Tuesday, December 8, 2020

ÁM ẢNH

Con người, như một quy luật tâm lý, thường hay bị ám ảnh bởi thứ mà họ thiếu hay khao khát mãnh liệt mà không đạt tới.
  • Vì thế, rất đông người Việt bị ám ảnh bởi:
  • Tiền bạc và sự giàu có.
  • Danh tiếng và sự sang trọng.
  • Bằng cấp và trường danh tiếng.
  • Đẳng cấp quốc tế và lời khen của người ngoài.
  • Quan hệ với người có quyền có tiền.
Và nữa, người Việt bị ám ảnh bởi chữ “giỏi”. Sự ám ảnh này có lẽ nảy sinh từ chủ nghĩa bình quân nông nghiệp và chủ nghĩa bình quân nhân tạo sau này.

Cô bé chạm vào then khóa lớp học trong khi chờ cô giáo đến mở, Sapa, tháng 3/2015. (Ảnh: Shutterstock)

Khi một cá nhân nào đó hành xử tệ hại hay vô dụng, người ta thường truy tìm xem anh ta học ở đâu, có giỏi không để giải thích cho kết quả đang chứng kiến. Nếu thấy quá khứ của anh ta học hành tử tế, bằng cấp tốt, trường ngon thì người ta giải thích là đó là do anh ta giả dối, lưu manh nên không làm được gì. Ngược lại nếu thấy bằng cấp không ra gì, trường vớ vẩn thì giải thích là học đểu, học dốt, chỉ có mỗi tấm bằng.

Thực ra không hẳn như vậy. Giỏi chuyên môn hay tri thức thuần túy chỉ có thể phát huy được trong đúng môi trường thuần túy cần chuyên môn. Một ông viết báo có đăng nhiều bài ISI, ngồi ở chỗ nào có điều kiện sản xuất ra bài đó thì được, chứ bứng đi hay chui vào chỗ khác thì như bò vào thành phố ngay. Quan trọng là phải ngồi đúng chỗ, làm đúng việc.

Hơn nữa, không giống như ta nghĩ đơn giản. Trường học và Trường đời rất khác nhau. Giỏi trong trường học cho dù là giỏi thật đi nữa cũng chỉ là “diễn tập” dạng… học trò. Trường đời cần người ta học lại nhiều thứ thậm chí là phải can đảm tẩy não đi những gì đã học trong trường để học lại, học cái mới và nghi ngờ những cái đã học được.

Cuối cùng, giỏi tri thức, chuyên môn là cái cần nhưng chưa đủ. Rất nhiều người học bài bản, bằng cấp ngon, nghiên cứu tốt nhưng không làm được những việc lẽ ra họ có thể làm rất tốt, là vì ở họ không có nhân sinh quan, thế giới quan phù hợp và nhạy cảm để dẫn dắt. Giống như một phản ứng hóa học thiếu chất xúc tác hay áp suất phù hợp.


Đấy là lý do giải thích nhiều người tài năng có nhưng vứt đi, trong khi người khác tài năng kém hơn lại cống hiến và tạo ra thành tựu tốt hơn.

Đơn giản vì đều là con người. Sống trong xã hội con người. Ai thiết tha với đời sống xã hội con người, với các vấn đề của con người thì tài năng sẽ được mài sắc và ngược lại.

Ở Nhật Bản người ta hay ca ngợi và tự hào về Đại học Tokyo. Đỗ vào Đại học Tokyo là niềm kiêu hãnh lớn của học sinh và gia đình. Rất nhiều người nổi tiếng xuất thân từ đại học này. Tuy nhiên, truyền thông miệng và truyền thông đại chúng chỉ theo đuổi hào quang, trên thực tế như nhiều người Nhật chỉ ra, số người thất bại hay vô danh tiểu tốt dù tốt nghiệp từ đây, thậm chí tốt nghiệp xuất sắc, cũng không phải là hiếm.

Nguyễn Quốc Vương

No comments: