Wednesday, December 16, 2020

WABI SABI - NGHỆ THUẬT BẤT HOÀN

Wabi Sabi (侘寂) chính là nghệ thuật tôn vinh sự không hoàn hảo của sự vật trong triết lý và quan điểm sống của người Nhật. Với họ, mọi sự vật chỉ là thoáng qua, vô thường và không hoàn hảo. Nhưng chính từ sự không hoàn hảo, họ tạo nên những giá trị bất biến với thời gian.


Trong tiếng Nhật, “Wabi” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc bất đối xứng và không cân bằng, còn “Sabi” dùng để mô tả nét đẹp vô thường và trường tồn theo năm tháng. Có nguồn gốc từ ba dấu hiệu tồn tại trong giáo lý nhà Phật là vô thường – đau khổ – không bản ngã, Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận bản chất vô thường của nó, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.


Trong khi phương Tây luôn tìm kiếm sự cầu toàn thì Nhật Bản lại đề cao vẻ đẹp của sự thoáng qua, không cần quá hoàn hảo, được gói gọn giản đơn trong thuật ngữ Wabi Sabi. Với người Nhật Bản, Wabi Sabi có tầm quan trọng như phong thủy với người Hoa. Không chỉ là linh hồn của nghệ thuật trà đạo, Wabi Sabi còn là chuẩn thẩm mỹ cho nhiều lĩnh vực như kiến trúc, hội họa, thơ ca và gốm sứ Nhật.

Nghệ thuật Kintsugi

Thay vì loại bỏ những món đồ gốm sứt mẻ hư vỡ, người Nhật lại có cách “hồi phục” cho những vật phẩm này bằng những đường ghép nối phủ vàng hay còn gọi là Kintsugi. 


Kintsugi dịch ra là Mộc Vàng, là một kỹ thuật phục chế tinh vi vốn biểu trưng cho phong cách sống khiêm nhường luôn vượt lên nghịch cảnh của người Nhật Bản. Người nghệ sỹ Kintsugi sử dụng mối nối vàng để hàn gắn lại những món đồ hư cũ. Những mảnh vỡ được thu nhặt lại rồi ghép dính với nhau bằng một hỗn hợp keo bí truyền trộn cùng vàng, bạc hoặc platinum. Không chỉ trả về hiện trạng nguyên vẹn cho chén đĩa, quá trình kintsugi còn tôn vinh lên những đường nứt, biến chúng trở thành dấu ấn của sự vĩnh cửu, của hồi sinh sau những rạn vỡ, và trở thành nét đẹp trân quý của sự độc bản, bất toàn. Mỗi một chiếc bát mang trên mình những đường nứt vỡ khác nhau, không chiếc nào giống chiếc nào, sau kintsuki những đường ấy trở thành vết chạm lịch sử. Đồ vật vỡ nát tưởng chừng rơi vào kết thúc, nay chuyển mình thành vàng son, khắc nét khởi đầu cho một câu chuyện.


Một vật phẩm Wabi Sabi được cho là đẹp khi có độ tuổi càng cao, càng mộc mạc, vỡ vụn và mang đậm tính cá nhân.

Wabi Sabi và nghi thức trà đạo

Năm 1199, nhà sư người Nhật Eisai trở về từ Trung Quốc với ý định dựng nên ngôi đền Phật giáo Thiền Tông đầu tiên tại đất nước của mình. Khi trở về, Eisai mang theo một túi trà xanh và giới thiệu với mọi người về cách thức pha trà – được cho là phong cách trà đạo sớm nhất ở Nhật với cái tên “Tencha”. Về sau, loại trà này được dùng trong các nghi lễ tôn giáo ở các tu viện Phật Giáo, nhất là trong thời gian thiền định, khi các nhà sư dùng nó như biện pháp khơi dậy sự tỉnh táo. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nghệ thuật trà đạo còn được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau như các cuộc buổi gặp gỡ của giới thượng lưu. Nhiều quý tộc, thương nhân giàu có đã tổ chức các buổi tiệc trà nhằm giới thiệu vật dụng và loại trà đắt tiền mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc.


Năm 1488 tại Kyoto, nhà sư Murata Juko hết sức bất bình trước sự sai lệch này, ông muốn định nghĩa lại về nghệ thuật uống trà. Ông đã biên soạn tài liệu Kokoro no fumi (Lá thư của trái tim) với nội dung viết về một buổi lễ trà dựa trên tư tưởng của triết lý Wabi Sabi. Bên cạnh phong cách uống trà thư thái, ông khuyến khích mọi người sử dụng vật dụng bằng đá mòn hoặc men được tạo ra từ những nghệ nhân Nhật Bản.


Bằng nỗ lực và niềm đam mê, Murata Juko không những đã mang “trà đạo đúng” về lại với quê nhà, ông còn lan rộng nó đến tất cả các tầng lớp trong xã hội. Tinh thần ấy cũng được tiếp nối và gìn giữ tới tận hôm nay qua các chương trình dạy về trà đạo tại nhiều ngôi trường lớn theo truyền thống của Sen no Rikyu – “bậc thầy trà đạo”. Tại các lớp học này, RiKyu dạy và hướng dẫn cách kết hợp phong cách Wabi Sabi theo một hình thức mới của lễ trà. Ông tập trung vào các dụng cụ đơn giản, bình nấu trà cùng các yếu tố liên quan. Một trong những nét mới đáng chú ý là bát đựng trà được làm theo thiết kế gốm Raku – hiện thân của tinh thần Wabi Sabi.

Wabi Sabi và gốm Raku - yaki


Raku trong tiếng Nhật có nghĩa là thoải mái, nhẹ nhàng, là một dòng gốm cổ Nhật từ những năm 1550. Raku thường được dùng trong các nghi thức về trà đạo truyền thống. Gốm Raku – yaki được làm theo cách thức thủ công ngày xưa, được nặn bằng tay hoàn toàn thay vì có sự hỗ trợ của bàn xoay gốm.


Nói về sản phẩm bát đựng trà theo tinh thần Wabi Sabi, sau các công đoạn định hình, sản phẩm sẽ qua quá trình nung gốm ở nhiệt độ thấp (tầm 1.000oC) trong khoảng 50 phút, sản phẩm được lấy ra khỏi lò một cách đột ngột và được đặt vào thùng có chứa vật liệu cháy như mùn cưa, lá khô… để sản phẩm có thể nguội nhanh sau khi mở lò. Phương pháp này dẫn đến kết quả gốm tuy nhanh thành hình nhưng lại thiếu lớp tráng men. Để tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm, các nghệ nhân có thể dùng các kỹ thuật như chống sáp, men nứt, men đồng hoặc sơn màu đen mờ. Trong một số trường hợp, người thợ làm gốm còn gắn thêm những sợi lông ngựa trên sản phẩm của mình và đưa vào lò, để tạo ra những họa tiết bất qui tắc trên đồ gốm.

Bảo Khuyên / Nguồn: Travellive+


No comments: