Wednesday, December 9, 2020

ĐỘC ĐÁO MÓN BÁNH CHƯNG "GÙ-ĐEN" CỦA DÂN TỘC TÀY ĐỒNG VĂN


Bánh chưng là một món ăn đặc trưng truyền thống của người Việt trong mỗi dịp tết cổ truyền, tuy nhiên mỗi dân tộc trên đất nước hình chữ S có một loại bánh chưng tượng trưng riêng cho văn hóa của cộng đồng mình như: Bánh chưng xanh, bánh chưng gấc,… Đặc biệt, với người Tày trên mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn thì bánh chưng Gù – đen là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết.


Có một nét khác với bánh chưng truyền thống của người xuôi là bánh chưng Gù không có hình vuông hoặc dài, mà lại có kích thước nhỏ vừa đủ xinh. Bánh nho nhỏ cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn, giống như chiếc lu đất đựng nước ngày xưa. Đặc biệt, bánh chưng gù có phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi các sợi rơm buộc dọc thân bánh, tượng trưng cho 1 người phụ nữ đang đeo gùi trên lưng. Hình ảnh khi họ cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy đã tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng này. Bất cứ người phụ nữ Tày nào cũng phải biết gói bánh, điều này tượng trưng cho sự khéo léo của họ đối với gia đình nhà chồng và họ hàng, thể hiện sự khéo léo, đảm đang.


Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, người dân tộc Tày khá cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh. Gạo nếp dùng để gói bánh là gạo nếp hái, loại gạo ngon nổi tiếng ở Đồng Văn, thịt làm nhân bánh là thịt lợn đen còn tươi ngon, thái mỏng rồi đem ướp gia vị, vị thơm của hương nếp hòa quyện vị ngọt béo của thịt lợn đen , ngậy mùi của nhân đỗ xanh, điều đặc biệt là bánh chưng đen mang hương vị đặc trưng của những cây rừng ..


Khâu quan trọng nhất khi làm bánh chính là tạo màu đen cho bánh chưng. Việc tạo màu này có nhiều phương pháp khác nhau như dùng cây nếp hay cây núc nác, cây vừng. Nhưng những chiếc bánh chưng đen của người Tày ở Đồng Văn thì mang đậm màu sắc và hương vị của cây vừng đen, những cành cây vừng đen được chặt từ trên rừng về, sau đó phơi khô, đốt thành than rồi đem giã thành bột thật mịn rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh. Dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, bánh mới ngon.


Bánh chỉ có 1 lớp lá gói thay vì 4 – 5 lớp như bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo léo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào, bánh rất dễ mang theo, dễ bỏ túi, dễ ăn vào những lúc không đúng bữa mà đang đói


Xưa kia theo quan niệm của người Tày – Hà Giang ngoài việc chỉ để bầy trên bàn thờ thắp hương cúng ông bà , tổ tiên , bánh chưng đen còn được sử dụng trong các bữa ăn ngày tết để mời bà con họ hàng trong làng , trong bản đến ăn . Vì họ quan niệm rằng màu đen của bánh chưng thể hiện sự hòa hợp của lòng người và đất trời trong đó . Tuy nhiên giờ đây không chỉ ngày tết bánh chưng đen còn là món ăn độc đáo của du khách gần xa , ai có dịp đến đây ăn và thưởng thức đều không thể quên được hương vị độc đáo của bánh chưng đen .


Bánh chưng đen giờ đây đã là một thương hiệu bánh chưng ngon của người Tày , nếu ai có dịp ghé thăm mảnh đất Đồng Văn, hãy thử trải nghiệm hương vị bánh chưng đen thơm ngon của dân tộc Tày .

Nguyễn Hà