Monday, December 7, 2020

LỊCH SỬ CON ĐƯỜNG GIA VỊ - KỲ 2: THỜI BUÔN GIA VỊ NHƯ BÁN VÀNG

Bạn có biết nhục đậu khấu từng có giá trị ngang với vàng? Vào thế kỷ 16, công nhân cảng ở London được trả thưởng bằng đinh hương. Vào năm 410, khi người Visigoths bắt được người La Mã, họ đã yêu cầu tiền chuộc là 3.000 pound (tương đương 1,5 tấn) hạt tiêu.
 
Gia vị bán ở chợ Bến Thành (TP.HCM)

Xưa như... trái đất:

Con đường gia vị là tên của hệ thống chuyên chở đường biển bắt đầu từ bờ biển phía Tây Nhật Bản, qua các đảo của Indonessia, vòng qua Ấn Độ tới các đảo của Trung Đông và từ đó, qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Chặng đường này dài khoảng 15.000km và thậm chí ngày nay, đó cũng không là hành trình đi lại dễ dàng.

Những gia vị như quế, bạch đậu khấu, gừng và nghệ là những mặt hàng quan trọng trong buổi đầu của phát triển thương mại. Quế được đưa tới Trung Đông ít nhất 4.000 năm trước đây. Từ thời xa xưa, miền nam Arabia (tức vùng Arabia Felix thời cổ đại) đã từng là một trung tâm thương mại cho nhũ hương, mộc dược, và các loại nhựa thơm khác.

Từ “spice”- gia vị bắt nguồn từ tiếng Latin “species”- có nghĩa là mặt hàng có giá trị đặc biệt, khác với hàng hóa thông thường khác bởi được vận chuyển ở một khoảng cách rất dài và bởi giá trị tâm linh cùng tác dụng chữa bệnh. Chưa kể, những gia vị này chỉ mọc ở miền nhiệt đới phương Đông, từ phía nam Trung Hoa tới Indonesia cũng như miền nam Ấn Độ và Sri Lanka.

Quần đảo Spice là một chuỗi đảo nằm trải dài ở Thái Bình Dương, giữa Sulawesi (Celebes) và New Guinea. Tại đây, các gia vị như đinh hương và nhục đậu khấu được trồng rộng rãi mà không một nơi nào có được. Để các gia vị này tới được thị trường châu Á và châu Âu, chúng phải được vận chuyển qua hàng ngàn dặm biển.

Quý như vàng:

Từ thời cổ đại, các loại gia vị cũng bị đốt cháy làm nhang trong các nghi lễ tôn giáo, thanh lọc không khí và mang theo lời cầu nguyện của người dân lên trời, tới các vị thần của họ. Gia vị cũng được thêm vào để chữa bệnh hay giải độc.

Chợ gia vị Spcie Bazaar khu chợ gia vị lớn thứ hai tại Istanbul với hàng trăm loại gia vị đầy màu sắc với những mùi hương rất đặc trưng. Khu chợ này ra đời chủ yếu để đáp ứng nhu cầu gia vị nấu nướng cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Để loại bỏ mùi, người ta cũng đốt gia vị hàng ngày trong nhà của họ. Gia vị cũng được sử dụng như nguyên liệu nấu ăn rất sớm - không chỉ để thêm hương vị mà còn làm cho thực phẩm được bảo quản tươi ngon trong thời tiết nóng.

Bạn có biết rằng, nhục đậu khấu từng có giá trị ngang với vàng? Vào thế kỷ 16, công nhân cảng ở London được trả thưởng bằng đinh hương. Vào năm 410 sau Công nguyên, khi người Visigoths bắt được người La Mã, họ đã yêu cầu tiền chuộc là 3.000 pound (tương đương 1,5 tấn) hạt tiêu.

Các nhà buôn Ả rập khéo léo giữ lại nguồn gốc thật sự của các gia vị họ bán. Để thỏa mãn sự tò mò cũng như để bảo vệ thị trường và làm nản chí các đối thủ cạnh tranh, họ thêu dệt nên những câu chuyện hoang đường như quế mọc ở các hồ cạn được bảo vệ bởi các loài động vật có cánh hoặc ở các thung lũng có rất nhiều loài rắn độc. Tác giả người La Mã, Pliny the Elder (năm 23-79 trước Công nguyên) đã cười nhạo những câu chuyện hoang đường này và tuyên bố các câu chuyện được thêu dệt chẳng qua để nhằm nâng cao giá của các mặt hàng gia vị mà thôi!

(Đón xem kỳ cuối: Hành trình đi tìm gia vị bằng đường biển)

Hương Tâm 
(tổng hợp từ Bách khoa thư Britanica, silkroadspices.ca, celtnet.org.uk), NĐTO