Sympathy – cảm thông – là sự đồng cảm, chia sẻ, bảo vệ ai đó khi người ta mắc lỗi hoặc phạm sai lầm (làm ảnh hưởng đến người khác). Empathy – thấu hiểu – là sự đồng cảm, chia sẻ nhưng phân định rạch ròi chuyện phải trái đúng sai, không vì tình cảm cá nhân mà bao che lỗi lầm cho bạn mình. Khi con phạm tội, một người cha “Sympathy” sẽ giúp con bỏ trốn, lẩn tránh pháp luật hòng thoát khỏi sự trừng phạt. Nhưng một người cha “Empathy” sẽ trấn an con mình bằng tình yêu thương và khuyên nhủ con ra đầu thú, chấp nhận trả giá cho hành động của mình rồi bắt đầu lại từ đầu.
Trong cách cư xử hàng ngày, người Việt đã thiếu “sympathy”, lại càng ít người có thể “empathy” với người khác. Vì vậy, người ta luôn dễ dàng phán xét nhau trong mọi chuyện từ gia đình đến công việc. Rồi để “bình thường hóa quan hệ”, người ta thường chọn “sympathy” thay vì chọn “empathy”. Và do đó, các mối quan hệ hầu hết được xây dựng dựa vào cảm xúc chứ không phải bằng lý trí, một người năng lực tốt nhưng “khó ưa” luôn có xu hướng bị chèn ép hơn là một người năng lực tầm thường nhưng “khôn khéo”. Và người ta luôn bảo nhau “cả xã hội nó thế, mình không thế sao được”.
Với một nhóm làm việc chung, điều này còn nguy hiểm hơn, nó làm chia rẽ mối quan hệ giữa những thành viên, gây bất công và khiến tổ chức tan rã hoặc làm việc không hiệu quả. Đây là đặc trưng của môi trường cơ quan nhà nước nhưng cũng không hiếm gặp ở các công ty tư nhân.
Cuộc sống luôn cần có “sympathy”, nhưng “empathy” còn quan trọng hơn. Và muốn luôn luôn “empathy” trong tất cả mọi việc, chẳng có cách nào khác là phải chịu khó học hỏi và luyện tập, tích lũy kiến thức, nâng cao khả năng phân tích cũng như làm chủ cảm xúc.
Nguyễn Thị Bích Ngà