Friday, December 18, 2020

CHU GIA GIÁC CỔ TRẤN (朱家角古鎮)

Dừng bước giang hồ ở Chu Gia Giác

Nếu có dịp tương phùng Thượng Hải thì bạn đừng chỉ loanh quanh nơi trung tâm thành phố. Hãy đi xa hơn một chút về phía tây, đến cổ trấn Chu Gia Giác, nơi được mệnh danh là Venice của Thượng Hải, để có cảm giác như xuyên không về 1.700 năm trước.


Tôi che ô giấy dầu, xuyên qua làn mưa bụi, qua những ngõ dài lát đá xanh quanh co sâu hun hút. Không gian trầm mặc và bình lặng, không giống như Lệ Giang hay Phượng Hoàng cổ trấn đã trở nên quá tải vì du khách. Trong mưa mù, những gian nhà mộc mạc, trang nhã, tường phấn ngói đen, mái cong góc lượn, nằm hiền hòa bên dòng kênh xanh, yên ả và tĩnh lặng, như trong một bức tranh thủy mặc, như bị năm tháng bỏ quên, tô điểm Chu Gia Giác thêm phần thơ mộng, cổ kính và đầy hoài niệm. Trên tầng tầng lớp lớp ngói đen lưu dấu bụi bặm của bao triều đại, trên những con hẻm dài tít tắp, rêu phong len lỏi giữa từng khe hở, tựa như cố ý níu giữ những dấu chân tài tử giai nhân. Có phải vậy nên khi đi trên những cây cầu nhỏ và những con phố đan xen nối liền, tôi cảm thấy bụi bặm của Chu Gia Giác đều là phong tình ý vị?


Đi xuyên qua ngõ nhỏ, nhìn về sương khói mơ hồ ở phía xa xa, tôi không cần đoán xem lối nào sẽ dẫn đến phong cảnh đẹp đẽ hơn, bởi vì bất cứ nơi nào cũng đều lưu giữ phong vận xưa cũ. Chỉ cần nhè nhẹ bước vào, là sẽ phải bất ngờ, ngạc nhiên.

Tôi dừng lại ở một quán trà nhỏ, lên lầu nhìn ra xa, trong sương khói, trời đất mờ mịt, núi non im lìm. Những khung cửa sổ chạm trổ hoa, tuy kinh qua bao xuân thu mưa gió, nhưng vẫn giữ được hoàn chỉnh vẹn toàn. Trước cửa còn treo chiếc gương chiếu yêu kiểu cũ, mặt bàn bày bộ ấm chén bằng sứ men lam, trên tường còn có chiếc đồng hồ quả lắc đang chậm rãi gõ nhịp. Dưới khung cửa sổ cũ, qua làn mưa bụi mỏng, nhấp một ngụm trà thơm, chính là sự trầm tĩnh an nhiên giữa năm tháng phù hoa, là sự thanh tao bên cạnh thành phố xô bồ. 


Khói nhẹ qua ngõ nhỏ, nước chảy men tường trắng, cổ xưa mà chất phác. Phong cảnh dịu dàng, đẹp đẽ đến dường ấy, Chu Gia Giác dù đơn sơ đạm bạc, mà lại có thể khiến người ta cam nguyện quên lãng phồn hoa. Năm tháng ở nơi này, chẳng qua chỉ là nước chảy qua cầu.

Chu Gia Giác nổi tiếng với nhất kiều (cầu Phóng Sinh), nhất nhai (đường Bắc Đại), nhất tự (Báo Quốc tự), nhất miếu (miếu Thành Hoàng), nhất thính (phòng lớn Tịch Thị), nhất quán (nhà tưởng niệm Vương Sưởng), nhị viên (Khóa Trực Viên và Chu Khê Viên), tam vịnh (vịnh Tam Dương, vịnh Kiều Tử, vịnh Di Đà), nhị thập lục lộng (26 ngõ hẻm).


Thực tế, Chu Gia Giác có hơn 26 ngõ hẻm. Mỗi con đường đều có hẻm nối với phố, phố thông đường, đường thông hẻm, tạo thành bố cục theo kiểu bàn cờ, khi đi vào trong hẻm giống như lạc vào mê cung huyền bí. Các hàng quán cũng mọc lên san sát, từ hàng ăn cho tới quán trà, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra, thật khó để chối từ.

Những cửa tiệm tạp hóa hai bên đường bày đủ các đồ lưu niệm và sản vật của dân địa phương, từ gỗ khắc cho đến vải nhuộm, từ gương đồng cho đến vòng bạc, đều xinh xắn và mang một phong vị cổ xưa.


"Nhất miếu" của Chu Gia Giác là miếu Thành Hoàng. Nằm giữa những ngõ phố quanh co tĩnh mịch, miếu Thành Hoàng toát lên mùi nhang, mùi trầm thơm nồng của lịch sử. Miếu được dựng từ hơn 200 năm trước, giữa thời Thanh. Môn lầu, xà cột, góc hiên ở miếu đều dùng thủ pháp nông sâu đậm nhạt, hư thực tương ứng, điêu khắc những hình vẽ tinh xảo như long ly quy phượng, nhân vật truyền kỳ, hoa lạ cỏ thơm… trong đó có ba báu vật hiếm thấy là hí đài đấu củng, xà ngang khắc gỗ và tranh vẽ giữa cột nhà. Du khách đến đây có thể cầu may cho gia đạo bằng cách ghi những điều ước trên dây lụa đỏ rồi treo lên cây ở sân miếu. Không biết điều ước có trở thành hiện thực hay không, nhưng ai đến đây cũng muốn thử cầu may một lần.


Cầu vòm đá cũng là một phong cảnh không thể thiếu ở Chu Gia Giác. Sông Tào Cảng chảy quanh trấn có 36 cây cầu vòm đá lớn nhỏ nối liền với 9 con đường dọc theo bờ sông, dường như khiến người ta liên tưởng tới khoảnh khắc nối liền hiện tại và quá khứ xa xưa. 


Trong đó, cầu đá Phóng Sinh, được xây vào năm 1571, tạo hình tuyệt đẹp, phong cách cổ xưa mộc mạc, được coi là biểu tượng của Chu Gia Giác. Đây cũng là cây cầu đá lớn và dài nhất của thành phố Thượng Hải. Bốn trăm năm qua, vô số người đã dừng chân nghỉ ngơi ở đây, thả cá, thả rùa để tạo phúc, cầu may. Trời đã hửng nắng rồi, tôi cũng dừng lại nghỉ chân trên cầu, không có cá, không có rùa để phóng sinh, chỉ ngắm nhìn những chiếc thuyền con lững lờ trôi qua giữa non xanh nước biếc.


Bến nước bị bụi trúc xanh che khuất, toát lên sự tĩnh lặng của tháng năm, bình thản mà trầm mặc ngắm nhìn khách đến khách đi. Những chiếc thuyền con đậu ngay ngắn, những ghế nhỏ giản đơn, những người chèo thuyền đầu đội mũ rơm, dùng một cây sào dài chống xuống nước sông xanh biêng biếc.


Bởi vậy, ngồi thuyền ngắm cảnh là một trong những trải nghiệm ấn tượng nhất ở đây. Từng chiếc từng chiếc thuyền con trôi dập dềnh giữa làn nước biếc, như kể lại từng chút từng chút câu chuyện cũ của cổ trấn năm nào. Cây cầu đá nhỏ cổ kính, dòng nước cổ kính, phường trà cổ kính, đến quán bar cũng cổ kính, chính những chiếc bóng của thời gian nhìn tưởng chừng đơn giản này lại xâu chuỗi với nhau, tạo thành một phong cảnh hữu tình độc nhất vô nhị, thêu dệt nên những giấc mộng êm đềm trong lòng mỗi người lữ khách. Dù chưa từng đến đây, mà sao tôi thấy hết thảy đều quen thuộc đến thế, quen thuộc đến mức giống như một cố nhân lâu ngày không gặp, không cần nói gì đã hiểu hết, biết hết tâm tình của nhau.


Chút ánh nắng mặt trời trong trẻo dịu dàng hắt xiên xiên mặt nước gợn sóng lăn tăn. Hàng liễu rủ phất phơ trước gió. Nếu như ai đó vẫn còn những tâm sự khó có thể gác lại trong lòng, thì khi ngồi trên thuyền ung dung, nhàn nhã, ngắm dòng nước mát lành, trong xanh, liền có thể bình tĩnh trở lại. Từng nhóm du khách ngồi quây quần trên thuyền nói chuyện rôm rả. Nhiều người còn thuê những phục trang cổ xưa, hóa thân thành hiệp khách, thành mỹ nhân, cũng là một trải nghiệm thú vị rất riêng.


Trên hiên những căn nhà cổ, đèn lồng đỏ đã được thắp lên sáng lung linh, hàng quán hai bên bờ kênh càng trở nên nhộn nhịp khi mọi người bắt đầu đi ăn tối. Nhưng tiếng cười nói huyên náo chẳng hề phá vỡ, mà ngược lại, chỉ tăng thêm vài phần sinh động cho không gian trầm mặc và bình yên nơi cổ trấn được mệnh danh là Venice của Thượng Hải.

Qua thời gian xoay chuyển, chìm nổi sóng gió, cổ trấn Chu Gia Giác vẫn đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc, tựa như đã nhận được ân sủng của tháng năm, tựa như đã thoát khỏi hồng trần loạn thế. Quay người rời đi trong phút chốc, biết bao tình cảm quyến luyến mà tôi để lại, sẽ đổi lấy một đoạn ký ức không lời để mang theo.

Nguồn: Travellive+


No comments: