“Đối với sinh mệnh trong lòng luôn kính sợ, đối với đồ ăn trong tâm luôn cảm ơn, mới có thể ung dung đi hết cuộc đời này”.
Đây cũng là ý nghĩa của tên sách “Uyển Tịnh Phúc Chí”. Đại đạo rất giản dị, triết lý thâm sâu nhất thường thường ẩn chứa trong những việc nhỏ của cuộc sống. Các bữa cơm hằng ngày mà ta không để tâm cũng ẩn chứa phúc báo một đời của người ta.
1. Người thiếu trân trọng đồ ăn thì cuối cùng sẽ bị trừng phạt
Trong “Châu Tử Gia Huấn” có câu: “Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai xứ bất dị; Bán ty bán lũ, hằng niệm vật lực duy nan”, ý rằng một bát cháo, một hạt cơm, nên nghĩ kiếm được không dễ; nửa tấm vải, nửa sợi vải, phải nhớ làm ra rất khó. Đây không chỉ là đề xướng tiết kiệm mà còn ý nghĩa sâu xa hơn là giáo dục con người thế gian cần học sự cảm ơn.
Giữa những năm Bắc Tống, bên ngoài thành Biện Kinh có một phú hộ, ỷ vào sự giàu có của mình nên sinh hoạt có chút xa hoa lãng phí. Mỗi bữa ăn đều phải ăn các loại nhân bánh sủi cảo, do vậy gia đình đã bỏ ra một số tiền lớn thuê đầu bếp nổi tiếng đến nấu.
Thế nhưng người con của gia đình này lại rất kén ăn, mỗi thứ chỉ ăn nhân bên trong, bên ngoài thì bỏ đi. Người nhà thấy cậu ta là cứng đầu xấu tính, cũng chỉ cười cho qua.
Hơn mười năm sau, quân Kim xâm chiếm, cướp bóc vét sạch thành Biện Kinh không còn thứ gì. Người thiếu niên năm đó đã thành trung niên, bây giờ tài sản trong nhà đã hết, người thân trong cảnh loạn lạc binh đao cũng không biết tung tích ở đâu, vốn không cách nào phục hồi lại gia cảnh như trước nữa.
Anh ta trên đường cùng mọi người chạy trốn, không thể chịu được gian khổ, trước đây chỉ biết ăn ngon mặc đẹp mà giờ lại ăn lương khô, cuối cùng ngã xuống không dậy nổi. Trong lúc thoi thóp thì có một lão hòa thượng cõng anh ta về chùa và nấu cho ăn một nồi bột, anh ta mới dần dần tỉnh lại.
Anh ta đứng dậy lạy tạ, lão hòa thượng lắc đầu nói: “Không cần cảm ơn ta, đồ mà anh vừa ăn vốn từ nhà anh mà ra. Chỉ là bây giờ vật về với chủ của nó mà thôi”. Anh ta cảm thấy thật khó hiểu, lão hòa thượng liền chỉ vào một đống túi lớn phía sau phòng rồi nói cho anh ta biết nguyên do.
Thì ra lúc anh ta còn trẻ, thói quen sống xa hoa lãng phí thì ai ai cũng biết, lão hòa thượng mỗi sáng sớm đều đứng chờ bên sông trước cửa nhà anh ta, đợi nhà bếp rửa bát chén và đổ vỏ bánh, vụn nhân bánh đi thì liền gom lại, rồi mang đi rửa sạch sau đó lại phơi khô, tích lũy theo thời gian đã đầy cả một căn phòng. Bây giờ gặp lúc loạn lạc, lão hòa thượng dùng nó cứu tế không ít người.
Anh ta nghe xong thì gục đầu xuống đất khóc thảm thiết, hổ thẹn không thôi.
Sự tàn khốc của thế giới này chính là, khi bạn làm việc xấu thì cuối cùng điều đó sẽ lặp lại với chính bạn, nhưng ở mức độ tàn khốc hơn nhiều, hơn nữa còn khiến bạn bất ngờ không kịp đề phòng.
2. Thái độ của bạn với đồ ăn cũng là thái độ của người khác đối với bạn
Tăng Quốc Phiên là một trong bốn đại danh thần cuối nhà Thanh, ông có nhiều tài đặc biệt, trong số đó là có thể đọc vị được người khác một cách chuẩn xác. Trong quyển “Tăng Quốc Phiên gia truyền” có ghi lại việc như thế.
Tăng Quốc Phiên là một trong bốn đại danh thần cuối nhà Thanh. (Ảnh qua ĐKN)
Lúc Tăng Quốc Phiên trấn áp quân Thái Bình Thiên Quốc ở An Khánh, có người họ hàng xa tới tìm để nương náu. Người này xuất thân bần hàn, quần áo đơn giản, lời nói chân thành. nhìn thấy Tăng Quốc Phiên thì càng bày tỏ muốn đi theo làm tùy tùng, không cần phú quý chỉ cần no bụng.
Vài ngày sau, Tăng Quốc Phiên chuẩn bị một bàn tiệc rượu trong doanh trại để tiếp đãi anh ta. Trong mâm hai người nói chuyện vui vẻ, từ các chuyện đại sự trong thiên hạ tới sách lược chinh phạt. Ngôn từ của anh ta sắc bén, chuẩn xác, khiến Tăng Quốc Phiên cảm thấy rất vừa ý.
Không ngờ anh ta có một cử chỉ trong bữa rượu khiến Tăng Quốc Phiên trong lòng không thoải mái, ăn uống xong, liền gọi người đưa cho anh ta ít lộ phí rồi mời đi. Những người đi theo ông ta đều không thể hiểu nổi.
Bí mật này cho đến tận sau này Tăng Quốc Phiên viết trong thư gửi em trai thì mới lộ ra: “Nhà đó nghèo nàn cơ cực, mà lại không ăn thóc lép. Nghèo mà lại vậy sao? Ta sợ anh ta đứng núi này trông núi nọ, nên đã đuổi đi”. Người này nói mình xuất thân nghèo nàn, nhưng trong lúc ăn lại vô ý lộ ra một cử chỉ nhỏ: Lương thực cho quân lính vốn đạm bạc, mà anh ta vừa nói chuyện với Tăng Quốc Phiên vừa gắp bỏ hạt thóc lép trong bát cơm ra. Do vậy Tăng Quốc Phiên đoán người này tâm địa và lời nói không nhất quán, khó làm việc lớn.
Sinh mệnh do vô số những thứ nhỏ bé, chi tiết hợp lại, làm việc lớn cũng không thể quên tiểu tiết. Trước mặt cao thủ, từng lời nói cử chỉ của bạn sẽ quyết định sự thành bại của bạn, mà những thứ ẩn giấu bên trong tâm của bạn cuối cùng dưới huệ nhãn của họ đều sẽ bị phơi bày hoàn toàn.
3. Nhẫn nại với ẩm thực là nhiệt tâm với cuộc sống
Dù cuộc sống bận rộn bao nhiêu thì mùi vị đun nấu thức ăn vẫn là cảm giác không thể thay thế hay thiếu được. Tiếc rằng, theo nhịp sống ngày càng nhanh, người hiện đại lại thiếu đi sự tôn trọng và nhẫn nại với đồ ăn.
Có thống kê cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ chọn mua đồ ăn bên ngoài, đặt đồ ăn trên điện thoại, không còn biết đến mùi vị của bếp nấu như dấm, dầu, tương, muối… Đi cùng với nó là tỷ lệ ly hôn cũng tăng theo.
Như vậy, vào bếp và tình yêu có mối liên hệ nào chăng? Đây là một vấn đề khá huyền diệu. Từ góc độ tâm lý học mà xét thì trong gian bếp nhỏ bé, nam nữ hỗ trợ lẫn nhau tạo nên món ăn ngon, sẽ có thể phát sinh tình cảm ái mộ chân thành. Tiếng va chạm của nồi niêu xoong chảo sẽ tích lũy tình cảm, cũng chính là điều huyền diệu đảm bảo cho tình yêu vĩnh hằng.
Đối với người quanh năm ăn uống linh đình trên bàn tiệc mà nói, đồ ăn ngon trước mắt chỉ là dụng cụ trên trường danh lợi mà thôi. Họ không tôn trọng đồ ăn cũng là không nhẫn nại với bạn đời, cuối cùng cũng khó đạt được tình yêu viên mãn.
Tình yêu không cần hào nhoáng mà nó là khát vọng, là ở củi gạo dầu muối và an ổn rồi dần dần già đi. Mâm vàng chén ngọc trước mắt nam thanh nữ tú vĩnh viễn không so được với chén cháo ấm trong tay vợ chồng sống tới răng long đầu bạc.
Phúc Hải (Theo SOH)