So với mật ong rừng U Minh thì độ nổi tiếng của mắm ong khá lép vế. Ít người biết đến sản phẩm này và thị trường cũng hiếm. Bởi bản chất mắm ong phụ thuộc vào vụ thu hoạch mật, không phải mùa nào cũng có. Ngoài ra, mục đích sử dụng chính của người dân địa phương trước là đáp ứng nhu cầu trong gia đình, sau mới bán. Do đó, nếu có cơ hội gặp và thưởng thức mắm ong thì bạn là người rất may mắn.
Mắm ong rừng U Minh – món ngon hiếm có khó tìm
Thực ra, con ong non lấy được từ rừng U Minh có thể chế biến vô số món ngon – những món ngon hiếm có khó tìm. Nào nấu cháo, nào kho khô, nào xào mỡ, nào làm gỏi, nướng lá mướp; song không thể nào độc, không thể nào hấp dẫn bằng mắm. Thế nên, mỗi lần vào rừng tìm mật người thợ lại chừa một phần tàng ong chứa đầy những con non mũm mĩm về cho người thân làm mắm ăn dần.
Công việc làm mắm được giao cho chị em phụ nữ khéo tay đảm nhận vì yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận. Đầu tiên, người ta rút hết mật trong tổ ong rồi cắt thành từng tảng nhỏ. Đun một nồi nước sôi, thả tàng ong vào. Nguyên liệu chính của mắm ong là những con non và nhộng nên cần dùng một chiếc đũa lớn đảo đều đảo khéo cho ong tách khỏi tổ, chín mà không bị nát. Bước thứ hai, dùng vợt vớt ong khỏi nồi loại bỏ những con bị nát, bị chảy sữa và để thật ráo nước. Tiếp theo chuẩn bị một hũ nhựa lớn, định lượng muối vừa đủ trộn đều với ong rồi cho vào hũ, đem phơi nắng vài hôm.
Nguyên liệu chính của mắm ong là ong non được lấy từ tổ ong sau khi lấy hết mật
Đến khâu quan trọng nhất, người thợ sẽ phải chọn gạo ngon, rang đến khi vàng thơm và cho vào cối giã mịn để tạo thính. Thính mà khét là hỏng cả mẻ mắm. Hũ ong ngấm muối rồi sẽ được đổ ra để trộn đều với thính tạo mùi thơm tạo hương vị. Bỏ lại vào hộp kín và ép chặt nắp bằng nẹp tre mỏng hoặc những cọng dừa tươi chuốt mỏng. Tiếp tục phơi nắng, phơi đến khi ong chuyển sang màu vàng nhạt là có mắm ong thưởng thức.
Sau khi trộn ong non với thín muối, đường để qua đêm thì mắm ong được cho ra hũ và cài chặt cau khô phía trên
Sau khi cho ra hũ cài chặt thì khoảng 3 ngày sau mới ăn được
Cũng là mắm nhưng mắm ong có hạn sử dụng ngắn hơn các loại khác. Trung bình một tuần, còn tối đa là một tháng nếu để trong tủ lạnh. Vì thế, người dân hay tranh thủ đổi bữa bằng nhiều kiểu chế biến. Lần ra thăm người chị ở U Minh, dacsan4u đã được thưởng thức mắm ong đúng chất miệt vườn rất hấp dẫn. Đó là mắm ong kẹp thịt ba chỉ, ăn kèm lá cóc, chuối chát, khóm và một số loại rau nêm khác. Cái vị béo ngậy của ong non kết hợp với mùi thính thơm, vị chua chát từ rau quả khiến cho mắm ong thêm phần quyến rũ. Một món ăn đơn giản nhưng đáp ứng đầy đủ tiêu chí sắc vị, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy kích thích, thấy thèm thuồng. Ngoài ra, các gia đình ở đây cũng hay đổi khẩu vị bằng cách ăn mắm với cơm trắng hoặc gói trong lá mướp, bông súng nướng than hồng. Với cách làm này, người ta sẽ hưởng trọn vị ngọt bùi béo nguyên chất của mắm ong.
Những ngày mưa gió, chợ xa thiếu con cá con tôm hay khách đến chơi nhà người dân U Minh lại lấy mắm ong ra thưởng thức. Vừa tiện dụng, vừa ngon lại thể hiện sự mến khách và không kém phần trang trọng.
Theo: Dacsanmuicamau.com
No comments:
Post a Comment