CHINH PHỤC KOSCIUSZKO, NÓC NHÀ CỦA ĐẤT NƯỚC CHUỘT TÚI
Sau sáu giờ lái xe từ Sydney, chúng tôi bắt đầu tiến vào địa phận rừng quốc gia Kosciuszko (bang New South Wales), nơi có đỉnh núi Kosciuszko cao 2.228m – nóc nhà của đất nước chuột túi.
Xét về độ hùng vĩ thì núi non ở nước Úc thua xa Việt Nam và nhiều nước khác, tuy nhiên Kosciuszko vẫn rất hấp dẫn du khách mê hiking, trekking, cắm trại vì dãy núi này nằm giữa một vùng cao nguyên cảnh sắc cực kỳ đa dạng. Dưới chân núi là những khu rừng đẹp như trong mơ, đồng cỏ bao la, sông dài chảy xiết và cả những hồ nước rộng mênh mông.
Cảnh sắc Kosciuszko rất đa dạng, trong đó phải kể đến những thác nước kỳ vĩ.
Đầu tháng 3, nước Úc chớm vào mùa thu. Lượng người leo núi xuyên rừng, câu cá bơi lội trong rừng quốc gia có giảm đi so với mùa hè nhưng nhờ vậy giá các dịch vụ cũng bớt đắt đỏ. Chi phí một ngày ở khu nghỉ dưỡng Thredbo nằm ngay cửa ngõ của rừng quốc gia Kosciuszko là 50 AUD (đôla Úc) cho người lớn, 28 AUD cho trẻ em, bao gồm cả đi cáp treo, vé vào Leisure Centre, một giờ thuê sân quần vợt và một vòng golf một ngày.
Khu rừng có tuyết rơi mùa hè
Từ Thredbo, du khách có rất nhiều lựa chọn các cung đường để đi bộ, đạp xe hay lái ôtô các cấp độ từ dễ đến khó; chưa kể những dịch vụ thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên. Vì trong nhóm có người già và trẻ em, chúng tôi chỉ chọn những chương trình ít thử thách. Đầu tiên là đi cáp treo dài 6km lên đỉnh Kosciuszko. Từ trên cáp treo nhìn xuống phong cảnh thật nên thơ.
Dọc con đường mòn bằng phẳng khá nhiều du khách trẻ em và cụ già thong thả leo núi. Hóa ra, chinh phục đỉnh Kosciuszko bằng hai chân không khó khăn như cả nhóm hình dung! Đường lên núi chỉ dốc thoai thoải, hai bên hoa dại đủ màu sắc rực rỡ. Bước ra từ cáp treo, chúng tôi đi dọc theo lối đi lót ván thép, cũng là mạng lưới bảo vệ thảm hoa mong manh trên núi cao. Trời nắng nhẹ, gió thổi lồng lộng, ai nấy khoan khoái hít thở không khí trong lành và khám phá các loài hoa lạ xinh đẹp.
Chinh phục đỉnh Kosciuszko bằng hai chân hay bằng cáp treo cũng đều rất thú vị
Rừng quốc gia Kosciuszko có những cung đường phù hợp với trẻ em.
Được đưa vào khai thác du lịch từ những năm 1960, rừng quốc gia Kosciuszko vẫn giữ gần như nguyên vẹn vẻ hoang sơ. Khoảng năm 1950, đề án thủy điện Snowy Mountains (Snowy Mountains là dãy núi tuyết của rừng quốc gia) đã chuyển hướng nước từ sông Snowy chảy về phía đông để canh tác và tạo ra năng lượng điện. Điều này liên quan đến việc xây dựng nhiều hồ nhân tạo và các nhà máy điện trong rừng quốc gia Kosciuszko sau đó.
Cùng lúc, chính phủ Úc cũng xây dựng hệ thống đường giao thông qua vùng núi non chưa được con người tiếp cận trước đây. Hành động này đến nay vẫn được coi là một kỳ tích vì đã mở ra khu vực giải trí và du lịch rộng hơn 6.000km2 (gấp ba lần diện tích TP.HCM).
Thảm thực vật hấp dẫn trong rừng quốc gia.
Kể từ đó, người dân xứ chuột túi không cần sang Âu, Mỹ mà vẫn được tận hưởng thú vui tại các khu nghỉ dưỡng thể thao mùa đông trên dãy Snowy. Điều khác biệt là ở đây, tuyết thường bắt đầu rơi vào đầu tháng 6 và kéo dài cho đến giữa hoặc cuối tháng 10. Nằm gần đỉnh núi Kosciuszko ở độ cao 1.760m, Charlotte Pass là khu nghỉ mát cao nhất ở Úc, được đặt theo tên của người phụ nữ châu Âu đầu tiên leo lên đỉnh Kosciuszko vào năm 1881.
Lối đi bằng thép lưới để bảo vệ tối đa thảm thực vật trên núi.
Charlotte Pass được đầu tư rất quy mô, phục vụ các tour trượt tuyết đến những đỉnh cao nhất trong dãy Snowy và thường là địa điểm tổ chức các cuộc thi trượt tuyết. Vào mùa đông, du khách chỉ có thể đến khu nghỉ mát bằng xe chuyên dụng chạy trên tuyết.
Còn vào mùa hè hoặc đầu thu như lúc này, chúng tôi được ngắm nhiều nhóm khách đi bộ leo núi ăn mặc và trang bị rất phong cách. Đa số đến đây để lên đỉnh Kosciuszko theo cung đường dài 18km được thiết kế băng qua các hồ nước trong vắt như pha lê và những điểm ngắm cảnh ngoạn mục nhất.
Những nẻo đường đa sắc màu
Từ Charlotte Pass, chúng tôi tiếp tục lái xe đến thị trấn nghỉ mát Jindabyne nằm bên bờ hồ Jindabyne trên cung đường đèo dốc dài khoảng 70km với rất nhiều đoạn cua gấp. Du khách được cảnh báo không nên đi buổi tối vì dễ đâm phải kangaroo và hươu nai. Khi đổ đèo, do đường xuống khá khó, gấp khúc liên tục nên tài xế phải hạn chế rà phanh vì sợ nguy cơ cháy phanh.
Cung đường leo núi đẹp như mơ.
Jindabyne được xây dựng chưa lâu và có kiến trúc rất bắt mắt. Địa điểm ban đầu của thị trấn vốn nằm bên bờ sông Snowy, nay đã chìm dưới làn nước sau khi thủy điện Snowy Mountains hoàn thành. Khi mực nước xuống thấp, phần cao nhất còn lại của khu phố cổ đôi khi vẫn còn nhìn thấy được thấp thoáng.
Bên hồ Jindabyne có đài quan sát rất hiện đại, nhờ vậy chúng tôi có thể ở một chỗ mà tầm mắt vẫn thu được toàn cảnh vùng hồ kỳ vĩ. Vào mùa đông, Jindabyne thu hút khách mê trượt tuyết với dịch vụ xe đưa đón đưa đến thung lũng Perisher và hố Smiggin. Vào mùa hè, khách đến đây câu cá hồi, chèo thuyền kayak, đi bè vượt thác, cưỡi ngựa khám phá những góc rừng hoang dã.
Không ít du khách chọn khám phá Kosciuszko bằng cách leo lên lưng ngựa.
Cách hồ Jindabyne không xa có Yarrangobilly, chuỗi năm hang động đá vôi với những khối măng đá, nhũ đá hình thù lạ lùng. Sau khi khám phá hang động, du khách thường bơi lội hoặc ngâm chân trong hồ nước khoáng nóng thiên nhiên ở Yarrangobilly. Mùa hè, các con đường vào vùng núi này đều mở, còn suốt bốn tháng mùa đông một số con đường có thể bị đóng hoàn toàn.
Sông suối trong veo và không khí trong lành, nguyên sơ.
Cầu qua suối nhỏ.
Trên đường về, xe chúng tôi dừng ở ngã ba nơi đường xuyên dãy Snowy gặp cao tốc Monaro. Tại đây có Cooma – thị trấn lớn nhất khu vực và là cửa ngõ dẫn đến vùng hoang dã trên các ngọn núi cao xung quanh. Được thành lập năm 1849, Cooma phát triển nhanh chóng ngay sau đó nhờ có mỏ vàng. Khi thủy điện Snowy Mountains được xây dựng, dân số của thị trấn tăng vọt với dòng người đa sắc tộc.
Dọc đại lộ chính của Cooma luôn có 27 lá cờ bay phấp phới, thể hiện quốc tịch của 27 nhóm công nhân đến đây lập nghiệp từ ngày đầu cho đến năm 1960.
27 lá cờ dọc đại lộ chính của Cooma, chân cột cờ là những bức tranh mô tả thời kỳ đầu xây dựng thị trấn.
Ngày nay, du khách có thể khám phá di sản phong phú của thị trấn dọc theo Lambie Town Walk, con phố tập trung các tòa nhà xây dựng trong thế kỷ 19, như phòng trưng bày Raglan vốn là quán trọ đầu tiên của thị trấn, tòa án, nhà tù cũ, bưu điện nằm cạnh phòng trưng bày nghệ thuật và quán cà phê.
Phía nam Cooma, trên đường cao tốc Monaro có trang trại Bombala là nơi dừng chân hấp dẫn cho những người yêu thích món cá hồi…
Lê Dung
Nguồn: Người Đô Thị Online
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment