Căn phòng hổ phách (Amber Room) được kiến trúc sư và nhà điêu khắc bậc thầy người Đức, Andreas Schlüter phác thảo và xây dựng vào năm 1701.
Căn phòng hổ phách bản gốc. Ảnh: Alamy
Thời bấy giờ, hổ phách là thứ vật liệu vô cùng quý giá, chúng đắt hơn vàng gấp 12 lần. Ban đầu, vua nước Phổ (Đức) là Friedrich, ra lệnh xây dựng căn phòng như lời tỏ tình của ông dành cho người vợ yêu. Chính vì sự đắt giá cũng như lung linh huyền diệu, căn phòng hổ phách được coi như “kỳ quan thứ 8” của nhân loại.
Tuy vậy, năm 1716, để thể hiện tình hữu nghị giữa Nga - Phổ, vua Friedrich đã đồng ý tặng sa hoàng Nga món quà giá trị này.
Sự biến mất bí ẩn
Căn phòng sau đó được tháo dỡ và đóng gói cẩn thận trong 18 chiếc hộp lớn, di chuyển về Dinh thự Mùa Đông tại St. Petersburg, Nga. Tới thế kỷ 18, căn phòng được tu sửa. Khi hoàn thành, nó diện tích khoảng 55 m2 và được trang trí bởi 6 tấn hổ phách.
Tuy vậy, đến năm 1941, trong thời kỳ Thế chiến 2 diễn ra, Đức Quốc xã tấn công Liên Xô và cướp đi hàng loạt các kho báu nghệ thuật ở Leningrad, trong đó có cả việc tháo rời và di chuyển cả căn phòng hổ phách.
Căn phòng sau khi bị Đức Quốc xã tháo dỡ. Ảnh: REX
Lời nguyền “hổ phách”
Từ khi căn phòng biến mất, những người từng liên quan đến nó đều bị “nguyền rủa”. Có thể kể đến như giám đốc bảo tàng lâu đài Königsberg cùng vợ qua đời một cách bí ẩn khi Ủy ban An ninh Quốc gia Nga tiến hành điều tra tung tích căn phòng. Đáng sợ hơn, thi thể của họ sau đó cũng “không cánh mà bay”.
Một người khác cũng bị “ám” đó là Tướng Gusev. Ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi sau khi có cuộc trò chuyện với phóng viên về căn phòng hổ phách.
Đáng sợ nhất là trường hợp của George Stein, người luôn muốn tìm kiếm ra vết tích căn phòng bị tìm thấy chết lõa thể tại một khu rừng vào năm 1987, với nhiều vết đâm chém ở bụng.
Giả thuyết về sự biến mất
Không một ai có thể tin được căn phòng hổ phách quý giá lại biến mất như chưa từng xuất hiện. Đến nay, có hàng trăm giả thuyết đặt ra xoay quanh vấn đề trên.
Một trong số đó là nhận định căn phòng hổ phách được Erich Koch - lãnh đạo đảng bộ đảng Đức quốc xã tại tỉnh Königsberg - đem ra ngoài thành phố cùng nhiều báu vật khác. Giả thuyết này càng trở nên đáng tin hơn khi Erich Koch dù bị tuyên án tử hình, nhưng lại không bị hành thích. Nhiều người cho rằng, do ông nắm giữ những bí mật của căn phòng, nên mới may mắn thoát án.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, căn phòng thực sự bị phá hủy bởi chiến tranh, hay đang nằm đâu đó dưới đáy biển Baltic, do bị thất lạc trong quá trình vận chuyển.
Phục dựng
Năm 1977, tại Đức, người ta tìm thấy một tấm khảm trang trí trong phòng hổ phách. Tuy nhiên, do chủ nhân của nó đã qua đời, nên cũng không ai biết nguồn gốc thực sự của nó.
Phiên bản phục dựng của căn phòng hổ phách nổi tiếng. Ảnh: Times
Tới năm 1979, căn phòng hổ phách chính thức được phục dựng tại Tsarskoye Selo, St. Petersburg, Nga. Nhóm nghệ sĩ đã phải mất tới 25 năm, tiêu tốn 11 triệu USD mới có thể hoàn thành. Năm 2003, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, căn phòng chính thức được khánh thành, đúng dịp kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố St. Petersburg.
Hiện tại, căn phòng vẫn mở cửa đều đặn đón tiếp du khách tham quan.
Ngọc Bích / Theo: SaoStar
No comments:
Post a Comment