Nghe trong clip thì đây là một loại cua sông và thịt ngọt và thơm hơn cua biển. Khi thấy hình dáng con cua được vớt lên thì tôi chợt nghĩ ngay đến con cua mà dân Hong Kong mê lắm. Sau khi xem clip xong, tôi lên mạng lục tìm hình dáng và đặc điểm thì cả 2 con cà ra và con cua HK đều là cua nước ngọt, hình dạng gần như giống nhau và cùng có thời gian thu hoạch là mùa Thu. Có thể 2 loại này là cùng một giống cua và không hiểu sau nhiều nhà hàng trong nước lại đi nhập từ Trung Quốc gọi là cua Thượng Hải. Tôi tìm thấy một bài để share và post luôn clip video phía dưới. (LKH)
Độc đáo lẩu cà ra xứ Đông Triều
Là giống phát triển tự nhiên, cà ra có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cà ra rang me, cà ra hấp…, nhưng món ăn độc đáo, lạ nhất có lẽ là lẩu cà ra.
"Cua tháng ba, cà ra tháng tám", không chỉ có ở Ba Chẽ, đến Đông Triều (Quảng Ninh) vào dịp này, du khách có thể được thưởng thức đặc sản hiếm là các món cà ra sông. Đây là giống hoàn toàn tự nhiên, hiện chưa có ai nuôi được.
Cà ra được người dân xã Yên Đức (TX Đông Triều) bắt ở ven sông.
Cà ra là tên gọi của một loài cua có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng kích thước lớn hơn nhiều. Cà ra có người còn gọi là cua lông, chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, trên các con sông, chưa ai nuôi và nhân giống được. Đầu càng cà ra có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Nếu như với các loài ghẹ, cù kì, cua đều có một càng rất to, một nhỏ, thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 cẳng.
"Cua tháng ba, cà ra tháng tám" là câu nói dân gian chỉ thời điểm cà ra chớm mùa. Nhưng cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Đây là thời gian cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Mùa cà ra ở TX Đông Triều bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông và kéo dài đến đầu xuân năm sau. Xã Yên Đức là nơi có nhiều người làm nghề bắt cà ra theo mùa. Cà ra rất kén môi trường sống, nên chúng chỉ chọn những nơi có môi trường sống còn trong sạch, thích hợp.
Món cà ra hấp
Đoạn sông Đá Bạc chảy qua xã Yên Đức là nơi sinh sống lý tưởng của cà ra. Vào mùa cà ra, ở các cửa cống dẫn nước từ sông vào đầm xuất hiện nhiều cà ra nhất. Cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu, ở cửa cống. Loài cà ra có tập tính đi ăn đêm, chúng ăn nhuyễn thể và tôm cá tạp. Do vậy, người dân thả lờ đơm ở ven sông từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc những chiếc lờ đó lên để thu hoạch cà ra hoặc ban đêm soi ở các cửa cống là dùng vợt bắt được chúng.
Là giống phát triển tự nhiên, cà ra có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cà ra rang me, cà ra hấp…, nhưng món ăn độc đáo, lạ nhất có lẽ là lẩu cà ra. Nấu lẩu cà ra cũng thật đơn giản. Nước lẩu thơm ngon, vàng óng có vị chua thanh dịu và vị ngọt của gạch cà ra. Đặc biệt, thực khách sẽ được thưởng thức thịt cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nóng hổi. Cà ra được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống. Do vỏ cà ra mềm nên rất nhanh chín và khi thưởng thức không cần dùng đến kìm kẹp như khi ăn cua, ghẹ, cù kỳ... Ngoài món cà ra rang me hoặc om lá lốt, thì vặt bộ càng và chân cà ra rồi giã nhỏ nấu canh rất ngọt, thơm, béo.
Món lẩu cà ra
Cà ra khi xưa bán rất rẻ, thậm chí người ta còn cho nhau vài cân. Khi cà ra khan hiếm khó đánh bắt, bỗng dưng thành đặc sản. Hiện, giá một cân cà ra sông từ 180.000 - 230.000đồng/kg tùy theo loại cà ra to hay nhỏ. Vì thế, khi ngang qua Đông Triều dịp này, thực khách nên một lần thưởng thức món cà ra sông, một nét rất riêng của hương vị ẩm thực vùng đất này.
Theo Nguyễn Xuân (Quảng Ninh Online)
No comments:
Post a Comment