Thursday, December 24, 2020

ANH KHÁCH LẠ, ĐI LÊN ĐI XUỐNG...

Không có vẻ hoa lệ của Đà Lạt, không có màu thị tứ hẻo lánh của Kontum, không có vẻ nóng bỏng cởi mở của Buôn Mê Thuột, Pleiku là đô thị lạ lùng. Một đô thị dốc đồi loay hoay soi mình vào một mặt hồ không đáy chờ hiện lên chân dung sương khói của mình.


Tôi đến Pleiku gần 20 năm trước. Khi thứ nhạc đèm đẹp về Hà Nội còn khá phổ biến, mùi hoa sữa đã lây sang một số thành phố khác của miền Nam, Pleiku không ngoại lệ. Hoa sữa được trồng thật nhiều và dày. Mùi hoa sữa nồng nặc khiến tôi mất ngủ dù trời khi ấy mùa đông, rất lạnh.

Cũng may, những sớm mai của hai mươi năm trước, cảnh sắc núi đồi còn rơi rớt chút thi vị trong thơ Vũ Hữu Định trước 1975, những câu thơ buộc Phạm Duy phải chấp cánh bằng giai điệu.

Phải rồi, cái thời đó, thành phố đang mở mang và vài ông đại gia gỗ, đất là dân địa phương chuẩn bị đem lại một bộ mặt mới, hồ hởi về kinh tế lẫn… bóng đá. Rừng bơm vào sự thịnh vượng của phố những gì quý hiếm, từ thịt thú rừng ở những quán nhậu đến các mặt hàng gỗ. Thành phố khá lên từ rừng, nhờ rừng và cà phê. Rồi từ đó, nó cũng được biết đến nhiều bởi bóng đá và những đại gia bất động sản gặp thời phất lên nhanh sau một đêm.

Và thế là chẳng bao lâu sau, trong một bản nhạc của Nguyễn Cường có câu “không muốn nhìn vào đôi mắt ấy” mà các ca sĩ Tây Nguyên cứ đay đả khi hát “mắt ấy, mắt ấy, mắt ấy” xem ra cho thấy phần nào sự nhỏ nhẹ lãng đãng “nên tóc em ướt và mắt em ướt” của một Pleiku năm xưa đã lùi vào dĩ vãng xa mờ. Đôi mắt của bây giờ bản năng và hoang dại, trực quan sinh động trong cơn trỗi dậy của cơ hội kinh tế, của những đại gia thức thời. Đôi mắt mà đám khách lạ có chút duy mỹ... thật chẳng dám nhìn thẳng.


Thế rồi tôi nhiều lần lên xuống ở thành phố này sau khi đã không chịu nghe theo lời ông nhạc sĩ gốc Hà Nội đội nón Tây Nguyên, tò mò soi vào “mắt ấy” trong cuộc đời mình. Tôi hiểu ra, thành phố này, trừ sự chộn rộn bề nổi của những đại gia, lại có cái bản năng của một đô thị sơn cước chẳng biết soi mình vào đâu ngoài nhịp lên xuống của đất đai mùa màng.

Những năm cà phê, hồ tiêu được giá, có thể nhận ra ngay sự hồ hởi của đời sống bề mặt với mức độ tậu xe hơi trong dân chúng hay sự sầm uất của hàng quán. Chẳng bù những năm nhà vườn đổ xô trồng tiêu, tiêu chết, rồi cà phê mất giá, thành phố như cô thôn nữ vừa trải qua cơn sốt rét rừng. Cây xanh phủ bóng, quán xá đìu hiu. Như cái tết năm nay, trên những con đường vỉa hè trung tâm, thậm chí nhiều cửa hiệu không buồn chưng hoa hòe.

Một dạo, đến Pleiku, tôi vẫn lục lạo mấy địa chỉ phòng trà để tìm đến nghe nhạc. Gọi là phòng trà thì hơi quá, là những điểm tụ bạ hát cho nhau nghe. Vài năm trước còn tìm thấy, như ở Sesan Coffee Piano khu trung tâm, Hội quán Trịnh ở đường Wừu…, nay thì đến những tụ điểm nghe nhạc ban đêm cũng không qua nổi cơn trái gió trở trời của giá cà phê và dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Cơ hội ăn nên làm ra sẽ chỉ còn nơi những dãy cà phê vỉa hè gần các công sở nhà nước hoặc tiệm trà sữa cho bọn choai choai. Chỉ có dân công sở và bọn học trò chíp hôi thì mới có điều kiện la cà.

Dẫu sao thì Pleiku cũng là một trong những thành phố có hàng quán cà phê vỉa hè gợi tình nhất. Bởi thành phố còn những con đường nhiều cây xanh, còn những cảnh quan dốc đồi xanh để mà ngắm nghía. Tuy kiến trúc không phải là thế mạnh, nhưng may mắn quá, ở đây còn nhiều con đường cổ thụ, thông già ven đường có lẽ còn nhiều hơn cả Đà Lạt. Một buổi sáng ngồi ở vỉa hè cà phê Uyên, Gu hay Thu Hà ngay trung tâm, vẫn có cảm giác màu xanh vây bủa. Sẽ còn đẹp hơn nếu ghé qua những quán xá ở khu đồi nhà thờ Đức An. Cây cối làm dịu cảnh quan, che chắn bớt cái lô nhô không bản sắc của cửa nhà.

Và vẫn theo đường dẫn của thông ngàn, gió lạnh, một chiều mùa xuân tôi đến Biển Hồ. Biển Hồ nay đã khác, con đường dẫn ra điểm tham quan được mở rộng khang trang, có những chỗ ngoạn cảnh thật đẹp, không còn vẻ hoang vắng như trước. Được biết có một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư để làm đường và mở mang không gian mong biến nó thành một điểm đến hấp dẫn. Cách tổ chức dịch vụ và bố trí không gian coi bộ ngẫu hứng theo “style tâm linh”: một bức tượng Bồ tát trắng toát đứng giữa điểm ngoạn cảnh, có vẻ chẳng theo tuồng tích hay đường dẫn câu chuyện nào ở đây, nhưng khách phương xa, miệt ngoài vào, chỉ cần thấy tượng thì sì sụp thắp nhang vái lấy vái để.

Kể cũng vui mắt.


Rồi gì nữa, trong nhiều năm qua, món phở khô Ngọc Sơn, bún bò Bà Dinh vẫn vậy. Tôi quanh quẩn trong một thành phố bóng đá cũng nhàm mà kinh tế đang thời khó, thấy sự bình yên của mình là thứ xa xỉ. Thi thoảng trên đường, có thể bắt gặp những cô sơn nữ Jarai gùi mấy bó rau hay cải tươi ra chợ, mắt ngơ ngác nhìn phố.

Ở vào khoảnh khắc đó, lớp dư ảnh quá khứ trong mấy trang văn điền dã của Jacques Dournes hiện về, thao thức trong tôi câu hỏi, vậy bản sắc của những đô thị cao nguyên như Kontum, Pleiku là gì nếu không gắn với con đường truyền giáo của các vị thừa sai, với sự hiền từ toát ra từ những nhà xứ, giáo đường - nơi giao thoa văn hóa bản địa với một nền nếp đô thị mới, giữa minh triết thảo mộc với văn minh phương Tây?

Sau thánh lễ chiều trong khuôn viên nhà thờ Đức An, tôi nấn ná hỏi cha Vân Đông - vị linh mục gắn bó cả đời với người dân bản địa - về những việc bác ái ông làm thời gian qua. Vị linh mục tuổi ngoài 80 nói, riêng năm 2019 ông đã huy động 8 tỷ đồng để xây cầu, xây giếng cho đồng bào dân tộc, mở con đường vào nghĩa trang thai nhi hàng ngàn nấm mộ để những cha mẹ trót không cho con chào đời rộng đường mà tìm về với con. “Càng khó khăn người ta càng dễ làm liều, làm bậy. Người Kinh làm ăn thất bát thì người dân tộc sẽ ảnh hưởng vì họ ký sinh nơi những ông chủ người Kinh. Họ cần được săn sóc!”, linh mục Đông nói.

Tôi rời sân nhà thờ và đi về dốc vắng đường Wừu. Tôi nhớ vài năm trước, có ông nghệ sĩ mê nhạc ở Sài Gòn rủ vợ con lên đây mở một quán cà phê nhạc Trịnh. Không khí văn nghệ vui lắm. Chồng sáng tác, vợ hát, con chạy bàn. Tôi đi tìm lại cái không khí vui vẻ ấy, nhưng không còn thấy. Ai đó nói, hội quán mở một thời gian xôm tụ văn nghệ, rồi thì văn nghệ cũng chẳng để làm gì khi mà tiêu thì chết đầy rẫy và cà phê rớt giá.

Đó, làm sao có thể nhìn vào “mắt ấy, mắt ấy, mắt ấy” trong lúc hạnh phúc lẫn khổ đau, hỡi Pleiku. Lẽ ra chỉ nên làm khách lạ để… đi lên đi xuống, thấy bóng hình thành phố thấp thoáng trong sương khói của một mặt hồ xanh!

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: Người Đô Thị Online

No comments: