Monday, March 1, 2021

TỪ BI CÓ UY NGHIÊM, NHẪN NẠI CÓ CHỪNG MỰC

Làm người, lương thiện quá cũng rất dễ bị người khác lợi dụng; nhường nhịn quá cũng sẽ bị người khác bắt nạt. Từ bi hay nhẫn nại cũng đều phải có chừng mực.

Từ bi có uy nghiêm, nhẫn nại có chừng mực (ảnh chụp màn hình Adobe Stock)

Từ bi có uy nghiêm

Trong cuộc sống, ai cũng nên dùng một trái tim nhân hậu để đối đãi với người khác. Tuy nhiên không phải lòng tốt nào cũng sẽ được đền đáp. Trong nhiều trường hợp, làm việc thiện một cách vô nguyên tắc có thể sẽ gây ra thảm họa.

Thiện lương vô hạn độ có thể sẽ khuyến khích lòng tham của người khác. Triết gia Emerson từng nói: “Lòng tốt của bạn phải sắc sảo một chút, nếu không sẽ là con số không”. Một khi lòng tốt mất đi nguyên tắc, nó sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng cho ác tâm.

Lòng tốt của bạn rất đáng quý, vậy nên phải cấp cho những người xứng đáng. Chỉ biết cho đi mà không phân biệt đối tượng, như vậy thì thật là mù quáng.

Không phải ai cũng là người tốt, không phải ai cũng biết ơn. Nếu lòng từ bi của bạn không có chừng mực thì người khác sẽ không còn kiêng nể gì nữa.

Tâm tồn thiện niệm đã là thiên tính của con người, nhưng nếu dùng không đúng lúc thì chưa chắc đã là việc tốt.

Làm việc tốt không phân biệt đôi khi có thể trở thành dung túng cho cái ác (ảnh chụp màn hình Adobe Stock)

“Tấm lòng như Bồ tát, hành sự như sấm sét”


Tăng Quốc Phiên vốn là một văn nhân, từ nhỏ đã học được lòng nhân từ của Nho gia. Không ngờ khi vào chốn quan trường thì lại làm một võ tướng, cả ngày bận việc bày binh đánh giặc. Là một người thiện lương, dù là trên chiến trường vẫn luôn giữ thiện niệm. Nhưng kẻ địch sẽ không vì thế mà nương tay với ông, Tăng Quốc Phiên vì vậy mà cảm thấy rất phiền não.

Người bạn biết được suy nghĩ này của Tăng Quốc Phiên nên tặng ông một câu đối: “Tấm lòng như Bồ tát, hành sự như sấm sét”.

Tăng Quốc Phiên bừng tỉnh đại ngộ, ông lấy câu này làm lời răn cho chính mình. Chỉ những người xứng đáng mới có thể được cứu độ; trừng trị cái ác đề cao cái thiện, khi hành sự không nên lưu tình.

Từ bi phải có uy nghiêm, đừng biến bản thân thành đồng phạm của kẻ ác.

Nhẫn nại có chừng mực

Có một vị pháp sư nói rằng: “Nhẫn nại có thể tiêu trừ vô số tai họa và hối hận”. Người xưa cũng nói: “Cả đời nhường đường cũng không mất mát gì”.

Lùi một bước biển rộng trời trong, đây là phong thái của bậc quân tử mà người xưa rất tôn trọng. Đối với những việc nhỏ không đụng chạm đến nguyên tắc hay điểm tới hạn thì hoàn toàn có thể nhường nhịn.

Tuy nhiên khi đối mặt với những vấn đề liên quan đến nguyên tắc phải trái rõ ràng; ví như hành động tàn bạo thương thiên hại lý, nhường nhịn nó chính là đang phóng túng bản thân; im lặng tức là nuông chiều. Bạn càng nhượng bộ thì họ lại càng được đằng chân lân đằng đầu; mãi cho đến khi người tốt bị bức cho đến đường cùng.

Có người từng hỏi Khổng Tử: “Lấy Đức báo oán có được không?”

Khổng Tử nói: “Thế thì lấy gì mà báo đức? Hãy lấy sự chính trực mà báo oán, và lấy đức mà báo đức”.

Cứ mãi nhường nhịn rồi cũng đến lúc người tốt bị dồn đến đường cùng (ảnh chụp màn hình Adobe Stock)

Dung túng cho người khác không phải là nhẫn nại

Nếu như bị người khác bắt nạt, chúng ta có nên lấy đạo đức để cảm hóa họ không? Đối với vấn đề nan giải này, Khổng Tử đã có cách trả lời rất tài tình.

Người làm tổn thương bạn, bạn lại đi lấy lòng anh ta. Vậy còn những người đối xử tốt với bạn, bạn làm thế nào để báo đáp được cho họ đây? Vì vậy, đối với những người làm tổn thương bạn, bạn đừng chỉ mãi dung túng và nuông chiều.

Nếu cây kim không châm vào người thì vĩnh viễn cũng không biết được là nó đau như thế nào. Chỉ có trả lại nỗi đau cho anh ta thì anh ta mới nhận ra mà sám hối.

Người biết tiến biết lùi, biết co biết duỗi, nhẫn nại phù hợp thì mới có được phúc. Khi không có việc gì thì không chủ động gây chuyện; nhưng khi có chuyện thì cũng không sợ hãi. Cũng không thể cứ mãi lùi bước, lòng bao dung cũng phải có điểm tới hạn.

Lúc nên từ chối thì đừng mềm lòng, lúc nên nhượng bộ thì phải khoan dung.

Theo: Nguyện Ước