Wednesday, March 24, 2021

LÀNG CỔ CHU TRANG

Đã đến bến Thượng Hải để ngắm vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy của thành phố trên biển, nhưng sau chuyến đi, chúng tôi lại lưu luyến nhiều hơn với làng cổ Chu Trang(周庄) cách đó chừng bảy chục cây số.


Có lẽ là do ấn tượng trước cuộc sống êm đềm trong những ngôi nhà cổ, trước cầu đá hình bán nguyệt hay trước con thuyền gỗ nhẹ trôi trên sông rợp bóng liễu…

Món ngon giữa làng cổ

Xe phải đậu cách làng ba trăm mét, sau đó du khách đi bộ qua chiếc cổng khá lớn có kiến trúc kiểu chùa cổ. Dọc hai bên đường vào cổng chính là vô số các cửa hàng bán giò heo hầm thuốc bắc, đặc sản nổi tiếng của làng.

Từng chiếc giò heo còn nguyên xương, nhưng không còn móng, bóng loáng màu đỏ gia vị, béo ngậy, xếp chồng chất trên các khay lớn gợi vị giác của khách phương xa khá là hiệu quả.

Thấy chúng tôi còn ngần ngừ chưa quyết mua vì còn tới 12 giờ nữa mới ra sân bay về Việt Nam, chị chủ hàng động viên: “Yên tâm đi, món giò heo hầm đã được đóng gói hút chân không, đảm bảo cho quý khách xách tay về tận nhà và còn có thời hạn bảo hành… một tháng!”.

Dòng kênh xanh

Nghe nói vậy, chúng tôi cũng tạm yên tâm, nhưng vẫn cẩn thận nếm thử. Miếng giò heo vừa chạm đến đầu lưỡi đã có ngay cảm giác mềm như thịt hộp nhưng vẫn giữ nguyên vị ngọt thơm của thịt tươi pha mùi thuốc bắc.

Đây được coi là bí quyết gia truyền của người dân ở đây và nghe nói món này được xuất đi khắp các vùng miền ở Trung Quốc. Đến nước này thì khó mà lắc đầu không mua!


Tạo ấn tượng đầu tiên bằng ẩm thực, Chu Trang quả là có cách làm du lịch khôn ngoan. Khi vị giác được đánh thức đúng lúc sau hơn hai giờ ngồi xe, ai cũng cảm thấy thêm háo hức khám phá kiến trúc, văn hóa và đời sống làng cổ phía sau “con đường giò heo” độc đáo ấy.

Toàn bộ làng cổ đã được quy hoạch thành điểm đến du lịch một cách bài bản để chiều lòng cả những du khách khó tính nhất.

Qua cổng vào địa phận Chu Trang, chúng tôi có cảm giác vừa ngạc nhiên vừa thích thú như được bước vào một phim trường.

Chiếc cầu đá được làm công phu

Các lối đi bộ được dẫn dắt bởi những viên đá nhỏ cứ thu hẹp dần, có những đoạn nhỏ xíu, đơn giản vì “giao thông” ở đây còn là những dòng sông nhỏ tuyệt đẹp với rất nhiều cây cầu đá vắt ngang diễm lệ.

Bản thân các cây cầu đã có thể kể những câu chuyện riêng lẻ với du khách bởi chúng mang trên mình kiến trúc rất đặc biệt: hình bán nguyệt chạm trổ hoa văn duyên dáng ở thành cầu và được làm mềm bởi những hàng liễu rủ.

Các cây cầu không quá cao, nhưng vị trí giữa cầu cũng đã đủ để ngắm nhìn từng chiếc thuyền gỗ chèo tay chở khách đủng đỉnh lướt qua.

Bức tường đầy dây leo

Những người chèo đò trong trang phục truyền thống áo bông xanh dương có hoa văn cúc trắng, đội nón lá vành rộng ẩn hiện giữa dòng sông đẹp như từng thước phim kiếm hiệp cổ. Cao hứng, họ còn cất tiếng hát ngợi ca vùng quê yêu dấu.

Đó là cách tạo thêm chú ý để hút khách, nhưng kể ra sự ngẫu hứng của người chèo thuyền hằng ngày giữa khung cảnh xinh xắn, thơ mộng và sống động tuyệt vời này quả cũng hợp lý.


Mỗi không gian nhỏ, mỗi ngôi nhà đều như một bảo tàng sống, mọi đồ vật được nâng niu và giữ gìn sạch sẽ đến nỗi dù không hề có tấm biển “Cấm sờ hiện vật”, chúng tôi cũng chẳng dám động chạm vào bất cứ món đồ xinh xắn nào ngay tầm tay.

Anh bạn đi cùng ví von “Chu Trang cứ như anh em song sinh của Venice nhưng lớn lên ở châu Á”. Cũng là phong cảnh làng bên sông, thuyền và bến, nhưng nơi đây còn sở hữu những nét hấp dẫn rất riêng.

Nhà cổ

Thấp thoáng hai bên bờ sông uốn lượn giữa làng là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi bí hiểm với kiến trúc thấp lè tè và nhỏ xíu.

Hầu hết nhà trong làng làm bằng gỗ, lợp mái ngói đen xếp chồng vảy cá, cửa sổ mở tầm nhìn ra sông và có những đoạn gần đến nỗi có cảm tưởng từ nhà bên này có thể với tay được sang nhà bên kia.

Sống dậy ký ức khung cửi, áo bông

Bên trong những căn nhà nhỏ ấy là cả một thế giới thủ công ấn tượng. Đa phần các nghệ nhân chế tác đồ thủ công trong làng đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng đôi bàn tay vẫn còn rất điêu luyện khi biến từng khúc tre thành những chiếc ly có tay cầm rất dễ thương hay tỉ mỉ đan từng đôi giày (kiểu hài), làm vỏ đựng ấm hoặc bình thủy từ cói.



Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh hai ông già còng lưng giữ thẳng cây tre cho một ông khác cưa cây tre dài thành từng khúc, rồi cần mẫn khắc hình lên thân tre, chẻ tre để tạo quai cầm cho từng chiếc cốc. Người ta tin rằng uống nước bằng những ly tre như vậy rất tốt cho sức khỏe.

Ở một góc khác, những nghệ nhân làm bút lông đang miệt mài vẽ hoặc viết chữ thư pháp. Có đủ loại bút lông, từ những nét thanh nhỏ mảnh như sợi chỉ đến nét đậm bằng cổ tay người lớn.

Nghệ nhân cao tuổi

Chu Trang giống như một thế giới đồ lưu niệm thủ công, có đủ món, từ đồ trang sức đến đồ gia dụng và đặc biệt là những tác phẩm tranh thêu tay, tranh vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy, gốm, sứ, thủy tinh, thậm chí trên cả hạt gạo nhỏ xíu.

Thu hút khách nhất có lẽ là nghệ thuật vẽ inside. Người nghệ nhân dùng bút lông nhỏ xíu và cong như lưỡi câu luồn bút vào các khối cầu, ấm nước thổi bằng thủy tinh để vẽ tranh.



Chỉ mất khoảng 15 phút quan sát, du khách sẽ thực sự kinh ngạc khi nhìn thấy một tác phẩm hoàn chỉnh được vẽ từ bên trong khối hình cầu.

Du khách cũng có thể yêu cầu viết tên tiếng Việt của mình lên tranh inside bằng cách viết sẵn ra giấy để các nghệ nhân chép lại theo mẫu chữ Latin.

Dưới rặng liễu

Có một công việc ở đây chỉ dành cho phụ nữ là dệt vải. Khung dệt vải nơi này dường như không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tiến bộ kỹ thuật nào của thế kỷ 21, vẫn là khung se sợi và khung dệt hoàn toàn thô sơ bằng tre và gỗ.

Những người phụ nữ trung niên lúi cúi nối sợi để dệt vải truyền thống có màu xanh dương với bông cúc trắng, sau đó họ tỉ mỉ đo cắt để may những chiếc áo, túi xách, vỏ gối để bán cho du khách.

Những mảnh nhỏ dư thừa không hề được bỏ phí. Lại bàn tay của những người phụ nữ ấy khéo léo khâu thành chăn hoặc lớp lót áo bông.

Cà phê và bữa tiệc đồng quê ở ngã ba sông

Rộn ràng đón khách du lịch là thế nhưng dường như cuộc sống thường nhật của người dân Chu Trang không hề bị đảo lộn.

Không gian du lịch chỉn chu nhưng vẫn ấm áp khói bếp, cơm chiều cùng tiếng nói cười líu lo của con trẻ. Chu Trang còn mê hoặc chúng tôi bởi những góc cà phê lãng mạn.


Chỉ là vài chiếc bàn nhỏ kê ngay sát một ngã ba sông nhưng vị trí cực kỳ đắc địa vì từ đó có thể ngắm mặt trời lặn, in khối hình đỏ ối xuống dòng sông, ngắm những mái nhà cổ lô xô và so le ở hai bên hoặc những con thuyền gỗ chở khách tham quan nhẹ nhàng lướt qua, lại còn được lắng nghe tiếng hát trong vắt của những cô gái chèo đò…



Bữa trưa ở làng cổ Chu Trang cũng quả là lý thú. Có một dãy nhà hàng nho nhỏ, xinh xắn nằm sát bờ sông, mở toang cửa đón gió lồng lộng thổi, đưa hương vị ẩm thực lan tỏa cả một vùng. Du khách được mời xem khu chứa thực phẩm để chọn món.

Ở đó có những con cá sông chỉ nhỏ bằng ngón tay để chiên giòn, có những mớ rau vườn hỗn hợp đủ hình dạng và màu sắc để luộc hay nấu canh với tôm tươi cũng mới được đánh bắt ở sông, rồi mấy trái bầu, mấy quả mướp vườn, thùng giá đậu trắng phau, rổ ốc gạo tươi rói…

Món giò heo Chu Trang trứ danh

Khi đang say sưa ngắm những sản phẩm đồng quê ấy, du khách lại được nhà hàng mời tiếp đặc sản giò heo hầm nguyên chiếc gia truyền, món móng heo giòn sần sật và thêm món cua lông hấp. Cua lông đặc biệt chỉ có ở Chu Trang, thịt cua chắc và ngọt tuyệt…

Lúc ăn cua và ốc ở Chu Trang, tôi lại nhớ lúc ngoạn cảnh trên thuyền đã cúi xuống, nhìn sâu vào lòng sông, thấy rõ sự trong sạch hiếm có của nước sông do người dân biết cẩn thận giữ gìn.

Chị chèo thuyền kể rằng người dân ở đây vẫn có thể mò ốc, đánh cá từ dòng sông này để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày. Sự bồi đắp cho nhau giữa con người và thiên nhiên ở Chu Trang khiến những du khách phương xa phải suy ngẫm khi rời nơi đây.

Đoàn Thanh Trà


No comments: