Trong suốt hơn ba thập niên, Vincent Gigante đã giả điên để tránh phải vào tù, lang thang quanh làng Greenwich trong chiếc áo choàng tắm và đi đôi dép lê.
Cháu gái của ông ta, Rita Gigante, sau này nhớ lại: "Ông đột ngột dừng lại và chỉ chỏ, bắt đầu nói lắp bắp. Nếu ông nghĩ rằng chắc chắn mình bị ghi âm hoặc bị quay phim lén, ông sẽ diễn rất cừ."
Thỉnh thoảng, ông ta ngu ngơ hỏi các cột máy bán vé đỗ xe là có muốn đi bộ cùng ông ta không. Các nhân viên FBI từng một lần tới, mang theo trát bắt của toà án, nhưng chỉ thấy cảnh Gigante trần truồng đứng dưới vòi tắm đang mở nước, nắm chặt chiếc ô đã mở.
Nhưng Gigante là giả điên (malingering): một thuật ngữ dùng để mô tả việc cố tình phịa ra những triệu chứng giả, hoặc khai vống lên các triệu chứng có thật, nhằm mục đích hưởng lợi. Những lợi ích đó gồm có việc được hưởng đền bù tài chính, được cấp nhà ở, hoặc thuốc chữa bệnh, hoặc không phải làm việc, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoặc để không bị truy tố hình sự.
Ông trùm của gia đình tội phạm Genovese ở New Yorrk, Vincent Gigante, đã giả điên để tránh phải ngồi tù
Giả điên không phải là chuyện gì mới lạ. Trong Kinh Thánh, David giả điên để tránh cơn giận dữ của Vua Achish: "Cho nên, khi họ xem, chàng giả điên và hành động như kẻ điên trong tay họ, gõ trống nơi cánh cửa cổng và chảy mũi dãi xuống bánh mì của chàng."
Odysseus cũng hành động tương tự để tránh việc bị cuốn vào cuộc chiến, dẫu không thành công: "Khi Odysseus giả nói sảng, Palamedes đã đi theo chàng, và cướp Telemachus ra từ ngực Penelope, rút kiếm ra như thể định giết chết đứa trẻ. Và bởi lo lắng cho đứa nhỏ, Odysseus thú nhận rằng chàng chỉ vờ điên, và chàng tham chiến."
Giả điên là chuyện xảy ra khá phổ biến. Trong một nghiên cứu thực hiện trên 879 người, 17,5% những người tham gia được cho là không thích hợp để hầu toà (và do đó được gửi tới bệnh viện thay vì bị tống vào nhà tù) sau đó được xác định là đã làm giả các triệu chứng bệnh tật của mình.
Trong đời thực, James Lindsay, kẻ bị cáo buộc giết chết Emma Thomson 15 tuổi, nói rằng ông ta bị tâm thần phân liệt kiểu hoang tưởng ảo giác. Ông ta nói với bác sỹ rằng có con quỷ nói với ông ta là phải giết một phụ nữ tóc đỏ. Toà án biết được kế hoạch của ông ta nhờ một lá thư ông ta gửi cho người bạn trong quá trình chờ toà xét xử: "Tôi đang có kế hoạch ranh mãnh để được đưa vào Bệnh viện Carstairs và sẽ được thả ra sau tám năm. Nếu phải vào tù về tội giết người, tôi sẽ bị chung thân." Cuối cùng, ông ta bị kết tội giết người và bị tù chung thân.
Giả điên là chuyện xảy ra khá là phổ biến. Nhưng việc xác định tình trạng giả điên lại vô cùng khó. Các triệu chứng điên loạn thường là những triệu chứng khó đánh giá nhất. Ví dụ như ta không thể làm xét nghiệm máu hay scan não để xác định những chứng ảo giác của bệnh tâm thần phân liệt.
Kenneth Bianchi "Kẻ bóp cổ bên đồi" đã giả vờ là mình bị chứng rối loạn đa nhân cách (nay được gọi là chứng rối loạn phân ly nhân cách - dissociative identity disorder), đổ lỗi cho một 'con người khác' trong mình, "Steve", về tội sát nhân. Ông ta cuối cùng bị phát hiện, nhưng là sau khi "các bác sỹ thần kinh.... đã ngây thơ chấp nhận câu chuyện kể của ông Bianchi, bị mắc câu và bị lừa", thẩm phán xét xử kết luận.
Kẻ giết người hàng loạt Kenneth Bianchi giả mắc chứng rối loạn đa nhân cách, nhưng cuối cùng đã bị kết án tù chung thân
Ví dụ như bạn có thể nghi ngờ tính chân thực trong câu chuyện của ai đó nếu như họ tường trình là có những triệu chứng ảo giác họ nghe thấy trong tai, nhưng họ lại có vẻ như không hề sợ hãi gì về những triệu chứng đó. Hãy cẩn thận với kẻ cướp ngân hàng, kẻ mô tả là đã nhìn thấy "một thứ gì khổng lồ màu đỏ, cao 30 bộ (khoảng 10 mét) húc đổ các bức tường" với thái độ bình tĩnh đến lạ.
Một dấu hiệu đáng báo động khác là khi kẻ giả điên nêu ra các triệu chứng không đâu, chẳng hạn như đồng ý với câu hỏi, "Ông/Bà có bao giờ tin rằng ô tô là thành viên của một tôn giáo có tổ chức không?"
Những kẻ giả điên thường nói là họ mất liên hệ với thực tế. Nhưng các ảo giác của họ có vẻ như quá dễ khiến ta tin là "hợp lý về mặt tâm thần", như trong trường hợp người đàn ông bị cáo buộc tội định hiếp dâm. Kẻ này cho rằng có một tiếng nói thúc giục ông ta hãy "đi tiến hành một tội ác về tình dục". Hoặc một tên trộm nói rằng có một âm thanh bí hiểm gào thét trong đầu ông ta, "hãy đi cướp, hãy đi cướp, hãy đi cướp!"
Có một số khác biệt khác mà các bác sỹ có thể nhìn vào để phát hiện ra những giai đoạn bị bệnh thật sư so với các trường hợp giả điên.
Trong trường hợp điên thật, ảo giác vang trong tai thường xảy ra thất thường, không đều đặn, và bệnh nhân có những lúc chống lại các mệnh lệnh đó nếu như họ không đang trong tình trạng yếu mệt nặng nề.
Ngược lại, những kẻ giả điên thường báo cáo liên tục về tình trạng ảo giác và nói họ buộc phải tuân theo mọi mệnh lệnh đó. Những người thực sự bị ảo giác thì trình bày rằng những giọng nói ra mệnh lệnh đó luôn lặp đi lặp lại, có thể xác định được là cùng một kiểu giọng, kể cả là giọng nam hay giọng nữ (trong ba phần tư các bệnh nhân), nói cùng thứ ngôn ngữ với họ (trong 98% các bệnh nhân), và xuất hiện ở bên trong đầu họ (trong 88% các trường hợp).
Ngược lại, những kẻ giả điên thường kể về giọng nói mà họ nghe thấy như sau: những giọng nói không xác định được, thuộc một giới tính nhất định (hoặc giọng của giới tính này nhưng nói đến giữa câu lại đổi sang giới tính kia), chỉ là giọng trẻ em, hoặc giọng nói nghe như robot hoặc âm thanh động vật. Đó là những dấu hiệu điển hình, gây ra nghi ngờ về khả năng giả điên, tuy nhiên đây chưa phải là cơ sở để đưa ra kết luận.
Các báo cáo về những trường hợp ảo giác về hình ảnh cũng đưa ra những manh mối tương tự. Với tâm thần phân liệt, đó thường là những hình ảnh có màu sắc và có kích cỡ to như thật (các nhân vật tôn giáo, các thành viên gia đình, hay các con vật) nhưng kẻ giả điên thì thường nói về những chi tiết mang tính phóng đại: "Tôi vừa mới nhìn thấy một chim khổng lồ... cao 100 bộ (khoảng hơn 30 mét)!"
Tuy nhiên, có những ngoại lệ.
Các bệnh nhân cai rượu, hoặc bị thoái hoá điểm vàng (tức là nhìn thấy vòng tròn màu đen ngay trong chính mắt mình), hoặc tâm thần phân liệt có thể bị ảo giác nhìn thấy các nhân vật trong thế giới Lilliput (người, động vật bé tí hon).
Đây là lời mô tả chân thực từ một người nghiện rượu 25 tuổi: "Họ cao khoảng 30 cm, ăn mặc màu sắc buồn cười, mặt thì kỳ quái, mắt to, miệng to. Một số trong đó cũng đeo kính."
Cho nên ngay với những nguyên tắc khái quát này thì việc xác định được trạng thái tâm thần thật sự vẫn là một thách thức. Một triệu chứng, hiện tượng đơn lẻ chưa đủ để khẳng định người đó có phải là giả điên hay không; thay vào đó, mỗi triệu chứng, hiện tượng, trong bối cảnh thích hợp, sẽ nêu ra khả năng giúp đi đến kết luận.
Điều quan trọng nữa là không được giả định đó là trường hợp giả điên mà bỏ qua việc xác định xem đó có đúng là trường hợp rối loạn sức khoẻ tâm thần thật sự hay không - chưa kể hai trường hợp này lại có thể cùng tồn tại.
Andrea Yates ảo giác rằng Quỷ Satan bảo bà phải giết chết con mình; bà đã không bị kết tội với lý do bị điên
Để đảm bảo chắc chắn, bước tiếp theo là tiến hành xét nghiệm tâm thần.
Tiền đề căn bản có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên: một số phép thử về trí nhớ và nhận thức rất dễ dàng vượt qua, cho nên nếu như người bị xét nghiệm thực hiện phép thử rất tồi, thì có thể là họ đang cố tình 'thi trượt' bài thử nghiệm này.
Trong hình thức được sử dụng nhiều nhất để xác định triệu chứng tâm thần, người được hỏi sẽ chọn một trong hai phương án trả lời. Việc đạt điểm "tệ hơn cả tỷ lệ ngẫu nhiên đạt cơ hội trả lời đúng" (dưới 50%) cho thấy họ cố tình chọn trả lời sai (hoặc ít nhất cũng là thiếu hợp tác).
Hãy xem xét một phiên bản đơn giản, thử nghiệm có tên gọi "đồng-xu-trong-tay". Phép thử này tính toán, đánh giá các lời khai về chứng quên lãng nghiêm trọng, một nội dung khai báo khá phổ biến - có đến 45% những người phạm tội giết người và khoảng 8% những kẻ phạm các tội bạo lực khác nói rằng họ bị mất trí nhớ.
Trong hầu hết thời gian ra toà, tội phạm chiến tranh Phát xít Đức Rudolf Hess nói rằng ông ta bị mất trí nhớ, nhưng sau lại thừa nhận rằng đó là một mưu mẹo
Nếu tôi là người tiến hành kiểm tra thử và bạn là nghi phạm, thì việc thử được thực hiện như sau: Tôi giữ một đồng xu trong một tay và cả hai lòng bàn tay đều duỗi ra. Bạn mở mắt và có thể thấy rõ đồng xu nằm trong tay nào. Tôi yêu cầu bạn nhắm mắt lại và đếm ngược từ 10. Tiếp đến, bạn mở mắt ra và nói cho tôi biết tay nào cầm đồng xu. Tôi đã nắm bàn tay lại nhưng không hề đổi vị trí của đồng xu; không hề có chiêu trò gì ở đây hết.
Cơ hội để bạn trả lời đúng là rất cao. Thậm chí các bệnh nhân thực sự mất trí nhớ nghiêm trọng do viêm não cũng trả lời với mức độ chính xác rất cao cho câu hỏi này trong nghiên cứu ban đầu - tất cả đều trả lời đúng trong cả 10 lần hỏi. Tuy nhiên, những kẻ giả điên thì đạt mức độ chính xác chỉ khoảng tương đương hoặc kém hơn tỷ lệ ngẫu nhiên đạt trả lời đúng các câu hỏi.
Dẫu vậy, có các dấu hiệu cảnh báo xung quanh các thử nghiệm về giá trị thực của triệu chứng được nêu ra, kể cả các triệu chứng phức tạp. Tuy cho thấy là có sự không đáng tin cậy, nhưng chúng lại không đủ mạnh để chứng minh rằng quả thực là không đáng tin cậy, và chúng cũng không giúp xác định được động cơ gì khiến người bị thử nghiệm phải làm vậy. Với một số dấu hiệu cảnh báo thì sẽ tốt hơn nếu như ta đưa ra kết luận là không có chuyện giả điên thay vì cho là kết luận ngược lại.
Một nghiên cứu được thực hiện trên các vụ tranh tụng liên quan tới tổn thương não tiết lộ rằng 19% các luật sư cho thân chủ biết các thử nghiệm tâm lý được sử dụng ra sao để phát hiện ra việc giả điên.
Những thách thức này đưa tới việc điều tra nhằm phát hiện tình trạng giả điên bằng phương pháp scan não và đo lường hoạt động điện não. Gần đây, các nhà nghiên cứu kiểm tra người giả bị trầm cảm bằng cách phân tích cách mà các bệnh nhân di chuyển con chuột máy tính: "Các cá nhân bị chứng trầm cảm cần nhiều thời gian hơn để thực hiện các tác vụ có sử dụng đến con chuột, so với những người nói thật hoặc nói dối," họ viết, và "các máy phát hiện nói dối xác định được với mức chính xác lên tới 96% trong việc phân loại những người nói dối với các bệnh nhân bị trầm cảm và những người nói thật".
Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng các dữ liệu này không phải là đã có thể coi như kết luận cuối cùng.
Có một cách để phát hiện ra các trường hợp giả điên là sử dụng việc đo lường hoạt động điện não đồ, nhưng các phương pháp này cho kết quả không đáng tin cậy và không được toà án chấp nhận
Các cách tiếp cận đương đại, cho dù là thông qua việc scan não hay phân tích sóng điện não đồ, cho đến nay tỏ ra là cho kết quả không đáng tin cậy, và không được chấp nhận tại toà. Các cách này cũng làm dấy lên nguy cơ vi hiến và vi phạm nhân quyền, bởi việc kiểm tra như vậy sẽ cấu thành việc lục soát bất hợp pháp, hoặc có thể tạo ra quyền về "riêng tư, giữ im lặng, suy nghĩ, và có một phiên toà công bằng".
Những quan ngại đối với khía cạnh đạo đức tác động tới các bác sỹ: liệu họ có thực sự hành động như một người có chuyên môn để phát hiện ra sự dối trá? Các bác sỹ không được đào tạo, cũng không có khả năng để xác định xem có bất kỳ bất điểm bất hợp lý nào hay không trong khả năng nhận biết của một bệnh nhân, cũng như mức độ mà người đó định lừa là ít hay nhiều tới đâu.
Rốt cuộc, toà án phải quyết định dựa trên động cơ và tính khả tín của bị cáo, dẫu cho ý kiến chuyên khoa y tế của các bác sỹ là vô cùng quan trọng trong việc có thông tin để cân nhắc đưa ra quyết định.
Như Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra quyết định về việc toà chấp nhận việc kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối vào năm 1998, thì "tiền đề căn bản của hệ thống xét xử tội phạm của chúng ta, đó là, bồi thẩm đoàn chính là máy phát hiện nói dối".
Hai vị bồi thẩm trong phiên toà xét xử Ruthann Aron hồi 1998 nói chuyện với các phóng viên; trong hệ thống pháp luật Mỹ, việc quyết định về động cơ của bị cáo thuộc về bồi thẩm đoàn
Gigante cuối cùng bị kết án vào năm 1997, với mức 12 năm tù cho tội danh ăn cướp và âm mưu giết người. Vào năm 2003, ông ta thừa nhận là đã giả điên sau khi một số đặc tình giới chức gài vào các tổ chức mafia tội phạm tỏ ra nghi ngờ lời khai của ông ta, và cơ quan công tố lưu bằng chứng là file âm thanh ghi lại những lúc ông ta nói chuyện rất khôn ngoan với các vị khách đến nhà tù thăm nuôi, và từ sau song sắt ông ta chỉ đạo hoạt động của băng đảng mình một cách "chặt chẽ, cẩn thận và khôn khéo".
Những ngày giả điên của Gigante chấm hết. Nhưng ông ta đã lừa được một danh sách dài các bác sỹ, được đưa vào bệnh viện tâm thần 28 lần, và được chẩn đoán là tâm thần phân lập, thậm chí còn bị "chứng mất trí nhớ ăn sâu vào phần não bị hư hại".
Bị kết án tù năm 1997, Gigante cuối cùng thừa nhận sau đó sáu năm rằng ông ta đã giả điên
Vị thẩm phán kết án ông ta kết luận rằng:
"[Gigante] là cái bóng của ông ta trước kia, một người đàn ông lớn tuổi cuối cùng đã bị vạch trần trong những năm suy tàn của cuộc đời, sau hàng thập niên thực hiện những hành vi phạm tội bạo ngược xấu xa."
Gigante chết năm 2005. Ông ta khi đó 77 tuổi. Ông ta khó có thể là tên tội phạm cuối cùng tìm cách giả điên để không bị tống vào tù.
Tuy nhiên, có lẽ có môt số ít người sẽ tìm được cách thoát khỏi công lý trong thời gian dài như "Ông bố Kỳ quặc" đã làm được.
Jules Montague
BBC Future
Link tiếng Anh: