật tứ thơ, khiến người đọc giật mình vỡ òa một niềm cảm xúc.
Như trên đã nói, câu thơ mở đầu chỉ hàm ý giới thiệu bằng lối kể chuyện kết hợp với bút pháp miêu tả thuần túy. Người con gái mặc chiếc áo đỏ đi về trên phố đã làm cho biết bao trái tim chàng trai xao xuyến. Nghệ thuật so sánh ở câu thơ thứ hai "Cây xanh như cũng ánh theo hồng" gợi được màu sắc tươi đẹp của chiếc áo đỏ mà người con gái đang mặc. Màu sắc ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ khiến cho thiên nhiên cây cối bên đường cũng rực rỡ, ánh hồng theo. Thiên nhiên tưởng vô tình mà hóa ra cũng lãng mạn không kém con người, lơ đãng nhìn theo để rồi ánh lên một sắc hồng diễm kiều và mê đắm.
Thiên nhiên "ánh theo hồng", người đi đường thì "lửa cháy trong bao mắt". Hình ảnh thơ táo bạo, thoáng đọc có một chút khác thường, song lại gợi vẻ đẹp chứ không làm người đọc phát sợ, bởi ai cũng hiểu cái ánh lửa cháy trong bao mắt kia chính là hiệu ứng từ màu áo đỏ của người con gái qua phố dịu dàng. Thế đấy, từ lạ lẫm tưởng chừng hốt hoảng đến liêu trai và say đắm lòng người chỉ nằm trong gang tấc. Câu thơ thứ ba không quá xuất thần nhưng đã bắt đầu báo hiệu cho một ý thơ độc đáo xuất hiện, đẩy tứ thơ của toàn bài lên một đỉnh điểm mới để rồi mở nút chan hòa trong một niềm cảm xúc xuyến xao mãnh liệt:
Anh đứng thành tro em biết không?
Câu hỏi tu từ: "Anh đứng thành tro em biết không?" là câu thơ kết bài làm nổi bật cấu tứ của toàn bộ thi phẩm. Chính cái màu đỏ chiếc áo em đang mặc đi giữa phố đông mà liên tưởng đến một trạng thái bất động "đứng thành tro" của anh thì quả thật tài tình. Em làm cho mọi người ngẩn ngơ, "lửa cháy trong bao mắt", còn riêng anh thật sự đã bị thiêu đốt mất rồi, sau cả cái giây phút lửa cháy nữa kìa. Câu hỏi tu từ cuối bài như một nỗi niềm cảm thán, bộc lộ cảm xúc xao lòng đến ngây dại của nhà thơ. "Em biết không?" cũng có nghĩa là em thấu không, em có hiểu cho nỗi lòng của tôi không? Thiết tha và say đắm, chân tình và ngây dại, tất cả như vỡ òa không gì che chắn nổi. Ba câu thơ trên chính là cái nền tảng để cất cánh cho câu thơ cuối bài, trong đó dấu hỏi chấm đã đảm đương một "trách nhiệm" không hề nhỏ.
Bài thơ Áo đỏ của Vũ Quần Phương trở thành một thi phẩm thơ tứ tuyệt xuất sắc phải nói trước hết là nhờ ở khả năng liên tưởng tài tình và độc đáo. Từ màu sắc của chiếc áo đỏ, người con gái qua đường giữa phố đông đã khiến tác giả liên tưởng đến vẻ đẹp "ánh theo hồng" của hàng cây ven phố xá. Sự lan tỏa ấy dù sao cũng dễ hiểu bởi hiệu ứng của màu sắc giữa vật này với vật kia, giữa người này sang người khác. Nhưng để làm nên cái hồn cốt, cái độc đáo của bài thơ chính là nhờ khả năng liên tưởng ở hai câu thơ cuối bài. Từ "lửa cháy trong bao mắt" đến "anh đứng thành tro" quả thật phải có trái tim rung động xuất thần, một tình yêu "sét đánh" ngất ngây mới thốt lên một cách trìu mến và dễ thương đến thế. Nghệ thuật liên tưởng nếu sử dụng đúng lúc, đắc địa sẽ trở thành một thủ pháp nghệ thuật nổi trội hơn hết trong việc biểu đạt cảm xúc mà nhà thơ muốn chuyển tải thông điệp cho người đọc.
LÊ THÀNH VĂN
No comments:
Post a Comment